Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ghi nhận từ cuộc thi Ký và Thơ trên Tạp chí Cửa Việt năm 2012

1- Đôi điều về bếp núc: Cuộc thi Ký và Thơ trên Cửa Việt năm 2012 (CTK&T- TCCV 2012) chính thức phát động từ ngày 10/1/2012. Tính đến ngày 30/11/2012 vỏn vẹn có 320 ngày.Ban Tổ chức (BTC) đã nhận được 62 tác phẩm ở thể loại Ký của 44 tác giả dự thi. Đông đảo nhất vẫn là Thơ. BTC đã nhận được 630 bài thơ của 32 lượt tác giả gửi về dự thi,chủ yếu qua địa chỉ gmail của Tạp chí, trong đó người cao tuổi nhất xấp xỉ 75 và người gửi nhiều bài nhất,có đến 7 tác giả gửi chùm thơ thứ tư, thứ năm lên tới 20 bài.

So với 2 cuộc thi trước đây (Cuộc thi Ký và Thơ lần thứ nhất trên CV năm 1999 và cuộc thi Truyện ngắn 2 năm 2008-2009), thì ở lần thi thứ 3 này chất lượng Thơ dự giải cao hơn, phong phú hơn so với thể Ký đối tượng tham gia cũng rộng hơn, với sự góp mặt của tác giả 3 miền. Ngoài CTV truyền thống ở 6 tỉnh Bắc miền Trung và miền Bắc thì lần thi này có sự góp mặt của đông đảo các cây bút ở Nam Trung bộ, 4 tỉnh Tây nguyên và các tỉnh đồng bằng Nam bộ, đa phần trong số họ đều là tác giả trẻ và mới. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, có thể nói là cái được đầu tiên của cuộc thi. Ngoài việc làm nhằm tôn vinh thơ ca, khẳng định thơ ca nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội ra thì cuộc thi đã kịp thời mang đến, bổ sung cho diễn đàn Cửa Việt một đội ngũ tác giả, rồi đây sẽ là cộng tác viên tích cực vừa trẻ trung vừa mới mẽ.

Cho đến khi tổng kết cuộc thi, Ban Sơ khảo và Ban chung khảo, thậm chí cả BTC chúng tôi hoàn toàn không nắm được thông tin gì nhiều về nhân thân, nghề nghiệp của phần lớn các tác giả dự thi. Nói như vậy để thấy, BGK không hề bị một áp lực nào ngoại trừ một áp lực là làm sao để chọn được tác phẩm xứng đáng để trao giải. Qua cuộc thi lần thứ 3 này, chúng ta có thể khẳng định rằng uy tín, cái tầm ảnh hưởng của một cuộc thi không hề phụ thuộc vào 1 tờ tạp chí văn nghệ địa phương hay Trung ương, mà hoàn toàn phụ thuộc vào chất và lượng bài vở cuộc thi, cái mà ta thường gọi là có bột để gột nên hồ; có tác phẩm xứng tầm để BGK trao giải một cách thoả đáng. Ở lần thi này, cả 2 thể loại Ký và Thơ, BGK không chỉ trao các giải Nhất, Nhì, Ba, Tư... mà nếu trao tiếp thì còn rất nhiều tác giả và tác phẩm kế cận xứng đáng để trao. Điều đó chứng tỏ mục đích, yêu cầu của cuộc thi do Tạp chí đặt ra đã đạt được những kết quả khích lệ, tương xứng.

Ngay khi kết thúc việc nhận bài vở cuộc thi, Ban Sơ khảo (là Ban Biên tập Tạp chí) sơ tuyển xong vòng ngoài, chọn ra được 98 bài thơ của 38 tác giả thơ và 8 tác phẩm Ký của 8 tác giả văn xuôi đưa vào vòng chung khảo. Hơn 1/3 số tác phẩm này đã được BBT Tạp chí cho đăng tải trên 12 số báo trong năm 2012. Ban chung khảo (nhà văn Xuân Đức, uỷ viên; nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nguyên Trưởng ban Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội- uỷ viên; và nhà văn Y Thi Phó Tổng Biên tập phụ trách TCCV- Trưởng ban)- đã trao đổi kỹ lưỡng về tất cả số lượng tác phẩm/ tác giả do BSK đề cử, giới thiệu. Qua việc nhận xét của từng thành viên, đã chỉ ra được điểm mạnh/ điểm yếu của từng tác giả/ tác phẩm với tinh thần thẳng thắn, dựa trên nền kiến văn và vốn sống của mỗi thành viên để thẩm bình, có sự đấu tranh và loại trừ, cuối cùng là bỏ phiếu độc lập nên đã có sự thống nhất cao trong việc đưa ra kết quả chung khảo cuộc thi là 8 giải cho thể loại Ký và 8 giải cho Thơ, cả 2 thể loại trên đều trao giải Nhất (không có giải đặc biệt).

2- Chất lượng cuộc thi:

2.1- Trước hết là ở thể Ký: Thời sự bao giờ cũng là vấn đề sống còn của mỗi tờ báo, vì vậy trong nhiều năm qua, Ban biên tập Tạp chí luôn bám sát những định hướng thông tin được hướng dẫn để thực hiện tốt chức năng tuyên truyền; luôn chú trọng, chăm sóc đội ngũ viết Ký giúp cho tờ Tạp chí phản ánh kịp thời và nhạy bén những vấn đề thời sự - chính trị của tỉnh nhà và đất nước; những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. CV. có thế mạnh ở thể loại này là đã quy tụ được nhiều cây bút năng động, xông xáo trên nhiều lãnh vực. Họ có sức sáng tạo riêng, có giọng điệu riêng, có kỹ năng, biết làm chủ ngôn từ, biết dồn nén tạo ra khả năng bùng nổ về thông tin lẫn cảm xúc thẩm mỹ, nhiều người trong số họ có nhiều thành công ở thể loại bút ký văn học… Sau 20 năm gây dựng và trưởng thành (sau ngày lập lại tỉnh), tính chuyên nghiệp của đội ngũ này thể hiện khá rõ và đã tăng lên gấp bội lần. Đơn cử một số liệu  mới tinh nhặt ra được từ Trại viết Văn học năm 2011 tại huyện Gio Linh, trong số 60 trại viên là hội viên Phân hội Văn học Quảng Trị, đã có đến 38 tác giả chuyên viết Ký, mỗi người một vẻ nhưng mười phân vẹn mười. Đội ngũ này đang được Tạp chí nuôi dưỡng và phát huy. Có cần lưu ý thì chỉ lưu ý một việc nhỏ thôi, thuộc về chất lượng văn chương là nhiều năm trở lại đây, ký đăng tải trên CV. nghiêng về ký báo chí, đang thiếu vắng những bút ký văn học. Để khắc phục, BBT CV. đang chọn các kênh như đầu tư chiều sâu, mở trại sáng tác và cuộc thi lần này cũng không ngoài mục đích tìm kiếm những bút ký văn học.

Bút ký hay Ký ngày nay là phần chồng lấn, xen canh giữa hai thể loại văn học và báo chí, khi nó nghiêng về bên nào nhiều hơn thì người ta gọi đó là bút ký báo chí hay bút ký văn học. Đọc bút ký dự thi lần này ta thấy ở hầu hết các tác phẩm, cái ranh giới giữa 2 thể loại này không mấy rõ ràng, nhưng nếu dựa vào cảm quan của người đọc thì rất dễ nhận biết, không hề có sự nhầm lẫn. Và điểm nổi bật trước tiên ghi nhận được ở thể loại Ký vẫn là tính thời sự, là những vấn đề nóng bỏng xã hội đang quan tâm, những ý tưởng mới lạ thông qua nhiều tư liệu quý hiếm được các tác giả tìm tòi, phát hiện và khai thác. Không phải là một tác giả chuyên nghiệp nhưng ở “Nhật ký chiến trường” (Hồi ký đoạt giải Nhất của cuộc thi) cho chúng ta thấy, bằng cái nhìn mỹ cảm của văn học và cái phẩm chất trong sáng tột cùng của người lính trẻ/ người lính sinh viên từ Hà Nội tiến vào Thành cổ, tự nguyện bước vào một cuộc quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, tác giả Nguyễn Thiện Lợi đã đem đến cho bạn đọc nhiều trải nghiệm bất ngờ, dù tình huống xảy ra cách đây đã 40 năm. “Nhật ký chiến trường” (NKCT) của Nguyễn Thiện Lợi, độ dày chỉ có 38 trang vi tính, CV. đăng tải trong 3 kỳ, nhưng đó là pho tư liệu quý báu, sinh động của những người lính trẻ vào sinh ra tử, đã tôi luyện thành thép và may mắn sống sót trở về từ trận địa được mệnh danh là “cối xay thịt người”. Không thể dẫn hết ra đây những cảnh tượng, tình huống chắt lọc, hấp dẫn và cảm xúc thực mà tác giả đã trải nghiệm. Đọc nó, chúng ta thấy Nguyễn Thiện Lợi có một khả năng tiếp cận hiện thực rất nhạy bén, tinh tế, biết khám phá vào điểm nóng của vấn đề; người đọc phát hiện, nhận chân ra nhiều ý tưởng, nhiều chi tiết mới lạ về chủ nghĩa lãng mạn cách mạng và nhân văn nói chung của những người lính trẻ tham chiến ở mặt trận Thành cổ; biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố tự sự và trữ tình, giữa cái bình thường và phi thường, bình dị và cao cả, giữa cái ngẫu nhiên và khái quát... Tóm lại là giữa biến số và hằng số, giữa cái nhất thời và muôn thuở. Phải là người mang vác lý tưởng thời đại, giác ngộ chân lý không có gì quý hơn độc lập, tự do và xã thân vì chân lý đó mới viết được những trang văn như thế!

Nhân bàn về cái giải Nhất cuộc thi về thể loại Ký, tôi muốn nhấn mạnh thêm một điểm nổi bật nữa là các tác giả đoạt giải cao ở lần thi này đều viết về đề tài chiến tranh cách mạng, viết về chủ quyền biên giới, biển đảo của quê hương đất nước. Viết về Thành cổ còn có các tác giả Nguyễn Trọng Luân với bút ký “Mùa nắng có màu của 40 năm trước” (giải Nhì); Hoàng Công Danh với “Mặt sông rực sáng mặt người” (giải Ba); Tân Linh với “Tin vào nước mắt” (giải Tư) cũng với cảm xúc sâu lắng, cao cả như thế. Họ viết với nỗi kinh hoàng của cả đời người về chiến tranh xen lẫn với niềm nhớ thương chưa bao giờ lãng quên với đồng đội; sự gian lao của một thời tuổi trẻ, sự bầm tím tim gan để tiếp tục sống trong khắc khoải nên chỉ có nghệ thuật mới có cơ may giải thoát nỗi niềm uẩn khúc cho người chiến sĩ. Viết về chủ quyền biển đảo cóGiữ bình yên biên cương phía biển của Đào Tâm Thanh (giải Ba), Giấc mơ ở đền Chương Dương (giải Tư) của Trần Hoài và nhiều tác giả khác ở 2 thể loại Ký và Thơ. Vì sao cuộc thi có nhiều tác giả viết về biển đảo và có nhiều tác phẩm để lại những dấu ấn sâu nặng như vậy? Chúng ta không chỉ có Hoàng Sa, Trường Sa mà còn có trên 4 ngàn đảo nổi đảo chìm lớn nhỏ khác là xương thịt của đất liền. Mãi mãi nó sẽ là một đề tài lớn, “biển nóng lên như thế nào thì đất liền sẽ nóng lên như vậy” (Nguyễn Trí Huân)... Ngoài ra giải Tư còn được trao cho Lê Nguyên Hồng với Làng văn hoá cổ ven sông và Nguyễn Bội Nhiên với Về nơi cát rộng tình dài,giới thiệu những làng văn hoá đặc trưng của Quảng Trị. Nhìn vào tiềm năng của đội ngũ dự thi Ký lần này, có nhiều điểm sáng nhưng nhìn chung chưa tìm thấy bút ký nào hay nức để trao giải Đặc biệt. Các tác giả tuỳ mức độ khác nhau đều rơi vào các nhược điểm, đó là ít có những bút ký khám phá được hiện thực mới, đặc biệt là không đề xuất được những vấn đề nóng cần quan tâm (ngoại trừ chủ đề biển đảo hoặc đề tài chiến tranh cách mạng như đã nói). Cuối cùng xin trao đổi thêm về văn ký. Người ta bảo:Văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ. Lưu ý này hết sức quan trọng vì nó xác định tác phẩm của bạn có phải là bút ký văn học hay không. Cái chất văn học nằm ở hồn cốt của câu chữ chứ không phải cái vỏ bên ngoài; ngôn ngữ văn học sinh ra để diễn đạt chiều sâu các ý tưởng nên đa nghĩa, và nó trở nên lợi hại vô cùng khi ở trong tay người thạo nghề. Điều này thể hiện khá rõ trong các tác phẩm đoạt giải, song một số tác giả vẫn cứ rơi vào tình trạng đẽo gọt chữ nghĩa, làm dáng văn vẻ thì không nên chút nào! Như đã nói ở trên, nhiều năm trở lại đây, ký đăng tải trên CV. nghiêng về ký báo chí, Tạp chí mở các cuộc thi là để tìm kiếm các cây bút và các bút ký văn học. Trên tinh thần đó, những tác phẩm Ký được trao giải lần này vẫn còn một khoảng cách, chưa được như mong muốn.

2.2- Về Thơ:

Tác giả Nguyễn Minh Khiêm (NMK) được BSK chọn 1 chùm thơ 5 bài đưa vào chung khảo; BCK chỉ chốt 2 bài Sau lá bồ đề và Chị để trao giải Nhất. Chùm thơ 5 bài ấy còn có thêmThời bình, Lời giọt máu và Mẹ ru. Đây là chùm thơ tiêu biểu và cô đọng nhất của NMK viết về một chủ điểm là chiến tranh. Viết “Thời bình” cũng là để hồi khứ về chiến tranh, tố cáo tội ác, kết án và phản biện chiến tranh. Chủ điểm chiến tranh thể hiện xuyên suốt, băng qua “Lời giọt máu” và “Sau lá bồ đề”. Hai bài thơ “Chị” và “Mẹ ru” phản  ánh một góc nhìn khác của tác giả về chiến tranh qua lăng kính, thân phận người phụ nữ, tuy có chịu nhiều thiệt thòi cay đắng song thấm đẫm lòng nhân hậu của dân tộc Việt. Lối viết của nhà thơ của NMK là trực diện, giàu cảm xúc, có nhiều câu hay, nhiều ý mới... Như vậy, ngoài cảm xúc, chính trực cảm và chính kiến mạnh mẽ của nhà thơ đã tạo nên vóc dáng từng bài thơ và giọng thơ vừa giàu nhân bản vừa đa tầng suy tưởng. Hẵn người thơ ấy phải đi nhiều, yêu thương nhiều, nghĩ nhiều mới tạo nên những phức hợp về thi ảnh bằng một giọng điệu thơ cách tân, lột xác với một thái độ tự tin khó có thể có được ở lớp tuổi thất thập. Đọc NMK tôi gần như bị ám ảnh. Ai đó đã nói, thơ hay phải tạo ra được sự ám ảnh và cao hơn là đạt đến sự trác việt; nó chứa đựng linh khí chứ không chỉ đơn thuần là cảm xúc, nhờ đó mà thơ ca đạp đổ, vượt qua được cái thấp hèn, vươn tới cái sự cao thượng... Bên cạnh những ưu điểm nổi bật vừa nêu, nhược điểm lớn nhất của nhà thơ NMK là tham, nhiều lúc phô diễn chữ nên dàn trải, dài...(chữ dùng của nhà văn Xuân Đức). Đó là cái khó và cũng là nhược điểm không tránh được của nhiều nhà thơ đoạt giải lần này. Thì cái anh nghĩ vẫn là cái mọi người thường nghĩ, nhưng nhà thơ, khi diễn tả nó thì phải sâu sắc, giản dị. Rậm lời, hoặc ham giải thích bao giờ cũng làm cho cảm xúc bị pha loãng trong khi đặc tính của thơ là hàm súc và nén gợi; Thơ phải đạt tới nghệ thuật của sự giản dị, trong sáng.

Về 2 tác giả đoạt giải Nhì. Đó là nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng với chùm thơ 2 bài. Nếu Tổ quốc nghìn dặm khơi là bài thơ giàu cảm xúc, truyền cảm được niềm tự hào đối với Trường Sa thân yêu thì Vọng về cố thổ yêu thương là bài thơ có những ý sâu, có cách viết mới...Tuy nhiên cũng bị hạn chế là  lạm dụng chữ nhiều lúc không cần thiết khiến người đọc có cảm giác rối rắm. Tác giả Hoài Quang Phương cũng chỉ chọn 2 bài trong chùm nhiều bài là Quả bàng vuôngvà Que diêm nhiều ánh lửa. Nhà văn Xuân Đức có nhận xét: Thơ Hoài Quang Phương rất hàm súc, chặt. Ý gợi nhiều hơn ngôn từ. Nhược điểm là ít cảm xúc, đôi khi khiến người đọc cảm thấy sự cố tình sắp đặt chữ mà quên đi cái mạch cảm xúc tự thân.

Hai cây bút đoạt giải Ba, đó là nhà thơ Võ Văn Luyến với chùm thơ: Vọng, Giấc mơ cánh đồng gió và lửa và Lê Như Tâm với chùm thơ: Em, con và bão, Em đã thấy quê hương hiện hình. Nếu Võ Văn Luyến đại diện cho nỗ lực tìm kiếm cách nói hiện đại, hướng thơ đến với bản chất suy tưởng về cuộc sống, về phận người lẫn phận mình, quyến rũ bạn đọc bằng cả tư tưởng và những nỗi buồn sâu lắng có giá trị thức tỉnh của mình thì Lê Như Tâm gây được sự chú ý bằng những tứ thơ, đoạn thơ giàu cảm xúc, say mê. Đọc tập thơ “Thức” (NXB Thuận Hoá- 2012) của Lê Như Tâm mới trình làng cùng với nhiều chùm thơ dự thi, nhận biết ở tác giả này người và thơ gần như đồng nhất. Người thơ còn tồn tại thì còn tồn tại thơ.Còn tồn tại thơ là còn tự do sáng tạo, tự do thể hiện nhiệt huyết của mình như một số bạn thơ từng nhận xét...

Với 3 tác giả đoạt giải Tư. Nguyễn Trung Hữu với chùm thơ: Tình sử và Thành cổ bóng con người; Đỗ Thị Hồng Nhung với Giấc mơ thuỷ tiên và Bay mỏi đất phù sa; Tống Phước trị với Điểm danh. Ở các tác giả đoạt giải Tư, ai cũng có thế mạnh riêng trong việc lập tứ, chọn lựa thi ảnh, giọng điệu. Bài nào cũng có những câu thơ hay, ý sâu, cách viết mới, song vẫn còn lẫn vào những câu thơ dễ dãi, thiếu gia công một cách kỹ lưỡng...

Nhìn một cách tổng thể, cái được lớn nhất của cuộc thi Thơ lần này là ai cũng nghĩ mình đang tìm đến một sân chơi mà ở đó tất cả được đắm mình trong con sông thuần khiết của thi ca. Từ đó bồi đắp, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước; sẻ chia phận đời, phận người và phận mình, trở thành người sống có ích, có chung có thuỷ.  

3- Đôi điều cảm thông: Tuy có thể lệ cuộc thi, BGK công tâm, khách quan trong việc bình chọn, đánh giá tác phẩm, song chắc chắn không thể phát hiện hết những tác phẩm đã xuất bản hoặc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là báo mạng. Hoặc giả như việc có một số tác giả xào xáo, tân trang lại tác phẩm của mình đã xuất bản trước đó. Về vấn đề này, có lẽ BCK cuộc thi nào cũng chỉ trông nhờ vào sự tự giác và lòng tự trọng của người cầm bút cũng như sự phát hiện của đông đảo bạn đọc, bạn viết gần xa nữa mà thôi...Sinh thời nhà thơ Xuân Diệu từng nhấn mạnh, đề cao việc bình phẩm văn chương là “khen hay chê chưa quan trọng bằng cảm thông và thấu hiểu”.Vì vậy thay mặt BTC và Hội đồng giám khảo cuộc thi, xin chúc mừng các tác giả đã dự thi, đoạt giải và mong có cộng tác dài lâu với CV.

 

                                                                                  Y.T. 

 

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 221 tháng 02/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground