Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dòng tâm linh lặng lẽ

C

âu chuyện bắt đầu từ phiên tòa kinh thiên động địa xử đám bất lương làm mộ liệt sĩ giả ở tỉnh nọ vào năm1990. Tôi là người đã tận mắt chứng kiến phiên tòa “nổi tiếng” đó và cả buổi xử bắn hai tên tội phạm tày đình tại đồi Phượng Hoàng xảy ra sau hôm tuyên án ít lâu. Chỉ bằng một đoạn văn ngắn, rất ngắn, Xuân Đức đã khuấy lên trong tôi cảm giác ngột ngạt, bức bối, căm phẫn, xao xác có từ hơn mười lăm năm trước. Và đây: “Tôi bình tĩnh lắm nên tự hỏi, mình đến đây làm gì? Để được chứng kiến cơn thịnh nộ như động đất của người dân xứ này đối với tội ác cuả đám bất lương kia ư? Có chứng kiến hay không thì cũng thế thôi, làm gì được nữa. Họ có thể luộc nhau, bắn nhau để góp thêm cho thế giới dưới này dăm ba vong nữa. Nhưng số anh em oan ức của chúng tôi thì đành chấp nhận số kiếp, không ai có thể đào bới thêm lần nữa, mà có bới ra cũng chỉ để đau lòng người sống chứ làm sao hàn gắn được sự nát tan cuả người đã khuất…”

Ai độc thoại những lời xót xa ấy? Một người cũng không có mặt trên chốn dương gian này. Một người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược. Một người từng là trinh sát viên, trưởng ban địch vận, huyện ủy viên rồi bí thư huyện ủy, và cuối cùng là chủ nhiệm chính trị trung đoàn trước khi anh bị dính mình Claymo của Mỹ. Một liệt sĩ. Vâng, đó là lời kêu của một liệt sĩ. Của Khảm. Là tiếng nói của một linh hồn, là hồi ức về quá khứ, là dòng tâm linh lặng lẽ chảy, nối dĩ vãng vào hiện tại trong những cung bậc trầm thong thả, chậm rãi mà xoáy xiết, cuộn động vô lượng.

Linh hồn người lính có tên là Khảm đó đi suốt cuốn tiểu thuyết “Bến đò xưa lặng lẽ” của nhà văn tài hoa -  “quái kiệt” Xuân Đức, người đã từng có “Cửa gió” được giải thưởng của Hội nhà văn năm 1982. Khảm không chết; anh vẫn âm thầm chứng kiến cuộc sống hôm nay, anh hồi tưởng về quá khứ máu lửa, anh chiêm nghiệm lẽ đời, khao khát sự bình yên, trong sạch…Và cái hồn ma cao cả ấy dẫn ta đi về dĩ vãng gặp những con - người - của - chiến - tranh. Chiến tranh như cơn lốc khổng lồ, như cái hố đen thăm thẳm hút mọi người vào nó, đặt lên vai họ những trách nhiệm nặng nề, dệt đan những mối quan hệ sinh tử ràng rịt, vừa rõ rệt vừa lẩn khuất, bí ẩn để từ đó rèn đúc nên những cá tính đậm đặc chất bi hùng. Trong cuộc chiến đó, suy cho cùng thì mất mát và bi kịch là không thể tránh khỏi. Không ai có thể thoát khỏi. Sự tàn khốc, nghiệt ngã của chiến tranh không chỉ được nói lên bằng bom đạn và xương máu mà điều sâu sắc hơn, chủ yếu hơn là ở đó. Ở cái bi kịch mà những con người như Khảm, Đọt, Lương, Li, Linh…phải gánh chịu trong và sau cuộc chiến.

Trong “Bến đò xưa lặng lẽ” Xuân Đức ưu tư ngẫm nghĩ về số phận con người. Phận người, kiếp người là một cái gì đó như được sắp xếp trước, thật mong manh, thật chao đảo. Con người đến với nhau, sống bên nhau. Yêu thương ôm ấp nhau, giận hờn hành hạ nhau hoặc ngoảnh mặt quay lưng chia lìa nhau như là sự dẫn dắt của kiếp phận. Hình như Đọt sinh ra là để trở thành người đánh giặc rất giỏi, được mệnh danh là “Gấu xám đường chin” và cũng là người luôn bị oan khuất tù tội (tù của địch và tù của ta). Lương, một cô gái xinh đẹp của làng Quai Mọ, từ một “nữ tu” trở thành người có công với cách mạng, sau đó là đội phó đội cải cách ruộng đất…rồi lại vượt tuyến vào Nam để những năm tháng tiếp theo phải sống trong cô đơn và dằn vặt. Những con người như Lương trở thành người của cách mạng không phải bằng giác ngộ lý tưởng mà do sự đưa đẩy của hoàn cảnh. Li một cô gái khác của làng Quai Mọ, người đã từng chửi Lương: “ Đồ ngu, tin chi ba thứ nớ mà tin. Mi định ở góa thờ Chúa à? Tao thì tao chỉ biết thờ cha mạ tao, nhưng cha mạ chưa chết thì tao cứ vui vẻ đã. Có thằng con trai nào mập mạp một chút vì tao thì tao thờ trước…” Cũng trở thành người của cách mạng (đầu tiên là được vào đội công tác đặc biệt trong cải cách ruộng đất sau này là ủy viên thường vụ phụ trách công tác kiểm tra của tỉnh ủy) trong tình huống trước đó chưa ai nghĩ tới. Linh, giọt máu duy nhất của Khảm và Lương - một cô nữ sinh xinh đẹp, học giỏi - bỏ nơi sơ tán K8 ở Tân Kỳ (Nghệ An) trở vào đất lửa Vĩnh Linh để rồi trở thành du kích bổ sung cho huyện Cam Lộ. Linh đánh giặc không thua kém ai, mấy lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ, trong thời gian ngắn đã là xã đội phó và suýt nữa được phong danh hiệu anh hùng…Linh tỏ rõ là một cô gái gan góc, có bản lĩnh, khôn ngoan và thức thời cả trong chiến đấu và trong làm kinh tế sau này. Rồi Thuần, Phùng, Quyết... mỗi người đều có một số phận riêng như kết quả tính cách của họ. Ở phía trên kia tên phản cách mạng đã từng khoác áo linh mục Nguyễn Đình Cựu cũng chìm nổi theo sóng gió thời cuộc. Cả Rao, Rệ, một - thằng - người, bất tài, đơm đặt, hóng hớt, biết lấy mồm miệng đỡ chân tay, gió chiều nào che chiều ấy…cũng không thoát khỏi lưới trời. Tất cả, đều là những sinh linh bé nhỏ lăn lộn trong vòng quay của thế cuộc. Không ai không là nạn nhân của cuộc chiến. Đằng sau vầng hào quang và mảng tối là những con người. Những con người đã cất tiếng oa oa trên trái đất này và nhắm mắt xuôi tay để biến thành cát bụi giữa cõi hư vô là cái bi kịch chung, số phận chung của họ.

Thế thì xin hãy nghe lời người đã ngã xuống cho Tổ quốc này : “Đường trần là thứ không ai có thể né tránh, người ta chỉ có thể làm được một điều, là sau từng chặng dài thì quay đầu nhìn lại để mà ngẫm nghĩ…

Rồi thì chắc chắn mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Ai yên nghỉ sẽ được yên nghỉ, còn ai sống cũng sẽ tiếp tục sống. Dòng nước không thể chảy ngược, con sông cứ phải xuôi về biển, đá cuội vẫn lặn xuống đáy dòng, và những bến đò hoang sơ như bến xưa Hói Cụ ấy muôn đời tĩnh lặng hệt như bản năng con người thưở ban mai, trong trắng và sạch sẽ vô ngần”.

Nhắc tới bao nhiêu con người, kể lại bao nhiêu câu chuyện cũng để chỉ nói lên những điều tâm huyết ấy. Thông điệp gửi về cõi trần thế của những người đã hy sinh cũng là nhắn nhủ vọng lại từ quá khứ hùng tráng và bi thương giản dị và sâu sắc như thế. Con người bị phân tầng, chia ranh giới một thời đã từng mang dấu ấn, vết tích lịch sử của dân tộc phải biết vượt lên sự hẹp hòi của rào cản, phải biết vun đắp thêm phẩm hạnh của mình trong sự hướng tới hòa hợp, sẻ chia và đồng cảm. Đó là nhân văn, là con người, là cách mạng, là tiến bộ xã hội. Đừng ai cho rằng đó là sự xóa nhòa ranh giới giai cấp, đánh đồng cách mạng và phản cách mạng, hòa trộn người có công và kẻ có tội vào một. Cách mạng nói chung và văn học nói riêng luôn luôn hướng tới con người, con người văn minh là con người lương thiện, sống thật đúng với bản chất của mình, con người của hòa bình, của hội nhập.

Có người khen tiểu thuyết “Bến đò xưa lặng lẽ” của Xuân Đức đã tái hiện lại sống động cuộc chiến chống Pháp,chống Mỹ của nhân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị. Theo tôi, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Và, đó không phải là điều chúng ta tâm đắc ở tiểu thuyết này. Thực ra, lịch sử của dân tộc nói chung và của một vùng đất nói riêng đã được nhìn nhận sâu kỹ hơn, gần gũi hơn qua số phận của con người bình thường. Chất sử thi và tính hoành tráng hầu như không có. Chỉ là sự nhớ lại, thẩm định và ngẫm nghĩ về thân phận con người, về cuộc sống đã qua và đang tiếp diễn. Dưới hồi ức của người đã chết (người âm bao giờ cũng nói thật) hiện thực cuộc sống đã phơi bày không giấu diếm, cả cái tốt cái đẹp với cái xấu xa, cái cao cả với cái thấp hèn, cái lịch lãm với cái thô tục, bác học với dân gian…Hồn ma liệt sĩ “kể” lại cuộc đời mình, kể lại chuyện của đồng đội, vợ con của kẻ thù. Câu chuyện không có tính huyền thoại, chỉ là truyện cổ tích. Không gian câu chuyện không bao la, chỉ gói gọn trong vài vùng đất cằn cỗi, nghèo khó, bất ổn bởi chiến tranh thù hận. Thế mà, người ta không thể quên được cái bến Hói Cụ, cái làng Quai Mọ, con sông Sa Lung và dòng Bến Hải…Thời gian xảy ra câu chuyện không phải là một vết thẳng kéo từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến khoảng những năm 90 của thế kỷ XX mà là những khúc đoạn quá khứ, hiện tại đan xen nhau như cái sự trộn chập chờn âm dương, ngày đêm, ánh sáng và bóng tối…Cũng không phải hoàn toàn là câu chuyện kể của người âm. Người còn sống (tác giả và nhân vật ở dương gian) kể xen vào với tư cách là người trong cuộc, người chứng kiến. Tuy vậy, câu chuyện vẫn sáng rõ mạch lạc cuốn hút người đọc. Một lối viết trầm tĩnh mà vẫn hoạt khởi, sâu sắc triết luận mà không vống vót lên gân, mộc mạc mà rất trữ tình, vừa dân gian vừa hiện đại. Xuân Đức thực sự có tài trong khắc họa tính cách nhân vật mà Phạm Đọt là một ví dụ. Hồn ma Khảm cũng là một nhân vật ám ảnh. Xuân Đức thể hiện rõ khả năng phân tích tâm lý nhận vật, cũng như cách dẫn chuyện khéo léo, tự nhiên và tạo dựng được trong sản phẩm của mình lối sống, ngôn ngữ của dân cư vùng đất Quảng Trị rất đặc sắc không thể lẫn vào đâu được.

Tôi thực sự bị lôi cuốn bởi dòng văn ma mị của anh. Cái “giọng âm” như mạch chảy ngấm từ từ vào lòng người đọc những tình cảm và suy tư. Cảm xúc và ý tưởng của nhà văn ẩn sau những câu chữ, chi tiết, hình ảnh, nhịp điệu, được lựa chọn khá kỹ càng và hợp lý. Văn Xuân Đức giàu rung động, gợi cảm mà đoạn miêu tả tự sự day dứt của hồn ma Khảm sau đây là một dẫn dụ: “Tôi có tình yêu, có khát vọng, tại sao suốt một cuộc đời lúc nào cũng vụng trộm. Son trẻ vụng trộm đã đành, có con có cái với nhau rồi mà vẫn lén lút ngoại tình với vợ của mình, giờ lại bậy bạ với loại người chưa phải là cơ sở cách mạng, thậm chí có thể trở thành đối tượng thù địch. Càng dằn vặt, càng xám hối, tôi lại càng thấy xót xa ân hận, lại tự thấy cay đắng khổ đau... Nhưng mà trời ơi! Đắng cay là thế, nhưng sao sâu thẳm trong tôi vẫn có chút dư vị gì đó thực sự ngọt ngào.

Phải rồi, cái dư vị đó, hình như ngày một rõ ràng hơn, ngày một đầy thêm lên, nó còn phảng phất bay ra như một mùi thơm, mùi thơm quen lắm, như thể ở đâu đó từ cây rừng, gió núi, từ cỏ lá quanh tôi…”

“Bến đò xưa lặng lẽ” chứng tỏ nội lực mạnh mẽ trong sáng tạo văn học của nhà văn Xuân Đức. Nó khẳng định tài hoa đích thực của một người cầm bút. Ở tuổi chớm lục tuần ngọn bút của Xuân Đức vẫn không già, trái lại những trang viết của anh càng sâu đậm, lôi cuốn hơn. Tài năng cộng với sự từng trải cuộc sống và thái độ sáng tác nghiêm túc đã cho anh những tác phẩm mới được đồng nghiệp và bạn đọc đánh giá cao. Với tiểu thuyết “Cửa gió” (giải thưởng của Hội nhà văn năm 1982) và tiểu thuyết “Bến đò xưa lặng lẽ” (giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết 2002-2004 của Hội nhà văn) Xuân Đức đã có những đóng góp giá trị cho nền văn học nước nhà nói chung và dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng và người lính nói riêng.

N.H.Q

Nguyễn Văn Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 133 tháng 10/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground