Nghệ thuật Bắc Trung bộ không đi theo một chủ đề nhất định, không gồng gánh một lý tưởng cao sang mà hoà vào cuộc sống đương đại, tìm kiếm những điều đời thường nhất, say mê khắc hoạ các sự kiện sống động trong xã hội. Triển lãm mỹ thuật hàng năm trở thành nơi hội tụ của những tác giả nhiều thế hệ, mỗi lúc mỗi lớn mạnh với những phương thức, trào lưu nghệ thuật mới.
Tiếp nối dòng chảy mỹ thuật đương đại, cuộc sống phơi bày ra trước mắt mỗi người biết bao cảnh ngộ, số phận. Người nghệ sĩ khác những người bình thường ở chỗ biết tìm ra những hiện tượng đặc sắc có thể xây dựng hình tượng nghệ thuật. Cuộc sống là phong phú vô tận, ngoài việc tìm đến những mảnh đất mới của hiện thực để gieo mầm ý tưởng, người nghệ sĩ phải biết phát huy cái riêng của mình để tìm ra những gì mới mẻ trong những đề tài quen thuộc. Có như vậy, mới tránh khỏi sự lặp lại vô nghĩa những điều mà người khác đã khai thác. Nói cách khác, phải tìm ra cho mình một con đường sáng tác riêng để đến với cuộc sống và với trái tim người thưởng thức.
Một số tác phẩm của họa sĩ Quảng Trị tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ 28 - Ảnh: T.H.T
Trong nghệ thuật, nội dung và hình thức gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau. Nội dung là nội dung của hình thức, và hình thức là hình thức của nội dung. Một nội dung mới sẽ tự tìm cho mình một hình thức mới. Sự thay đổi về hình thức nghệ thuật cũng có thể kéo theo những biến đổi về nội dung. Nghệ sĩ phải biết nhìn sâu vào cuộc sống, hiểu sự kiện đa chiều trong xã hội để khám phá và cất tiếng nói riêng của mình với cuộc đời.
Trải qua thời gian, nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ vẫn giữ nguyên sức quyến rũ. Đã có những sáng tác mô phỏng hiệu ứng ánh sáng từ sự thay đổi của không khí kết hợp với sương mù, từ đó sáng tạo sự chuyển dịch của từng hình thể. Qua đó thách thức tính thẩm mỹ truyền thống và đưa đến cái nhìn mới về chủ đề, màu sắc và cách thể hiện. Môi trường mỹ thuật khu vực đã đóng vai trò của nghệ thuật cấp tiến. Đã tạo nên năng lượng kỳ lạ, toả ra khắp mọi ngõ ngách và hình thành một bầu không khí sôi động, tràn đầy cảm hứng để các nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Ngay cả khi không tổ chức sự kiện triển lãm, nghệ thuật vẫn được chú trọng phát triển với niềm tin là nền tảng của cuộc sống. Sự phát triển của kinh tế và những ảnh hưởng xã hội, chính trị cũng là đề tài và cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ. Công chúng có thể dễ dàng tìm thấy những lát cắt thi vị của nghệ thuật tạo hình nơi đây, như chưa bao giờ cạn kiệt chất liệu để các thế hệ nghệ sĩ tự do khai thác.
Màu xanh của nước hoà cùng màu xanh của non tạo nên một vẻ đẹp thanh nhã. Cảnh tĩnh như không có một chút xao động nào. Cả một bầu không khí thanh sạch, thơ mộng được mở ra. Dòng chảy nghệ thuật bất biến có những niềm hạnh phúc trong nỗi đau khổ tột cùng mà chỉ người nghệ sĩ mới hiểu được. Sáng tạo ra cái mới chính là kết quả của sự công phu và tài năng, nó tạo sức mạnh cho người nghệ sĩ chiến thắng quy luật của thời gian.
Chọn lối vẽ trừu tượng, dùng cái vô hình tạo ra cái vô hình, cái vô hình đó lại diễn đạt cảm nhận bên trong của mình, tác giả Nguyễn Đình Dàng (TT Huế) luôn tôn trọng sự vận động của xúc cảm, lắng nghe sự biến chuyển của nó. Vì thế tác phẩm Tấu khúc là một khoảnh khắc nào đó của tâm trí về những điều xung quanh mà người họa sĩ nắm bắt. Vẫn là mối quan tâm chủ yếu về thiên nhiên, con người ở nông thôn và thành thị trong nhiều trạng thái và không gian sống khác nhau, qua đó họa sĩ Nguyễn Đình Truyền (Nghệ An), Nguyễn Thiện Đức (TT Huế) muốn nói đến một cuộc sống đa dạng, luôn biến đổi và phát triển ở những thành phố lớn cùng nhiều mâu thuẫn, bức bối do con người tạo ra.
Các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng thể hiện, khắc họa những hình ảnh, những kỷ niệm một thời kháng chiến, ca ngợi tình cảm quân dân, tình cảm hậu phương người lính và những năm tháng hào hùng của quân và dân trong kháng chiến chống ngoại xâm. Tác phẩm Hẹn ước của Bùi Thị Ngoan, Chúng tôi lính đảo xa của Lê Trọng Tấn (Thanh Hoá), Hồi ức chiến tranh của Lê Xuân Tụ (Nghệ An), Cuộc chiến của Trương Minh Luyện (Quảng Bình), Quà đến Trường Sa của Hồ Thanh Thọ (Quảng Trị)… trung thành với lịch sử chiến tranh, sự phong phú của tài liệu sống, nhưng không vì thế phai nhạt phẩm chất hư cấu vốn được coi là hồn vía của hội hoạ.
Tìm kiếm bản sắc nghệ thuật, thấy nó là một hiện hữu, một hiện thực. Nhưng tới gần thì nó cứ như bóng trong gương, trăng đáy nước, ảo ảnh trên sa mạc. Nghệ thuật trở nên nổi bật, không phải vì họ sáng tạo một phong cách độc nhất mà họ đã sáng suốt và thành công lựa chọn cho mình một “kiểu” riêng để phát triển. Hội nhập là cơ hội để tiếp xúc với nhiều giá trị, nhưng cũng là thử thách buộc nghệ sĩ phải lựa chọn để kiểm định lựa chọn giá trị sáng tạo của mình. Sự giao lưu giữa các trào lưu nghệ thuật là điều tất yếu để thỏa mãn tính mở của dòng chảy nghệ thuật Bắc Trung bộ.
Phải chăng nếu bản sắc nghệ thuật Bắc Trung bộ có cái riêng độc đáo thì sẽ là "chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi" khi đề cao nghệ thuật khu vực mà làm lu mờ nét riêng ở những khu vực khác. Bản sắc nghệ thuật là nhiều nhưng tụ lại làm một, là một nhưng là một chỉnh thể thống nhất của nhiều khía cạnh nghệ thuật khác nhau. Nghệ thuật là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng và thế giới thực tại. Quan hệ ấy biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của một vùng đất. Không chỉ giúp phân biệt cá nhân, vùng miền này với vùng miền khác mà còn tạo nên một định hướng sống mang tính dân tộc, lịch sử, tạo nên những giá trị nhân văn bền vững, lâu dài. Bản sắc nghệ thuật của mỗi khu vực chắc chắn phải là một thành tựu.
Dòng chảy bất tận của nghệ thuật đem lại không chỉ đáp ứng các nhu cầu xã hội, mà nó còn có tác dụng thúc đẩy xã hội, làm cho nó luôn ở trạng thái vận động theo hướng đi lên. Bởi vì, thông qua các tác phẩm nghệ thuật, con người bị cuốn hút một cách đầy hấp dẫn vào việc nhận thức ra chân lý cuộc sống. Nghệ thuật còn lôi kéo số phận con người lại gần nhau, gửi những thông điệp, truyền từ đời này đến đời khác để chia sẻ buồn vui với nhau.
Tác phẩm hội hoạ Bắc Trung bộ có diện mạo riêng, cá biệt, đặc thù, không giống nhau. Những hình hài hiện ra phù hợp với mục đích để tác giả thể hiện quan điểm, gửi gắm tư tưởng của mình, tính tạo hình về đề tài. Các yếu tố như hình, bố cục, cũng tạo nên sự biến đổi, cách điệu hay đơn giản hình thể. Những tác phẩm mới trong triển lãm phá vỡ ranh giới của những hình thể thực. Một số tác phẩm mang đậm tính trữ tình nhưng mạnh mẽ, lôi cuốn ở đời sống nội tâm, thúc đẩy sức liên tưởng ở người xem. Tính nhất quán, khả năng biểu đạt, tính dân tộc, đột phá về không gian trong sáng tạo vượt qua vấn đề địa lý khu vực và nếp sống văn hoá. Các tác giả có khả năng về điều kiện kinh tế chuyển dịch khắp nơi trong nước và nước ngoài để làm việc, nghiên cứu và triển lãm. Tác phẩm của họ chịu nhiều ảnh hưởng trong quá trình sáng tạo. Song cũng chính điều này đã điểm xuyết thêm phẩm chất tư duy trong sáng tạo tác phẩm làm nên sự khác biệt của nghệ thuật Bắc Trung bộ. Đó là tác phẩm Tuổi thần tiên của Đặng Thị Thu An, Phố đêm của Phan Thanh Bình, Nét Việt 2 của Lê Phan Quốc (TT Huế), Gia đình của Từ Xuân Bắc (Hà Tĩnh), Giấc mộng bay của Nguyễn Lương Sáng (Quảng Bình), Ra khơi của Lê Hải Anh, Nguồn sống của Nguyễn Đăng Khoa (Thanh Hoá), Giai điệu rừng thiêng của Lê Cảnh Oánh (Quảng Trị)…
Các tác phẩm điêu khắc trong triển lãm với những hình khối ấn tượng, giàu cảm xúc và óc sáng tạo, gắn kết chủ đề với điêu khắc truyền thống và mang dấu ấn xã hội sâu sắc. Một số tác phẩm như: Miền sáng, chất liệu sắt hàn, Dáng hoa, chất liệu gỗ của Lê Ngọc Thái (TT Huế); Vua và Hoàng hậu, chất liệu gỗ của Trương Trần Đình Thắng (Quảng Bình); Hạnh phúc trên vùng cao, chất liệu gỗ của Nguyễn Văn Hùng (Quảng Trị); Ngẫm, chất liệu đồng của Nguyễn Quang Huy, Luân vũ, chất liệu tổng hợp của Trương Trần Thiện Tâm (Quảng Trị)… Các tác giả bám sát các đề tài đa dạng của cuộc sống, cố gắng nêu bật được vấn đề thời đại đó là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội, tình cảm gia đình, bè bạn, tình yêu, tình mẫu tử. Tuy vậy, trong triển lãm vẫn còn một số tác phẩm đơn điệu, dễ dãi và khai thác đề tài còn rơi vào lối mòn.
Đối với các tỉnh, việc đăng cai tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực là dịp để các nghệ sĩ trong tỉnh có điều kiện giao lưu trao đổi và học tập kinh nghiệm. Đồng thời cũng là dịp để tỉnh đăng cai quảng bá tiềm năng về bức tranh sinh động của tỉnh nhà trong tiến trình đổi mới và phát triển.
Nghệ thuật không tự nó tiến hoá. Chỉ có con người thì thay đổi, và cách diễn đạt của họ cũng thay đổi theo. Biến tấu, biến dạng, không phải là tiến hoá. Nếu một nghệ sĩ thay đổi cách diễn đạt thì có nghĩa đã thay đổi lối nghĩ, và thay đổi như vậy có thể sẽ hay hơn mà cũng có thể sẽ dở hơn. Các tác phẩm tại triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc Trung bộ khá phong phú, tính cách độc lập và tự tin trong cách xử lý những yếu tố tạo hình, như tác phẩm Nhịp sống mới của Nguyễn Đình Truyền (Nghệ An), Câu hò Huế của Nguyễn Đình Dàng (TT Huế). Đó là tiếng vọng, những suy nghĩ về nỗi nhọc nhằn của công nhân lao động, về tình yêu và cuộc sống vang vọng câu hò, về lương tâm con người. Mặt tranh sang trọng, khẳng định một diện mạo đã tiết chế trong đối thoại và phơi bày một thế giới nghệ thuật. Trong đó phối hợp đa dạng giữa con đường nghệ thuật dân tộc và đương đại.
Tính đặc thù của nền tạo hình Bắc Trung bộ được gia tăng trong sáng tạo với tất cả khuynh hướng đáng ngạc nhiên của các nghệ sĩ trong khu vực. Sự đổi mới trong sáng tác nghệ thuật là tín hiệu khá tích cực. Nghệ thuật trừu tượng chứng tỏ ước muốn của con người muốn thoát trần, khi họ tự tạo ra được và trú ẩn trong một thế giới phi tự nhiên. Tác phẩm Trừu tượng 43236 và Trừu tượng 53145 của Đỗ Chung (Thanh Hoá); Vi vu của Hoàng Thanh Phong, Ánh sáng trên sông của Nguyễn Đăng Sơn, Ánh sáng tự tại của Nguyễn Đức Huy, Hoà sắc của Lê Thu Hoà, Suối nguồn của Lê Bá Cang (TT Huế); Phố cảng của Ngọ Duy Lương (Thanh Hoá)… vận hành hoà điệu tương tác với xúc cảm bởi cõi miền xa lạ. Giá trị thời gian mơ hồ và sóng sánh như trong ký ức, nơi mà hình thể và màu sắc sắp xếp để đạt được mục đích diễn đạt.
Bằng sự tinh tế, nhiều tác phẩm bao hàm sâu sắc dấu vết sự có mặt của con người, khai thác yếu tố tinh thần và cuộc sống nội tâm, như: Vùng an toàn của Lê Thị Oanh, Xuân về trên rẻo cao của Nguyễn Trọng Hiệp (Nghệ An); Bình thường mới của Nguyễn Thế Hà (Quảng Trị), Mùa cá trích của Lê Thuận Long (Quảng Bình)... Đó là những màu sắc rạng rỡ, hồn nhiên và trữ tình, một vùng được cảm nghiệm, để lại dấu vết hơi thở của cuộc sống, có sự liên tục và tìm kiếm.
Sự trao đổi nghệ thuật Bắc Trung bộ thông qua các triển lãm thường niên kích thích cả nguồn cảm hứng lẫn sức sáng tạo, củng cố niềm tin cho sáng tạo. Đó cũng là một cuộc dấn thân cho nghệ thuật của các họa sĩ trong khu vực.