Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đỗ Tư Nghĩa, người viết triết thuyết bằng cuộc đời mình

Có những vùng đất mà khi nhớ đến nó, ta chỉ cần nghĩ đến vài người là đủ để hình dung, dù xứ sở đó có cả chục triệu người đi nữa.

Đà Lạt bây giờ có hai mươi lăm vạn người theo điều tra dân số mới nhất vào năm trước, nhưng khi nghĩ về Đà Lạt tôi hay nhớ về một vài người ở đấy, những con người của mù sương lãng đãng, của mây trời xanh trên ngàn thông, của hoa cỏ trên dốc đồi…

Bởi thế, khi nhận tin anh Đỗ Tư Nghĩa rời cõi tạm, bỗng nhiên tôi lại nghĩ về sự ra đi của những con người rất lặng im nhưng vắng họ, thành phố lại rỗng ra những khoảng trống khó bù đắp.

Một số tác phẩm dịch thuật của Đỗ Tư Nghĩa

Một số tác phẩm dịch thuật của Đỗ Tư Nghĩa

Nhớ năm 1988, khi danh họa Bùi Xuân Phái ra đi, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân có viết rằng: “Nói theo nghĩa nào đó, thì Hà Nội bây giờ đã lên đến 2 triệu người. Mà nói theo nghĩa nào đó thì Hà Nội bao giờ cũng chỉ có dăm ba người, chia nhau trong từng tình yêu và thế kỷ”. Anh Nghĩa không nổi tiếng như danh họa Bùi Xuân Phái. Đà Lạt cũng không rộng lớn mênh mông như Hà Nội, nhưng tôi nghĩ Đà Lạt cũng thế, Đà Lạt với hai mươi lăm vạn dân nhưng Đà Lạt cũng không nhiều lắm những con người “chia nhau trong từng tình yêu và thế kỷ”. Và anh Đỗ Tư Nghĩa là một người Đà Lạt như thế, cho dù nguyên quán của anh là Quảng Trị. Rồi trên hành trình thiên di của mình, anh đã ghé lại, dừng chân ở Đà Lạt để xứ sở này trở thành mảnh đất định phận đời người, cô độc và kiêu hãnh.

Cơ duyên gặp anh Đỗ Tư Nghĩa với tôi cũng thật tình cờ. Tháng 10 năm 1993, nhà báo Minh Tự khi đó là phóng viên báo Lâm Đồng gửi về Quảng Trị cho tôi mấy dòng thư viết bằng bút chì nguệch ngoạc: “Đà Lạt chuẩn bị kỷ niệm 100 năm, lên chơi đi, chứ bọn chúng ta không thể lên chơi khi Đà Lạt 200 năm được mô”. Thời đó tôi đang là phóng viên Báo Quảng Trị nhưng rất khó cưỡng lại những lời rủ rê như thế. Tôi leo lên chiếc xe khách chạy tuyến Huế - Đà Lạt ở bến xe An Cựu vào một ngày tháng Mười Một lạnh giá của gần 30 năm trước và biết rằng bạn bè ở thành phố ngàn thông đang chờ đợi.

Rồi thì Đà Lạt mù sương và hoa quỳ mùa đông năm ấy đã dẫn dụ tôi vào những ngày lang thang cùng trăm năm Đà Lạt. Những ngày thương mến đó, tôi được gặp một Đà Lạt khác, trong thân xác và trí tuệ của một lưu dân Quảng Trị, đấy là thi sĩ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa. Một chiều, Minh Tự nói ở Đà Lạt có một người đồng hương của Dục hay lắm, là anh Đỗ Tư Nghĩa. Tôi chưa gặp nhưng nghe tên vì anh ruột của anh, thầy giáo Đỗ Tư Nhơn khá nổi tiếng với nhiều thế hệ học trò Quảng Trị vắt qua hai chế độ: Những học sinh Nguyễn Hoàng trước 1975 và những học sinh cấp 3 Triệu Hải rồi THPT thị xã Quảng Trị sau này.

Tôi đã gặp anh Nghĩa trong căn nhà gỗ bé nhỏ của anh hôm đó. Những năm ấy, tôi cũng bắt đầu có chút tên be bé trên những bài in của một tờ bán nguyệt san có rất đông bạn đọc là tạp chí Kiến thức ngày nay. Anh Nghĩa bảo có đọc những bài tôi viết về quê nhà Quảng Trị nên nhớ tên. Rồi anh nhắc gia đình thầy Nhơn, nhắc những anh em ở thành cổ Quảng Trị… Câu chuyện trôi đi trong một ngày Đà Lạt se lạnh và mấy chén rượu gạo ấm sực trong căn phòng nhỏ. Trước khi chia tay, anh Nghĩa gửi tôi tập sách trinh thám Sherlock Holmes của Conan Doyle do anh dịch vừa được tái bản. Anh bảo cầm về Quảng Trị cho các cháu anh, con của thầy Nhơn cô Tú.

Mãi khi anh Đỗ Tư Nghĩa mất, tôi mới biết rằng tác phẩm truyện trinh thám nổi tiếng nhất mọi thời đại ấy đã được anh dịch ra trong một hoàn cảnh vô cùng long đong lận đận. Một người cháu của anh Nghĩa, trong một bài tưởng nhớ về anh hôm anh mất có kể lại rất chi tiết câu chuyện. Rằng anh Đỗ Tư Nghĩa chính là dịch giả đầu tiên của tác phẩm rất nổi tiếng này. Thập niên 80 của thế kỷ trước, sách vở của những nước tư bản không dễ để được xuất bản ở nước ta bởi tinh thần cảnh giác có tên là ý thức hệ! Thế rồi tầm năm 1984, khi lang thang trên phố chợ Đà Lạt anh Nghĩa nhìn thấy một cuốn sách dùng để… gói xôi. Hóa ra đó là bản tiếng Anh tác phẩm trứ danh Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes.

Chỉ lướt qua vài dòng trong cuốn sách dùng để “gói xôi” ấy, anh đã nhận ra đây là một tác phẩm lớn. Những trang sách thay vì dùng gói xôi đã được anh nâng niu mang về, càng đọc anh càng nhận ra sức lôi cuốn kỳ diệu của tác phẩm. Cũng phải thôi, bởi thời điểm ấy - giữa thập niên 80, chúng ta chưa biết nhiều về cuốn sách nổi tiếng này nhưng trên thế giới đã có hơn 25.000 tác phẩm chuyển thể sân khấu, phim, chương trình truyền hình và ấn phẩm có tên vị thám tử. Sách kỷ lục Guinness liệt kê Sherlock Holmes là nhân vật văn học được khắc họa nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh và truyền hình. Sự phổ biến và danh tiếng của Holmes khiến nhiều người tưởng rằng anh là một nhân vật có thật chứ không phải hư cấu.

Trở lại với bản sách “đồng nát” mà anh Nghĩa đã mua. Nó hấp dẫn đến mức chỉ một thời gian ngắn, anh Nghĩa  đã dịch xong. Nhưng làm sao phổ biến được tác phẩm này đến tay bạn đọc? Những năm đó các tác phẩm mang hơi hướng tư bản thì việc xuất bản gần như bằng không. Cũng theo lời kể của người cháu của anh Nghĩa cho biết: “Hiếm hoi lắm cho đến những năm 1983, cuốn sách Đồng đô la bất hạnh (Nhà xuất bản Lao động – Vương Trí Nhàn dịch) mới được xuất bản gắn với mác "tập truyện ngắn của các nước tư bản chủ nghĩa". Thế mà tác phẩm nổi tiếng của ngài Conan Doyle, xứ Scotland, Vương quốc Anh lại ra đời từ xứ sở tư bản nhà nòi. Gần như không thể có cơ may nào để xuất bản sách…”.

Nhưng cũng thật may mắn cho bạn đọc, khi anh Nghĩa trao đổi với một lãnh đạo trường Đại học Đà Lạt, người này cho biết trong thư viện nhà trường có bản dịch tiếng Nga của cuốn Sherlock Holmes này. Mừng. Sung sướng. Nước Nga xã hội chủ nghĩa anh em dịch được thì ta cũng được phép dịch. Thế rồi bản dịch đầu tiên được xuất bản vào năm 1987 bởi nhà xuất bản Lâm Đồng. Cuốn sách đã thành công quá sức tưởng tượng và là “một quả bom xuất bản” của giai đoạn đó. Hàng chục vạn bản in Sherlock Holmes đã ra đời và được độc giả đón nhận cuồng nhiệt.

Nhưng Sherlock Holmes là cuốn sách dịch của anh gắn với sức lan tỏa ban đầu, ở một giai đoạn lịch sử đáng nhớ. Còn những cuốn sách dịch sau này của anh mới thực sự là những đóng góp lớn lao trong việc nuôi dưỡng trí tuệ, hình thành nhân cách cho những độc giả trên hành trình hướng đến những cao vọng trí tuệ và thanh khiết.

Có thể kể tên những dịch phẩm đã xuất bản của anh như: Con đường tuổi trẻ (Daisaku Ikeda, 2005); Cuộc đời của luận sư Rajneesh Chandra (2007); Tự thú  (Lev Tolstoy, NXB Văn Hóa Sài Gòn); Tìm lại nụ cười (Philip Martin, 2009); Kahlil Gibran ngọn lửa vĩnh cửu (Barbara Young, 2009); Suy niệm mỗi ngày (Lev Tolstoy, 2016); Khi bố còn thơ (Alexander Raskin, 2020)... Năm 1999 anh Đỗ Tư Nghĩa cũng từng tự công bố tập thơ Gởi tình yêu - Gởi cuộc đời. Tuy nhiên, vì không chính thức nên tập thơ này hiện được xem như bản thảo chưa in, cùng với các tác phẩm chưa in khác của anh như: Phúc trình dâng Greco (Nikos Kazantzakis, dịch); Các nhà thơ nữ Anh Mỹ (dịch và giới thiệu); Abelard và Heloise: Tình cổ lụy (dịch); Zen và thần bí Kytô giáo (dịch); Pháp thoại của ni sư Charlotte Joko Beck (dịch); Ngụ ngôn Kahlil Gibran (dịch).

Sau đận gặp đó hai anh em vẫn liên lạc. Có một dạo anh photocopy tập thơ nho nhỏ Gởi tình yêu - Gởi cuộc đời của mình gửi về tặng cho tôi, tôi cũng cảm tác mấy câu gửi anh, vậy mà anh trân trọng lắm, đánh máy ra rồi in vào thành tập Tiếng vọng tri âm.

Nhìn vóc dáng “mình hạc xương mai”, chiếc kính cận và ống pipe lãng đãng khói thuốc, không ai ngờ trong hình hài ấy anh sừng sững một tượng đài cô độc và trí tuệ. Khi nghe tin anh Nghĩa từ bỏ cuộc chơi, tôi bỗng xốn xang bần thần cho dù biết giai đoạn sau này anh đã hai lần bị tai biến bệnh tật. Đà Lạt là xứ sở của hàng vạn người, đã đến, đã  đi, đã  sống... Nhưng dường như với anh Đỗ Tư Nghĩa tôi cứ nghĩ Đà Lạt là cái tổ kén mà Thượng đế sinh ra để dành riêng cho anh, chỗ trọ duy nhất cho anh trên trần thế chứ không thể là nơi nào khác, cho anh ẩn nấp trong đó, cô độc và trầm tư, đau đớn và minh triết, yêu thương và muộn phiền…

Có những con người chỉ nhìn gương mặt một lần mà nghe cả giông bão trầm luân nhân thế. Có những người rất ít ỏi những lần gặp gỡ nhưng ta vẫn cảm nhận trọn vẹn sự lẫm liệt của họ trên đường trần chông gai. Những con người như thế, chỉ có thể là những triết gia viết những triết thuyết bằng chính cuộc đời mình, hơi thở mình, sự im lặng thinh không của mình!

Với tôi, anh Đỗ Tư Nghĩa là một người như thế !

L.Đ.D

LÊ ĐỨC DỤC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 326

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

7 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

8 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground