Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đọc thơ Hữu Thính

 

Q

uyển "Thơ Hữu Thỉnh" in gộp hai tập thơ và hai tập trường ca của anh - những tác phẩm này đã được in riêng trước đây. Đó là: Tiếng hát trong rừng, Thư mùa đông (thơ), Đường tới thành phố, Trường ca biển (trường ca). Trong đó trường ca Đường tới  thành  phố và tập thơ Thư mùa đông đã được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam vào những năm 1980  và 1995. Riêng tập thơ Thư mùa đông lại vừa mới được giải thưởng Văn học Đông Nam á năm 1999.  Nhân sự kiện vui mừng này của nhà thơ Hữu Thỉnh nói riêng và của văn học chúng ta nói chung, tôi muốn viết đôi điều mà lâu nay tôi vẫn lấy làm tâm đắc đối với thơ Hữu Thỉnh. Còn trường ca, xin để một dịp khác.

Ấn tượng đầu tiên mà thơ Hữu Thỉnh để lại trong tôi sau khi đọc là sự đa dạng, sự phong phú trong cảm hứng, cảm xúc thơ của anh cho dù đó là thơ thời kỳ chiến tranh khốc liệt hay thơ khi thời buổi đã yên hàn. Phải là một tâm hồn thật nhạy cảm thì khi nghe tiếng hát trong rừng Trường Sơn giữa lúc "ngổn ngang đường đất còn cháy khét", Hữu Thỉnh mới có được sự rung động và cái cảm giác này:

Nhạc ở trong đàn, đàn có gì đâu

Rừng bỗng chao nghiêng trước sợi dây mỏng manh

Người bỗng bồn chồn tốt tươi náo động

Tay vẫn tay mình mà tưởng nắm tay ai

Hai câu sau quả là thần tình! Nó đã diễn tả rất chính xác một cảm giác hết sức thực mà cũng đồng thời hết sức mơ trong tâm hồn những người lính thời chiến, mỗi lần được nghe văn công hát trong rừng.

Nhìn chung, mặc dù viết về chiến tranh và những người lính là nhiều hơn cả trong những trang thơ của Hữu Thỉnh, những xúc cảm và biểu đạt trong thơ anh thường phóng khoáng, không gân guốc, gò bó, kể từ nội dung đến hình thức câu chữ. Chính điều này đã làm nên nét mới của giọng thơ Hữu Thỉnh. Trẻ, khỏe, tự nhiên và hồn hậu. Thơ của anh ít yếu tố bác học, hàn lâm mà cứ ngồn ngộn cuộc đời và sự sống. Nhờ sự hồn nhiên trong cảm xúc, nhờ biết “nhặt” những hình ảnh ngỡ như chẳng có gì mà nhiều khi thơ Hữu Thỉnh gây được ấn tượng:

Chiến tranh đi qua mẹ con mình

Hàng gạch lún giữa sân, cơn mưa còn đọng nước

Hôm nay con trở về nhà

Chiếc vó nhện trên tường cũ vô cùng thân thuộc.

(Ngôi nhà của mẹ)

Đưa được hình ảnh chiếc vó nhện hết sức “vặt vãnh”, hết sức tầm thường vào thơ trong cảnh huống này thì thật là giỏi. Nó gợi được rất nhiều. Nó là sự bình yên, sự kết lắng, sự ấm êm rất đỗi đời thường trong "Ngôi nhà của mẹ", sau bao nhiêu dằng dặc chia lìa bởi chiến tranh. Chao ôi! Hóa ra hạnh phúc đời thường, nhiều khi không phải cứ là cái gì to tát, mà chỉ là sự được ngồi thanh thản trong ngôi nhà cũ kỹ có mẹ, ngắm nhìn những chiếc vó nhện bên bức tường cũ mà thôi... Phải sâu sắc lắm, phải đã từng trải qua chiến trận “thừa sống thiếu chết", vào sinh ra tử mới ngẫm ngợi được đến cái nỗi đời như thế ấy.

Rải rác khá nhiều trong thơ Hữu Thỉnh thường có những điểm sáng, những ý tứ và những câu thơ đột khởi kiểu như thế. Bởi thế, một ấn tượng nữa khi đọc thơ anh, là chúng ta dễ gặp được những câu thơ hay. Có thể nói phần lớn những bài thơ của anh, dù ít nhiều có khác nhau ở mỗi bài, nhưng bao giờ cũng được điểm xuyết bởi những câu thơ có hồn, nhiều khi khá độc đáo, kiểu như “Cây đổ về nơi không có vết rìu”, hoặc “Để sống một nghìn năm, ta gắng vượt một ngày”, “Em có thấy đảo gần hơn một ít/Ở nơi này anh vừa thả trăng lên”...

Trong thơ Hữu Thỉnh cái riêng tư và cuộc đời chung quấn chỉ làm một thật là tự nhiên, không một chút lên gân nào. Viết về nỗi long đong lật đật của đất nước phải ứng phó với chiến tranh như là một định mệnh, như là một số phận, thơ Hữu Thỉnh thật hồn nhiên, thật rỉ rả nhưng cũng thật sâu sắc, chua xót:

Bước chân con chưa kín mảnh sân nhà

Phía biên giới lại những ngày súng nổ

Ngôi nhà mẹ là cái ga bé nhỏ

Chúng con đến và đi trong suốt cuộc đời mình

Những câu thơ như thế này không phải là thứ thơ chỉ để đọc một lần, hoặc chỉ đọc một đôi lần mà đã thấm thía hết được. Đó là thơ để mà suy ngẫm, giúp cho mỗi con người sâu sắc hơn lên cùng với vận mệnh đất nước.

Chiến trường Đắc Tô những ngày tháng 3 năm 1975 đầy sự căng thẳng và sôi động trước bình minh toàn thắng của cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ suốt ba mươi năm trời của toàn dân tộc, vậy mà người lính chiến và là nhà thơ Hữu Thỉnh trên một chuyến đò đêm ở cùng giáp ranh vẫn tinh tế phổ được vào thơ những rung động trữ tình, mềm mại, chẳng những thế, còn rất tài hoa.

Bìm bịp chùm đôi kêu dính vào nhau

Tiếng nước vỗ tan ra rồi chập lại

Đêm chỉ thực bằng âm thanh chừng ấy

Tất cả là ru, tất cả là mơ

Và:

Đêm qua sông không nhìn thấy con đò

Và người lái, dồn bao nhiêu câu hỏi

Chúng tôi đi còn tần ngần ngoái lại

Chỉ thấy vầng trăng cuối tháng mới quăng lên

Chất thơ ấy là chất thơ của một hồn thơ tiên thiên, lãng mạn và trong trẻo.

Là một nhà thơ, nhưng trước đó Hữu Thỉnh là một chiến binh đích thực - hơn nữa, lại là lính xe tăng thiết giáp. Vậy mà, bao trùm và xuyên suốt thơ Hữu Thỉnh, bao giờ thơ anh cũng mềm mại về ngôn ngữ, về âm điệu, thấm đẫm chất trữ tình cho dù nhiều khi ý thơ, tình thơ rất rắn rỏi. Tiêu biểu như những bài: “Đêm chuẩn bị", "Ý nghĩ riêng không vần", “Giấc ngủ trên đường ra trận"...

Nhưng làm thơ, theo tôi ngẫm nghĩ khó nhất là làm cho được những bài thơ hay toàn bích. Hữu Thỉnh cũng rơi vào cái biển khó khăn, khốn khố ấy. Mặc dù rất nhiều câu thơ hay rải rác trong các bài thơ, nhưng những bài trọn vẹn hay như “Bầu trời trên giàn mướp", “Trở lại mùa xuân”, “Trông ra bờ ruộng" là hiếm.

Nếu ở tập thơ đầu, “Tiếng hát trong rừng” ta thấy thơ Hữu Thỉnh thường được xuất hiện, được hình thành bởi sự cảm xúc trực tiếp, sự rung động trực tiếp trước cuộc đời, trước sự sống thì sang đến tập thơ "Thư mùa đông" thơ của anh đã chuyển dần sang suy nghĩ, ngẫm ngợi nhiều hơn. Theo với thời gian, giờ đây thơ anh đã “già” hơn. Bóng dáng những năm tháng chiến tranh đã qua, hình ảnh đặc thù của những người chiến sĩ quân đội vẫn đi đi về về trong thơ anh. Tuy nhiên, giờ đây cuộc đời thường, cuộc đời sau chiến tranh nặng phần hơn đã tự nhiên vào thơ anh. Bởi thế, anh mới có những “Lời thưa” – bài mở đầu “Thư mùa đông” - với nhũng lời thơ, ý thơ suy tư thật lắng sâu.

Tôi thường bị đám gai của hoa hồng xua đuổi

Không có cách chi lọt vào mắt vô tình

Trong tiệc lớn rượu nào ai cũng nhớ

Tôi ấy mà, những chiếc cốc vô danh.

Tôi cho rằng “Lời thưa” là bài thơ toàn bích nhất của anh.

Cũng với các mạch chiêm nghiệm và suy ngẫm ấy, bài “Mưa đá” có những câu thơ sướng hết hồn vía.

Đá ơi, hạt chắc đầu bồn rụng

Ếch nhái kêu ran cỏ hội hè

Hạt lép vồng lên trương với gió

Đồng như canh bạc nước như mê

Thơ trữ tình viết về cuộc đời như thế là quá tài tình!

Còn những bài như “Phan Thiết có anh tôi” là thuộc hạng những bài thơ phải trả bằng xương máu của người ruột thịt, nó hay ở một nhẽ khác, ở những khía cạnh khác nữa bên cạnh thơ hay; mắt tôi đã hàng chục lần nhòe đi khi đọc đến những câu thơ trào vọt tình cảm ruột rà xé da đứt thịt:

Em đã qua những cơn sốt anh qua

Em đã gặp những trận mưa rừng anh gặp

Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết

Em một mình đứng khóc ở sau xe.

Rõ ràng, đến tập thơ "Thư mùa đông" thì thể tài, đề tài thơ của Hữu Thỉnh đã nới rộng, đã lắng sâu hơn rất nhiều. Một cái gì đó như là sự chín tới đã có được trong thơ. Về hình thúc, các bài thơ ta ngắn hơn, súc tích hơn, mà lượng thông tin của tâm hồn, của cảm xúc lại phong phú hơn. Vẫn mượt mà, vẫn tài hoa như thuở ban đầu,  nhưng giờ đây chặt chẽ hơn, đằm thắm hơn.

Cũng có thể Sầm Sơn còn trở lại

Nhưng mây kia đã cổ tích xa vời

Cũng có thể biển này còn gặp lại

Em đã thành muối xót ở trong tôi

                                                (Tạm biệt Sầm Sơn)

Dù được viết trong thời chiến, hay được viết trong thời bình thơ Hữu Thỉnh đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng nhất định. Thơ khoáng đạt, tự nhiên, mềm mại và trữ tình. Có khá nhiều câu thơ hay, dễ nhớ, dễ thuộc và thích thuộc để làm phong phú thêm cho tâm hồn con người.

Đối với một nhà thơ, thiết nghĩ, thế cũng là quý lắm, không phải người làm thơ nào cũng có thể đạt đến cái ngưỡng ấy.

H.C

Hoàng Cát
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 74 tháng 11/2000

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/07

25° - 27°

Mưa

03/07

24° - 26°

Mưa

04/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground