LTS. Đầu xuân năm 1997, Tạp chí Cửa Việt tổ chức Hội thảo”Tạp chí Cửa Việt với bản sắc văn hoá một vùng đất”. BBT trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số tham luận.
Tạp chí Cửa Việt trong nhiều năm qua đã chủ động đề xuất những vịêc làm bổ ích: Liên tiếp mở những trại viết cho các văn nghệ sĩ Quảng Trị, cho các em học sinh phổ thông tại Cửa Tùng. Những cuộc thi thơ, thi truyện ngắn và bút ký liên tục phát động, những chuyên mục mới được thêm trang … điều đó tự chúng nói lên tính năng động trong sự định hướng tích cực của một Tạp chí văn nghệ, góp phần làm nổi rõ bản sắc của một vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá. Tạp chí đã từng bước khẳng định những mục tiêu cơ bản của mình với tư cách là một hoạt động công cụ, hoạt động giao tiếp và hoạt động nhận thức, được đông đảo bạn đọc yêu quý.
Nhân Tạp chí mở cuộc trao đổi, đánh giá hoạt động trong những năm qua với chuyên đề “Tạp chí Cửa Việt với bản sắc văn hoá một vùng đất” tôi xin được suy nghĩ tản mạn 3 vấn đề sau:
1. Về khái niệm Văn hoá
Văn hoá là khái niệm có nội hàm rất rộng. Bàn về nó phải tốn nhiều thời gian và có tri thức thâm viễn. Có thể mượn quan niệm của ông Federica Mayor, Tổng thư ký tổ chức quốc tế UNESCO khi nói về khái niệm này như sau: “Văn hoá là tổng thể sống động trong các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và cộng đồng) trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ hoạt động sáng tạo đó đã hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu những yếu tố xác định đặc tính riêng của những dân tộc”.
Như vậy, văn hoá được xem là một khái niệm tích hợp, bao quát toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của từng cộng đồng người trong xã hội và ít nhất phải hội đủ ba yếu tố: Giá trị, hệ thống và ứng xử. Các nhà văn hoá học đã khẳng định rằng hạt nhân trung tâm của văn hoá là “hoạt động sáng tạo, hoạt động định hướng, khẳng định nhân tính của con người với tư cách là chủ thể có ý thức, có trí tuệ trong cả ba mối quan hệ tương tác cơ bản: “Văn hoá và tự nhiên; Văn hoá và xã hội; Văn hoá và con người. (Nguyễn Kim Đính – Văn hoá và phát triển, tài liệu chưa in). Văn hoá, vì thế không phải “nhất thành bất biến” mà bản chất của nó là sáng tạo và được phát huy ở những khía cạnh mới trong suốt tiến trình lịch sử - xã hội để khẳng định hệ thống giá trị. Những sản phẩm vật chất và tinh thần bao giờ cũng gắn với một không gian, thời gian xã hội-văn hoá cụ thể nên nó càng có ý nghĩa rộng lớn. Vì gắn với sáng tạo nên người ta thường nghĩ đến văn hoá là nghĩ đến chất lượng, sự hoàn thiện và đặc biệt là nghĩ đến sự phát triển với những hướng tiếp cận mới đầy chất nhân văn vì hạnh phúc con người, coi trọng con người – chủ thể ý thức sáng tạo ra những giá trị văn hoá mới; đồng thời là đối tượng ứng xử, thanh lọc để văn hoá hướng tới, định hướng.
Những giá trị văn hoá mới không phải ngẫu nhiên mà có. Nó phải qua quá trình tác động vào tự nhiên, xã hội và con người mà hình thành, trong đó có sự tác động tích cực của “vốn ký ức văn hoá”của các thời kỳ trước nhằm tạo nên sự tích hợp, tính bền vững và tính liện tục phát triển để tự làm giàu chính mình. Trên đây là mấy nét chính có tính lý luận chung về văn hoá. Dĩ nhiên trong thời đại ngày nay, khi nói đến văn hoá, chúng ta không bó hẹp trong một phạm vi cố định nào mà nhất thiết phải nghĩ đến mối quan hệ tương tác giữa yếu tố nội sinh của văn hoá từng dân tộc với yếu tố ngoại sinh của nhiều nền văn hoá của các dân tộc khác nhau trong quá trình giao lưu và hội nhập. Đây là quá tình không giản đơn nhưng không được phép bỏ qua. Trên hệ quy chiếu đó, ta xét bản sắc văn hoá của một vùng đất.
2. Tạp chí Cửa Việt với bản sắc văn hoá một vùng đất.
Nêu những nét chung về văn hoá như trên để thấy rằng Cửa Việt đã ý thức rất rõ về vai trò đặc biệt của mình với tư cách là lĩnh vực: “sản xuất tinh thần”. So với lĩnh vực “Sản xuất vật chất thì văn hoá nghệ thuật cũng như giáo dục đào tạo là thuộc lớp “hiển minh nhất” (chữ dùng của giáo sư Nguyễn Kim Đính), giúp con người nhìn thấy rõ nhất trong hệ thống văn hoá.
Là người đọc và là người cộng tác thường xuyên, tôi không thể không vui mừng bày tỏ cảm nghĩ của mình với tạp chí. Tôi xin trích lại những điều tâm đắc mà Cửa Việt số đầu tiên đã mong mỏi và tâm niệm: “Lịch sử không thuộc về dĩ vãng, lịch sử vẫn tồn tại với sức năng động của nó trong mỗi khoảnh khắc của hiện tại và tương lai với bất cứ ai còn giữ lòng biết ơn Nhân dân. Cửa Việt ra đời, trước hết mong được làm chứng ngôn về lòng biết ơn của con người trước lịch sử mà nếu quên đi, chúng ta không còn sức mạnh để đi tới đích phía trước”. Với các vùng đất khác, lời tâm niệm thấm đẫm chất văn hoá ấy ít làm xúc động chúng ta hơn. Nhưng đây lại là Quảng Trị - vùng đất dày bao chứng tích, vùng đất hiến dâng, vùng đất cắt chia và khát vọng, một thời tràn ngập cỏ lau, chi chít hố bom, một thời sự sống đi vào lòng đất như huyền thoại để ngày nay xanh tươi hy vọng trong xây dựng hoà bình thì lời tâm niệm ấy là mệnh lệnh của trái tim mỗi một người dân Quảng Trị. Một vùng đất như thế không thể không mang khát vọng hoá thân thành những giá trị văn hoá của con người hôm nay, trước hết của nhân dân Quảng Trị. Cửa Việt mang tên một cửa biển quê hương, vì vậy nó lụôn: “Nhìn ra đường chân trời” với trọng trách đạo đức, trọng trách xã hội cao cả. Bằng văn học, nghệ thuật làm được điều đó đâu phải dễ. Và nếu làm được chiếc cầu nào đó – dù nhỏ cũng đáng tự hào với quê hương. Thực tế, Cửa Việt đã làm được nhiều điều hơn ta tưởng.
Trước hết, tôi muốn nói đến giá trị thông báo:
Một Tạp chí muốn tồn tại và làm tròn mục đích của mình phải có nhân lực (ta thường gọi là yếu tố con người) tại chỗ. Cửa Việt đã thực sự kích thích hình thành một lực lượng cầm bút đông đảo chưa từng có trước đấy. Thành tựu này tôi đã tìm hiểu tương đối đầy đủ trong bài viết “Sức vẫy gọi của một vùng văn học” đăng trên Cửa Việt số 28.1997 xin được khỏi nhắc lại. Hiện nay Hội viên Hội văn nghệ tỉnh lên đến trên dưới 150 người, đấy là con số có giá trị thông báo. Họ tạo thành thế hệ cầm bút đồng hành và chạy đua tiếp sức đầy ngoạn mục mà ít địa phương nào có được. Những giá trị văn hoá quá khứ và hiện tại lần lượt sống lại và thiết lập qua những trang viết chân thành.
Có được đội ngũ như vậy, chứng tỏ Quảng Trị là vùng đất giàu tiềm năng, giàu sắc thái văn hoá, giàu nét riêng điển hình đang và sẽ được đánh thức. Điều này nói lên nguyên tắc sống còn của văn học nghệ thuật là mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và hiện thực cuộc sống luôn tác động hỗ tương. Quảng Trị còn vẫy gọi và luôn thừa đất thừa trời để văn học bay cao, bay xa. Tác phẩm của những người cầm bút Quảng Trị ngày càng mở rộng diện phản ánh theo nhiều hướng, nhiều chiều với một hiện thực và ký ức bề bộn giàu tính hình tượng, giàu tính chất và giá trị văn hoá đã được xác lập qua thời gian. Nét riêng của vùng đất sẽ tạo nên nét riêng của một vùng văn hoá, trong đó có văn học. Vinh quang ấy thuộc về các văn nghệ sĩ Quảng Trị.
Từ lực lượng sáng tác vừa nêu, tôi muốn nói đến bản sắc và nét riêng của văn học Quảng Trị. Đó là sự điều tiết một cách có kết quả trong thực tế sáng tạo, làm sống dậy bản sắc văn hoá riêng qua việc tiếp thu hội nhập vốn văn hoá chung cả nước và đến lượt mình, nó cũng toả phát, làm giàu thêm vốn văn hoá chung. Biên độ tự điều chỉnh, tự lựa chọn những định hướng giá trị văn hoá trong tình hình mới luôn hiện diện trong tạp chí trên cơ sở dựa vào nội lực của mảnh đất mình đang sống, làm cho cái riêng càng phong phú, giàu có. Tầm quan trọng của Cửa Việt trước hết là góp phần cùng các lĩnh vực khác xây dựng bằng được đời sống văn hoá, tái hiện chân thành hiện thực hào hùng như huyền thoại nhưng không kém phần bi thương, nhân bản của mảnh đất tuyến đầu ác liệt. Từ đấy làm bật lên khát vọng sống và hiến dâng với lòng biết ơn sâu nặng quá khứ của những người đang sống. “Bản di chúc cỏ lau” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Mưa ngâu”, “Một mình” của Lê Thị mây, “Người không mang họ” của Xuân Đức, “Khởi thuỷ”, “Nấm mồ cất dấu” của Nguyễn trung Hữu, “Kỷ niệm một thời”, “Đêm trăng bên sông Hiếu” của Trần Đình Phùng, “Làng hầm”, “Đi tìm đồng đội” và “Vĩnh Linh trong tôi” của Trần Biên, “Nơi đây một thuở đôi miền” của Lê Nguyên Hồng, “Ký ức màu trắng thời gian”, “Thượng Lập hè 1967” của Hải Hiền … Vẫn còn đây trong tâm thức người Việt những nỗi đau quặn thắt mà Quảng Trị là mảnh đất gánh chịu, sẻ chia: Hiền Lương, Bến Hải mang nỗi buồn li cách; Dốc Miếu, Cồn Tiên, Cồn Cỏ từng chịu bao đau thương để hái mặt trời hồng; còn đây Vĩnh Linh huyền thoại với địa đạo, làng hầm, không phải ngẫu nhiên mà Quảng Trị lại là nơi các anh hùng, liệt sĩ về đây yên nghỉ trong quần thể chung có cái tên tự hào là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn – biểu tượng cao cả của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Lại nữa biết bao danh lam, phong vị , tâp quán, danh nhân, anh hùng liệt sĩ lần lượt đi vào đời sống tinh thần của người dân thông qua Cửa Việt. Đó là nét riêng của Quảng Trị, làm thành những giá trị văn hoá bền vững được bình giá với lòng biết ơn sâu nặng qua từng trang viết của Hải Hiền, Văn Tuyên, Ngô Nguyên Phước, Cao Hạnh, Nguyễn Hoàn, Đinh Như Hoan, Minh Tứ, Hoàng Đức, Lâm Chí Công, Y Thi, Lê Đức Dục, Trần Thanh Hà, Đào Tâm Thanh, Lê Xuân Lãm, Nguyễn Tiến Đạt, Hàn Vũ Hùng, Phạm Giáp Phê…
Thơ Quảng Trị cũng đã và đang làm sống động vốn ký ức quê hương và niềm vui hiện tại thông qua những điển hình cảm xúc, tâm trạng khởi từ con người và cảnh vật quê hương. Trong số này có Lê Bá Tạo, Nguyễn Văn Dùng, Hoài Nhạn, Lê Văn Trâm, Nguyễn Hữu Quý, Võ Văn Luyến, Phan Văn Quang, Hồng Thám, Hàn Nguyệt, Hà Bắc… Tất cả đang nhìn về phía trước với sứ mệnh vinh quang mà nặng nề trong việc củng cố đời sống tinh thần, phát hiện thêm vấn đề ở bề sâu, bề xa, bề suy tư triết luận, có tầm văn hoá trong nhận thức nhân dân.
Những thành tựu trên thể hiện qua từng thể loại: Ngoài thơ, nhạc, văn xuôi, tạp chí tăng cường các chuyên mục: Hồi ức tư liệu kháng chiến, Những trang sử bằng ảnh, Người và đất quê hương, Tác phẩm và nghệ sĩ, Văn hoá thời đại, Trang viết đầu tay, Góc biển chân trời … Qua các chuyên mục, những giá trị còn tiềm ẩn lần lượt được đánh thức, bàn luận sâu hơn; những bí mật được khi minh một cách nhân bản. Đó là yêu cầu cấp bách của việc tái hiện những giá trị văn hoá để nâng cấp văn hoá, nâng cấp nhận thức, để lưu giữ bảo tồn và phát triển trên hành trình nhận thức không mệt mỏi của con người, trong đó, văn học nghệ thuật đóng vai trò trung gian hiệu nghiệm nhất. Đó là cách làm giàu cho nội hàm văn hoá xét theo nghĩa rộng của thuật ngữ này, đó là cách ứng xử có điều kiện qua sự thanh lọc, nội cảm hoá của con người theo hướng chân-thiện- mỹ và nhân bản nhất.
Từ đấy ta có thể nói rằng: “Tạp chí Cửa Việt với bản sắc văn hoá một vùng đất” là điều không phải bàn cãi, chỉ cần làm phong phú thêm bằng nhiều cách tiếp cận, nhiều cách bình giá mà thôi.
3. Vài suy nghĩ gợi ý:
Nhân buổi trao đổi, gợi cho tôi vài suy nghĩ có thể gọi là gợi ý:
- Bản sắc văn hoá của một vùng đất qua tạp chí được xem là mới mẻ, có giá trị nếu nó gắn liền với sáng tạo và đổi mới, mang ý nghiã xã hội và nhân bản cao. Một đối tượng, một vấn đề dù cũ nhưng câu trả lời phải mới và phải khơi sâu ở nhiều khía cạnh khác nhau. Với ý nghĩa ấy, Địa đạo Vịnh Mốc, Làng hầm Vĩnh Linh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Hiền Lương, Bến Hải, Cửa Tùng, Thành Cổ, Nghĩa trang Trường Sơn… kể cả những danh nhân, anh hùng, liệt sĩ vẫn đang là đề tài chưa kết thúc, đang mời gọi những tấm lòng, những chứng nhân tiếp tục khai thác – thông qua Tạp chí Cửa Việt.
- Nói đến văn hoá chung là nói đến tính tích hợp, tính hệ thống của giá trị vật chất và tinh thần qua nhiều giai đoạn, nhưng nói đến bản sắc văn hoá một vùng đất lại là quá trình xây dựng những tập hợp con theo từng thời gian-không gian lịch sử- văn hoá riêng. Ngoài khoảng giao nhau, phải khái quát cho được khoảng riêng chỉ vùng đất ấy có, đó là việc làm cần thiết. Nên chăng Tạp chí Cửa Việt phát động cuộc sáng tác mới về con người và mãnh đất Quảng Trị để tranh thủ sự hiểu biết, đóng góp của nhiều người, nhiều miền làm cho những gì còn lặng im sẽ bật lên những thông tin mới, tín hiệu mới.
- Tạp chí nên tăng cường, khuyến khích những tác phẩm viết về những đối tượng, chủ đề tiêu cực, phản văn hoá. Như cách thế để khẳng định giá trị văn hoá đích thực. Những bài viết theo khuynh hướng này quả là cò ít trên Cửa Việt.
Cuối cùng tôi muốn nói rằng: Qua Tạp chí Cửa Việt chúng ta nhận rõ có một bản sắc rất riêng thuộc về văn hoá, văn nghệ Quảng Trị đang hình thành và phát triển trong tiến thình đổi mới của toàn xã hội theo chiều hướng dân chủ hoá, nhân đạo hoá, làm phong phú thêm bản sắc văn hoá chung của cả nước. “Đổi mới không phải là lời hô muôn năm mà thực sự là một cuộc chiến đấu đòi hỏi sự dấn thân của văn học nghệ thuật. Cửa Việt ra đời, từ mảnh đất sâu dày khát vọng của nhân dân, mong mỏi đóng góp vào sự nghiệp đổi mới sống còn của dân tộc bằng tất cả tâm huyết công dân của văn nghệ sĩ. Cửa Việt là một cửa biển, và cửa biển nào cũng nhìn ra chân trời”.
H.T.H.