Nhưng giọng nặng mà khỏe ấy không phải là một bất lợi, không hề là một bất lợi, mà ngược lại, người Quảng Trị tự tin với lối phát âm của mình và mang giọng nói ấy đi xa hơn trong lĩnh vực nghệ thuật.
Tiếng hát quê hương trữ tình
Chỉ riêng trong âm nhạc, Quảng Trị đã sinh ra nhiều nhạc sĩ và ca sĩ danh tiếng. Điều đặc biệt là tất cả nghệ sĩ ấy đều dành cho quê hương một tình yêu lớn, thông qua việc chọn đề tài và cách thức biểu hiện. Họ mang “tinh thần nhà quê” và làm sang cho dòng nhạc trữ tình quê hương.
Ai đã từng nghe tiếng hát Duy Khánh một lần thì hẳn không quên được. Giọng ca vàng từng làm say mê biết bao thế hệ từ thời nghe qua băng cassette và đến bây giờ vẫn được lưu truyền mạnh mẽ trên các trang mạng, trở thành các video-audio được nghe nhiều. Duy Khánh là người làng An Cư (Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị), ông bắt đầu sự nghiệp ca hát bằng việc thể hiện thành công những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy.
Là một người gốc nhà quê, chọn thể loại nhạc “dân ca mới”, nên Duy Khánh có được đồng điệu trong tâm hồn. Với giọng Quảng Trị được chưng cất, tiếng hát Duy Khánh trở thành một thứ rượu làm say đắm những nỗi niềm tha hương. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận xét rằng nghe Duy Khánh như nghe âm hưởng của tiếng trống cổ thành, ngân dài đến 21 nhịp, chuyển từ thấp lên cao, vượt quãng hai bát độ thanh thoát như chim bay. Có được sự điêu luyện đó, ngoài tài năng thiên phú, còn là nhờ vùng đất sinh ra ông, một vùng đồng bằng thanh bình nằm gần cửa biển. Chất biển mặn mòi hòa quyện trong chất rì rào của đồng quê, và đặc biệt chỉ cần nghe Duy Khánh thì biết ngay đó là người Quảng Trị, riêng biệt, không lẫn vào đâu.
Giọng khỏe và mạnh, nên Duy Khánh có thể hát những bản trường ca âm nhạc như Con đường cái quan và Mẹ Việt Nam của Phạm Duy, mà khó có người hát qua được. Mẹ cũng là một chủ đề chính trong các bài hát Duy Khánh chọn thể hiện, với giọng quê truyền cảm của ông đã làm rung động bao trái tim xa nhà, xa mẹ. Có thể nghe lại bài Người mẹ Gio Linh để thấy Duy Khánh xử lý quãng ngân “hòơ hò” thật da diết và nghe ra tiếng ru, tiếng than của người mẹ Quảng Trị.
“Huyền thoại Bolero” Duy Khánh đã đi xa, nhưng tiếng hát của ông đã truyền cảm hứng và truyền niềm yêu ca hát cho biết bao thế hệ nối tiếp. Những ca sĩ xứ gió Lào cát trắng lại chọn dòng nhạc trữ tình quê hương và hát bằng giọng Quảng Trị không hề ngần ngại.
Ca sĩ Vân Khánh về hát tại quê nhà Quảng Trị - Ảnh: T.A
Hãy nghe ca sĩ Vân Khánh đọc lời tựa cho chính album của mình: Bông lau trắng, đó là những rừng lau trắng bạt ngàn đường Chín, là một trời khói trắng một vùng hoa lau, Đông Hà, Cam Lộ, là mẹ đợi con tóc hóa ngàn lau trắng. Chất giọng mộc mạc quê nhà, ca sĩ quê Vĩnh Linh đã dẫn người nghe đi qua những miền quê Quảng Trị bằng âm nhạc với các ca khúc: Sông Hiền Lương, Nhịp chèo sông Hiếu, Mưa chiều Khe Sanh, Giọng hò thương nhớ... Nghe ca khúc Quảng Trị, ngày con về của Mai Hoài Thu qua giọng hát Vân Khánh, ấn tượng nhất khi ca sĩ cất lên tiếng gọi thân thương: Mạơi.
Xa quê và thành danh ở miền Nam, rồi được thính giả khắp nơi yêu mến, song Vân Khánh thường về quê tham gia các chương trình để phục vụ bà con, gần gũi và thân thiện với mọi người. Có lần ở chương trình Vu lan tại Triệu Phong, khi được cài một bông hoa hồng lên áo, cô tâm sự: “Chỉ cần nghe tiếng Quảng Trị gọi, là con về”.
Ca từ đậm chất
Âm nhạc là tiếng lòng, và tiếng lòng ấy phải được cất lên bằng ngôn ngữ nơi người nghệ sĩ đang viết. Những nhạc sĩ đi qua Quảng Trị đã khéo léo đưa lời ăn tiếng nói vào ca khúc và được cả nước yêu mến, chẳng hạn nhạc sĩ Hoàng Vân trong Bài ca Vĩnh Linh: Ngó bên tê Trường Sơn một dải, nghe bên ni sóng vỗ Cửa Tùng. Những từ ngó, bên tê, bên ni đãđược “nhạc hóa” thành giai điệu mà vẫn giữ chất riêng có của vùng quê miền giới tuyến. Chỉ cần nghe, là biết đang nói về Quảng Trị.
Riêng “ngó”, từ bắt đầu bài hát đã gây ấn tượng mạnh và đắt giá. Bởi “ngó” của người Quảng Trị không chỉ là nhìn, mà còn mang nghĩa ngóng trông. Nó phù hợp với hoàn cảnh ra đời, ấy là khoảng năm 1966 nhạc sĩ Hoàng Vân được vào tuyến lửa thực tế sáng tác. Ông đã viết ca khúc Quảng Bình quê ta ơi và mấy hôm sau liền vào vùng giới tuyến viết Bài ca Vĩnh Linh. Nhạc sĩ thận trọng viết và không vội công bố, phải đến khi ra lại thủ đô, ông hát thử cho những người Quảng Trị nghe để góp ý rồi mới thu thanh phát sóng.
Gần đây, nhạc sĩ Nguyễn Thúy Hương có ca khúc Ngẫu hứng Đông Hà - Rứa khi mô anh về, ngay khi công bố, bài hát đã được thính giả thích thú và yêu mến. Những người Quảng Trị xa quê, nghe bài hát có thể cảm nhận một thành phố đang dần sôi động như tiết tấu, nhưng đến cao trào, nhạc sĩ liền ngắt phách để cho một câu hỏi: Rứa khi mô anh về? Đây là kỹ thuật chuyển giai khá độc đáo và đầy... ngẫu hứng. Nhất là nhạc sĩ đã đưa nguyên câu nói quen thuộc của người Quảng Trị như một sự nhắc nhở.
Giọng nói thân thương
Trong điện ảnh, giọng nói đôi khi là thứ được người ta nhớ đến nhiều hơn cả. Nhớ và ấn tượng, giọng nói riêng chính là “tiếng nói riêng” của người làm nghề. Cũng có khi chính giọng nói trở thành đặc sản, đặc sắc mà thông qua đó các đạo diễn tuyển chọn vai.
Kim Oanh (sinh năm 1993), nữ diễn viên Quảng Trị đã sớm có được những thành công bước đầu trong nghề. Với ngoại hình dễ nhìn, khuôn mặt trong sáng thân thiện, đặc biệt giọng nói chân chất mộc mạc Quảng Trị đã gây được thiện cảm với khán giả mọi miền. Kim Oanh nhập vai Lan trong phim truyền hình dài tập Những cô gái trong thành phố (phát sóng năm 2019) của đạo diễn Vũ Trường Khoa. Bộ phim là câu chuyện xoay quanh bốn cô gái tỉnh lẻ ra thành phố lập thân lập nghiệp. Với đề tài đó, rõ ràng sự góp mặt của những diễn viên mang giọng nói đa vùng miền là điều tất yếu. Và Kim Oanh được chọn, được đạo diễn khuyên nói đúng chất giọng quê nhà.
Dù nhiều năm sinh sống học tập ở thủ đô, Kim Oanh đã hòa nhập với môi trường và nói được giọng Hà Nội, nhưng khi được yêu cầu nói giọng Quảng Trị, thì đúng như “chim trở về đàn”, có thể thỏa sức cất lên âm thanh bản năng nhất, hồn hậu nhất và cũng tự nhiên nhất.
Đến bộ phim dài tập Lửa ấm (phát sóng năm 2020), Kim Oanh vào vai Hiền. Đạo diễn Đào Duy Phúc lại đề nghị Oanh diễn thử một đoạn bằng hai giọng nói. Cuối cùng, đoàn làm phim quyết định Kim Oanh sẽ nói giọng Quảng Trị. Trên nhiều trang báo và mạng xã hội, cô được nhắc tên với biệt danh “nữ diễn viên nói giọng Quảng Trị”. Đó là một sự ưu ái đầy yêu thương và đáng tự hào.
*
Nhìn lại nhiều năm về trước, khi mà người quê lên thành phố thường “học theo” cách sống của người phố, nói theo tiếng nói của người ta, âu cũng là dễ hiểu cho một sự hòa nhập. Ngày nay, khi thế giới phẳng và xã hội gần như được cân bằng hơn, sự đa dạng được chấp nhận, sinh ngữ và ngôn ngữ cũng không ngoại lệ. Với nghệ thuật, cái riêng bao giờ cũng được trân trọng, vì nó đồng nghĩa với sự khác lạ, sự mới mẻ.
Giọng Quảng Trị tuy mộc mạc, tuy nằng nặng, thậm chí khó nghe, nhưng với nghệ thuật, không có khoảng cách nào là không vượt qua được.
Bài in trên Cửa Việt số chuyên đề 2 (9.2021)