Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đọc sách thời 4.0

Đọc sách có thể gọi là thú vui tao nhã. Đi nhà sách cũng là một việc thư giãn. Song, cái thú vui ấy khi được hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại liệu có mất đi cảm xúc?
Người mua sách tại cửa hàng Fahasa Quảng Trị

Người mua sách tại cửa hàng Fahasa Quảng Trị

Mua sách chưa bao giờ dễ đến thế

Nhắc lại chuyện mấy chục năm trước, khi việc in sách còn khó khăn về giấy, về nhà in, có khi hai tác giả phải in chung một tập. Và việc mua sách vì thế cũng phải có chế độ như tem phiếu. Sau đấy thì các nhà sách mọc lên, cũng chỉ nằm rải rác ở các thành phố. Ở nông thôn thì hầu như không có tiệm sách mà chỉ có những quầy cho thuê sách đọc. Sách thuê đấy cũng là sách cũ ở thành phố chuyển về, có khi nhàu nát, mất bìa, nhưng cũng thỏa mãn ít nhiều cơn thèm sách của biết bao người. Học trò thuê được cuốn truyện về thì chuyền tay nhau đọc, đọc gấp gáp để còn đi trả vì sách thuê tính theo ngày.

Bước qua thế kỷ hai mốt, nhà sách đã có khắp nơi. Ngoài những nhà sách chuyên bán sách mới thì còn những tiệm bán sách cũ với giá rẻ. Ở đấy ta có thể vừa mua được những cuốn sách hay, sách hiếm để đọc, vừa có thể mang về chưng cất trong tủ sách gia đình mà giá cả chỉ bằng nửa giá bìa, thậm chí chỉ nhỉnh hơn giá giấy đồng nát. Rồi sách được bày bán ở cả những vỉa hè, những bãi cỏ công viên. Người bán sách trải tấm nylon, sách bày trên đấy như phơi bánh tráng, hoặc gom từng chồng truyện bộ, giá cả thì thương lượng giữa người bán người mua. Và vui nhất là có thể mặc cả!

Phải thêm một thập kỷ nữa, tức từ những năm 2010 thì mới xuất hiện việc bán sách qua mạng internet. Buổi đầu cả người bán lẫn người mua đều ngần ngại với phương thức này. “Tiền trao cháo múc” vốn đã quen, nay tự dưng đôi bên không biết mặt nhau làm sao tin được. Một trang web bán sách khi nhận được đơn đặt hàng phải gọi điện cho người mua xác minh rồi mới gửi sách. Sách chuyển qua mạng lúc đó cũng không được giảm giá, chỉ được miễn phí vận chuyển với những đơn hàng định mức nhất định.

Dần dà việc mua sách qua mạng trở thành xu thế chính vì khỏi mất công đi nhà sách. Cơ hội mua sách ở tỉnh lẻ nông thôn với thị thành dân phố đã ngang bằng nhau. Sách mua qua mạng lại còn được hưởng các ưu đãi về giá, về tích lũy điểm và chính sách vận chuyển. Các trang bán sách còn có tiện ích giúp ta mua được sách có hệ thống, theo bộ của tác giả, hoặc theo các sách liên quan.

Gần đây, các trang mua sắm hàng hóa trực tuyến cũng mở thêm ngành hàng bán sách. Rồi các trang mạng xã hội bán sách. Trăm hoa đua nở giúp cho người mua chỉ cần đánh tên sách là thoải mái lựa chọn nhà cung cấp, lựa chọn giá rẻ. Các phương thức vận chuyển cũng đa dạng hơn, có thể chuyển đến trong ngày, thậm chí sau vài tiếng đồng hồ. Mua sách chưa bao giờ dễ đến thế, đấy chính là tiện ích của công nghệ thông tin mang đến.

Từ sách giấy đến sách điện tử

Mua sách thuận lợi cũng là một cách kích cầu thị trường sách, nâng cao văn hóa đọc. Song, đánh giá nhu cầu đọc sách bằng việc đi nhà sách, hay mua sách giấy trên mạng internet, hay xem tủ sách trong mỗi gia đình... xem ra đã là cách định lượng thiếu chính xác trong thời buổi 4.0.

Không ai phủ nhận việc cầm một cuốn sách đọc luôn mang đến sự kích giác mạnh mẽ, từ mùi giấy, tiếng sột soạt lật trang, hay ấn tượng bởi một cái bìa làm công phu. Các nhà làm sách luôn biết cách đón đường người mua, chìu lòng người chơi sách khi đưa ra các sản phẩm cải tiến giấy in mực in, rồi làm các bản sách đặc biệt cho người thích sưu tập. Những việc làm đó trong chừng mực đã thúc đẩy văn hóa đọc, và nó xua đi ý nghĩ có ngày sách giấy phải cáo chung.

Đọc sách bằng máy không làm mất đi cảm giác tao nhã

Đọc sách bằng máy không làm mất đi cảm giác tao nhã

Người đọc sách hiện đại ngoài sở thích cầm sách giấy, họ còn sở hữu một cái máy đọc sách. Máy đọc sách? Thoạt nghe có người nhầm nó là cái máy đọc cho ta nghe bằng tai, như một dạng audio sách nói. Không phải. Máy ấy chỉ là một cái thiết bị cầm tay như điện thoại. Ta vẫn phải chủ động đọc bằng mắt. Vậy sao không dùng luôn cái smartphone điện thoại thông minh, nhiều chức năng hơn?

Cả hai thắc thỏm trên là của tôi, bữa một người anh nhà văn khuyên nên mua máy đọc sách, mười năm về trước. Khi ấy tôi mới ra trường đi làm, hai tháng lương thử việc góp lại mới mua được cái máy đọc sách Kindle. Lên mạng tìm, cũng chỉ đôi ba cửa hàng ở Sài Gòn, Hà Nội có bán. Tôi lại ở tỉnh lẻ miền Trung. Dịch vụ mua hàng qua mạng lúc ấy vẫn còn mới mẻ và nhiều lo sợ. Tôi đánh liều đặt mua, hồi hộp chờ đợi. Nhận hàng bóc ra thấy máy còn nguyên tem niêm phong hàng gửi từ nước ngoài.

Đem về nhà bật lên thấy một cái màn hình viền khung nhựa, duy nhất một cái nốt bấm tắt mở nguồn. Mò mẫm thế nào cũng không sử dụng được, cũng chả biết đi hỏi ai lân cận. Mày mò nhờ tư vấn trên mạng suốt ba ngày tôi mới biết cách chép sách vào máy và đọc.

Thế mà chỉ ngay lần đầu đọc đã thích thú. Máy mỏng nhẹ, màn hình chỉ màu đen trắng. Nền trắng cũng không hẳn trắng tinh mà hơi ngả vàng như kiểu giấy xưa. Màn hình không bóng lóa mà nhám, sờ tay lên lướt trang cảm giác như lật giấy. Có thể đọc nó liên tục hàng giờ không hề đau mắt. Thích nhất là những đêm khó ngủ, nằm trên giường, trong bóng tối bật máy vẫn có thể đọc. Ánh sáng màn hình chỉ vừa đủ thấy chữ, không chói lóa gây đau mắt, không ảnh hưởng đến vợ con trong phòng.

Từ đây, sách mỏng sách dày không còn lo chuyện cầm nặng tay. Có việc đi xe đi tàu, hay đi công tác vài ngày khỏi mang theo sách lỉnh kỉnh. Chỉ với cái máy nhẹ tâng mà chứa cả thiên kinh vạn quyển. Mang đi đâu ngồi đọc cũng được, cũng chả ai biết ta đang đọc sách gì, và không bị mang tiếng là… mọt sách.

Hữu ích khi tìm cầu những cuốn sách

Có đôi khi muốn tìm một cuốn sách cũ nay không còn lưu hành trên thị trường. Thế giới mạng internet đã giúp chúng ta tìm thấy bản mềm file do những người yêu sách nhập lại và làm thành các ebook sách điện tử. Khi ấy thì ta chỉ việc tải về đưa vào máy đọc sách để thưởng thức. Nếu không có công nghệ hiện đại, chúng ta chắc phải thất vọng và nuối tiếc lâu dài.

Tôi đã tìm được rất nhiều những cuốn sách xưa, sách hiếm nhờ cách ấy. Chẳng những khỏi bỏ tiền ra mua, mà lại có ngay để đọc. Phóng to thu nhỏ cỡ chữ tùy ý. Một số người làm bản điện tử cho sách xưa có tâm còn ghi thêm vào những cái chú thích. Rồi giải nghĩa những điển tích điển cố, hiệu đính những chỗ chưa chính xác hoặc bị mờ do sự hạn chế của việc in ấn ngày xưa.

Đọc được một cuốn sách hay, muốn chia sẻ với bạn bè mà chỉ giới thiệu thì chưa đành. Không phải ai cũng tìm mua ngay cuốn sách ta giới thiệu, hoặc vì họ có những cuốn sách khác cuốn hút hơn, hoặc vì việc đặt mua cũng tốn kém. Thế là phải tìm cho được bản sách điện tử rồi gửi cho bạn. Coi như ta vừa tặng bạn một món quà có giá trị mà lại không phải mất tiền, lại đến tay bạn rất nhanh.

Dần dần, việc đọc bằng máy tạo ra một sự kết nối giữa những người bạn cùng sở thích, hiểu nhau cái "gu" đọc. Những người bạn tin tưởng nhau trong cách đọc sách có thể gửi thẳng ebook vào máy của nhau. Đây là một chức năng rất tiện lợi của máy đọc sách. Ta chỉ cần cài đặt các email cho phép máy nhận sách. Người khác khi gửi sách cho ta thì chỉ cần gửi vào cái email của máy. Ta mở kết nối wifi lên thì máy tự động tải cuốn sách đó về, chẳng cần thao tác gì nữa. Cứ như mở sẵn cửa và sách tự động chui vào cái thư viện của ta.

Nhưng hữu ích hơn cả của việc dùng máy đọc sách, ấy là khi ta muốn đọc cùng lúc nhiều bản sách dịch để so sánh. Chẳng hạn một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn đạt giải Nobel Hermann Hesse là Narcissus and Goldmund. Cuốn này có đến ba bản dịch tiếng Việt gồm Nhà khổ hạnh và gã lang thang (Phùng Khánh dịch), Đôi bạn chân tình (Vũ Đình Lưu dịch), Narcissus và Goldmund (Viễn Nguyên dịch). Bản dịch thứ nhất có lẽ được bạn đọc Việt biết nhiều hơn cả và nay vẫn lưu hành trên thị trường. Hai bản sau thì được phát hành từ mấy chục năm trước, rồi không tái bản nữa, các bản sách xưa nay thành hàng hiếm.

Một tác phẩm hay như thế mà ta không giỏi ngoại ngữ để đọc được bản gốc, phải đọc qua bản chuyển ngữ sẽ mất đi nhiều phong vị. Và ba bản dịch trên mỗi bản có một cái hay riêng, tùy từng người cảm nhận. Song, có một điều là vì cả ba bản dịch đều được thực hiện từ mấy chục năm trước, nên bạn đọc hôm nay hẳn sẽ cảm thấy nhiều chỗ không còn phù hợp lối đọc hiện nay. Vậy thì ta phải đọc cả ba bản, tìm cái thích cái hợp gu ở mỗi bản.

May mắn thay, cả ba bản sách này đều có ebook, và tôi chép vào máy đọc sách để đọc cùng lúc. Cứ một đoạn cuốn này, lại mở cuốn khác ra đọc tiếp, lại mở thêm cuốn nữa đọc tiếp hoặc đọc lại. Cứ thế, mỗi bản dịch cho tôi một cảm nhận khác nhau. Cứ thế, khi quay lại cuốn kia thì cái trang mình đọc không bị chạy do máy có chức năng bookmark đánh dấu sách.

Tất nhiên, nếu chỉ cần hiểu nội dung câu chuyện thì chỉ cần đọc một cuốn. Nhưng đọc để thấu cảm văn phong, lĩnh hội tư tưởng thì phải đọc cả ba. Mà văn chương của Hermann Hesse thì bao hàm nhiều mặt. Đấy là lần tôi cảm nhận sự khác biệt giữa đọc sách bằng máy và đọc sách giấy. Thậm chí trong trường hợp này đọc theo lối so sánh thì sách giấy bất tiện và bất khả.

*

Sẽ thú vị biết bao nếu ta vừa có sách giấy, vừa có chiếc máy đọc sách. Một căn phòng được trang trí sách ngăn nắp tạo ra lối kiến trúc cổ điển vẫn là sở thích của những người nho nhã. Đừng lo có thêm cái máy sẽ làm mất đi niềm hứng thú sưu tập ấy. Ngược lại, nó giúp ta có thêm công cụ hỗ trợ việc đọc. Và thay vì phải "cắn răng rứt ruột" cho người khác mượn hay xin sách từ chiếc tủ của bạn, giờ đây chỉ cần gửi bản sách điện tử.

Người đọc sách phải biết tiếp nhận tri thức mới, tại sao ta không tận dụng tiện ích của cuộc cách mạng 4.0?

T.A

TRÚC AN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 319

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground