Bìa tập sách "Không ảnh" Quảng Trị
Với mong muốn chia sẻ đến mọi người những góc nhìn khác lạ, độc đáo về Quảng Trị, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Thanh Thọ đã dồn nhiều công sức và tâm huyết trong nhiều năm để ra đời tập sách với tên gọi: “Không ảnh” Quảng Trị (NXB Thuận Hóa).
Với nhiếp ảnh, mỗi thể loại đều mang một ý nghĩa, mục đích khác nhau. Do đó việc xác định rõ các thể loại trong nhiếp ảnh là vấn đề rất cần thiết đối với những người quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Thông thường ảnh nghệ thuật bao gồm các thể loại: ảnh phong cảnh, chân dung, kiến trúc, tĩnh vật, thể thao, quảng cáo, sân khấu hoặc ảnh báo chí. Ảnh báo chí thường gồm các thể loại: tin, tường thuật, bình luận, tài liệu, phóng sự, ký sự… Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các phương tiện chụp ảnh được trang bị ngày càng hiện đại hơn, giúp người nghệ sĩ nắm bắt được các khoảnh khắc cuộc sống và tái hiện lại cảnh vật sống động hơn.
Không ảnh là một thể loại nhiếp ảnh (hoặc kỹ thuật) trong đó hình ảnh được chụp từ trên không trung hoặc việc lấy hình ảnh của mặt đất từ một vị trí cao trực tiếp xuống. Thông thường để chụp các hình ảnh phải được thao tác tác trực tiếp trên thân máy ảnh (thao tác trực tiếp). Tuy nhiên, với sự phát triển của các phương tiện kỹ thuật, máy ảnh có thể được kích hoạt (chụp ảnh) từ xa hoặc tự động thông qua các thiết bị hỗ trợ. Nền tảng chụp ảnh trên không bao gồm từ máy bay trực thăng, máy bay không người lái (UAV), bóng bay, khí cầu, tên lửa, chim bồ câu, diều, dù, kính viễn vọng và các khí cụ, xe cộ... có thể điều khiển được và gần đây được ưa chuộng sử dụng là flycam. Ảnh chụp được sẽ gọi là ảnh/hình chụp trên không, ảnh từ không trung hay gọi ngắn gọn là không ảnh. Năm 2015, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn cho ra đời bộ sách ảnh cao cấp đầu tiên về đảo và bờ biển Việt Nam với tên gọi Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam đã tạo nên sự thu hút của giới sáng tác và người yêu thích bộ môn nhiếp ảnh.
Trở lại với tập sách “Không ảnh Quảng Trị” tập hợp 147 ảnh Quảng Trị và được chia làm 3 phần: “Đi qua miền đất lửa”, “Nơi lưu giữ ký ức về Quảng Trị” và “Nhịp sống mới”. Tập sách dày 120 trang ghi lại từng khoảnh khắc cuộc sống, khắc họa nên bức tranh tổng thể về miền đất đầy nắng, gió này. Một nét mới trong tập sách này là sử dụng song ngữ Việt - Anh, rất có giá trị trong việc làm quà tặng du lịch hoặc quảng bá về mảnh đất, con người Quảng Trị đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Một trang trong sách
Để thực hiện tập sách này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Thanh Thọ mất gần ٦ tháng để hoàn thiện và bổ sung những hình ảnh còn thiếu tại các địa phương và một số ngành nghề... Tuy nhiên, “quá trình thai nghén” để xuất bản tập sách “Không ảnh” Quảng Trị phải rất lâu bởi lẽ nó đòi hỏi một sự đam mê, am hiểu để từ đó biết khái quát trong bộ sách ảnh là cái nhìn bao quát và tổng thể về mảnh đất và con người Quảng Trị. Là một người làm báo nên anh có lợi thế đi nhiều; tuy nhiên để chuyển tải thành một tác phẩm nhiếp ảnh, đòi hỏi sự lao động nghiêm túc như anh chia sẻ: “chụp hàng trăm tấm tại một địa điểm để chọn ra tác phẩm tốt nhất”. Để có bức ảnh đẹp, phải nắm bắt thời điểm ánh sáng tốt nhất, chụp ở góc nào thì ấn tượng và độc đáo do đó cần sự hiểu biết và nắm bắt đặc trưng tại từng địa phương của tác giả.
Ảnh chụp từ các thiết bị trên cao đã gần như trở thành xu hướng, được nhiều người chụp ảnh chuyên và không chuyên tìm hiểu, thực hiện những bộ ảnh đẹp. Tuy nhiên, không phải cứ biết “bay” là có ngay ảnh đẹp. Trên thế giới đã có nhiều cuộc thi chụp ảnh từ trên cao, chủ yếu chụp bằng thiết bị bay không người lái (drone) được tổ chức. Nổi tiếng nhất có thể kể đến Dronestagram - bắt đầu từ năm 2014, được sự tài trợ của tạp chí chuyên về địa lý, lịch sử nổi tiếng National Geographic (Mỹ), và Skypixel được sự tài trợ của các tập đoàn sản xuất sản phẩm công nghệ liên quan đến hình ảnh, in ấn. Cả hai cuộc thi đều thu hút hàng chục ngàn tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Những bức ảnh đoạt giải của hai cuộc thi này luôn khiến người xem phải sững sờ vì sự khác lạ. Bên cạnh đó còn có những “drone film festival” dành cho các tác phẩm thực hiện bằng drone, tổ chức tại Madrid, London, New York. Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn - người nổi tiếng với những bức “không ảnh” chia sẻ rằng, yếu tố nghệ thuật của một tác phẩm ảnh không chỉ thể hiện ở khía cạnh kỹ thuật, mà còn cả khía cạnh cảm xúc, trong đó ông đề cao yếu tố cảm xúc của người chụp.
Flycam giúp cho Hồ Thanh Thọ vượt qua những địa hình khó ví dụ như ruộng, mương, vùng sình lầy, núi cao… Để thành công của một bức ảnh phong cảnh ngoài nội dung tư tưởng, ảnh phải mang được cái hồn của đất nước, địa danh, hoặc xứ sở nào đó. Ảnh phải mang một ý đồ nghệ thuật, một nội dung tư tưởng rõ ràng. Qua tập sách, có thể thấy được dấu ấn chủ quan, nét riêng của nhà nhiếp ảnh; đồng thời ảnh mang giá trị thẩm mỹ cao qua bố cục, đường nét, ánh sáng.
Với tập sách ảnh đầu tay này, vẫn còn một số điều để người xem tiếc nuối, đó là số lượng ảnh còn ít; ba phần trong tập sách ảnh vẫn chưa đều nhau; ảnh sinh hoạt, đời sống vẫn còn khiêm tốn so với các phần khác… Tuy nhiên, cần ghi nhận những nỗ lực cống hiến cho nghệ thuật và quê hương của nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Hồ Thanh Thọ. Chúc cho anh có nhiều tác phẩm sáng tạo hơn, đẹp hơn và bay bổng hơn!
B.N