Nhưng ở một phương diện khác của lý luận, nghiên cứu, phê bình báo chí và văn học thì đây là câu chuyện cần thiết và thú vị, mặc dù cho đến nay vẫn còn tranh cãi, còn nhiều điều vẫn chưa thống nhất.
Từ điển văn học định nghĩa ký: “Ký là tên gọi chung cho một nhóm thể tài nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học (báo chí, chính luận, ghi chép tư liệu các loại), chủ yếu là văn xuôi tự sự, gồm các thể loại: bút ký, hồi ký, du ký, phóng sự, ký sự, nhật ký…”.
Định nghĩa trên đã khái quát được hai đặc điểm cơ bản của ký. Thứ nhất, ký là loại hình ghi chép nằm ở lằn ranh của văn học và ngoài văn học. Thứ hai, dạng thức ghi chép của ký là văn xuôi và phương thức biểu đạt chủ yếu của ký là tự sự. Mặt khác, giới nghiên cứu văn học phân biệt giữa ký văn học và ký báo chí; mục đích của sự phân biệt này là định ra đối tượng của nghiên cứu văn học là ký văn học - một thể loại của văn học, đặt song song với thơ trữ tình, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản văn học và các thể loại văn học khác. Ký văn học “chỉ cần chân thực, phải mang tính thẩm mỹ”, còn ký báo chí “phải tuyệt đối xác thực, kịp thời, thông tin rành rọt, khách quan”.
Nói một cách ngắn gọn và đơn giản nhất thì ký văn học phải thể hiện rõ cái tôi tác giả trữ tình, nhiều chất văn, mang vẻ đẹp của nghệ thuật ngôn từ, tạo nên những cảm xúc thẩm mỹ đúng nghĩa còn ký báo chí thì nặng về thời sự, mang tính thông tấn, coi trọng sự chính xác, khách quan.
Có những nhà văn mà sự nghiệp sáng tác của họ tỏa bóng xuống cả hai thể loại báo chí và văn học, tạo nên những tác phẩm phức hợp gây nên những tranh luận, tìm tòi như trường hợp nhà văn Vũ Trọng Phụng. Trong chuyên luận Tiểu thuyết phóng sự Vũ Trọng Phụng và những “lằn ranh” thể loại của nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng đã có những lưu ý và dẫn chứng quan trọng. Tác giả chuyên luận đã đặt vấn đề như sau: “Vũ Trọng Phụng xuất hiện trên văn đàn hiện đại Việt Nam trước hết với tư cách một nhà báo, một cây bút phóng sự cự phách đến mức được đồng nhiệp và độc giả đương thời tấn phong là “Ông vua phóng sự đất Bắc”. Những phóng sự văn học nổi tiếng của ông bao gồm: Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Dân biểu và dân biểu (1935), Cơm thầy cơm cô (1936), Vẽ nhọ bôi hề (1936), Lục xì (1937), Một huyện ăn tết (1938). Trong tác phẩm Nhà văn hiện đại(1942), Vũ Ngọc Phan đã xếp Vũ Trọng Phụng vào nhóm các nhà văn viết phóng sự (gồm nhà văn họ Vũ và các nhà văn danh tiếng khác lúc bấy giờ như Tam Lang - Vũ Đình Chí, Trọng Lang, Ngô Tất Tố), còn nhà văn Chu Thiên lại được xếp vào nhóm nhà văn viết “tiểu thuyết phóng sự”. Nhận xét của Vũ Ngọc Phan về Vũ trọng Phụng rất khách quan: “Vũ Trọng Phụng là một nhà văn sở trường về phóng sự dài; những tập phóng sự trên này của ông đều là phóng sự dài cả. Những tập xuất sắc nhất của ông là Kỹ nghệ lấy Tây và Cơm Thầy cơm Cô”. Tuy nhiên sau đó ông Vũ Ngọc Phan cũng đã nhận xét về tiểu thuyết của nhà văn họ Vũ: “Cây bút của Vũ Trọng Phụng những năm đầu là một cây bút phóng sự, một cây bút phóng sự sắc sảo và khôn ngoan, sau ông luyện nó ra một cây bút tiểu thuyết, nhưng cái giọng phóng sự vẫn còn”. Nhưng khi đánh giá toàn cục, Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Nên về phóng sự, ông thành công hơn là về tiểu thuyết”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: “Phóng sự của Vũ Trọng Phụng thường có chất tiểu thuyết, nghĩa là có sáng tạo nhân vật với những số phận khác nhau...”.
Trong văn học Việt Nam có những nhà văn thành danh nhờ viết ký văn học, đặc biệt là Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cái tôi tác giả và hàm lượng văn chương đầy ắp các trang viết. Như khi ta đọc Sông Đà của Nguyễn Tuân chẳng hạn thì có thêm những hiểu biết kỳ thú về dòng sông này từ những kiến thức địa lý, lịch sử chứng tỏ sự thâm nhập sâu sắc của nhà văn với đối tượng được miêu tả, thể hiện tình yêu thiên nhiên và đất nước của người cầm bút... đã được khúc xạ qua tâm cảm của nhà văn, được thể hiện bằng một bút pháp sáng tạo, kỳ khu và nhiều khi biến hóa. Hay lúc ta đọc Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì thưởng thức một tuyệt bút với văn chương tài hoa, uyên bác và một tình cảm máu thịt với con sông Hương tượng trưng cho xứ Huế. Có những nhà báo còn được gọi là nhà văn như nhà báo Thép Mới với tùy bút nổi tiếng Cây tre Việt Nam hay nhà báo Phan Quang (người Quảng Trị) với những tập ký giàu chất văn chương...
Như vậy việc phân biệt ký văn học và ký báo chí khi cảm nhận, đánh giá không phải là điều khó khăn, phức tạp. Ký báo chí chắc chắn không phải là một tác phẩm văn chương đúng nghĩa, không hoặc ít có giá trị thẩm mỹ, không thể hiện cái tôi trữ tình... còn giá trị báo chí thì lại là chuyện khác. Dù còn những điều chưa thống nhất và chưa thật rạch ròi khi phân định nhưng khi đi vào các tác phẩm cụ thể thì việc gọi tên thể loại tác phẩm là báo chí hay văn học hoàn toàn là chuyện khả thi. Trong thực tế, có một số tác giả khi các tập sách của mình về ký thường hay ghi thêm “Tập phóng sự, bút ký” và cho rằng bút ký là văn học, hoặc ghi “Tập ký/bút ký” và cũng mặc nhiên coi đó là thể loại ký văn học. Một số bài báo có chút ít chất văn chương (như một vài câu, từ...) cũng được tác giả gọi đó là ký văn học có thể là vì cho nó oai, nó sang!
Câu chuyện nhầm lẫn hoặc cố tình đánh đồng ký báo chí và ký văn học nếu bình thường thì chắc không đến nỗi gây rắc rối, thậm chí dẫn đến xung đột giữa các ý kiến khác nhau. Tuy nhiên vấn đề dễ nảy sinh khi tham gia dự giải, xét giải. Nếu không định danh rõ ràng tác phẩm là ký báo chí hay ký văn học thì tác phẩm báo chí lại lẫn vào thể loại ký văn học. Khi ấy những rắc rối, phiền hà, thậm chí khiếu kiện rất dễ nảy sinh. Đây là chuyện các ban tổ chức, ban giám khảo nên tiên lượng và thông tin rõ ràng khi chấm giải có liên quan đến tác phẩm văn học, cụ thể ở đây là ký văn học. Đặc biệt là sự phân định giữa tác phẩm báo chí và tác phẩm văn học, không đơn giản là muốn ghi thế nào trên tác phẩm cũng được mà “y phục phải xứng kỳ đức”, nhất là tránh được tình trạng ngộ nhận dễ dãi và vơ vào tùy tiện.
P.X.D