Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đừng yêu bằng sự vô minh

Ngày nay, không ít người vẫn đặt ra câu hỏi “Đọc sách để làm gì?” khi chính công việc đó không ngay lập tức đem lại cho họ tiền bạc mà thậm chí còn lấy đi thời gian, sức lực, tiền bạc.

Với tư duy “hái quả ngay lập tức”, rất khó để thuyết phục một ai đó đến với sách nếu không nhìn ở sự thẩm thấu và chuyển hóa từ sách vào trí tuệ, tâm hồn người đọc. Không phải hẳn nhiên, có một thời gian các nhà trí thức đã giương cao biểu ngữ: “Độc thư bất vong cứu quốc. Cứu quốc bất vong độc thư”. Đọc sách không quên cứu nước. Cứu nước không quên đọc sách.

Người Việt hay nói “sử sách”. Chẳng phải ngẫu nhiên lại ghép chung “sử” với “sách”. Muốn có văn hiến, triều đại nào cũng phải có kho sách, gọi là văn các là văn khố hay kho lưu trữ đều được. Lời nói chỉ có sức thuyết phục người khác khi “nói có sách, mách có chứng”. Do đó, nếu muốn trở thành bậc hiền tài thì “bụng phải chứa đầy sách”. Và nếu bị người khác ví von là “mọt sách” thì người bị ví von không chút buồn phiền, mà ở góc độ nào đó còn xem là lời khen tặng bởi đắm mình trong thế giới của sách không phải là việc ai cũng làm được.

Sinh hoạt với chủ đề “Mỗi tháng một quyển sách” tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị.

Sinh hoạt với chủ đề “Mỗi tháng một quyển sách” tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị.

Lịch sử nhân loại suy cho cùng cũng chỉ có hai thời đại lớn, một là thời đại chưa có chữ viết và hai là thời đại có chữ viết. Nhờ có chữ viết, con người mới thực sự là con người, vượt xa vạn vật hoang dã để tự mở lối bước vào thế giới văn minh và làm nên muôn vàn kỳ tích. Sự ra đời của chữ viết, của sách vở và văn hóa đọc đi kèm là bằng chứng đánh dấu sự ra đời của văn minh quốc gia. Chỉ cần sơ bộ xem qua bề ngoài của một quyển sách, hầu như ai cũng đều có thể hiểu được trình độ văn minh của thời quyển sách ấy khai sinh. Chỉ dừng lại ở bề ngoài không thôi cũng đủ để thấy sách là sự xác nhận khách quan và trung thực về bản sắc cũng như năng lực sáng tạo của chính các cộng đồng quê hương quyển sách ấy.

Những bài học vô giá của lịch sử đều kín đáo và lặng lẽ ẩn mình trong sách (Tất nhiên chỉ có những quyển sách nặng lòng chuyển tải các giá trị học thuật và nghệ thuật thiêng liêng mới làm được điều này). Thay đổi tư duy, định hướng của mỗi cá nhân là giá trị hiển nhiên mà sách mang lại. Sứ mệnh của sách có thể cao hơn thế. Đó là sách có thể góp phần thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc. Ở góc độ nào đó, chẳng quá lời khi cho rằng muốn biết một xã hội sẽ phát triển hay thụt lùi phải xem nguồn rễ của việc đọc sách có sâu hay không và những người đang đọc sách, đọc những quyển sách gì sẽ quyết định tương lai của một quốc gia.

Nhật Bản bắt đầu công cuộc canh tân đất nước với công cuộc Minh Trị Duy Tân (năm 1868) bằng cách tích cực học hỏi và tiếp thu những đặc điểm tiên tiến của văn minh Tây Phương. Công cuộc đó được tiếp sức từ sách và việc phát triển văn hóa đọc. Trí thức Nhật Bản hiểu rằng sách vở và những chuyến hành trình để “thám sát” các nước Tây Phương là cách tối ưu nhất để thu được kinh nghiệm và các bài học cần thiết để đạt được mục tiêu hiện đại hoá nước Nhật. Vì thế, việc tiếp thu văn hóa Tây phương được chính phủ Minh Trị đặt làm ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn này, các dịch giả, điển hình là Fukuzawa Yukichi là những người đầu tàu trong việc truyền bá kiến thức và những tư tưởng tiên tiến của Tây Phương ở Nhật thông qua việc dịch và xuất bản rất nhiều sách vở của phương Tây để học lấy những tư tưởng cốt lõi phục vụ cho công cuộc cải cách. Với dân số 35 triệu người, “Khuyến học” - cuốn sách về khai sáng tinh thần quốc dân - được in lần đầu tới 3,4 triệu bản, trong điều kiện thế giới cách đây gần 150 năm (và cho cả hiện nay nữa) là một tỷ lệ đầy huyền thoại: chiếm gần 10% dân số!

Nhiều tác phẩm lớn của phương Tây đã được dịch ra tiếng Nhật từ rất sớm, vào nửa đầu thời Minh Trị (giai đoạn 1870-1885) như: History of Civilization in England của Henry Buckle; The Theory of Legislation - Principles of the Civil Code của Bentham; On Liberty, Political Economy, Representative Government, Utilitarianism của J.S. Mill; Social Statics của Herbert Spencer; De l’esprit des lois của Montesquieu; Du contrat social của Rousseau.

Sau năm 1945, Nhật Bản tiến hành cải cách để tái thiết đất nước và khoảng 5 năm sau thì ban hành các bộ luật về thư viện để phát triển mạnh mẽ và rộng khắp mạng lưới thư viện trên toàn quốc. Dân chúng biết đọc, ham đọc, có thói quen đọc, sách vở được in ra và bán rộng rãi, dễ dàng là một điều kiện tuyệt vời để truyền bá văn minh, thức tỉnh quốc dân và thay đổi các thói quen tư duy, lề lối cũ.

Một nền tảng tri thức trải rộng, với một hệ thống các tác phẩm kinh điển của nhiều trường phái, cũng có vai trò như một tầng lớp trung lưu mạnh, góp phần làm ổn định xã hội. Điều này được minh chứng qua Israel và Hungary. Đây hiện là hai quốc gia thích đọc sách nhất thế giới. Trung bình một năm người Israel đọc 64 quyển sách. Số người đọc sách mỗi năm của Hungary lên đến hơn 5 triệu người, chiếm hơn ¼ dân số. Việc thích đọc sách và đánh giá cao vai trò của văn hóa đọc đem lại điều gì cho 2 đất nước này?

Khi trẻ em vừa biết nhận thức, hầu như người mẹ Israel nào cũng đều nghiêm túc nói với con mình rằng trong sách cất giấu trí tuệ quý báu hơn rất nhiều so với tiền bạc hay kim cương, và trí tuệ là thứ mà không có bất cứ ai có thể cướp đi được. Người Israel tuy dân ít nhưng có rất nhiều nhân tài. Lập quốc tuy không lâu, nhưng có đến 8 người được giải Nobel. Đất đai khô cằn nhưng Israel đã biến nước mình thành ốc đảo trên sa mạc, trồng trọt lương thực không chỉ đủ cho nước mình ăn mà còn không ngừng xuất khẩu sang nước khác. Hungary có 14 người từng được giải Nobel về vật lý, hóa học, y học, kinh tế, văn học, hòa bình…. Nếu tính theo tỉ lệ dân số thì Hungary xứng đáng là “quốc gia Nobel”. Họ có rất nhiều phát minh, có thể nói là không đếm xuể, từ những dụng cụ nhỏ cho đến các sản phẩm tiên tiến. Một quốc gia nhỏ bé, vì thích đọc sách mà có được trí tuệ và sức mạnh, nhờ đó mà biến chính mình thành “nước lớn” khiến người khác không thể không phục.

Người châu Âu cho dù là công dân bình thường hay quan chức đều học, viết và xuất bản ấn phẩm. Động cơ thúc đẩy họ chính là mong muốn ghi chép lại nhưng đồng thời cũng vì sự ham hiểu biết.

* * *

Hướng ra phía bên ngoài cũng để suy ngẫm lại phía ta. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chúng ta hay nói nhiều đến “Thịnh vượng”. Lần đầu tiên trong chủ đề của Đại hội và trong các dự thảo báo cáo chính trị đề cập đến “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là một điểm rất mới và là một điểm nhấn quan trọng. Những mục tiêu đặt ra trong Đại hội XIII thực chất là xoay quanh phát huy nguồn lực sức mạnh con người thành sức mạnh tổng hợp quốc gia và tôn trọng những giá trị của nhân quyền. Thật vậy, nguồn gốc sự thịnh vượng là giá trị của con người, là năng lực của con người, là vẻ đẹp từ sự phong phú về trí tuệ và khả năng của con người. Con người thu hút người khác bằng sự phong phú và uyên thâm của đời sống trí tuệ của mình. Nếu con người không có trí tuệ thì chẳng khác gì một kẻ mù loà gặp gỡ chân lý. Sách giúp con người chiêm nghiệm, tích lũy và tạo sự đột phá. Nếu mỗi ngày không đọc sách, thì liệu sự tích lũy ấy có xảy ra?

Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm (vào ngày 9 tháng 12 năm 1961), Hồ Chủ tịch đã tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Và với Bác, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn trong mấy câu sau: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Không chỉ đọc sách bằng chữ quốc ngữ, sách Hán mà Người còn đọc rất nhiều sách bằng tiếng nước ngoài. Với Người, sách chính là “thuốc chữa tội ngu” và là một trong nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì? Từ những thắc mắc đầu tiên ấy về sau cũng chính nhờ sách báo Bác đã tìm ra con đường cứu nước cứu dân với hình ảnh “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” đi vào lịch sử.

Đọc chính là học. “Mỗi cuốn sách hay là một giấc mơ mà bạn cầm trên tay” (Nhà văn Neil Gaiman). Cơ hội chỉ đem đến thành công khi người ta có sự chuẩn bị về nội lực. Nội lực của mỗi người chỉ có thể hình thành thông qua sự bồi đắp văn hóa nói chung, bằng đọc sách, trải nghiệm đời sống và tương tác đa dạng qua sinh hoạt phong phú hàng ngày. Vậy thì mỗi người, nhất là mỗi đảng viên đã bao giờ tự ngẫm mỗi ngày nói riêng mình đã đọc sách chưa? Sách mình đang đọc là loại sách gì?

Đọc sách là việc làm của lòng yêu nước, không phải chỉ để thưởng ngoạn, mà để khai minh và khai sinh một thời đại mới cho đất nước. Đừng yêu nước bằng sự vô minh!

M.Đ

MINH ĐĂNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 330

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground