Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giai thoại câu đối

* Giai thoại là một thể loại văn học

            Trong nhiều công trình nghiên cứu dân gian đã công bố, kể cả sách giao khoa Ngữ văn dành cho bậc THPT, giai thoại không có mặt với tư cách là một thể loại của văn học dân gian. Tuy vậy, Từ điển thuật ngữ văn học vẫn xác định: Giai thoại là một thể loại truyện kể ngắn gọn về một tình tiết có thực hoặc thêu dệt của những nhân vật được nhiều người biết đến(<1>).

            Còn Từ điển văn học (bộ mới) cho rằng: Giai thoại là một chuyện kể truyền miệng, lưu hành chủ yếu trong giới nhà văn và lớp công chúng ưa thích thơ văn (...) Thuật ngữ giai thoại mượn từ Trung Hoa (thoại: truyện kể; giai: đẹp, hay, thú vị). Mỗi giai thoại là một chuyện kể ngắn gọn, lý thú, xoay quanh những nhân vật có thực thường là những danh nhân(<2>). Tác giả Kiều Thu Hoạch trong Xác định thể loại giai thoại đăng trên Nguồn sáng Dân gian số 2 - 2002, sau khi phân tích những đặc trưng của thể loại này đã đi đến kết luận: Giai thoại văn học - ngoài những đặc trưng chung của loại hình tự sự folklore, như tính hư cấu, tính phiếm chỉ... giai thoại văn học còn có một số đặc trưng thể loại cơ bản bao gồm: tính lý thú/ tính đối thoại/ tính kịch/ tính chơi chữ(<3>).

            Ví dụ một giai thoại mà đối tượng của nó không xác định:

            Xưa, ở làng nọ có tên chánh tổng bị chột. Nhân ngày hắn ăn khao nhậm chức chánh tổng, lại vào dịp Tết, có người mang đến tặng hắn một chữ “Quý” viết rất to và đẹp được lồng trong khung kính cẩn thận.

            Chữ Quý nghĩa là sang (Phú Quý: giàu sang). Ngày Tết mừng nhậm chức mà được tặng chữ Quý thì thật là tuyệt. Hắn đem cái khung kính có chữ ấy treo nơi trang trọng trong nhà. Khách đến chơi ai ai cũng khen người viết chữ đẹp, ý lại hay.

            Qua một thời gian khá dài mà tên chánh tổng này vẫn thản nhiên không hiểu ra điều gì. Một hôm có người hoạn lợn đến nhà hắn và lân la xin vào uống nhờ miếng nước. Người này tỏ ra am hiểu chữ nghĩa, cũng khen ý đẹp, chữ hay. Một lúc lâu, rào trước đón sau, người này mới đánh bạo nói với hắn:

            - Thưa ông, người mừng ông chữ quý này còn có một ý khác. Theo tôi thì ông không nên treo nó nữa!

            Tên chánh tổng tròn xoe mắt ngạc nhiên:

            - Làm sao, ý gì cứ nói ta nghe!

            Người hoạn lợn chậm rãi:

            - Chữ Quý là do các chữ Trung, chữ Nhất, chữ Mục, chữ Nhân mà thành. “Trung nhất mục nhân” là trong làng có người một mắt, ý ám chỉ ông. Ý thứ hai là nói các kỳ hào chức sắc trong tổng này đều là dốt nát nên mới chọn ông làm chánh tổng, bởi người xưa thường nói: “Thằng chột làm vua xứ mù”...

            Chánh tổng nghe xong mắt đỏ ngầu, mặt tái xám. Hôm sau khách vào chơi chẳng còn thấy chữ Quý ấy đâu nữa!

            Và đây, giai thoại gắn liền với Chiêu Hổ (Phạm Đình Hổ). Chuyện kể rằng khi cậu Chiêu đến nhà nữ sĩ Xuân Hương, khi qua sân vô ý để đầu đụng vào cái váy phơi ở đấy. Nữ sĩ tức cảnh nêu vế đối trêu ông Nghè. Nho sĩ họ Phạm đối lại tạo thành một cặp như sau: 

            Tán vàng, tán tía che đầu ai đỡ khi nắng cực;
            Thuyền vẽ thuyền rồng vén buồm lên rồi sẽ lộn lèo.

            * Thể loại câu đối

            Theo Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến: Câu đối là một thứ văn chương thù tạc hay dùng nhất trong xã hội nước ta. Viện sĩ Trần Ngọc Thêm thì cho rằng: Câu đối là một loại sản phẩm văn chương đặc biệt, nó vừa công phu tỉ mỉ lại vừa cô đúc ngắn gọn (...) thể hiện đủ cả cái đẹp cân đối nhịp nhàng của hình thức và cái uyên thâm của chiều sâu triết lý phương Đông<4>. Xét về mặt thể loại văn học, Tự điển thuật ngữ văn học nêu định nghĩa câu đối: Câu đối (tiếng Hán là đối liên) là một thể văn đặc biệt có quy mô nhỏ, mỗi đơn vị tác phẩm (được gọi là câu) gồm hai vế (thực chất là hai câu) đối xứng nhau về từ loại, âm thanh và ý nghĩa, dùng để biểu lộ tư tưởng, tình cảm, thái độ trước một sự việc hoặc một cảnh vật một đối tượng nào đó mà chủ thể (tác giả) quan tâm chú ý. Câu đối dùng để đọc hoặc dán, khắc (trang trí ở nơi trang trọng) để tỏ chí, đối đáp, chúc mừng, ghi công, viếng người chết hoặc đùa vui, chế nhạo,... Sức mạnh của câu đối là tính khái quát cao, súc tích.

            Ví dụ một câu đối tương truyền của Nguyễn Khuyến như sau:

                                    Mỹ nhân ngọc, hành vũ hành phong, anh linh mạc trắc;
                                    Tế thế kỳ âm, hộ dân hộ quốc, vạn lại vô cùng.

Và một câu đối dân gian khác:

                                    Tết túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế;
                                    Xuân xong xóa sổ, say sưa sắm sửa sẵn xu xài.

            * Một số giai thoại về câu đối xuân

            Chuyện kể, có một thầy đồ hài hước giữa đêm trừ tịch viết một câu đối xuân:

                                    Phúc vô trùng chí
                                    (Phúc không đến hai lần)

                                    Họa bất đơn thành.
                                    (Họa không đi một mình)

            Được hai vế đối này, thầy chừa một khoảng trống ai đọc cũng giật mình và cho là quái gở, còn cười thầm thầy đồ lắm chữ mà tự chuốc họa vào mình! Nhưng vừa sáng mồng một thầy khai bút viết thêm vào mỗi vế ba chữ nữa:

                                    Phúc vô trùng chí kim chiêu chí;
                                    (Phúc không đến hai lần mà sáng nay lại đến)
                                    Họa bất đơn thành sa nhật hành.
                                    (Họa không đi một mình mà hôm qua đã qua rồi)

            Thế là chỉ trong một đêm giao thừa, dưới ngọn bút hoạt kê tài tình và nghệ thuật chơi chữ đặc sắc thầy đồ Nho đã khiến hung hóa cát, đem dữ đổi lành ngay trong đầu năm mới thì còn gì may mắn hơn!

            Một tết nọ, Tú Kình (mà sau này nhiều người cho đó chính là chàng Tổng Cóc) cùng một số chàng trai đem quà biếu cụ Đồ xứ Nghệ Hồ Phi Diễn (theo nhiều tài liệu cho rằng đấy là thân phụ của Hồ Xuân Hương). Hồ Xuân Hương ứng khẩu ra vế đối:

                        Tối ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới;

            Sau khi làm xong các nghi lễ chúc Tết xông nhà thầy sáng mồng một, Tú Kình đã đọc vế đối của mình:

                                    Sáng mồng một mở then tạo hóa để cho thiếu nữ rước xuân vào.

            Cụ đồ khen anh Kình có khiếu văn chương hàng đầu, xứng đáng là con cháu một nhà.

            Đọc câu đối của cụ Thượng Trứ sau đây ta thấy, ở vế xuất tác giả sử dụng phép đếm liệt kê, vế đối lại cũng liệt kê như vậy:

                                    Mồng một Tết, mồng hai Tết, mồng ba Tết, ờ Tết;
                                    Buổi sáng say, buổi trưa say, buổi chiều say, cho say.

            Một câu đối khác của cụ Tam Nguyên Yên Đổ:

                                    Tối ba mươi nghe pháo nổ đùng, ờ ờ Tết;
                                    Sáng mồng một, đụng nêu đánh cộc, à à xuân.

            Có lẽ cái độc đáo nhất ở câu đối này là ở từ láy tượng thanh “đùng” của tiếng pháo và một từ tượng thanh khác “cộc” khi nhân vật trong câu đối đụng vào... cọc nêu! Liền theo đó là hai cặp khẩu ngữ “ờ, ờ” và “à à” được sử dụng một cách nhuần nhuyễn trong thể loại “cao quý”, “khó khăn” mà lẽ ra nó không thể nào có mặt được.

*

            - Giai thoại là một thể loại của văn học dân gian. Nó là những câu chuyện (thoại) và có tính thẩm mỹ: đẹp (giai). Hấp dẫn hơn là ngay trong thể loại văn học dân gian này lại có hai đối tượng: những giai thoại kể lại những câu chuyện vui tồn tại ngay trong dân gian, nhưng cũng có những giai thoại lưu truyền những chuyện hay, hài hước, thâm thúy của các bậc học giả, danh nho. Một thể loại văn học dân gian lưu truyền những chuyện “đẹp” trong dân gian, vừa lưu truyền những chuyện “đẹp” của những con người mà tên tuổi họ gắn liền với sách sử hay văn học Việt Nam trung đại.

            - Câu đối lại là một thể loại quen thuộc của những văn gia thi sĩ, của những người từng theo học qua “cửa Khổng, sân Trình”. Đó là điều bình thường. Điều mà chúng tôi muốn nói thêm là ngay cả trong dân gian cũng lưu truyền những dạng thức của câu đối vừa độc đáo về nghệ thuật vừa ẩn chứa nhiều nội dung và chức năng lý thú. Như vậy, ngay trong nội hàm của thể loại câu đối đã có hai bộ phận: câu đối dân gian (câu đối không xác định được tên tác giả, nay lưu hành trong người bình dân) và câu đối bác học (câu đối của những nhà Nho viết nên).

            - Bây giờ đến chuyện hỗn dung hai thể loại: giai thoại về câu đối. Đây là một thể loại văn học dân gian lưu giữ những câu đối, ở đó có thể là những câu đối dân gian: Chuyện kể rằng có một ông đồ sống thanh cao vui cùng sách vở, đối diện nhà ông là nhà của một trọc phú dinh cơ đồ sộ, kín cổng cao tường, trước cửa hắn lại có bụi tre cao như để khoe... mình là quân tử! Tết, ông đồ tức cảnh viết đôi câu đối:

                                    Gia trung vạn quyển thư;
                                    (Trong nhà muôn cuốn sách)
                                    Môn ngoại tam can trúc
                                    (Ngoài cửa ba cành tre)

            Có kẻ vào nhà tên trọc phú mách lẻo: Nó khinh ông ra mặt đấy, nhà nó thì chữ nghĩa, văn chương, nhà ông chỉ có ba cành tre gộc. Tên trọc phú tức tối cho người chặt phăng bụi tre chỉ còn trơ gốc. Hôm sau, người ta thấy sau mỗi vế đối kia thêm vào một chữ: trường và đoản

                                    Gia trung vạn quyển thư trường;
                                    Môn ngoại tam can trúc đoản.

            Thế là, tên trọc phú lại nghe lời “thầy dùi”: Nhà nó thì muôn cuốn sách dồi dào, còn nhà ông chỉ trơ ba đoạn tre cụt ngủn. Không chịu được, tên trọc phú cho người đào phăng cả gốc tre đổ đi. Sáng hôm sau, lại câu đối cũ nhưng mỗi vế lại có thêm một chữ nữa: hữu và vô.

                                    Gia trung vạn quyển thư trường hữu;
                                    Môn ngoại tam can trúc đoản vô.

            Lão nghe lời dịch: Trong nhà muôn cuốn sách dài mãi/ Ngoài cửa ba cành tre ngắn không, tức giận vô cùng.

            Và cũng có thể là giai thoại về một câu đối bác học. Đầu thế kỷ XX, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã sử dụng tài tình chữ viết của dân tộc, đưa cả ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào câu đối. Trong 67 câu đối hiện còn của cụ thì có 47 câu đối Nôm. Đây là cảnh Tết của một nhà nghèo mà lòng vẫn phơi phới sắc xuân khi giao thừa sắp đến:

                        Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa;
                        Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

           

Hiểu rõ vần xoay của tạo hóa, cụ ước ao:

                                    Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết;
                                    Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân.

            Ngày xuân, người ta thường nói đến câu đối, và lẽ đương nhiên nói đến câu đối người ta nghĩ đến giai thoại.

T.M.T

 

(<1>) Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.132.

(<2>) Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (chủ biên), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2003, tr.519.

(<3>) Kiều Thu Hoạch, Xác định thể loại giai thoại, Nguồn sáng Dân gian số 2 - 2002, tr.61.

(<4>) Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, trang 288.

 

Nguồn: Tạp chí Đất Quảng

Trần Minh Thương

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground