Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đọc "Ngọn núi ảo ảnh" của Hoàng Phủ Ngọc Tường

C

ó cảm giác như là hàng thế kỷ rồi, bây giờ tôi mới được đọc một tập văn xuôi hay đến thế, hấp dẫn đến thế. Đó là tập bút ký văn học “Ngọn núi ảo ảnh” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Chỉ có 14 bài bút ký, tùy bút chưa đến 250 trang in, mà đọc xong (không chỉ một lần) tôi có cảm tưởng mình vừa được “nhập siêu” một lượng tri thức về văn chương, về lịch sử về cuộc đời...vô cùng quý giá.

Không hề có cái gì là đao búa to lớn trong các trang viết của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, cũng không hề có sự bài binh bố trận gì cầu kỳ, giật gân hoặc đánh vào thị hiếu tò mò và tầm thường theo “mốt” thời thượng mấy năm gần đây; nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cứ rỉ rả, cứ lặng lẽ kể ra, viết ra những dòng chữ bình dị nhất, nhưng đồng thời cũng là tâm huyết nhất trong trái tim một nhà văn đầy tài năng. Ông đã tái dựng cái không khí mê say lý tưởng cách mạng của học sinh - sinh viên Huế trong những năm dưới chế độ Sài Gòn cũ dường như không phải bằng sự cố ý, mà đó chỉ là những trang thao thức của một ký ức thời tuyệt đẹp chưa xa. Qua những trang văn rủ rỉ và hồn hậu ấy, người ta thấy được điều hết sức thiêng liêng trong mỗi con người Việt Nam là lòng yêu nước một cách tự nguyện; nó như là một bản chất tiềm ẩn và thường trực trong tâm khảm những chàng sinh viên Huế; nó không chấp nhận bóng dáng của bất kỳ một thế lực ngoại bang nào. Họ làm báo phản kháng, họ xuống đường, họ hạ trại bên bờ sông Bến Hải...Tất cả những điều ấy qua ngòi bút tài hoa của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đọc như được sống lại những năm tháng đầy đau thương của đất nước bị chia cắt, như được hòa trộn tâm hồn mình với cái không khí hào sảng của thanh niên sinh viên Huế. Đó là những năm tháng tuổi trẻ học đường Huế trong thời điểm ấy, tại thời điểm ấy. Đến nỗi, mười năm sau ngày kết thúc chiến tranh, nhà văn quay lại Tuyệt - Tình - Cốc - là nơi đã gắn bó với phong trào sinh viên Huế - trong một tâm trạng và cảm xúc rất đỗi bâng khuâng: “Trong góc sân, cây dạ hương vẫn còn, cao lớn hẳn lên giữa cỏ um, nở hoa một mình. Tôi đến gần cây hoa để đón nhận hương thơm lặng lẽ của nó. Như một cố nhân, tình hoa vẫn ấp ủ giùm tôi trong hương phấn rất riêng, ôi, những năm tháng sống say mê và âm ỉ mộng đầy trời...: (Tuyệt Tình Cốc)

 Hoàng Phủ Ngọc Tường có một phong cách viết bút ký văn học của riêng mình. Thế mạnh của ông là tri thức văn học, triết học, lịch sử, địa lý... sâu và rộng, gần như đụng đến vấn đề gì, ở thời điểm nào và ở đâu thì ông vẫn có thể tung hoành thoải mái ngòi bút được. Chẳng hạn, Côn Sơn với Nguyễn Trãi thì từ trước tới nay chúng ta đã đọc, đã nghiền ngẫm nhiều rồi; ấy thế mà khi đọc những trang của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về Côn Sơn ta vẫn có cảm tưởng rằng mình đang được nạp thêm một lượng thông tin vô cùng quý giá và khá mới mẻ về con người kiệt xuất và toàn bích vô ngần qua mọi thời đại: Nguyễn Trãi. Đặc biệt khi viết về những vấn đề lớn của lịch sử, của đất nước, của dân tộc nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có biệt tài móc xích và xâu chuỗi các hiện tượng và các sự kiện lại trong mỗi tương quan rất biện chứng, tạo thành cái duyên hấp dẫn riêng trong các trang viết của ông. Nó làm cho các con chữ của ông không chỉ sang trọng, chững chạc mà còn đậm tính cập nhật. Ví như đang viết về Côn Sơn với những tầng lịch sử đan chéo chằng chịt, anh “tua” một thoáng hồi ức và suy ngẫm thời kháng chiến chống Mỹ trên Trường Sơn: “Nhớ một ngày vắng bom ở hang đá Trường Sơn, thầy tôi là thiền sư Thích Đôn Hậu dạy tôi rằng con người là kẻ Vô Trú ở thế gian. Sư phụ nói thế, nhân giảng giải cho tôi nghe về sự dấn thân trong đại nghĩa dân tộc của Ngài...”

Dù là viết về lịch sử đã xảy ra cách đây hàng ngàn năm, từ thuở Âu Cơ và Lạc Long Quân, từ thời các vua Hùng dựng nước và mở cõi, hay viết về không gian đa chiều trong nghệ thuật tạo hình hiện đại của nghệ sỹ Lê Bá Đảng ở bên nước Pháp...thì cái rốn của tư duy, của trằn trọc trong tâm tưởng và tâm hồn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bao giờ cũng dồn vào tình yêu đất nước, tình yêu dân tộc. Viết về những vấn đề lớn lao, đại sự nhưng lại bằng những tư liệu, những hình ảnh gợi mở hết sức thân thiết, hết sức bình dị và cụ thể trong lịch sử, trong cuộc sống thường nhật xung quanh mỗi con người bình thường chúng ta.

Phải nói thành thực rằng, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có một sức nhớ lâu, nhớ dai và nhớ nhiều các biến cố, biến thiên của lịch sử dân tộc. Tôi có cảm tưởng như phảng phất trong các trang viết của ông bao giờ vấn đề tôn vinh dân tộc cũng được ông trăn trở và quan tâm thường trực. Tuy nhiên, như tôi vừa nói trên đây, nó được thông qua những con người cụ thể, những sự kiện cụ thể. Chỉ có điều, những “vụ việc” ấy khi đã qua sự rung cảm của trái tim nhà văn thì nó đã thành ma lực, thành sức thôi miên tuôn chảy đầu ngọn bút – để nó thành ra một thứ văn chương đầm ấm mà sang trọng, chắt lọc mà bình dị, ai ai đọc cũng có thể hiểu được, nhưng không phải nhà văn nào cũng viết được! Chẳng hạn, chỉ là kể lại cái không khí và các cảnh huống thường tình trong một buổi bộ đội giải phóng và lính ngụy Sài Gòn cùng đi xem đoàn nghệ thuật cải lương từ Hà Nội vào biểu diễn ở vùng giáp ranh của tỉnh Quảng Trị, mà Hoàng Phủ Ngọc Tường “nói” được một lượng thông tin rất nhiều của tâm hồn những con người ở hai chiến tuyến đối nghịch nhau. Chiến tranh là một cái gì thật cay đắng, tàn bạo và vô cùng mỉa mai; rất nhiều khi, chẳng có ai muốn, chẳng một bên nào muốn - ấy vậy mà nó cứ phải là chiến tranh! Tôi nghĩ rằng, nếu không phải là một nhà văn có hạng về mọi mặt, kể từ tri thức, tài năng và bản lĩnh, chắc rằng không thể viết nổi những dòng thấm thía tới mức này: “Cuối cùng đất nước vẫn đi tới hòa bình, không phải bằng con đường ngắn nhất như ngày ấy tôi tưởng, mà còn phải vòng qua lửa đạn mịt mù. Chiến tranh vẫn thao tác đúng với luật lệ khắc nghiệt của nó và với một nòng súng đang nã đạn, không ai có thể ngưng nó lại để làm thành lưỡi cày”. (“Dệt gấm” với thủy quân lục chiến ở Cửa Việt).

Nhưng trong số 14 bài tùy bút – bút ký của tập sách này thì bài “Ngọn núi ảo ảnh” bề thế, sâu lắng và trang trọng hơn cả. Hoàng Phủ Ngọc Tường lấy tên bài này đặt chung cho cả tập sách là hoàn toàn chính xác. Đối với tôi, những năm trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Thừa Thiên – Huế tôi đã nhiều lần được đi qua đỉnh núi Bạch Mã, trong đó có một lần đã vượt qua đỉnh chót vót của Bạch Mã thần tiên. Do vậy, giờ đây đọc lại những trang tùy bút phóng sự - bút ký xen lẫn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tôi càng thấy bài viết của ông là hay vô cùng. Đúng, Tổ quốc ta có những tiềm năng về cái giàu, cái đẹp trời cho mà hiện nay ta chưa biết nâng niu và khai thác, đặng phục vụ cho con người. Núi Bạch Mã không chỉ là một cảnh quan thiên nhiên ban tặng cho Thừa Thiên – Huế mà nó còn là niềm kiêu hãnh cho mọi người Việt Nam chân chính. Theo với biến thiên, thăng trầm và sóng gió của lịch sử “Ngọn núi ảo ảnh” cũng cùng chung chịu biết bao điều buồn vui cay đắng... Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thả hồn mình vào những trang văn xuôi cuồn cuộn chất trữ tình trong áng văn có thể nói là tuyệt bút này. Tôi tin rằng, ai đọc đến “Ngọn núi ảo ảnh” thì ít nhất cũng sẽ nảy sinh một khát khao: một lần được đặt chân tới Bạch Mã, để mà ngắm, để mà yêu bằng cả tâm hồn và cảm giác, mảnh đất này của đất nước chúng ta.

 Cả cuốn sách là những trang tùy bút hồi ức và ngẫu hứng đầy sự rung động thiết tha với quê hương, đất nước và dân tộc Việt Nam. Đọc nó, ta thấy được sự giàu có về tâm hồn và trí tuệ. Văn chương bình dị nhưng sang trọng, sắc sảo và lắng sâu. Cảm phục trước phong cách tùy bút văn học đặc biệt của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã có những câu thơ ở trong bài “Vọng Huế” có thể dùng để thay cho lời kết ở bài viết này của tôi: “Sao thèm một điệu gì xưa lắm/ Thèm đọc một đoạn văn Hoàng Phủ Ngọc Tường/ Có ai đó rót chiều vào chén Ngọc/ Huế dịu dàng xây bằng khói và sương.”

Hiện nay mặc dù nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đang bị bạo bệnh, nhưng ông vẫn liên tục lao động viết – và viết những điều hết sức tâm huyết. Một nhà văn như vậy, thật là trăm lần đáng kính phục và quý trọng.

H.C

Hoàng Cát
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 70 tháng 07/2000

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/07

25° - 27°

Mưa

04/07

24° - 26°

Mưa

05/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground