Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Góp thêm vài ý kiến về đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" hôm nay

68

 năm qua, nền giáo dục Việt Nam đã nhanh chóng trưởng thành và lớn mạnh. Các thế hệ học sinh từ các trường học đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho ha cuộc chiến tranh giải phóng và sự nghiệp xây dựng, phát triển nước nhà. Nhiều nhân tố hợp lực để làm nên thành quả đó nhưng vai trò trực tiếp của đội ngũ cán bộ quản lý và thầy cô giáo là hết sức đáng trân trọng. Trong chặng đường dài ấy, đã có ba lần thực hiện cải cách (năm 1950 - 1956 - 1981). Mỗi lần cải cách là khi đất nước đứng trước các yêu cầu mới, việc đào tạo con người buộc phải có những đổi thay phù hợp. Giờ đây, đất nước đã hòa bình thống nhất, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa với kinh tế thị trường định hướng XHCN và sự hội nhập ngày càng sâu rộng. Nhìn từ yêu cầu từ bối cảnh mới, cho thấy nền giáo dục đang gặp những khó khăn, yếu kém và bất cập. Vì vậy “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” đã trở thành mệnh lệnh của cuộc sống. Cho nên Nghị quyết của BCHTW Đảng VI đã chính thức yêu cầu phải xây dựng đề án này. Đổi mới “căn bản” nghĩa là phải đổi mới cốt lõi, chính yếu. Đổi mới “toàn diện” nghĩa là từ sự lãnh đạo đến thực thi, với mọi cấp học, ngành học kể cả đầu tư và chính sách. Toàn Đảng, toàn dân đang quan tâm mong chờ và hy vọng. Bởi vì thành công của đề án có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của đất nước khi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Bộ Giáo dục đang khẩn trương hoàn thiện đề án. Đề án thì rất lớn và cũng rất khó. Bản thân thì hiểu biết ít ỏi và cũng đã nghỉ hưu khá lâu nhưng với tất cả thành tâm xin được góp vài ý kiến với đồng nghiệp đương chức hôm nay. Các ý kiến này là từ sự lãnh hội một số điều Bác Hồ dạy và thực tiễn của ngành mà cá nhân cảm nhận được. Nếu đó là hữu ích thì rất hạnh phúc.

Bác Hồ đã đi xa 44 năm. Những lời dạy của Người lại đều ở vào thời điểm cả dân tộc phải đương đầu với hai cuộc chiến khốc liệt nhưng tính phổ quát của Minh triết Hồ Chí Minh vẫn hoàn toàn có giá trị hiện hữu. Mighen Đêxtê Phanô (Cu Ba) khi viết: “Người không chỉ là kỷ niệm của quá khứ, Người còn là con người kỳ diệu cho tất cả mọi thời đại”, chắc là với ý nghĩa đó.

Cần phải nói rằng: Bác là lãnh tụ vĩ đại, là danh nhân văn hóa lớn của thế giới. Tư tưởng và đạo đức của Người có sức cảm hóa, tập hợp và dẫn dắt trên tất cả mọi lĩnh vực. Riêng với ngành giáo dục, Người là nhà sư phạm lỗi lạc, người Thầy, người Cha kính yêu và hết sức gần gũi. Xin được nêu vấn đề ở 4 góc độ sau:

Một là: Bác đã xác định mạnh mẽ và rõ ràng vị trí, sứ mạng của nền giáo dục nước nhà. Mượn cách nói của Quản Trọng (thời Tiền Tấn), Bác khẳng định:

Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây

Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người

Với Bác Hồ “công việc đầu tiên là với con người” - yếu tố quyết định thành hay bại của mọi sự việc. Năm 1947, khi nói với ngành Tư pháp, Bác dạy: “Nghĩ cho cùng, Tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, vấn đề là: ở đời và làm người”. Rồi Bác giải thích “Ở đời thì phải thân dân, gần dân và phục vụ đại chúng. Làm người thì phải chính tâm”. (Ở một bài khác viết năm 1950, Bác giải thích “chính tâm là Cần, Kiệm, Liêm, Chính - Chí công vô tư”. Sứ mạng của nền giáo dục là đào tạo con người để họ sống thật tử tế (tức “làm người”) và sống thật sự có hiệu quả (tức “ở đời”) đó là “nghĩ cho cùng” vậy. Bác đã nói với tất cả thiết tha trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (3/9/1945) “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và 1946 ở Hải Phòng “Phải làm cho dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái”. Trong cả đời mình Bác đã đặt kỳ vọng lớn vào sự đóng góp của ngành Giáo dục cho vận mệnh Tổ quốc. Mục đích của giáo dục nhằm đào tạo ra những công dân, cán bộ tốt cho nước nhà. Trách nhiệm rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. “Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế”. Năm 1951 dặn học sinh trước khi sang học ở Liên Xô, lời đầu tiên của Người là: “Vì ai mà học? Vì nhân dân, vì giai cấp, vì Đảng”. Với học sinh cả nước Bác nói: “Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân làm cho dân giàu nước mạnh tức là làm tròn trách nhiệm của người chủ nước nhà”. Bởi vì như Bác viết trong thư nhân ngày khai trường năm 1945: “Non song Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc Năm Châu được hay không chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các em”. Trung thành với tư tưởng của Người giờ đây Đảng và Nhà nước ta xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, là “động lực cho sự phát triển”, là “Chìa khóa mở cửa vào tương lai”. Đáng tiếc là khi thể chế trong thực hiện từ đầu tư đến các chính sách cũng như ở cấp này cấp khác không phải đã nhất quán đầy đủ với quan niệm này.

Với Bác Hồ, đã có một nhận xét chí lý của một giáo sư Philipin, tiến sĩ Viven Kio Hôxê: “Biệt tài của Hồ Chí Minh là đi thẳng đến các vấn đề chính yếu”. Các “Vấn đề chính yếu” đối với giáo dục đã được Bác khẳng định rõ ràng. Về mục tiêu đào tạo: Phải đào tạo con người phát triển toàn diện để sống tốt nhất và hữu ích nhất cho nước nhà. Năm 1961, Bác dạy thiếu nhi 5 điều: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào - Học tập tốt lao động tốt - Đoàn kết tốt kỷ luật tốt - Giữ gìn vệ sinh thật tốt - Khiêm tốn thật thà dũng cảm. Từ năm 1945, Bác đã yêu cầu “Xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam… làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh Việt Nam”. Bác rất coi trọng việc giáo dục ý thức “Học để phụng sự Tổ quốc”, rất coi trọng việc giáo dục kiến thức và ý chí khoa học “Hết sức đề cao tinh thần khoa học nhằm giúp học sinh có lối nhận thức khoa học, phát triển óc phê bình, óc phân tích tổng hợp, tinh thần sáng tạo và óc thực tế”. Người cũng yêu cầu cao về việc “Phải dạy cho họ ý chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”. Muốn vậy, theo Người “kế hoạch giáo dục phải gắn với kinh tế xã hội” và phải “đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống”. Năm 1948 trong Hội nghị Giáo dục toàn quốc Bác chỉ thị: “Phải sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho hợp với sự nghiệp kháng chiến cứu nước”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” Bác nhắc lại “Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân”. Từ năm 1945, Bác đã chỉ đạo gắn thực học với thực nghiệp: “Phương pháp của nền giáo dục mới là xóa bỏ lối học nhồi sọ, hình thức, chú trọng thực học, phần học về chuyên môn nghề nghiệp chiếm một vị trí quan trọng”. Nếu như gắn với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn là một nguyên tắc thì việc kết hợp nhận thức với hành động, nói và làm, học với hành là chủ trương nhất quán trong chỉ đạo của Người. Trong quan niệm, Người cho rằng “Không có lý luận như người nhắm mắt mà đi. Nhưng lý luận không áp dụng vào thực tế là lý luận suông… khác nào cái hòm đựng sách”, chỉ là “Trí thức một nửa”. Với nhà trường Bác dạy: “Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Năm 1958, Bác nói tại trường Chu Văn An: Nhà trường XHCN là “nhà trường học đi đôi với lao động, lý luận đi đôi với thực hành, cần cù đi đôi với tiết kiệm” và rằng “điều này quan trọng lắm”. Về đạo đức Bác cho rằng “không từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như viên ngọc, càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Xin ôn lại một số lời dạy của Bác để đề nghị: Bản đề án lần này cần khẳng định mạnh mẽ vị trí và sứ mạng quan trọng của sự nghiệp giáo dục trong quan niệm chỉ đạo cũng như việc tổ chức thực thi cụ thể. Mặt khác cần điều chỉnh một cách căn bản chương trình, nội dung và phương pháp. Trước hết là cần phù hợp và đáp ứng tốt hơn cho yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hiện nay dung lượng kiến thức quá nhiều, quá nặng, dàn trải cần phải được tinh lọc, lựa chọn tốt hơn. Phải chăng phương châm “Dĩ bất biến ứng với vạn biến” của Bác Hồ sẽ giúp chúng ta nhiều trong khâu này. Mặt khác cần chú trọng hơn nữa tính liên thông, tính tích hợp và xử lý hài hòa hơn giữa yêu cầu: “Dạy chữ - dạy người”, lý thuyết - thực hành, kiến thức - kỹ năng. Đồng thời cần thấy không thể tất cả (100%) học sinh sẽ vào đại học sau lớp 12, vậy vấn đề phân luồng phải được chủ động tính toán khi xây dựng chương trình và lựa chọn nội dung học đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Chẳng hạn: GS. Đào Trọng Thi “Chưa cân đối giữa dạy chữ và dạy người”. Phó GS. Nguyễn Kế Hào: “Toàn diện không có nghĩa là cân bằng. Mỗi đứa trẻ là mỗi cá thể riêng biệt… cần tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát huy tối đa thế mạnh của riêng mình”. PGS. Văn Như Cương: “Chương trình giáo dục công dân toàn là vấn đề to tát như chương trình triết học của bậc đại học… bài giảng giáo dục công dân mà bắt học thuộc lòng là quá quắt”. TS. Giáo dục học Nguyễn Thúy Anh: “Trẻ em cần được tham gia hơn là thụ động tiếp nhận. Trẻ em cần các câu chuyện hơn là nhớ quá nhiều con số. Trẻ em cần tự đặt vấn đề hơn là chỉ chằm chằm giải những bài toán giống nhau. Trẻ em cần có được cảm xúc và nuôi dưỡng cảm xúc ấy để vào đời”. Và còn rất nhiều ý kiến khác phải được xem xét cân nhắc nghiêm túc. Ngay cả việc sau 12 năm đèn sách, đánh giá thế nào cũng cần được đổi mới. Chúng ta đào tạo con người toàn diện, chúng ta cần con người hành động một cách sáng tạo, có hiệu quả, vậy khi chỉ thi mấy môn văn hóa đã ổn chưa? Đo một sự vật, chưa nói đến cách đo mà bản thân “cái thước” phải thật thẳng. GS. Hồ Ngọc Đại nói một điều thật đáng suy nghĩ: “Chỉ trong 3 ngày, nhốt học sinh để thi, cho là nghiêm chỉnh, trong khi cuộc đời mới là sân thi cử lớn nhất và nghiêm túc nhất mà đứa trẻ phải vượt qua. Chúng ta tin rằng với trình độ và kinh nghiệm của ngành, sau đề án này chúng ta sẽ có chương trình, nội dung và cách thức làm giáo dục hợp lý và hiệu quả hơn.

Hai là: Đối với người học. Người xưa đã tổng kết: “Thiên hạ chi bản tại Quốc - Quốc chi bản tại gia - Gia chi bản tại thân”. Bác Hồ cũng nói: Nhiều người hợp lại mà thành làng, nhiều làng hợp lại mà thành nước, người là gốc của làng, của nước. Nếu mỗi người đều tốt thì làng tốt, nước mạnh”.

Tiếp cận từ cách nhìn biện chứng đó cho thấy muốn có một chất lượng giáo dục tốt nhất định phải có cách nhìn đúng về người học. Vấn đề không chỉ là “Tôn trọng”, “Thương yêu” mà còn phải nhìn họ với tư cách là một thực thể đang phát triển, một chủ thể sáng tạo. Chúng ta rất vui mừng và tự hào khi Bác Hồ là điển hình mẫu mực về “Chí” trong sự học và cũng là mẫu mực thành công từ “Chí” khổ học đó. Chúng ta biết rằng, sau thất bại của phong trào Cần Vương, tiếp đến là khởi nghĩa Yên Bái và sự bế tắc của phong trào Đông Du, Duy Tân, Bác Hồ quyết định đi tìm một con đường khác để cứu nước. Để thực hiện khát vọng này việc học nhằm có được “vốn liếng” tri thức trở thành một yêu cầu kiên quyết. Vì vậy ngay từ khi bước lên tàu trong công việc phụ bếp, Bác đã lao vào học “đến 9 giờ tối công việc mới xong. Anh Ba đã mệt lữ nhưng trong khi mọi người ngủ hoặc đánh bài thì anh Ba đọc và viết đến 11 giờ đêm hoặc đến nửa đêm”. Sang đến Paris dù phải vất vả với nghề chụp ảnh và một số nghề khác, Bác vẫn say sưa học tập. Như Puskin nói: “Đọc - đó là cách học tốt nhất”, Bác đã nhờ thẻ đọc của Nghị sĩ P.V.Cou Turier để thường xuyên đến thư viện. Vì vậy, năm 1935 khi đi dự hội nghị Quốc tế Cộng sản VII, trả lời phiếu hỏi về trình độ (Tiểu học? Trung học? Đại học?) Người ghi: “Tự học”. Nhưng đến câu “Trình độ ngoại ngữ”, Người đã ghi: Pháp, Anh, Trung, Nga, Đức, Ý (Ta biết sau này thêm tiếng Thái). Một nhà nghiên cứu nhận xét: “Bác đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin bằng con đường tự học”. Chính Người cũng kể lại bằng cách đó mà Bác đã gặp “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin để từ đó tìm được câu trả lời cho câu hỏi nóng bỏng về con đường giải phóng dân tộc. Cả đời Bác là một chuỗi ngày không ngưng nghỉ học hành: “Tôi chỉ có một thứ ham: Ham học, ham làm và ham tiến bộ”. Có thể khẳng định: “Trí tuệ uyên thâm, lịch lãm, tầm mắt đại dương” của Người có được gắn với quá trình khổ học đó. Từ sự trải nghiệm của chính mình mà những gì Bác nói về bản chất và ý nghĩa của sự học cũng như phương pháp và cách học là vô cùng sâu sắc, quý giá.

Vì vậy rất mong đề án lần này chú trọng 3 điều:

A - Tư tưởng chỉ đạo nội dung và phương pháp: Cần được thay đổi “Căn bản”, từ chỗ lấy việc truyền thụ kiến thức là chủ đạo sang việc xem sự phát triển, hoàn thiện của người học là chủ đạo. Hiện nay đã có những tiến bộ khá rõ trong việc đề cao tính chủ động của người học nhưng nhìn trên tổng thể sự thực phổ biến vẫn là: Thầy ra sức truyền thụ giảng dạy - Trò ra sức ghi, học thuộc và trả bài. Chúng ta nhất thiết phải từ bỏ lối dạy “Nhồi nhét”, “Hư văn”, “Từ chương trích cũ”. Triết học biện chứng đã khẳng định tính quyết định của nhân tố chủ quan. Nếu không việc hình thành khả năng tự học, tự giáo dục, tự hoàn thiện của người học là mục tiêu thì không thể có chất lượng cao. Nói như một nhà giáo dục phương Tây: “Không nên xem người học là cái bình chứa cần đổ đầy nước mà phải xem họ là bó đuốc cần được đốt cháy để tỏa sáng”. Thầy “Hứng” mà trò không “Thú”, thầy “Phát” mà trò không “Động” thì không thể có kết quả. Bác Hồ nói: “Lấy tự học làm cốt, thảo luận và chỉ đạo giúp thêm vào” là lời khẳng định chỉ có chất lượng thực khi người học “Thực học”. Thực ra học không phải là lao động giản đơn như Bác đã nói: “Học thì phải học cặn kẻ thấu đáo. Thà biết ít nhưng đã biết thì phải chuẩn xác, tỷ mỉ, cụ thể và sâu sắc đến bản chất vấn đề, chứ không nông cạn, hời hợt ở bề mặt”. Cho nên yếu tố “Tự” càng có tính quyết định. Việc hoàn thiện nhân cách cũng như sự phát triển toàn diện của người học cũng nằm trong quy luật đó. Đây là vấn đề lớn và khó vì phải đổi mới cả tư duy đến phương pháp trái với những gì đã định hình và thành thói quen của không ít người trong ngành.

B - Phải thực sự coi trọng việc: “Cá biệt hóa” trong giáo dục. Trong ngành từ lâu đã dùng từ cá biệt với hàm nghĩa chỉ một số rất ít học sinh có vấn đề không ổn về đạo đức. Nhưng “Cá biệt hóa” ở đây là nói về vị trí từng con người cụ thể. “Mỗi người là một người”, “Mỗi đứa trẻ là một phương án mở về khả năng phát triển”. Nhà văn Nga Lev.Tolstoi từng viết: Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng biệt và bí ẩn, không đứa nào giống đứa nào. Trong chúng đã có một tố chất nào đó mà qua quá trình giáo dục hoặc là tố chất ấy sẽ bị vùi dập mà phải biến mất hoặc là được phát hiện và sẽ thể hiện được mình”. Từ năm 1945 Bác Hồ đã yêu cầu nền giáo dục nước ta “Phải làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh Việt Nam”. Vì theo Người “Tôn trọng nhân phẩm, rèn luyện chí khí và phát triển tài năng của mọi người là mục đích cao cả của nền giáo dục mới”. Như vậy là chúng ta đã thừa nhận mỗi người học có cá tính riêng, có tố chất riêng chứa đựng một tiềm năng phát triển khác với người khác. Lâu nay, chúng ta coi trọng ý thức tập thể, đề cao tính tập thể là đúng nhưng chỉ tác động đến tập thể không chú trọng đến từng cá nhân là không đúng. Cá biệt hóa giáo dục đòi hỏi chúng ta tôn trọng cá nhân, phát hiện ra các đặc trưng và tố chất riêng của từng cá nhân và từ đó có giải pháp hợp lý cho sự phát triển của từng cá nhân đó. Với tinh thần đó, cùng với những gì là cơ bản nhất, cần thiết nhất mà mỗi người học cần phải có thì phải có những nội dung khác phù hợp với đặc điểm của từng người. Vì vậy, chắc chắn nên có những môn học bắt buộc, những kiến thức bắt buộc, nhưng cũng cần có những môn học các kiến thức tự chọn để “năng lực sẵn có” của mỗi người phát triển.

C - Phải dân chủ hóa quá trình giáo dục. Dân chủ theo nghĩa rộng thì rất rộng. Ở đây chỉ muốn đề nghị chống lại lối giáo dục và giảng dạy áp đặt một chiều, không tôn trọng, không tổ chức, dẫn dắt để thầy trò cùng phát hiện, cùng trải nghiệm, cùng khám phá, cùng hành động. GS. Hồ Ngọc Đại vốn có cách nói rất không giống ai đã gọi “Trẻ em là cứu tinh của dân tộc”, “Trẻ em luôn luôn đúng”. Thậm chí công trình thực nghiệm hơn 30 năm của mình, ông gọi đó là “Lời thưa với con trẻ” và rằng “Các em bảo đúng thì thầy làm còn không đúng thì thầy sửa”. Không bàn đến cách nói gai góc này thì linh hồn của vấn đề là phải có một sự dân chủ hóa đích thực, đó là một ý tưởng rất đáng trân trọng và lắng nghe.

Ba là: Tư tưởng học suốt đời và mô hình xã hội học tập. Khi nhân loại bước vào thời kỳ văn minh hậu công nghiệp thì năm 1946, UNESCO kêu gọi xây dựng một nền giáo dục liên tục suốt đời đi tới một xã hội học tập. Với Bác Hồ, ngay từ 1945 khi mới giành được độc lập, Bác đã kêu gọi “Người người, nhà nhà học tập”. Bác nói “Vợ chưa biết chữ thì chồng bảo, em chưa biết chữ thì anh bảo, người làm chưa biết chữ thì chủ bảo”, chính với quan niệm và cách làm quyết liệt này mà phong trào diệt giặc dốt đã phát triển mạnh mẽ ngay từ buổi trứng nước của chính thể mới. Sau này trong quá trình lãnh đạo đất nước Bác vừa rất quan tâm đến các nhà trường (nay thế giới gọi là “giáo dục ban đầu”); đồng thời cũng rất quan tâm đến các lớp học của dân, của cán bộ, chiến sĩ… nay thế giới gọi là “Giáo dục tiếp tục”). Người đã nói về tâm lý nhưng cũng là một nguyên lý: “Kiêu ngạo, tự mãn là kẻ thù của học tập” bởi theo Người “Đường đời là một cái thang không có nấc chót. Học tập là quyển vở không có trang cuối cùng”. Với mình, Người bộc bạch “Còn sống thì còn phải học” nên “Tôi nay đã 71 tuổi nhưng ngày nào cũng học”. Hiện nay song hành với tổ chức quản lý giáo dục của Nhà nước, Hội Khuyến học đã được hình thành và phát triển sâu rộng, nước ta có thêm một tổ chức, một lực lượng và cũng là một nguồn lực để xây dựng xã hội học tập. Dẫu sao cũng cần thấy một thực tế các mô hình giáo dục ngoài nhà trường đang còn có những khó khăn không nhỏ trong phát triển. Như mô hình Trung tâm học tập cộng đồng. Mô hình khá tối ưu, tỏ ra rất thích hợp và hiệu quả nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn về nhân lực, nguồn lực. Vì vậy trong đề án đổi mới giáo dục lần này sẽ đặt ra và giải quyết một cách thực tế để cả hai mô hình: Giáo dục ban đầu (các trường học) và giáo dục tiếp tục (ngoài nhà trường) cùng song hành phát triển vì mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước nhà.

Bốn là: Tình cảm đặc biệt Bác Hồ đã dành cho ngành Giáo dục. Trái tim của Bác Hồ vốn dành cho cả đất nước và nói như Tố Hữu là cho “Mọi kiếp người”. Riêng với ngành giáo dục là tình cảm thiết tha, sự quan tâm sâu sắc và những chăm lo tận tình. Bước vào đời nghề đầu tiên Bác chọn là nghề dạy học. Chưa tới một năm dạy ở trường Dục Thanh nhưng theo lời kể của học sinh thời ấy, đó là một thầy giáo trẻ mẫu mực, hết lòng thương yêu học sinh, tiết kiệm từng viên phấn và bớt từ đồng lương ít ỏi của mình góp sách tặng trường. Khi bước vào con đường Cách mạng, một trong những trăn trở của Bác là giáo dục. Vì vậy một trong tám yêu sách do chính Người ký năm 1919 gửi Hội nghị Vecxây Bác đã kết án Thực dân Pháp “Vì đã gieo rắc một nền giáo dục đồi bại và xảo trá, nguy hiểm hơn cả sự dốt nát”. Khi đã là người đứng đầu của chính thể mới, dù trong buổi trứng nước với bao khó khăn của thù trong giặc ngoài, Người kiên quyết chủ trương diệt ba loại “Giặc”: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Tập trung bốn kiến thiết: Ngoại giao, quân sự, kinh tế, giáo dục vì vậy chỉ một tuần sau ngày độc lập, Bác đã ký ban hành 3 sắc lệnh về giáo dục: Sắc lệnh thành lập nha bình dân học vụ, Sắc lệnh cưỡng bức học chữ quốc ngữ và Sắc lệnh mỗi làng phải mở lớp học bình dân. Bác đã gọi những chiến sĩ xóa mù xuất sắc là những “Anh hùng vô danh”. Và trong phiên họp Chính phủ lúc đó Bác xác định “Ngay trong hoàn cảnh khó khăn này chúng ta phải kiên quyết tiến hành”. Trong gần 10 năm chống Pháp Bác đã quan tâm sâu sắc và thường xuyên chỉ đạo sát sao công việc lớn của ngành. Thời đánh Mỹ khi chúng ào ạt đánh phá nặng nề toàn miền Bắc, Bác kêu gọi “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”. Đến lúc lâm trọng bệnh, trước khi mất mấy ngày, Bác còn viết thư khen học sinh Phú Mẫn vì “Vừa học vừa tham gia lao động sản xuất”. Và xúc động biết bao khi trong di chúc, Người để lại lời căn dặn sâu sắc và ân tình: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Hoàn toàn có thể khẳng định: Cả đời mình Bác đã giành cho sự nghiệp giáo dục một tình cảm đặc biệt và một kỳ vọng lớn lao. Nếu như “Chí” và “Minh” của Bác Hồ là sự chiếu sáng và dẫn dắt thì tình cảm và kỳ vọng của Người sẽ là một động lực từ trái tim khích lệ toàn ngành phấn đấu. Vì vậy, để đề án lớn này được thực thi thành công rất nên có một đợt sinh hoạt Chính trị - Nghề nghiệp lớn cho toàn ngành để vừa tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy vừa tăng cường nhiệt huyết cho sự nghiệp “Trồng người” như Bác Hồ mong đợi.

* * *

Giáo dục là một sự nghiệp lớn, liên quan đến từng gia đình và toàn xã hội. Vì vậy có rất nhiều vấn đề nhưng xin được nêu “Vài ý kiến” về 4 vấn đề mà cá nhân tâm huyết. Ý thức rằng: Công việc lớn này không thể ngày một ngày hai và sẽ không ít khó khăn trong quá trình thực thi. Nhưng khi Đảng, Nhà nước, toàn xã hội cũng như ngành giáo dục đã hạ quyết tâm thì đây là thời điểm và là thời cơ để sự nghiệp trồng người lớn lao của dân tộc sẽ phát triển với tầm cao mới. Vì vậy gửi niềm tin, hy vọng vào đề án này là tâm trạng của tất cả mọi người.

T.S.T

TRƯƠNG SĨ TIẾN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 230 tháng 11/2013

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground