Ông thành kính cầu nguyện: “Kính thưa vong linh các anh hùng liệt sĩ! Tôi là Nguyễn Hồng Vinh. Năm 1972 tôi đã theo các đoàn quân vào Trường Sơn, tham gia giải phóng Đông Hà, Quảng Trị. Và hôm nay tôi cùng đoàn làm phim Truyền hình Quốc phòng đến đây để thắp nén hương cho các anh hùng liệt sĩ. Xin cầu mong vong linh các anh siêu thoát, phù hộ độ trì cho đất nước trường tồn, đổi mới, phát triển và hội nhập. Tôi cũng mong trong số những ngôi mộ chưa biết thông tin hôm nay có anh trai tôi là liệt sĩ Nguyễn Duy Lộ…”. Như là sự linh ứng, những cây hương vừa thắp lên hàng hàng bia mộ chưa xác định được thông tin cháy rực lên trong sự ngỡ ngàng của các thành viên trong đoàn làm phim. Một chiếc lá vàng khô bất chợt rơi, nhẹ thôi nhưng làm tôi bừng tỉnh. Ngước lên, bầu trời cao xanh vời vợi, như cảm nhận ngày nào của nhà thơ Tế Hanh Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị. Mặc cho cái nóng hầm hập mùa hạ bủa vây, ông vẫn chậm rãi thắp từng nén hương lên những ngôi mộ liệt sĩ, mùi hương thơm thoang thoảng khắp nghĩa trang. Đó cũng là thời điểm tôi biết ông đã bước sang tuổi bảy bảy “xưa nay hiếm”.
Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh trong chuyến trở lại thăm Ba Lòng - Ảnh: M.T
Tình yêu quê hương, đất nước
Nguyễn Hồng Vinh sinh ra và lớn lên ở vùng quê chiêm trũng - xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định vào tháng sáu năm 1945. Sau này ông viết về hình bóng người thân và miền quê nghèo như tận cùng nỗi xót xa: Mẹ sinh con giữa ngày tháng gian nan / Bão tháng sáu hất tung mái rạ / Cọng rau héo, đêm cồn cào trở dạ / Sinh con mẹ đói lả suốt tuần, hay Một thời trắng nước đồng chiêm / Bóng cha phủ bóng con thuyền chênh chao…
Như để báo đáp công ơn cha mẹ đã nuôi nấng các con lớn khôn, Nguyễn Hồng Vinh đã nỗ lực học tập và học giỏi, có trí nhớ rất tốt. Bạn cùng thời học ở quê với ông kể hồi nhỏ Nguyễn Hồng Vinh đã bộc lộ năng khiếu, có nhiều bài văn điểm cao, được thầy giáo đọc cho cả lớp cùng nghe.
Rời quê hương Nam Định, Nguyễn Hồng Vinh lên Hà Nội học đại học và từ nơi đây ông đã bao năm “nấu sử sôi kinh”, quyết tâm học hành thành danh. Tốt nghiệp xuất sắc khoa Lịch sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Hồng Vinh được phân công về công tác ở Báo Nhân Dân, làm phóng viên trong những ngày đất nước có chiến tranh. Thời điểm đó nhà báo Nguyễn Hồng Vinh là cây bút xông pha trên nhiều mặt trận. Vừa làm báo với bao gian nan vất vả, ông vừa ôn luyện, thi đỗ nghiên cứu sinh và được cử đi học Liên Xô; được cấp học vị tiến sĩ báo chí đầu tiên của Việt Nam. Bạn bè cùng thời rất quý trọng, xem nhà báo Nguyễn Hồng Vinh là tấm gương về ý chí phấn đấu bền bỉ và khả năng sáng tạo không ngừng. Khi còn là phóng viên, nhiều người kể lại ông là người ham đi, viết được tất cả các thể loại báo chí. Khi giữ trọng trách là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học - nghệ thuật trung ương…, ngoài thực hiện “tròn vai” nhiệm vụ được giao, máu nghề nghiệp trong ông vẫn sục sôi, lửa nghề trong ông vẫn cháy.
Có thể nói, ngoài quê hương Nam Định, mảnh đất thủ đô Hà Nội đã gắn bó với nhà báo Nguyễn Hồng Vinh như quê hương thứ hai. Từ Hà Nội, nghề làm báo đã đưa ông đi rất nhiều nước trên thế giới và tôi rất có ấn tượng với các tác phẩm báo chí của ông như: Nước Nga trong tôi, Viva Cuba…, trong đó Viva Cuba đã đoạt Giải Báo chí toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam (nay là Giải Báo chí quốc gia). Ông cũng đã đến mọi miền đất nước với nhiều địa danh lịch sử như: mũi Sa Vĩ, mũi Cà Mau, cột cờ Lũng Cú, các đảo ở Trường Sa… và nơi nào ông cũng để lại những tác phẩm báo chí sâu sắc, được bạn đọc yêu mến. Sau này khi nghỉ hưu, ông vẫn đi nhiều, viết nhiều với một bút lực dồi dào kỳ lạ, bởi sự lao động quá khứ sâu dày luôn khơi nguồn cảm hứng cho ông trong sáng tác thơ cũng như các tác phẩm ghi chép, phóng sự báo chí, tên ông vẫn xuất hiện đều đặn trên các báo trung ương và địa phương. Và cho dù đi đâu về đâu, hình bóng quê nhà, những ngày gian khó vẫn luôn trở đi trở lại trong thơ ông. Viết về quê hương, người thân, Nguyễn Hồng Vinh có những câu thơ day dứt:
Đường làng nắng hè nung lửa / Oằn lưng thúng thóc mẹ bưng / Nối nhau gió mùa đông bắc / Giữa đồng bóng mẹ mong manh / Lầm lũi nuôi con ăn học / Lòng mẹ thơm thảo bao dung.
Tuổi thơ tôi có hè nắng cháy / Cất vó, mò cua trên cánh đồng xa / Nguồn sữa ngọt từ câu ru của mẹ / Những dặn dò sâu lắng lời cha.
Tôi đã qua những mùa đông khắc nghiệt / Cái đói cồn cào thời sơ tán sinh viên / Bạn cùng lớp chung tấm chăn, trang sách / Căn nhà khuya đêm lạnh chong đèn.
Hay là những lời thầm thì về người anh ruột đã nằm lại ở chiến trường với nỗi nhớ, thương tiếc khôn nguôi:
Cả đời anh chưa một ngày thanh thản / Luống cày nối nhau lấp hết tuổi xuân / Một hơi ấm bàn tay, một nụ hôn chưa trải / Bức thư về nhà đầu tiên cũng là bức cuối cùng.
Những năm gần đây, ngoài một cây bút chính luận (ông đã xuất bản 4 tập sách Giữ lửa) mà nhiều bạn đọc biết đến, Nguyễn Hồng Vinh còn xuất hiện trên văn đàn với tư cách là một nhà thơ, đã xuất bản 10 tập thơ: Từ những nẻo đường, Thao thức dòng đời, Nhịp điệu thời gian, Miền thương nhớ, Màu ký ức, Lãng quên thì thầm, Xanh mãi, Tiếng quê, Thơ và dấu ấn cuộc đời, Chồi biếc. Những vần thơ của ông ngoài dành tình yêu cho quê hương, đất nước còn phản ánh sinh động những vấn đề nóng bỏng đặt ra trong cuộc sống hôm nay, góp phần giữ gìn những giá trị truyền thống dân tộc; tôn vinh, khích lệ và lan tỏa những cái đẹp trong xã hội, được bạn đọc đón nhận. Đặc biệt trong hai năm 2020, 2021 khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong cả nước, cùng với những phóng sự, bút ký nóng hổi tính thời sự đăng ở các báo đã góp công sức vào công cuộc phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh, Nguyễn Hồng Vinh có nhiều sáng tác thơ động viên lực lượng nơi tuyến đầu, là các y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã vượt lên khó khăn, hiểm nguy để thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Trong đó một số bài thơ của ông được các nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Hồ Hoàng phổ nhạc, như các nhạc phẩm: Còn mãi những cánh buồm, Mẹ ơi con sẽ về, Lời mẹ, Một nửa, Niềm vui mãi đầy, Đường xuân, Hoa bâng khuâng… có sức lan tỏa động viên các lực lượng tuyến đầu, động viên Nhân dân rất lớn. Đó là tình cảm, trách nhiệm xã hội của một nhà báo, nhà thơ trước những biến cố, lâm nguy của dân tộc, đất nước.
Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh là một tay viết bút lực tràn đầy năng lượng, mênh mang ý tứ, phong phú ngôn từ, thường xuyên có mặt trên trận địa báo chí nước ta hơn nửa thế kỷ qua. Chỉ tính khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, ông cho ra mắt bạn đọc một loạt tác phẩm, trong đó có 4 tập Giữ lửa, tập nào cũng dày trên dưới nửa ngàn trang sách, cùng 10 tập thơ được đông đảo bạn đọc đón chào, bạn hữu sẻ chia.
Từ khi bước chân vào khuôn viên số 71 phố Hàng Trống, Hà Nội - trụ sở Báo Nhân Dân, trong 55 năm qua, ông sống hết mình vì nghề báo, nghiệp văn. Nhiều chủ đề đồ sộ được Nguyễn Hồng Vinh lan tỏa qua cái nhìn của một nhà báo, nhà thơ, cố gắng giao hòa lửa báo với hơi văn. Còn Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân lại phát hiện: Có một điều rất thú vị là hầu hết các nhà thơ đến với thơ từ rất sớm, khi còn trẻ và mạch thơ sẽ chảy chậm dần theo thời gian. Nhưng đối với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh lại có một quy luật khác. Ông trở thành nhà thơ khi đã hoàn thành trách nhiệm xã hội trên các cương vị công tác rất quan trọng của Đảng, Nhà nước giao cho. Có lẽ những ấp ủ, sự kìm nén, chờ đợi suốt thời gian dài đã làm cho những vần thơ của ông bật ra, dâng trào sức sống đầy nhiệt huyết của một “chàng trai” thành Nam được chiêm nghiệm qua thực tiễn công tác của một cán bộ cấp cao, đồng thời là nhà báo, nhà thơ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận… Riêng các giáo viên ở Trường Trung học Phổ thông Lý Tự Trọng - Nam Định, nơi thuở hoa niên ông đã từng học thì chia sẻ rằng có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh họ học ở ông ba điều, đó là phong cách sống hòa đồng với mọi người, phong cách làm việc khoa học, nghiêm túc và hơn hết đó là phong cách sáng tác của ông toát lên một tình yêu quê hương, đất nước vô bờ bến.
Nhà báo - chiến sĩ
Mới đây, khi Truyền hình Quốc phòng liên hệ với tôi để thực hiện một phỏng vấn ngắn trong phim tài liệu “Nguyễn Hồng Vinh - Nhà báo chiến sĩ” và có dịp cùng ông trở lại thăm chiến trường xưa, tôi có dịp hiểu thêm về những tháng năm ông làm phóng viên ở chiến trường nóng bỏng Trường Sơn và Bình Trị Thiên khói lửa.
Đầu năm 1971, Nguyễn Hồng Vinh nhận lệnh của Ban Biên tập Báo Nhân Dân vào chiến trường, phản ánh không khí mở đường Trường Sơn của Đoàn 559. Những năm tháng ấy ông có mặt trên khắp các cung đường Trường Sơn, gặp gỡ rất nhiều đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong và có nhiều tác phẩm báo chí phản ánh kịp thời về khí thế toàn dân ra trận, mở đường tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Mới đây, ông trở lại thăm những địa danh vang bóng một thời, như Cha Lo, Cổng Trời, chiến khu Ba Lòng, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị… Đi trên Đường 20 ở miền tây Quảng Bình, con đường mang tên Quyết Thắng, ông bùi ngùi hồi tưởng để có con đường Trường Sơn nối dài bước hành quân cho các đoàn quân, có rất nhiều bộ đội, thanh niên xung phong đã hy sinh trên con đường này. Thời đó chiến tranh ác liệt, việc mở đường Trường Sơn nằm dưới tầm bom gầm đạn pháo của kẻ thù. Ông đã cố gắng ngày đêm thâm nhập thực tế, ghi chép tỉ mỉ để có nhiều tư liệu quý từ mặt trận nóng bỏng. Từ nơi đây, dưới mưa bom bão đạn, ông đã viết phóng sự Theo Bác mở đường…, chỉ mấy ngày sau được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trong đêm sinh nhật Bác Hồ. Đó là một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời làm báo nơi chiến trường gian khổ của ông.
Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi nhận đóng góp của Nguyễn Hồng Vinh trong vai trò là nhà báo, đại biểu Quốc hội đã từng ba lần ra công tác ở đảo Trường Sa. Hiện Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn lưu giữ tấm Thẻ cử tri bầu cử Quốc hội khóa VIII ở đảo Trường Sa Lớn năm 1982 của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh. Năm đó ông viết ghi chép Trường Sa ta đó giữa Biển Đông đã gây xúc động mạnh trong lòng bạn đọc cả nước đang hướng về Trường Sa thân yêu. Sau chuyến đi Trường Sa một thời gian, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh được Ban Bí thư Trung ương Đảng bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và hai năm sau được Đại hội Đảng bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Nhắc đến Trường Sa, tôi có một kỷ niệm nhỏ với nhà báo Nguyễn Hồng Vinh. Đấy là năm 2008 sau chuyến đi Trường Sa trở về tôi viết phóng sự năm kỳ đăng trên báo Quảng Trị, sau đó rút gọn lại đăng trên báo Nhân Dân. Năm đó phóng sự Đất Việt giữa trùng dương của tôi đoạt giải A, Giải Báo chí Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Sau khi nhận giải, tôi được nhà báo Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ rất nhiều về cảm xúc Trường Sa, về lần đầu tiên ông bỏ phiếu bầu Quốc hội ở huyện đảo Trường Sa. Ông cũng đã có lời khen đến tác phẩm của tôi khi ông đọc trên báo và đọc khi tham gia ban giám khảo của giải. Sau này tôi may mắn nhiều lần được gặp, nghe ông chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề; và càng ngày tôi càng cảm nhận về ông, một nhà báo, nhà thơ thuộc thế hệ đi trước nhưng rất gần gũi với thế hệ đi sau và ông có một bút lực sung sức kỳ lạ ở tuổi “xưa nay hiếm”.
Từng là phóng viên chiến trường, trong ký ức của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh con đường Trường Sơn và nhiều địa danh ở Bình Trị Thiên đã để lại những ký ức khó phai mờ. Hôm trở lại chiến khu xưa Ba Lòng, chúng tôi tôi ái ngại cho chặng đường dài quanh co núi đồi nhưng ông vẫn quyết tâm đi để sống lại một thời trai với chiến trường lửa đạn. Ngày ấy dọc đường hành quân, từ Đường 20, Cha Lo, Cổng Trời ở Quảng Bình, ông cùng các đoàn quân băng qua Đường 9, tập kết ở Ba Lòng, Quảng Trị. Đây là chiến khu cách mạng thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tại đây vào tháng 6/1971, thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Chỉ huy chiến dịch Trị Thiên đã bàn công tác chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để mở cuộc tổng tấn công và nổi dậy giải phóng Quảng Trị. Đứng bên dòng sông Ba Lòng trong xanh, sóng vỗ nhẹ vào bờ khi những con thuyền đi qua, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh chìm đắm trong dòng hồi ức: Hôm ấy trước giờ xuất quân, trời mưa to, ngập cả những căn hầm lán trại. Pháo của quân Mỹ, của quân đội Sài Gòn từ Hạm đội 7 ngoài biển dội vào, từ Ái Tử bắn lên đinh tai nhức óc, cả một bầu trời rền vang tiếng bom, đạn pháo. Trước lệnh xuất quân đánh vào Đông Hà, Ái Tử, La Vang…, cánh quân của ông do một cô giao liên nhỏ nhắn, xinh đẹp dẫn đường. Khi nghe tiếng pháo rơi gần cửa miệng hầm, cô giao liên nhanh như sóc gập người che đạn cho ông và đồng đội. Chiến trường khốc liệt và nhanh chóng hành quân, ông chưa kịp hỏi han gì về cô gái ấy thì đơn vị hành quân; ngày chiến thắng ông trở lại tìm nhưng không gặp được. Bao nhiêu năm trời hình ảnh cô giao liên nhỏ nhắn lấy thân mình che đạn cho ông vẫn cứ ám ảnh mãi. Xúc cảm ấy ông đã gửi lại trong bài thơ Cô giao liên ở Ba Lòng, được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổ nhạc thành bài hát Cô giao liên. Nhạc phẩm này sau đó được trình bày trong chương trình lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị gây xúc động bao người.
Từ những ký ức và kỷ niệm mang tính cá nhân, thông qua hình tượng nghệ thuật sinh động đã trở thành tình cảm chung thiết tha, chân thành. Thơ ông viết về những người lính, về những thanh niên xung phong, giao liên… không dùng từ ngữ cầu kỳ hoa mỹ mà lắng đọng bằng lời thơ giản dị, ý thơ sâu thẳm. Viết về đề tài chiến tranh cách mạng, những ký ức, sự hy sinh mất mát của thế hệ cha anh ngày hôm qua trong tác phẩm của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh luôn được tác giả hình tượng hóa, đề cao trách nhiệm, thổi bùng lên khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hùng cường cho thế hệ trẻ hôm nay. Trong thơ ông cũng luôn lấp lánh niềm vui, lạc quan, dù thực tại nhiều gian khó, như khi ông nghĩ đến ngày mai cả nước sẽ vượt qua được dịch bệnh Covid-19: Ngày mai sẽ khác / Sẽ lại thấy hàng cây rất xanh / Sẽ lại thấy làn gió rất trong lành / Lướt qua trái tim mình! / Ngày mai sẽ khác / Sẽ lại thấy dòng người rất đông / Lại thấy trời xanh rất rộng…” (Ngày mai với người thầy thuốc).
Nếu như trong thơ, ngôn ngữ của Nguyễn Hồng Vinh mềm mại, có nhạc điệu, có đường nét của hội họa thì trong tác phẩm chính luận của ông lại mang tầm khái quát, giàu sự liên tưởng và tính chiến đấu cao, như khi ông viết về mùa xuân, về Đảng: Mùa xuân đến, chúng ta càng nhớ câu thơ của Bác trong bài Giã gạo: “Gạo đem vào giã bao đáu đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”. Chúng ta đau lòng trước hiện tượng một số cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhưng “chặt một cành cây sâu để cứu cả cái cây”; “chặt một cái cây sâu mọt để cứu cả cánh rừng”, thì buộc chúng ta phải hành động theo lương tri và nhân phẩm, việc dù khó khăn, phức tạp nhưng không thể không làm để bảo đảm sự tồn vong của Đảng và chế độ, để dân tộc ta mãi trường tồn, để đất nước ta đón những mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc (Mùa xuân và Đảng). Hay khi bàn về văn hóa, ông có cách nhìn sắc sảo về một lĩnh vực cần đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội: Văn hóa tạo ra con người, nhưng chính con người bằng nhận thức và hoạt động cụ thể đã làm giàu thêm nội dung và bản sắc nền văn hóa Việt Nam, mà đặc trưng nổi bật là tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Hơn bao giờ hết, chúng ta càng thấm thía nhiệm vụ vẻ vang của văn hóa là tham gia phát hiện, cổ vũ, xây đắp khát vọng và bản lĩnh của con người Việt Nam, đã và đang vượt lên những thử thách nghiệt ngã sau đại dịch, bồi đắp ý chí kiên định và sự vững tin vào công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (Văn hóa và con người)…
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Truyền hình Quốc phòng về nỗi mất mát của gia đình khi có người anh trai hy sinh ở chiến trường, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh nói rằng nỗi đau mất đi người anh trai là nỗi đau như bao gia đình Việt Nam có người thân hy sinh, nhưng so với chiến thắng huy hoàng, vĩ đại của dân tộc thì sự hy sinh mất mát đó cũng chỉ là đóng góp rất nhỏ để góp phần cho thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ông nói rằng đất nước ta chỉ có 63 tỉnh, thành phố nhưng lại có hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ và ông đã đi đến hầu hết các nghĩa trang ở các tỉnh để thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ, trong đó có các liệt sĩ là nhà báo.
Trong một lần gặp gỡ mới đây, khi được hỏi về điều gì rút ra qua một đời chính khách, một đời báo, đời thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ, với ông ngoài sự nỗ lực của cá nhân, được sự dìu dắt, đào tạo của Đảng, Nhà nước, sự hợp tác của cộng sự, ông thành tâm biết ơn gia đình, nhất là người vợ hiền đã bao năm chăm lo gia đình, nuôi dạy các con nên người, cho ông yên tâm công tác, có nhiều năm biền biệt xa nhà. Ông cũng thầm tự hào về các con đã vì truyền thống gia đình mà phấn đấu học hành, thành đạt trong công tác; con trai cả Nguyễn Hồng Hiển, hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty viễn thông Mobifone; con gái út là nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà, là Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân.
Và có một chút riêng tư của tôi với nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, kể từ chuyến cùng ông trở lại thăm chiến trường xưa, tôi hiểu thêm đất nước ta dài rộng mênh mông, nhưng vì sao ông viết: Trong chặng đường rong ruổi làm báo hơn nửa thế kỷ, tôi đã đi hết 63 tỉnh, thành phố, được gặp mặt và trò chuyện với bao lớp người, bao đồng nghiệp, nhưng có lẽ Quảng Trị là một trong những vùng đất để lại trong tôi nhiều dấu ấn sâu đậm. Và ông đã lý giải dấu ấn sâu đậm ấy là vì đó là mảnh đất một thời như “cái phễu” hứng đạn bom của kẻ thù muốn hủy diệt tất cả, mà Thành cổ Quảng Trị là một điển hình; sâu đậm vì nơi đây tháng 4 năm 1972 từ Trường Sơn ông đã theo bộ đội vào giải phóng Đông Hà; là mảnh đất có người anh ruột của ông hy sinh ở Đường 9 năm 1968 mà đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ… Trả lời câu hỏi của phóng viên Truyền hình Quốc phòng, tôi chia sẻ rằng bản thân là người may mắn được gặp nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Đọc tác phẩm báo chí và văn chương của ông, tôi như được tiếp thêm năng lượng sống tích cực, để một sáng mai thức dậy, nghĩ mình phải làm một điều gì đó có ích, như ông, một đời báo, một đời thơ - chiến sĩ mà cây bút và trách nhiệm xã hội luôn được đề cao, không bao giờ ngừng nghỉ…
Còn mãi trong tôi cái buổi trưa mùa hạ ở chiến khu Ba Lòng. Hôm đó tôi thấy nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đứng trầm ngâm bên dòng sông Ba Lòng xanh trong. Chúng tôi tản ra xung quanh, để ông ở lại với một triền ký ức. Hôm sau, khi mở trang thơ tạp chí Người Làm Báo, tôi mới đọc được dòng cảm xúc của ông: Tôi đứng ngắm giữa trưa hè nắng gắt / Sông Ba Lòng sóng gợn lăn tăn / Ký ức tháng Tư cách đây năm thập niên / Lại ùa về xôn xao, lay động / Bồi hồi nhớ cô giao liên dũng cảm / Dẫn đơn vị tôi vào giải phóng Đông Hà / Giữa lửa đạn đỏ trời và máy bay gầm rít / Thật xót đau cô đã hy sinh / Trở lại Ba Lòng mang tâm niệm thiêng liêng / Thắp nén nhang tri ân người con gái… (Ba Lòng đang vẽ lại dung nhan). Có lẽ ký ức, niềm đau được xoa dịu phần nào khi ông được tận mắt chứng kiến sự hồi sinh của vùng đất này. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ ngày hôm qua đã đem lại màu xanh no ấm, bình yên cho hôm nay, khi Ba Lòng đã trải rộng màu xanh rau, lúa, sắn, khoai; những con đường trải nhựa đã đến trung tâm; thêm nhiều ngôi nhà mới khang trang; đèn điện sáng giữa rừng xanh thôn, bản… Được chứng kiến khoảnh khắc này, tôi mới hiểu vì sao nhà báo Nguyễn Hồng Vinh lại nặng nợ với miền đất này nhiều đến thế.
Đông Hà, tháng 9/2022
M.T