Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hãy để trường học là một đoàn tàu

N

ếu bạn đã từng đọc cuốn sách “Tottochan - Cô bé ngồi bên cửa sổ” của Tetsuko Kuroyanagi (Nhật), tôi tin rằng khát vọng trở thành một người giáo viên sẽ phải bùng cháy trong lòng bạn. Trong truyện đó, có một ông hiệu trưởng dùng một đoàn tàu cũ làm phòng học cho trẻ em. Mỗi giờ học là một lần đoàn tàu chạy một chuyến – ông thầy nói với học trò như vậy! - mặc dù những toa tàu này vẫn đứng yên. Từ câu chuyện ấy, tôi nghĩ về người đứng lớp, hãy để trường học là một đoàn tàu, sinh động và phóng đãng. Để học trò xem việc học như một cuộc du ngoạn và thưởng lãm cái đẹp vốn có của đời sống này.

1. Trên chuyến tàu không có hình phạt đối với hành khách

Đã từng là một cậu bé trường làng, rồi học trò trường huyện, bây giờ là sinh viên đại học, tôi nhận thấy một điều là có những giờ học trôi rất chậm! Đơn giản bởi quý thầy cô không tạo hứng thú cho chúng tôi tiếp thu bài vở. Ngày còn học cấp hai, cô giáo dạy văn khi bình giảng “Ngục trung nhật kí” đã nói câu “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, và chúng tôi đáo lại thành “nhất nhật tại giờ thiên thu tại ngoại” bởi vì những tiết văn quá chán! Thử tưởng tượng một môn học bồi đắp tâm hồn cho học sinh mà quý thầy cô không làm cho trái tim các em mở ra hứng lấy thì làm sao ngồi yên nghe giảng được? Một tiết học khô khan là một sự xử phạt vô hình áp đặt vào các em học sinh. Đó là hình phạt đầu tiên và phổ biến nhất mà giáo dục chúng ta đang mắc phải.

Năm học cấp một, tôi sơ ý làm gẫy cây thước của cô giáo. Thế là cô bắt tôi quỳ suốt buổi học hôm đó. Tôi úp mặt vào bức tường mới quét vôi trắng non như tuổi thơ của mình mà khóc, nước mắt giàn dụa và hai đầu gối đau mỏi tê sững. Hồi đó các thầy cô chỉ dạy cho chúng tôi những con chữ, dạy cho chúng tôi lòng yêu nước, dạy cho chúng tôi lòng căm thù giặc, tiếc là không dạy cho chúng tôi lòng căm thù...chính các thầy cô, bởi những hành xử kiểu thế này với lũ trẻ chúng tôi là điều không thể chấp nhận được (!). Và trong lúc quỳ, tôi chợt gọi thầm mẹ mình. Cũng một lần ở nhà tôi làm vỡ chiếc phích đựng nước nóng. Mẹ tôi vội vàng chạy đến cầm lấy tay xem có bị chảy máu không, mặt mẹ lúc ấy xanh ngắt, mẹ không mắng tôi lấy một câu nào cả. Bên ngoài cửa lớp, đứa trẻ lên năm nào vừa đi học về hát một câu “lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”. Khi ấy thì tôi oà lên khóc như chưa bao giờ cảm thấy tủi thân như thế! Tiếng khóc to át cả tiếng trống trường báo giờ tan tầm. Lũ bạn đứng trân trân nhìn. Cô giáo cũng đưa ánh mắt nhìn tôi. Còn tôi, nhìn chằm chằm vào ánh mắt cô để hơn chục năm sau, bây giờ đây, nghĩ lại:

Hãy đừng bao giờ biến học trò chúng ta thành một kẻ phạm tội! Đừng bao giờ áp dụng những kiểu phạt quá đáng như thế bởi các em còn nhỏ lắm, như một bức tường vôi còn trắng khôi khuyên, những giọt nước mắt sẽ làm nó vàng ố đi rất xấu. Cũng đừng lấy việc quỳ làm một hình thức xử phạt bởi hành động quỳ ấy rất thiêng liêng. Chúng ta hãy dành đầu gối để quỳ trước tiên linh tiên tổ ông bà, việc ấy có ý nghĩa hiếu đạo hơn nhiều. Tôi nhớ trong văn hoá ma chay Việt Nam mình có tục là con trai trưởng nếu còn cha mẹ thì không được phục tang và quỳ lạy khi có người trong nội thân mất, cái quỳ ấy phải dành trước hết cho cha mẹ đã! Vậy thì tại sao quý thầy cô lại bắt học trò quỳ trước một bức tường vô tri vô giác (?). Xin các thầy cô đừng vì một sơ ý nào mà bắt các em đi ngược đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Nếu muốn một hình thức xử phạt, thì hãy để việc thực hiện hành vi ấy của các em cũng là một hoạt động có tính giáo dục. Chẳng hạn ngày nhỏ tôi đi học, thầy giáo có phần kiểm tra bài cũ. Hễ bạn nào không thuộc bài thì phải cõng bạn thuộc bài một vòng quanh lớp. Khi ấy cả lũ học trò chúng tôi vui sướng. Người ngồi trên lưng mừng vì mình được cõng, kẻ đang cõng cũng thấy vui vì nó chỉ đơn giản như một trò chơi con trẻ mà thôi! Phạt kiểu này lại còn làm cho các em có một vài phút vận động thân thể, đôi khi hứng thú hơn để học bài. Thầy tôi chỉ phạt như thế có ba lần, sau đó đứa nào cũng lo học bài vì luôn muốn được ngồi trên lưng kẻ khác. Và giờ học cuối cùng năm ấy, thầy giáo khom lưng cõng chúng tôi mỗi đứa một vòng. Thầy nói rằng “vì tương lai các em sẽ giỏi hơn thầy nên thầy xin cõng trước kẻo mai mốt các em lớn rồi thầy cõng không nổi!”.

Thầy cô luôn muốn học trò giỏi hơn mình. Như ta có câu “con hơn cha là nhà có phúc”, thầy trò cũng như cha và con, người sau giỏi hơn người trước là một điều may mắn cho toàn xã hội. Chính vì thế mà xin quý thầy cô hãy tôn trọng các em học sinh thân yêu, hãy xem các em như con cái mà dạy dỗ. Thương yêu chính là chỗ đó!

Từng có những người thầy vui theo niềm vui của học sinh và cũng buồn với nỗi buồn của các em. Cứ mỗi mùa thi tốt nghiệp xong, khi treo bảng kết quả, tôi lại thấy người thầy hiệu trưởng ấy đứng khóc một mình vì những chữ H (hỏng!) trên danh sách kết quả. Thầy khóc không phải vì thành tích của trường mà vì thầy thương những giọt mồ hôi của cha mẹ chúng tôi.

Ngày tôi nhận giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, thầy đứng bên chiếc xe đạp mới trao và mỉm một nụ cười mãn nguyện. Khi ấy, tôi ước chừng thầy chưa đầy năm mươi ký, gầy còm ốm yếu, nhưng tình yêu thương dành cho học sinh thì vô bờ bến.

2. Trên chuyến tàu có những trò giải trí sinh động

Dưới mái trường cấp hai ấy, thầy giáo hiệu trưởng Lê Bá Cường khi vào lớp dạy toán đều mỉm một nụ cười hiền hậu. Thầy kể ngày thầy còn học đại học sư phạm, thầy giáo Nguyễn Văn Bàng đã nói một câu “tôi khuyên các anh chị khi vào lớp hãy mỉm một nụ cười!”. Chính nụ cười ấy đã khiến đứa học trò cấp hai – tôi ngày ấy - ước ao trở thành một người thầy giáo trong tương lai, đơn giản bởi muốn mang đến cho các em những niềm vui nho nhỏ mà thôi.

Lúc tôi còn nhỏ, mẹ hay may áo quần cho tôi bằng thứ vải thô sơ. Mẹ nói may vải xấu để mau có áo mới. Trẻ con thường không phân biệt được hàng tốt xấu mà chỉ thấy có áo mới là mừng cái đã. Và chính những niềm vui mừng nhỏ nhỏ đó sẽ làm con trẻ lớn khôn lên rất nhiều. Một nụ cười của thầy cô khi vào lớp cũng như một chiếc áo mẹ mới may vậy đó, làm cho học sinh được phấn khởi mà học tập rèn luyện.

Ngày ấy chúng tôi rất ghét học môn văn, nghe giảng thì buồn ngủ và chép bài lại rất mỏi tay. Cô giáo nhủ hãy chú ý học bài rồi cuối mỗi tiết cô dành ra mười lăm phút để kể tiểu thuyết “Hoa Tiulip đen” cho nghe. Vậy là chúng tôi chăm chú học bài, hăng say phát biểu để bài giảng chóng kết thúc. Nhờ học theo kiểu đó mà đến khi thi điểm văn đứa nào cũng cao, một phần vì nắm được bài, phần nữa vì được biết thêm nhiều về văn chương nước ngoài nên bài luận phong phú hơn.

Việc kết hợp dạy học cùng những trò “khuyến mãi” như thế sẽ làm cho học sinh hứng thú tiếp nhận kiến thức. Mỗi giờ học hiện nay là 45 phút, liệu có quá nhiều để nhồi nhét kiến thức sách vở cho các em hay không? Khi đi dự những hội nghị, ngồi nghe báo cáo độ mười lăm phút là có vị đã buồn ngủ rồi. Đấy là chỉ việc ngồi nghe không thôi, huống hồ các em học sinh vừa nghe vừa chú ý để xây dựng bài, vừa phải ghi nhớ kiến thức. Nếu không có những trò giải trí xen kẽ thì e rằng đầu các em sẽ nổ tung!

Có những thầy giáo dạy toán đã từng đọc thơ cho chúng tôi nghe, có những thầy dạy vật lý đã hát cho chúng tôi nghe, có những thầy dạy hoá học đã từng múa cho chúng tôi xem...và những giờ học tự nhiên không bao giờ là khô khan cả. Đã từng vì những câu thơ của thầy dạy toán mà có đứa học trò thành thi sĩ, đã từng vì câu hát của thầy dạy vật lý mà có đứa học trò thành nhạc sĩ, đã từng vì điệu múa của thầy dạy hoá học mà có đứa học trò thành đạo diễn. Quý thầy cô chính là ngọn gió lành thổi vào tâm hồn các em những rung động xao xuyến.

Một người đứng lớp, ngoài kiến thức chuyên môn thì nên có những hiểu biết về xã hội và một số năng khiếu cơ bản. Dù không giỏi nhưng cần vận dụng vào bài giảng để giờ học sinh động, để các em thấy rằng “À, Thầy mình là một tâm hồn đẹp! Cô mình là một tâm hồn đẹp!”. Kiến thức của quý thầy cô là chiếc khung chặt chẽ, chính tâm hồn mới là mảnh gương sáng chứa ở trong đó những vẻ đẹp nhiệm mầu lung linh.

Trong “Tam Tự Kinh” có viết rằng “dưỡng bất giáo phụ chi quá, giáo bất nghiêm sư chi đoạ”, tức “nuôi mà không dạy là lỗi của cha, dạy mà không nghiêm là lỗi của thầy”. Từ xưa đến nay người thầy được đặt ngang với đấng sinh thành, với ý niệm hun đúc nên những con người đúng ý nghĩa. Và  nên hiểu chữ “nghiêm” của cổ nhân theo nghĩa thoáng rộng, tức không chỉ “nghiêm túc” mà còn “chỉnh chu trọn vẹn”, bao hàm trong đó là sự bồi đắp nhiều hiểu biết cho các em.

* * *

Tôi từng đi trên những chuyến “tàu chợ” từ Huế ra Quảng Trị, có những lần trốn vé, người kiểm soát biết đời sinh viên thiếu thốn nên chỉ nhắc nhủ lần sau không nên thế, họ không hề phạt tiền hay mắng nhiếc gì cả. Xin quý thầy cô khi đứng lớp cũng thế, hãy khuyên nhủ các em bằng những lời nhỏ nhẹ yêu thương. Để các em luôn cảm thấy mình là một hành khách được ân sủng khi đi trên chuyến tàu chuyên chở ước mơ.

Và tin rằng chuyến tàu nhân ái ấy sẽ đi qua những vườn táo chín mọng, có một trái rơi tự nhiên sinh ra Newton; đi qua một tháp nghiêng có một mảnh giấy rơi tự do sinh Galile; đi qua rừng Ôliu có một giọng hát líu lo sinh ra Tagore... Để các em sẽ trở thành những con người làm đẹp thêm cuộc đời này.

 

    H.C.D

 

Hoàng Công Danh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 170 tháng 11/2008

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

9 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground