Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đọc thơ Bác vận dụng truyện Kiều

C

hủ tịch Hồ Chí Minh, sinh vào năm Canh Dần (1890), trong một gia đình khoa bảng ven bờ sông Lam thơ mộng, vùng “địa linh nhân kiệt” ở làng Hoàng Trù, (Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Từ quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi theo đường sông hoặc đường bộ đến quê hương đại thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều nổi tiếng ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có quảng đường dài độ 27 km. Nơi miền quê xứ Nghệ có câu hát phường vải, phường nón, phường cấy, phường gặt, câu hò điệu ví đò đưa khoan nhặt cùng mái chèo rẽ nước ngược dòng Lam, hầu như người dân lao động ai cũng thuộc một vài câu Kiều của cụ Nguyễn Du để vận dụng trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thường nhật. Trên mảnh đất xứ Nghệ, nhiều người thuộc lòng Truyện Kiều và sử dụng câu Kiều của Nguyễn Du chế biến” lại thành thể loại văn học mới như lẩy Kiều, phỏng Kiều, tập Kiều, nhại Kiều, vịnh Kiều: “Bước xuống sông Lam bắt con cá lội/ Trèo lên Hồng Lĩnh hái một trái sim/ Có thương em, anh mới đến đây tìm/ Bây giờ giáp mặt như Kim gặp Kiều.”

Những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trên quê hương xứ Nghệ anh hùng, tạo ra sự yêu mến và thuộc lòng Truyện Kiều của người lao động. Thời bấy giờ, nhiều người dân không biết chữ, nhưng Truyện Kiều đọc thuộc lòng và vận dụng chuyển thể hình thức lẩy Kiều, nhại Kiều trong sinh hoạt ca hát phường nón, phường vải...Từ nhỏ, khi cùng gia đình vào Huế - nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc làm quan - Bác Hồ kính yêu của chúng ta không những yêu mến Truyện Kiều  mà còn là bậc thầy vận dụng thơ Kiều trong giao tiếp hàng ngày. Bác là một trong những người có nhiều đóng góp, phát triển Truyện Kiều sang thể loại văn học vịnh Kiều, lẩy Kiều, nhại Kiều. Bằng hình thức trên, Bác đã tạo ra sự phong phú, sinh động và hấp dẫn, trong khi nói chuyện thời sự, chính trị khô khan người nghe không bị khô cứng.

Đứng trước cảnh nước mất, muôn dân nô lệ lầm than, nhiều phong trào Cần Vương, yêu nước của sĩ phu đứng lên đánh Pháp đều bị chúng dìm trong bể máu. Từ tình yêu Tổ quốc sâu nặng, Bác quyết ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân đánh đuổi quân xâm lược. Biết rằng ra đi là nhớ quê hương, Tổ quốc rất nhiều, nhưng Bác sớm xác định tư tưởng vẫn quyết ra đi. Năm xưa trên bến Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Sinh Cung đã lẩy một câu Kiều tỏ rõ quyết tâm sắt đá:

“Quyết lòng dứt áo ra đi

Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi”

Bôn ba khắp năm châu bốn biển, suốt thời gian 30 năm đằng đẵng xa Tổ quốc, người thân trong gia đình để tìm đường cứu nước, cứu dân phá xiềng xích nô lệ, Người vẫn nhớ, thuộc và sử dụng vốn ca dao, tục ngữ dân gian, Truyện Kiều trong giao tiếp, sinh hoạt với mọi người. Trong cuốn sách: “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của tác giả T. Lan kể rằng: “Khi đi công tác Bác đã đọc cho nghe và dạy cán bộ đi theo học từng đoạn và giải thích ý nghĩa từng câu, từng chữ trong Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm…”

Năm 1914, khi còn bôn ba ở nước ngoài, chưa hiểu biết nhiều về cách mạng, về Đảng và Quốc tế Cộng sản, với tâm hồn đầy nhiệt huyết yêu nước, trong một bức thư gửi tới nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành phỏng tác câu Kiều ca ngợi cụ Phan:

“Chọc trời, quấy nước tiếng đùng đùng

Phải có kiên cường mới gọi hùng”

Tuy câu thơ của Bác viết theo thể Đường luật, nhưng khi đọc lên mọi người đều nhận ra đó là câu Kiều, được vận dụng khéo léo, vẫn đủ ý nghĩa mà cụ Nguyễn Du dùng miêu tả khí tiết hiên ngang của Từ Hải đứng trước sự đè nén áp bức của triều đình mục nát: “Chọc trời quấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.

Theo nhà sưu tầm, nghiên cứu Truyện Kiều Nguyễn Khắc Bảo, cuốn truyện kể về đồng chí Tổng bí thư Trần Phú, người huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta. Nhà văn Sơn Tùng có viết một câu chuyện rất xúc động:  Năm 1930, khi đồng chí Trần Phú ở Liên-Xô về, gặp Bác tại lãnh thổ Trung Quốc. Một hôm vào ban đêm, Bác tỉnh giấc hỏi đồng chí Trần Phú:“…Đồng chí Lý (bí danh của Trần Phú) còn ngủ hay thức giấc rồi”. “Tôi vừa chợt dậy đồng chí ạ!”Trần Phú đáp lời Bác. Bằng một giọng bồi hồi, Bác kể với Trần Phú nghe giấc mộng về quê nhà, mà Người vừa mơ thấy…Bác ngồi yên lặng trên chiếc giường đơn, đôi mắt tinh anh nhìn vào màn đêm huyền bí, sâu thẳm. Ngồi một lúc khá lâu, Bác khe khẽ đọc mấy câu Kiều như để nhắc nhở bản thân:

“ Tình sâu mong trả nghĩa dày

Hoa kia đã chắp cánh này cho chưa

Mối tình đòi đoạn vò tơ

Giấc hương quan luống lần mơ cánh dài

Song sa vò võ phương trời

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”

Ngâm mấy câu Kiều để diễn tả nỗi niềm nhớ thương Tổ quốc của những người cộng sản xa xứ. Bác vận dụng rất đúng chỗ, mượn nỗi niềm của nàng Kiều nhớ cố hương để nói lòng mình da diết thương nhớ đồng bào trong nước đang sống cảnh lầm than cực khổ.

Hàng ngày, khi nói chuyện và viết văn, Bác Hồ thường dùng thể loại văn phỏng Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều với mục đích giảm sự khô cứng của vấn đề tuyên truyền, làm văn bản buổi nói chuyện thêm sinh động, thu hút người đọc, người nghe hứng thú theo dõi, dễ nắm bắt vấn đề được cử tọa chuyển tải. Năm 1942, Bác từ Trung Quốc về nước, ở tại hang Pắc-Pó chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam đã viết Bài ca sợi chỉ”, dùng thủ pháp tập Kiều để khích lệ quần chúng đặt niềm tin vào sức mạnh chân chính: “Mạnh gì sợi chỉ cỏn con/ Khuôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng”. Từ đó Người kêu gọi các tầng lớp tham gia vào công cuộc cứu nước:

“Yêu nhau xin nhớ lời nhau/ Việt minh hội ấy mau mau phải vào

Trong bài thơ “Lịch sử nước ta” do “Việt minh tuyên truyền”, xuất bản tháng 2-1942, giúp nhân dân dễ thuộc, dễ nhớ và truyền cho mọi người, Bác sử dụng tập Kiều theo thể thơ lục bát ca ngợi truyền thống thượng võ của dân tộc ta: “Mấy phen núi Nhị sông Lam/ Thanh gươm yên ngựa Bắc Nam ngang tàng”, mà nay lâm cảnh nước mất, nhà tan “sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng”. Mượn thể thơ tập Kiều, Bác Hồ kêu gọi đồng bào cả nước phải đồng tâm, đồng lòng xây dựng khối đoàn kết triệu người như một:

“Trên vì nước, dưới vì nhà/ ấy là sự nghiệp, ấy là công danh”

Nói chuyện với chị em phụ nữ mạnh dạn tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, trong sách “Kinh nghiệm du kích Tàu”, kể hết câu chuyện lập công của một cụ bà du kích quân Trung Quốc, Bác Hồ khích lệ tinh thần nữ giới bằng câu thơ tập Kiều:

“Đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan”

Làm công tác địch vận đối với binh lính người Việt lầm đường lạc lối, trót đi lính cho giặc Pháp trong quân đội bù nhìn, Bác kêu gọi họ “cải tà quy chính” bỏ chỗ tối, tìm chỗ sáng quay súng đánh lại giặc ngoại xâm:

      “Trong tay đã có súng rồi/ Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành

Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm khôi phục đất nước vô cùng gian khó, nhiều đêm lo nghĩ kế sách cứu nước, nói chuyện với đồng bào và chiến sĩ về việc quốc gia đại sự, Bác đã lẩy câu Kiều giải bày tâm sự của mình:

“Lòng riêng, riêng những bàn hoàn/ Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng”

Trong quá trình dựng nước, khi nói chuyện với mọi người Bác Hồ rất hay dùng câu tập Kiều như thế. Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, Bác Hồ nhận được giỏ cam của nữ thi sĩ Hằng Phương gửi tặng mình, Người đã làm bài thơ cảm tạ theo tập Kiều, giàu tình cảm, rất tinh tế và thi vị:

“Cảm ơn bà biếu gói cam/ Nhận thì không tiện, từ làm sao đây?/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?”

Trong các buổi nói chuyện tại lễ nghi trọng thể của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, lãnh tụ Hồ Chí Minh vận dụng thể thơ lẩy Kiều rất linh hoạt. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa II (1960), Bác phân tích tình hình thế giới và trong nước rồi kết luận bằng một câu thơ: “Phe địch xuống dốc, phe ta lên cao/ Ba mươi năm ấy, biết bao nhiêu tình”. Cũng vào năm 1960, tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận bằng một ý thơ trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du: “Công ơn Đảng như bể rộng, như núi cao/ Ba mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Tại Đại hội Đảng lần thứ III, trong bài nói chuyện của mình, Bác Hồ sử dụng một câu Kiều tiên đoán từ khi Đảng mới ra đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam chắc chắn thành công rực rỡ:“Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một, hai” Bác là người rất yêu mến thiếu nhi, luôn lo nghĩ cho thế hệ chủ nhân tương lai của Tổ quốc, đặc biệt là các cháu thiếu nhi miền Nam . Trong thư Trung thu gửi các cháu thiếu nhi miền Nam, Bác viết rằng:

“Sao cho Nam Bắc một nhà/ Các cháu xúm xít là ta vui lòng”

Bác lên máy bay đi thăm các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa, cán bộ lãnh đạo Đảng, Chính phủ và đồng bào tới sân bay tiễn Người, Hồ Chủ tịch hóm hỉnh lẩy một câu Kiều, dặn hẹn tất cả những người có mặt tại sân bay hôm ấy:

          “Tiễn đưa, nhớ buổi hôm nay/ Vui mừng xin đợi ngày này tháng sau”

Quá nửa đời người bôn ba khắp thế giới, hòa bình lập lại ở miền Bắc, trở về Kim Liên gặp lại bà con hàng xóm và bạn cùng trang lứa chăn trâu đánh cù ngày xưa, Bác xúc động đọc câu tập Kiều:

     “Quê hương nghĩa nặng tình sâu/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”

 Cũng bằng lời thơ tập Kiều, Bác căn dặn cán bộ, nhân dân Kim Liên: “Chúng ta đoàn kết một nhà/ Ấy là nghĩa nặng ấy là tình sâu”. Những khi tiếp khánh quốc tế, Bác thường vận dụng nghệ thuật lẩy Kiều để tạo ra không khí ấm cúng, thân thiết anh em bốn bể đều là người một nhà. Phong cách nói chuyện của Bác làm cho khách quý cảm phục sự bác ái, thông thái của vị lãnh tụ kiệt xuất của đất nước Việt Nam tươi đẹp và anh hùng. Đón tiếp đoàn đại biểu các Đảng cộng sản anh em dự Đại hội Đảng lần thứ III, Bác Hồ tập Kiều, vui vẻ đọc cho khách mời thưởng thức:

           “Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”

Một câu chuyện cảm động và rất thú vị, khi đón ngài Xu-các-nô là Tổng thống nước láng giềng Inđônêxia, sang thăm Việt Nam, Bác ứng khẩu đọc câu thơ tập Kiều: “Bây giờ mới gặp nhau đây/ Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên”. Khi vị Tổng thống lên máy bay về nước, Hồ Chủ tịch lại lẩy câu Kiều đưa tiễn rất tinh tế:

      “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ rất thích lẩy Kiều, phỏng Kiều, tập Kiều…thể hiện một hồn thơ đậm đà bản sắc dân tộc, bằng trí thông minh trời phú, đã vận dụng truyện Kiều làm phương tiện tuyên truyền cách mạng, xưa nay chỉ có Người mà thôi. Sinh ra ở Nghệ An, học tập ở Huế, từng dạy học ở trường Dục Thanh, ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng, đi vòng quanh thế giới với mục đích cao cả, vì đất nước độc lập, vì trăm họ tự do, hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Khi miền Bắc được giải phóng, người dân sống trong cảnh hòa bình, độc lập, tự do, nhưng miền Nam đang bị ngoại bang thống trị. Niềm mơ ước cháy bỏng của Bác Hồ là thống nhất Tổ quốc, Nam Bắc thu về một mối. Nhân dịp ứng cử đại biểu Quốc hội khóa II, ra mắt cử tri thủ đô Hà Nội, Bác vui vẻ nói: Đáng lẽ tôi (lẩy Kiều) Thảnh thơi vui thú thanh nhàn/ Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đàn tiêu giao…Nhưng… “Khi nào Nam Bắc một nhà/ Cho người thấy mặt là ta cam lòng”

Bằng tấm lòng yêu thương miền Nam đi trước về sau, nhân dịp Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam công bố Cương lĩnh chính trị (tháng 6-1967), Bác Hồ viết thư gửi tới luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch đoàn Trung ương Mặt trận, trong thư có câu phỏng Kiều:

           “Đến ngày thống nhất nước nhà/ Bắc Nam sum họp là ta vui mừng

Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1969), đón tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, Người phấn khởi vui mừng ôm hôn những người con dũng cảm mình yêu thương mong đợi. Bác xúc động nói với đoàn đại biểu: “Trong thơ Tết năm nay, tôi nói rằng; Tiến lên chiến sĩ, đồng bào. Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn. Trong lúc viết như thế, tôi không chắc đây là câu thơ được thực hiện sớm như vậy. Hôm nay có bác sĩ Phùng Văn Cung và đoàn đại biểu MTDTGP miền Nam ra đây, đồng bào miền Bắc rất sung sướng, vui mừng. Bây giờ tôi hoan nghênh đoàn đại biểu miền Nam ruột thịt mà nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không hết ý được. Tôi xin phép nói một câu: Bước đầu muôn dặm một nhà/ Bắc Nam sum họp là ta vui mừng”.

Tuy chưa được đặt chân lên bờ nam sông Bến Hải, Cửa Việt địa đầu miền Nam thành đồng Tổ quốc, nhưng Bác Hồ được gặp những người con ưu tú của dòng giống con Lạc cháu Hồng tại đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Sự gặp gỡ này góp phần thỏa lòng thương nhớ khôn nguôi như Bác Hồ suốt một đời cứu nước thường nói với các đồng chí cảnh vệ “miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.

Bác vận dụng những câu Kiều chứa đầy tình cảm nói với đồng bào, ca ngợi đất nước, quê hương. Thơ vận dụng truyện Kiều của Bác trở thành phương tiện tuyên truyền, có ý nghĩa giáo dục quảng đại quần chúng sâu rộng, chứa triết lý sắc sảo của vị lãnh tụ thiên tài. Trước khi về gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin, Người đã để lại lời tiên đoán như thần: “Còn non, còn nước, còn người.  Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Đây là một câu Người mượn ý trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du:

“Còn non, còn nước, còn dài/ Còn về, còn nhớ đến người hôm nay”

Mỗi người dân đất Việt đều nhớ ơn của Bác Hồ, Người chèo lái vĩ đại đưa con tàu cách mạng Việt Nam cập bến thành công. Người đã hi sinh hạnh phúc riêng tư, hiệu triệu nhân dân đứng lên đuổi giặc cứu nước. Công ơn to lớn ấy đã được ghi vào sử sách, truyền tới vạn đời sau. Xuân Canh Dần năm nay, đất nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội (1010-2010), 245 năm, năm sinh của Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2010) và 120 năm, năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đọc những vần thơ phỏng Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều mà Bác Hồ vận dụng tuyên truyền sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Có thể nói rằng, Bác Hồ là người đã truyền bá và chuyển thể Truyện Kiều ra nhiều hình thức văn học, đạt hiệu quả, giới thiệu quảng bá trong nước và quốc tế đến với truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Xuân này, xin thắp một nén hương kính dâng lên hương hồn cụ Nguyễn Du và Hồ Chủ tịch những người con ưu tú của đất Việt, dòng dõi Tiên Rồng - Lạc Việt.

 

   Đ.V.T

 

 

 
 
Đặng Viết Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 185 tháng 02/2010

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

1 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground