G |
iữ đúng lời hứa với cánh đồng thơ ca, phải chăng đó là cách để Nguyễn Tiến Đạt sáng tác “Khúc hát tình tang” trong cái thế giới của tin học, truyền thông đại chúng và video hôm nay. “Khúc hát tình tang” cái tên của một tập thơ nghe như một làn điệu dân ca nào đó có cái chất gây nghiền của những cơn mưa dầm sâu mát đất, mát cả lòng người.
Cuộc sống của chúng ta là một loạt những khúc dạo đầu của bài ca bí ẩn mà qua chúng, bất cứ ai cũng có cơ hội khẳng định lại các giá trị chung và tìm lại bản sắc của mình. Nguyễn Tiến Đạt đã làm được điều đó với những câu thơ như: “Chiều xưa mẹ đưa ta ra bờ sông/Con nước mênh mông vỗ về tuổi nhỏ/Lũ trẻ chúng ta da sạm nắng trời/ Mắt tròn hạt nước quen cùng con sóng đùa chơi” (Rằng em). Đấy là sự mở lối của một ngòi bút chín chắn trong cảm xúc nhân văn, cho dẫu trong hơn ba mươi bài thơ của “Khúc hát tình tang” có những chỗ bộc lộ sự hạn chế ở khía cạnh sáng tạo mà tác giả của nó có thể nghe thấy vài nhận xét tương tự như ý kiến cho rằng đấy là do anh chưa đưa ngòi bút bắt kịp tâm hồn mình. Đấy chính là vấn đề ngôn ngữ thơ của bài ca được Nguyễn Tiến Đạt viết trong dòng cảm xúc thật với một nỗ lực vượt qua được tính chủ quan lãng mạn và cả tính khách quan hiện thực chủ nghĩa để có thể làm xao xuyến lòng người. Độc giả không tìm thấy niềm vui và cái đẹp trong một vài câu thơ của “Khúc hát tình tang” này mỗi khi chúng chưa phải là những câu trả lời đầy thẩm mỹ cho con người đang luôn đòi hỏi được thay đổi, cải thiện tinh thần bằng một hình thức nghệ thuật có khả năng nâng con người lên. Những người hằng mong “Khúc hát tình tang” trở thành một tập thơ được ưa thích xin được cùng tác giả của nó “nhặt sạn” trước thời gian trên những tứ thơ không đạt tới phẩm cách cần thiết: “Có một chiều tôi bắt gặp ở thế gian/ Trời cả nắng cả mưa trong một buổi/ Cả giận hờn chắc là không chịu nổi/ Vội xóa điều quy luật của thiên nhiên” (Thiên nhiên). “Nhạt lưỡi nửa đời qua sấp ngửa/ Ta giờ chân mỏi gối tay run/ Khấp khểnh bờ đê xin được hú/ Sức tàn lan rợn một dòng sông” (Những con đường làng)...
Tuy nhiên cũng như bao tác phẩm thi ca khác, ngôn ngữ thơ của “Khúc hát tình tang” giống như ngón tay chỉ mặt trăng trong triết lý nhà Phật. Nếu người ta chỉ chăm chăm nhìn vào đầu ngón tay, sẽ không thấy được ánh sáng và vẻ đẹp diệu kỳ của vầng trăng. Với thơ, thơ là tiếng lòng mà có nhiều lúc những cung bậc tình cảm của lòng người vô cùng tinh tế, vô cùng phức tạp, khiến ngôn ngữ cũng đành bó tay. Những lúc đó, thơ thực sự là tiếng nói vô ngôn bởi ý tại ngôn ngoại và ngôn ngữ chỉ còn là nhịp điệu, là tao phách, là lớp vỏ bề ngoài. P.Valery đã từng cho thấy một kinh nghiệm trong việc cảm nhận thơ hay: mơ mộng là nhận thức, và đến những bài thơ run rẩy tâm hồn phải bằng toàn bộ tâm hồn. Có nghĩa là vượt lên lớp vỏ câu chữ thì trái tim sẽ đến được trái tim. Với phần trong sáng nguyên lành của những suy tư và rung cảm được thể hiện qua các hình ảnh, nhịp điệu thơ thì “Khúc hát tình tang” cũng đã cất lên tiếng nói của mình trong hòa âm hùng vĩ và yêu mến của thi ca vốn khơi sâu cho tất cả cảm nhận rằng không có nghệ thuật nào hơn lòng yêu quý con người và cuộc sống.
Nguyễn Tiến Đạt viết “Khúc hát tình tang” với ý thức rõ ràng thơ ca không phải là một cái gì tự nó tồn tại mà nó luôn ở trong mối quan hệ hỗ tương và ảnh hưởng lẫn nhau với toàn bộ nội dung cuộc sống. Cuộc sống làm nên tập thơ qua những cảm xúc được run lên từ những bi kịch và niềm vui của đời sống chung hôm qua, hôm nay trên các số phận, sự việc, tâm tình xung quanh Đạt và cả riêng anh. “Ta lớn lên bên này là bờ sông/ Bên kia là cánh đồng nắng phơi/ Nên bàn chân vẹt mòn bùn đất”. Tập thơ tạo cho độc giả một cảm giác dần dần đầy đặn trên cơ sở của những hình ảnh, âm điệu và từ ngữ hoàn toàn đơn sơ như thế. Đây là lúc Đạt nói về quá khứ của mình, thật nhẹ nhàng với phong cách đầy ngẫu hứng mang một chất thơ đích thực được cảm nhận cực rõ, không gì ngăn trở nổi đã vẳng lên trong từng câu thơ sáng rõ: “Thưa mẹ, ngày con đi học, buổi sớm mai vốc cả ánh sao trời/ Tiếng bà, tiếng cô, tiếng anh, tiếng chị/ Gọi rung cành sương, gọi về chợ phố/ Ta ước đời ta như những con thuyền/ Chuyên chở niềm vui không tên không tuổi” (Rằng em).”Tôi vẫn là mugic của làng tôi/ Nơi hạt lúa mùa chiêm mở cánh mặt trời... Thành phố ban mai thánh thót tiếng dương cầm/ Sao thấy nhớ tiếng chim kêu đầu hạ/ Sao ngẩn ngơ mùi lúa nồng rơm rạ/ Đã thay tôi sưởi ấm ngực mẹ già” (Mugic). Đọc hết tập thơ với mong mỏi và hy vọng đợi chờ tìm thấy chất quyến rũ, độc đáo trong những chất liệu mà Đạt đã sử dụng để tạo ra được một nét mới và rất riêng cho mình, người đọc sẽ có niềm ngạc nhiên trên những ý tưởng từ mọi chiều của không gian và thời gian của cuộc sống anh đã trải qua. Những câu thơ trong “Khúc hát tình tang” luôn khơi dậy sự lãng mạn với thực tế của Đạt qua sự pha trộn đầy ngoạn mục giữa các không gian và thời gian hoàn toàn khác biệt nhau, cách xa nhau mà chỉ khi bằng những sợi dây vô hình của từng nỗi khát khao bùng cháy và những cảm xúc trào dâng thì Đạt đã đưa chúng ta lại gần nhau. Anh bóc những năm tháng của mình ra khỏi cuốn sách trí não của người làm thơ vốn không chỉ chứa đựng sự ghi nhớ thông thường để thực hiện phần việc của thi nhân là giúp con người và chính bản thân mình đảm nhận cuộc sống bằng cách nâng tâm hồn lên. Nên Đạt với những cung bậc tình cảm xuất phát từ trong sâu thẳm trái tim mình: “Mở cửa ra thật sớm/ Để ngày vào reo ca/ Nghe tiếng chim rót nhạc/ Giữa đất trời bao la” (Mở cửa); “Anh chẳn biết mình bắt đầu từ đâu/ Để nói với em về nơi chúng mình đang ở/ Trong thinh không nghe lá về gõ cửa/ Ngỡ người thân anh thức dậy bao lần/ Lại thẩn thờ nghe tiếng dế tí tách/ Sau vườn lay khẽ cọng cỏ non/ Còn hạt sương tan ra thấm đất/ Có hạt trằm mình đợi ánh mặt trời” (Em ơi, thức cùng thị xã). Ở đây, Đạt có khả năng một cách đáng ngạc nhiên làm cho ngôn ngữ đánh mất những thói quen tu từ trong sự phối hợp rất êm đềm giữa việc phản ánh thế giới mình đang sống với hình thức thể hiện con người thơ, ý thức và thái độ thơ của mình trước cuộc sống. Vậy, “Khúc hát tình tang” là cách Đạt gọi tên cho những suy tư, rung cảm của anh trong cuộc ngao du đi tìm niềm vui nghệ thuật vẫn thường hiện diện giữa cuộc đời cả trong Nỗi Đau và cái Đẹp.
Đáng kể hơn hết trong “Khúc hát tình tang”, là những bài được viết trong dòng cảm xúc gắn liền Đạt với làng quê đã sinh ra một con người làm báo, làm thơ giữa chốn thị thành mà luôn mang trong mình nỗi hoài nhớ hoàn toàn nguyên sơ và da diết: “Tôi vẫn là mugic của lòng tôi/ Nơi bàn chân hướng về phía mặt trời”...(Mugic). Với đề tài này, tập thơ đã có sự thành công nhất định, và nó là mảng chủ yếu để Đạt xây dựng cho mình một phong cách riêng bằng cách nhìn vào những gì thuộc về nó trong quá khứ lẫn đương thời với con mắt thơ lấp lánh cái tinh thần lãng mạn luôn kề cận cùng chủ nghĩa hiện thực. “Mỗi khi ta ngồi nhớ bến sông là nhớ vầng hào quang xa vắng ngút ngàn/ Ta lãng mạn đến nỗi thấy tiếng chim hót rơi vào sông nước/ Ngỡ vị ngọt môi em nên uống ngon lành”, đó là dòng tâm thức của một con người “Vốn quen giữa bốn bề là sóng nghe đời mỏi mái chèo khuya/ Đêm nghiêng trở giấc nhìn trời” (Rằng em). Có lẽ, bằng những gì mà sự tiếp xúc da thịt không cảm nhận được như cái bắt tay thường ngày, Đạt gắn liền với tất cả những chi tiết tạo nên cuộc sống “ngày thường ở làng như con nước trôi” (Ngày thường), và anh chứa đựng chúng trong bản thân mình cũng như tự mình thấm vào chúng. Vì thế, Đạt luôn thấy mình dính líu riêng với một mảnh đất, một xứ sở có thể được tin rằng nó mãi mãi sống động trong trái tim anh đến mức làm anh phải thốt lên rất đỗi chân thành: “Ta vào phố thị tầng cao mới/ Lại mơ vườn cỏ chuối chín hương"... (Những con đường làng). Đạt dành cho cái làng quê của anh bên một bờ sông có “con nước mênh mông vỗ về tuổi nhỏ”, có “bờ tre xõa lời thủ thỉ”, có “những con đường làn bùn lầy và đất đỏ”, với “nấm rơm khô như dáng người xuống ruộng/ Ríu rít tiếng chim chìm lưng chừng trời”, những bài thơ trữ tình mang tiếng nói của trái tim anh. Vào những lúc “trở mình thấy nhớ một trời quê”, Đạt đã viết tặng nó những câu thơ với dòng ý thức tuôn chảy không phải từ ý thức mà từ những ngôn từ khuấy động trong ý thức của một con người mẫn cảm và đầy tình yêu: “Những loài chim về bên kia sông giấu nỗi buồn con gái/ Bên này sông có ngôi mộ của mẹ già suốt đời không qua nổi bến bên kia/ Con sông tày gang dấu huyền trăng ơi hời ru muôn thuở/ Tiếng ru của đá và tiếng ru của sông chảy suốt dọc đời tôi dòng máu Hiền Lương/ Em ơi nơi ấy tôi sinh, mẹ ủ tôi bằng lá cỏ gai dưới gầm trời bom đạn/ Tôi lớn lên như con còng ngơ ngác nhìn sông trôi bóng mẹ hoài chùng xuống” (Bến Hiền Lương), đây là lúc Đạt rút lui vào trong trang viết anh để cho lời lên tiếng và tôn phong đời sống qua từ một khi anh đã nhìn thấy cuộc sống ở miền quê ấy chân thật trong vẻ đẹp và nỗi buồn của nó. Anh nói về những ký ức làng quê, tuổi thơ của anh bằng một thứ ngôn ngữ rất gần gũi: “Bao nhiêu hồi tưởng thời niên thiếu/ Cứ đầy ắp lên tựa mối đùn” (Bạn quê); “Thuở đầu tôi còn ngang tầm đạn bắn/ Mẹ chở che nên dáng lưng còng/ Người cho đến trường hiểu cao biết rộng/ Giờ ngẩn ngơ trước cái vạc cái nông” (Mugic). Làng quê ấy hôm nay hiện bóng trước mắt và trong tim Đạt cái phong vị “Tháng chạp theo mùa con nước trôi” cùng với những nét tươi mới, vui lành “Cơm thơm nếp dẻo chai rượu cốm/ Cha khoái thời nay chuyện làm đồng/ Máy cày máy đập thuê giá rẻ/ Cả đám bò vàng ngắm hoàng hôn” (Quê mới). Ở đó vẫn còn những hình dáng và ân tình của cả đời người “Tháng chạp đi vào ngõ lá non/ Tơ trời quấn quít hai hàng xoan/ Khi bình minh dậy rung rinh nắng/ Mẹ già nghe ngóng bước chân con” (Tháng chạp). Những khuôn sáo không có lý do để tồn tại trong tình yêu của Đạt với quê nhà nên nguồn rung động của anh trước những hình tượng của đời sống ở đó hẳn không bao giờ cạn. Chính điều này đã giúp anh định thái độ sống giữa “thời thị trường nó thế” một cách trung thực: “Chẳng cần hơi thở của lừa và máng cỏ/ Tôi sinh ra chỉ để làm người/ Cảm ơn ngàn lần một bản tin nhắn tìm mồ liệt sĩ/ Gợi nhớ về nguồn cội của tôi” (Khi chúng tôi trẻ). Rõ ràng tránh được lập dị trong khám phá khách thể thẩm mỹ, Nguyễn Tiến Đạt đã là một nhà thơ tự do thật sự.
Bắt đầu từ các hình ảnh thông thường, Nguyễn tiến Đạt đã khởi sự một yêu thương, một tâm hồn mở cửa mang đầy đủ các khát khao tha thiết với những hy vọng nhớ nhung... Đọc những câu thơ tràn đầy sự ôn nhớ nguồn cội, lòng nhân ái, đức hy sinh từng làm nên vẻ cao quý của những con người thuộc thế hệ trước trong “Chị tôi”, “Bến Hiền Lương” – thấy rõ tiếng nói của nhà thơ ở đây không hề hạn chế trong việc kể lại lịch sử mà nó là những câu thơ thấm đẫm chất trữ tình của một cây bút có thể giúp người ấy vượt qua con đường “không có biển đề STOP’. Qua đó, “Khúc hát tình tang” bớt đi các yếu tố dựa vào các vật thể đã có sẵn để đem đến cho bản thân nó giá trị của một hoạt động sáng tạo bằng thơ như là công việc của sự thôi thúc bên trong con người Nguyễn Tiến Đạt. Với thái độ thơ đó, Đạt đã đưa thi hứng vào cuộc sống đi như dòng nước và tìm được những hình ảnh thích hợp với tình ý giải bày để sáng tác mà không chịu một sự gò bó, thúc ép mà cứ hồn nhiên như tiếng nói của anh có những cung bậc luôn thay đổi để bắt nhịp với trái tim anh tìm thấy như trong bài thơ “Mở cửa”, “Mugic”, “Quê mới”, “Em ơi, thức cùng thị xã”...
Với “Khúc hát tình tang”, Nguyễn Tiến Đạt đã đem vào thơ ca một ít giọng ngân nga của con người biết tiếp nhận cuộc sống đầy ắp ân tâm tình. Qua chúng, anh tiếp tục kiếm tìm chỗ dựa cho niềm tin của những hy vọng, hạnh phúc và những trang thơ của đời anh có khúc quyến rũ như khúc hát tình tang: “Hãy dựa vào bàn chân còn lại của anh/ Để biết thế nào là sự sống/ Anh yêu em! Yêu quá vô ngần”.
T.K