S |
au năm 1975, lịch sử nước ta đã bước vào một thế kỷ mới, thời kỳ cả nươca thống nhất cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Hoàn cảnh lịch sử - xã hội đã thay đổi từ chiến tranh sang hòa bình, văn học cũng từ văn học chiến tranh chuyển sang văn học hòa bình, văn học của muôn mặt đời thường. Một thời đại mới cần phải có một nền văn học mới. Do đó, nhu cầu đổi mới văn học là một yêu cầu tất yếu. Nhà văn không thể viết như trước nữa.
Tuy nhiên, sự chuyển động, đổi mới của văn học ở ta trong khoảng 10 năm sau 1975 hầu như rất chậm rải và "êm đềm". Đa phần các cây bút thuộc hai thế hệ nhà văn kháng chiến vẫn viết theo quán tính của văn học chiến tranh. Một số phải gác bút vì không chuyển đổi được tư tưởng nghệ thuật và tâm hồn.
Trong các đội quân văn học, thơ lại là binh chủng có sức ỳ và vận động theo quán tính cũ nhiều nhất. Chúng ta chắc còn nhớ, trong khi thơ đang khủng hoảng vì rất cũ kỹ về đề tài, chủ đề, cảm hứng, cá tính mờ nhạt, thơ nhạt nhẽo, viễn vong và bị đa số bạn đọc xa lánh (1) thì kịch nói và văn xuôi đã bứt lên được vào đầu những năm 80 và gây được nhiều tiếng vang trong dư luận rộng rãi hồi ấy.
Sở dĩ phải nói qua tình hình của thơ như trên là để hiểu thêm về sự chuyển hướng khá mạnh mẽ của thơ Chế Lan Viên vào những năm 80 được thể hiện qua ba tập Thơ Di cảo.
Ở những năm tháng cuối cuộc đời, Chế Lan Viên vẫn không ngừng suy ngẫm, trăn trở trên khá nhiều vấn đề thiên chức của nhà thơ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Ông cân lên những thành công và thất bại, những còn và mất, những vinh quang cùng cay đắng của đời mình, của thơ mình. Ông dũng cảm nhìn nhận lại, tỉnh thức lại về mình, về thơ. Ý thức tự vấn để soi rọi ngoc ngách tư tưởng và tâm hồn, để tìm lại chính mình đã trở nên cảm hứng và giọng điệu chủ đạo của cả ba tập thơ.
Cái câu hỏi "Ta là ai" tưởng đã được Chế Lan Viên giải quyết xong từ lâu, giờ đây lại xuất hiện nhiều lần trở lại:
Con người ngẩng lên trời làm triết học
Ta là ai? Về đâu? Hạt móc
Là ta chăng? Dòng sông là ta chăng? Tiếng khóc
Là ta chăng? Vì sao lạc phương trời
Là ta chăng? Ta chưa kịp trả lời.
Thì sông đã cuốn ta vào bóng tối
Cậu bé chơi tùng dinh chợt già trăm tuổi
Câu hỏi thuở bé thơ, miệng huyệt trả lời.
(Hỏi? Đáp?)
Thì ra câu hỏi về mình vẫn cứ ám ảnh, theo đuổi nhà thơ đến tận cuối đời. Đó là câu hỏi không dễ trả lời hay nói đúng hơn là Chế Lan Viên đã trả lời nó từ nhiều góc độ khác nhau.
Có lúc ông tự nhận mình chỉ là "Nhà thơ cưỡi trâu/ Đánh giặc trận cờ lau/ Đã lâu ta không còn nghe hồn lau gọi nữa? Chỉ nghe danh vọng ầm ào/ Vinh quang xí xố" (Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh). Có khi ông ví mình như hạt ngọc được kết tinh lên từ bao bùn đất và nước mắt (Ngọc sau cùng). Lúc này ông ví nhà thơ như là Chiêm Tinh đang đoán vận số của mình mà mãi vẫn chưa ra; lúc khác ông lại ví nhà thơ như cái máy bay chưa tìm ra nơi hạ cánh, như ông vua Thục đang bị dồn đến đường cùng v.v…Dù dưois góc độ nào những câu trả lời cho câu hỏi "ta là ai" đều có chung một giọng điệu trầm lắng, đau buồn, xót xa:
Giờ là thế giới ủa xe cúp, ti vi, phim màu ngũ sắc
Của quyền lực tuổi tên đốp chát
Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng
(Thời thượng)
Vai trò và vị trí cao đẹp của nhà thơ trước đây đã nhường chổ cho vị trí khiêm tốn của đời thường, của bao điều nghịch lý: "Anh là kẻ rất thấp mà, là chổi thôi mà/ Sao lại bắt anh quét trời như những chùm sao" (Làm sao).
Nếu trước đây ông ước nguyện và phấn đấu để trở thành nhà thơ chiến sĩ, thơ mình thành vũ khí thì nay ông chợt cay đắng nhận ra: "Tôi chưa có câu cười", "Ôi văn chương có lỗi với bao người" (Ví dụ).
Thời đại đã đổi thay, nếu nhà thơ không chịu đổi mới cách nhìn, cách cảm và cách viết thì mãi mãi anh ta chỉ là nhà thơ "cuối mùa" là "nhà thơ điếc" muốn đem "gậy chống trời":
Những thi sĩ già đi quanh cái cây danh vọng già nua
Lượm tên tuổi mình rụng quanh gốc già như quả khế chua
Lượm cái hào quang cũ héo hon như chùm táo rụng
Họ ăn cái miếng ngon một thời danh vọng
Ngon thay là cái quả cuối mùa!
(Cuối mùa)
Có châm biếm, chế giễu người thì cũng chính là tự giễu mình để rồi nhắc mình: không thể viết như cũ, nhìn đời và nhìn người như cũ được nữa. Vậy muốn thay đổi, nhà thơ phải bắt đầu từ đâu? Từ hình thức hay từ nội dung -tư tưởng. Qua chiêm nghiệm, đúc kết cả cuộc đời, Chế Lan Viên khẳng định:
Ngồi giữa cá tôm, trong xe buýt, xe lam đầy bụi
Ra khỏi sức hút của danh vong, bản thân, tên tuổi
Trộn hạt giống anh vào trăm giống cao sang, hèn hạ của đời
Nghĩ sâu vào trong cái đang sống bên ngoài
Rồi từ đấy mới đẻ ra thơ như Đức Chúa Lời
Hôi hám thế mới thực tình là Chúa
Muốn đổi lời ư? Anh phải đổi đời.
(Đổi đời)
Phải chăng đó mới là cái gốc của sựu đổi mới trong thơ Chế Lan Viên ở ba tập Thơ di cảo.
Chế Lan Viên quan niệm: Muốn khỏi "mất giá", khỏi "già nua", "lạc lõng" trước hiện thực mới, nhà thơ không ngừng phấn đấu vươn lên, bằng tài năng và công phu lao động sáng tạo mà chống lại "thời gian nước xiết", chống lại sự lãng quên. Tất cả nhằm mục đích viết cho hay. Thơ hay sẽ là thơ sống mãi trong lòng người, là thơ muôn đời có ích:
Viết âm thầm
Viết hay cho người yêu
Viết hay cho người ghét
Viết hay cho bõ ghét
Viết cái gì cho vợ con, bè bạn
Sẽ tự hào khi anh thành giun dế, đất bùn, bọ chét.
(Chuẩn bị đi)
Càng cảm nhận được rất rõ sự hối thúc của một cuộc ra đi vĩnh viễn đã rất gần, Chế Lan Viên càng hối hả lao vào các trang viết bằng công phu lao động nghệ thuật mà chiến thắng "Sự hủy diệt của cái chết":
- Khi gà te te đầu hôm, gà te te cuối xóm
Tôi đã dậy cày vào trang giấy trắng
(Hồi ký bên trang viết)
- Anh hì hục dậy trước gà và ngủ sau ánh lửa
Đèn cạn dầu, cháy bấc đêm đêm
(Uổng công)
- Thời hạn đi tìm thơ của anh sắp hết mà bến bờ còn tít mù xa
Nhưng dừng lại anh đâu còn anh nữa
(Tìm thơ)
Lấy công phu lao động để bù lại cho "tài năng bẩm sinh nay đã cạn rồi" đã chứng minh cho niềm đam mê và ý thức trách nhiệm rất cao của Chế lan Viên với "Nghiệp chướng thơ". Đối với ông, nhà thơ đừng sợ thiếu tài năng mà chỉ sợ sự khô cạn của tâm hồn. Đó là khi nhà thơ "không còn có nỗi buồn Thôi Hộ", không còn nhìn thấy tiếng rì rầm của dòng sông, vũ trụ… Lúc ấy là giờ "báo tử" của nhà thơ:
Hơn thế, anh đã vĩnh biệt từ lúc ngòi bút trang thơ anh bất lực
Thấy ban mai mà không biết đấy xuân về
(Giờ báo tử)
Một trong những quan niệm nổi bật về nhà thơ của Chế Lan Viên ở giai đoạn chống Mỹ là sự gắn bó máu thịt giữa nhà thơ và cộng đồng dân tộc. Nhưng khi ấy nhà thơ chỉ mới tập trung vào nhìn và cảm từ phía thuận chiều để phát hiện ra những cái cao đẹp, những niềm vui tin lớn, để mà ngợi ca và khẳng định. Ông có nói đến nỗi đau buồn thì chỉ là của riêng mình, chỉ để đấu tranh vươn lên cho xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại. Giờ đây ông quan niệm một cách toàn diện hơn về cuộc đời và nhà thơ: Cuộc đời không chỉ có niềm vui mà còn có đau buồn, có mặt sáng và mặt tối, có mặt thuận chiều và cả mặt nghịch chiều. Con người không chỉ có hạnh phúc mà còn có đau khổ, có niềm tin và cả sự bi quan, chán nản, bất lực… Nhà thơ do đó phải có bản lĩnh nhìn thẳng vào sự thật để phát hiện ra sự đa dạng, đa chiều của cuộc sống. Nhà thơ phải vứt bỏ những hư danh, những ảo ảnh quen thuộc để:
Trộn vào dân
Vào bùn
Vào ở trong các cực nhọc
Anh đừng là viên ngọc
Mà là viên sỏi, cục gạch lẫn trộn vào cỏ rác
Hiểu cho hết cái đau của cuộc đời
Nghe tiếng cười của trẻ con nheo nhóc
Điệu hát những bà mẹ xanh xao
Rồi lặng lẽ cuốc đào
Miếng đất thơ trong vườn anh
(Chuẩn bị đi)
Biết cảm nhận được sâu sắc nỗi đau của đồng loại và của chính mình, đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của người nghệ sĩ. Cái làm cho nghệ thuật tồn tại và thức tỉnh lay động con người, cái làm cho nghệ thuật đậm đặc chất nhân đạo, nhân văn cao đẹp chính là vì nghệ thuật đã tập trung diễn tả những số phận con người cụ thể với tất cả vinh quang cùng cay đắng của nó. Do đó, ta hiểu vì sao, cảm hứng về nỗi đau buồn đã xuyên thấm qua từng trang thơ di cảo lúc đậm, lúc nhạt khác nhau. Cảm hứng ấy là một phần quan trọng tạo nên hồn thơ đa đoan, đa dạng Chế Lan Viên vào quãng cuối cuộc đời. Không chú ý, không hiểu được điều này, chúng ta cũng không hiểu bao nhiêu về sự nghiệp thơ ông:
Người ta chỉ biết màu sen anh đỏ rực
Còn nỗi buồn hoa súng biết cho đâu
(Hoa súng)
Với quan niệm về sự đa dạng của cuộc đời, của lòng người như vậy, Chế Lan Viên thấy giờ đây là lúc ông cần phải khôi phục lại cái ''Tháp thơ - Tháp Bay-On bốn mặt'' của mình:
Anh là tháp Bay-On bốn mặt
Giấu đi ba còn lại đó là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn mình
(Tháp Bay-On)
Cái chung, cái ta suốt ba chục năm chiến tranh cách mạng có phần lấn át cái riêng, cái tôi. Đó là do cuộc sống, do thời đại đòi hỏi theo cái lý của lịch sử. Mọi người trong đó có Chế Lan Viên đã tự nguyện hiến thân cho sự tồn vong của đất nước này. Thơ của ông cũng vậy. Do đó sau này nhìn lại, ông chỉ thương cho thơ chứ không nỡ trách và oán hận:
Thơ chỉ sống một phần cho mình
Còn ba phần cho nhiệm vụ
Nghĩ mà thương
(Sử)
Thái độ đối với quá khứ trên đây của Chế Lan Viên sau này được một số nhà thơ đẩy lên táo bạo hơn, dứt khoát hơn ''Đã có một thời nỗi đau ta phải giấu/ ta đánh mất trong ta nửa con người/ bài thơ phải cắt đi cái phần thật nhất/Trang báo ta cười chỉ đọc những niềm vui'' (Tạ lỗi cánh đồng - Trương Nam Hương), ''Thơ viết cái chung xuôi chiều tốt đẹp/ Bóng vào thơ, nem nép bóng soi nghiêng'' (Thơ tặng bạn - Phan Xuân Hạt).
Một vấn đề nữa rất đáng chú ý trong quan điểm cua Chế Lan Viên về nhà thơ là nguy cơ đánh mất cá tính, ''đánh mất mình'' của thi sĩ đương thời. Đọc các tập Di cảo thơ, chúng tôi đã thống kê được 26 lần ông suy ngẫm, báo động về vấn đề này ở nhiều góc độ khác nhau (Kịch Thơ về Thơ, Mất giá, Tiếng Vang, Kịch giả, Vịt đàn , Kịch (2), Thất trận, Cuối mùa, Áo triều bào, Cứu mình, Bất tử, Ra - vào, Bóng mình, Ảnh màu…)
Người diễn viên ấy đóng trăm vai, vai nào cũng giỏi
Chỉ một vai không đóng nỗi
Vai mình!
…
Anh đóng giỏi trăm vai lại đánh mất mình
(Thơ về thơ)
Nhưng khi cả mọi người đến vây quanh…
Mà anh chả có tính gì, đến cả đời anh anh chả thuộc
Thế thì thơ ơi làm gì cho khổ!
Nói nỗi trời đất bao la mà chả nói được mình
(Ra - vào)
Đó phải chăng là một nỗi đau đớn khôn cùng, một bi kịch của người nghệ sĩ. Tự đánh mất mình hay vì bất kỳ lý do nào khác để mình không còn là mình thì sự chân thực và cá tính sáng tạo sẽ không còn nữa. cái tôi cá nhân của nhà thơ chỉ còn mờ như ''cái bóng mình''. Thay vào đó là cái tôi giả, với những vui, buồn giả. Nhà thơ ấy sẽ chẳng làm rung động được ai.
Chính là với sự thức nhận như vậy nên chúng tôi đã từng khẳng định: Di cảo thơ Chế Lan Viên là hành trình đi tìm kiếm thơ và tìm lại chính mình (2)
Đổi mới quan niệm về nhà thơ của Chế Lan Viên là đổi mới cách nhìn, cách cảm về bản thân, về cuộc đời, là dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để nói ra những điều khó nói… Đó cũng chính là ý thức trách nhiệm rất cao đối với thơ. Đó cũng chính là một bản lĩnh nghệ thuật độc đáo và mạnh mẽ của Chế Lan Viên giai đoạn cuối đời.
N.Q.K
____________________
(1) Nhiều tác giả - Thơ hôm nay (Thảo luận). Báo Quân đội nhân dân ngày 6/6/1987.
(2) Nguyễn Quốc Khánh - hành trình tìm kiếm thơ và tìm lại chính mình - Báo văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 42 ngày 25/11/1998.