Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hiến pháp sửa đổi 1992 và vai trò tối thượng của Dân

K

hẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là qui luật tất yếu của lịch sử Việt Nam, là mô hình phù hợp với lòng người (nhân tâm), với sự ổn định chính trị (đại chính) và thuận với đạo trời (thiên lý). Tôi tin rằng, nếu có một cuộc điều tra xã hội học, hoặc cuộc trưng cầu ý nguyện của Dân, chắc chắn nhiều phần trăm ủng hộ Đảng. Tuy nhiên, trong quá trình góp ý kiến cho Hiến pháp 1992, với sự xuất hiện của nhiều kiến giải khác nhau là lẽ tự nhiên cần được tôn trọng. Một số trí thức, nhân sĩ với những lập luận mang tính phản biện với thiện tâm, thiện ý cốt làm cho bộ đạo luật gốc - một công trình khoa học pháp lý nghiêm cẩn của quốc gia cần được khuyến khích. Ban soạn thảo mà nòng cốt là Ủy ban pháp luật của Quốc hội, cần tuyển chọn một Ban biên tập có tư duy tổng hợp, trình độ khái quát cao, có kỹ năng biên tập giỏi mới mong lựa chọn, đúc kết hàng chục triệu kiến giải phong phú của Dân để Hiến pháp sửa đổi 2013 trở thành một công trình khoa học, phản ánh minh triết, vận nước, lòng dân thời hiện đại.

Còn những tiếng nói lạc lõng, bất mãn, hằn học, thù giai về thực chất là hẩng hụt sức thuyết phục, khó tin khi bóp méo xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng. Cũng không coi thường những giọng điệu sáo mòn thiếu sức sống của một vài cơ quan thông tin bên ngoài, blog cá nhân, mạng xã hội, nhất là ở nước ngoài được các tổ chức phản động tài trợ kích động với mục đích phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đòi xóa bỏ chế độ ta. Luận điệu trung lập hóa lực lượng vũ trang là mưu đồ đen tối, chẳng qua chỉ là thứ hàng rởm được tân trang để mỵ dân, làm chúng ta nhớ lại một kinh nghiệm đau xót mà lịch sử chế độ Xô viết đã trải qua những năm 90 - 91, khi nội bộ Đảng mất đoàn kết nghiêm trọng, xa dân, sự phản bội của lãnh đạo bên trong đồng lõa với bọn thù địch Đảng cộng sản và chế độ Xô viết ở phương Tây đã đẩy Liên bang Xô viết sụp đổ.

Vấn đề quan thiết hiện nay đối với tình hình nước ta, khi muốn sửa đổi Hiến pháp, để Hiến pháp đi vào cuộc sống hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đủ sức thuyết phục hàng chục triệu người, để Đảng trở thành Đảng đạo đức (đức trị) và văn minh (pháp trị), Nhà nước trở thành Nhà nước liêm chính, Nhà nước pháp quyền do Dân, vì Dân, thì nền tảng của nó phải coi vai trò của Dân là tối thượng. Mối quan hệ giữa Dân và Đảng là quan hệ hai chiều: Dân tin Đảng ủng hộ Đảng; Đảng yêu dân thực lòng, phục vụ dân vô điều kiện. Liên quan tới vấn đề này tôi có mấy ý kiến

I. Dân Tín:

Thực trạng khó khăn hiện nay của đất nước không phải do chệch hướng đường lối. Đường lối đúng đắn, cương lĩnh rõ ràng được ghi trong nhiều Đại hội, gần nhất là đại hội Đảng XI. Sai lầm yếu kém hiện nay là do sự chỉ đạo chiến lược: Về kinh tế là phóng tay xây dựng quá nhiều khu công nghiệp, sân gôn, bến cảng, sân bay, chiếm đoạt mua bán đất rừng, cho phép các tập đoàn kinh tế lớn sản xuất kinh doanh nhưng không có giải pháp kiểm soát, gây tổn thất nghiêm trọng tài sản của Dân. Thiếu giải pháp quản lý các ngành ngân hàng, tài chính, bất động sản gây nên bất ổn định của nền kinh tế, chiếm đất nông nghiệp của Dân với mục đích vụ lợi giữa chính quyền và nhà đầu tư, khiến dân khiếu kiện kéo dài hàng chục năm. Cải cách hành chính không hiệu quả, bộ máy nhà nước phình to, chi tiêu lớn, hiệu quả kém. Nạn tham nhũng không được đẩy lùi mà có xu hướng ngày càng gia tăng, tinh vi hơn, nhiều vụ tham nhũng lớn chưa được các cơ quan tư pháp khởi tố hoặc thi hành án v.v... Dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng là ở chỗ đó, chứ đại đa số nhân dân  với lòng thành, đức trọng vẫn công bằng với những công lao to lớn của Đảng. Vậy làm thế nào để phục hưng lại niềm tin của Dân đối với Đảng đã từng keo sơn?

Người xưa nói: Trong ba điều hệ trọng của phép nước: túc thực, túc binh, dân tín, thì dân tínlà hàng đầu. Vận dụng sáng tạo triết học phương Đông: Dân vi bang bản (Khổng Tử) và dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Mạnh Tử), Bác Hồ giải thích: Lợi ích của nhân dân là trước hết, thứ đến là lợi ích quốc gia, còn lợi ích của nhà vua thì không đáng kể. Dân tin sẽ tạo ra sức mạnh: thực túc, binh cường. Dân không tin thì thuyền bị đắm, làm sụp đổ cả vương triều. Hiện nay, các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta đã khái quát được những qui định ứng xử đối với Dân tương đối chuẩn: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhưng xem ra từ lời nói đến việc làm còn có khoảng cách, đó là chưa nói hiện tượng xa dân của một số cán bộ lãnh đạo các cấp. Để dân biết việc nước, trước hết phải làm sao cho dân biết quyền dân chủ của mình. Vậy dân chủ là gì? Là một trong những lý tưởng chính trị - xã hội có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với người dân, là tiêu chí để phân biệt chế độ dân chủ và các chế độ xã hội khác, tất nhiên dân chủ chưa phải là phương thuốc đặc hiệu để chữa các căn bệnh xã hội. Trong quá trình đổi mới ở nước ta đã có những tiền đề để thực hiện dân chủ hóa (quyềnđược thông tin, quyền học vấn để làm người, kế sách nâng cao trình độ dân trí, tiếp biến đa nguyên văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa v.v...). Dân chủ là niềm hy vọng đem lại phúc lợi vật chất và tinh thần cho con người, mà không mất tự do cá nhân, tôn trọng phẩm giá con người. Trong khi hội nhập sâu vào thế giới trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu thực thi dân chủ một cách trung thực, chúng ta tránh được xu hướng sùng bái hàng hóa, giữ được bản lĩnh cạnh tranh, tôn trọng giá trị tinh thần, năng lực sáng tạo, không bị biến thành “đối tượng mua bán” như Hegen đã từng phán đoán về sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nói về dân chủ, Mác có ghi: “Tất cả những gì mà con người đấu tranh để giành lấy đều gắn liền với lợi ích của họ”. Lợi ích đó tóm tắt: Về chính trị là khoan dung, an lạc, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, coi trọng vai trò của nữ giới, của các dân tộc thiểu số; Về kinh tế là khoan sức dân trong thời bình; Về đạo đức là tiên ưu, hậu lạc, nếu muốn hưởng thụ ngay thì không tránh khỏi thân phận lệ thuộc; Về văn hóa là xây dựng mô hình nhân cách văn hóa cá nhân trước khi nói đến văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng v.v...

II. Chịu trách nhiệm trước nhân dân

         Có một logich tự nhiên: Đảng lãnh đạo xã hội và nhân dân thì đảng phải chịu tránh nhiệm chính trị toàn diện các lĩnh vực đời sống. Đảng viên phải gương mẫu, mọi mặt, đi trước “làng nước”. Nếu đảng lãnh đạo tốt thì được dân tôn vinh, uy tín đảng ngày càng cao, còn ngược lại thì phải nhận yếu kém, xin lỗi dân, tự phê bình và phê bình trung thực, nghiêm túc. Liên quan tới việc sửa đổi Hiến pháp 1992, chúng tôi nêu hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng được ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước. Một là sự lựa chọn thể chế chính trị xác lập theo mô hình kết hợp lên ngọn cờ: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước gắn kết với chủ nghĩa nhân đạo. Mác nói: “Thực chất cần chủ nghĩa cộng sản là chủng loại nhân đạo”. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần ngăn ngừa sự chệch hướng đường lối trong chỉ đạo thực hiện, cảnh giác trước sự chống phá của các loại kẻ thù ngoại xâm và nội phản. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách phải xuất phát từ quyền lợi của Dân, trách nhiệm từ Dân, tôn trọng quy luật khách quan của tự nhiên, của xã hội và của con người. Hai là: Từ hình thức tổ chức nhà nước kiểu Xô viết chuyển sang nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là quá trình mở rộng dân chủ, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, việc lựa chọn mô hình kinh tế thực thể kiểu định hướng XHCN là phù hợp với lòng dân, ổn định về chính trị, an sinh về kinh tế, nâng cao đời sống dân trí và học vấn vv... Nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, theo quy luật của tự nhiên, tất yếu, bình đẳng các bên (Nhà nước, tập thể, doanh nhân, tư nhân) thì vừa có lợi cho dân và cho Nhà nước, bởi mỗi một hình thức sở hữu có vai trò, chức năng đặc thù trong nền kinh tế thị trường. Đảng nên lưu ý vai trò dân chủ trong nền kinh tế tri thức. Đặc điểm của nó là xây dựng nguồn lực con người toàn diện là những tri thức tài năng với tư cách là động lực của kinh tế và văn hóa. Ngày nay, người ta nói nhiều đến các phương tiện truyền thông và quá trình dân chủ hóa truyền thông (mass - media) tin học hóa tạo nên một xã hội dân chủ hóa, báo chí nhiều hơn, công dân được thông tin cập nhập hơn, sự lựa chọn các món ăn tinh thần của dân đa đạng hơn vv...

         1. Chịu sự kiểm tra, giám sát của dân

         Dưới các nền đại chính, quyền lực của các tổ chức chính trị, Nhà nước cần được kiểm giám, nếu không dễ sinh ra sự thoái hóa biến chất của giới cầm quyền. Ở nước ta dưới các chế độ phong kiến tiến bộ đều đặt những cơ chế thích ứng để ngăn ngừa sự lạm quyền. Quyền lực to thì trách nhiệm nặng, quyền lực là phương tiện, lợi ích của Dân mới là mục đích. Quyền lực trong tay vua nhưng vua phải đặt mình trong pháp luật. Dưới thời Lý có cơ chế tham vấn cho vua là chức Tam Thái (Thái Sư, Thái Phó, Thái Bửu) nhằm giúp vua về tri thức lãnh đạo, can gián vua những việc làm, chính sách không có lợi cho dân. Chế độ thái thượng hoàng đời Trần trông coi chính sự, khi hoàng tử còn ít tuổi lên ngôi vua, để ngăn chặn các đại thần chuyên quyền cướp ngôi. Sự Phù Vân khi ngần ngại tâu với vua Trần Thái Tông: “phàm đã là vua trong trời đất phải lấy ý muốn thiên hạ làm tấm lòng của mình”. Các vị vua triều Nguyễn đều đặt cơ chế giám sát vua và các vị đại thần. Khi họ làm trái luật, các ngự sử đài, đô sát viện được lập ra để các quan giám sát quyền lực của vua, của các đại thần.

Dưới chế độ ta, từ rất sớm, trong hiến pháp đầu tiên của nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu những “hạt nhân” hợp lý của nhà nước pháp quyền tư sản để xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân. Người khẳng định mạnh mẽ “trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân” với nội dung pháp lý dân chủ, đề cao quyền lực của số đông dân: “Hễ chính phủ nào mà làm hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đạp đổ chính phủ ấy đi và gây lên chính phủ khác”. Trong tình hình khó khăn hiện nay, khi vấn nạn tham nhũng, khi sự phai nhạt lý tưởng, sự thoái hóa đạo đức, lối sống của bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ vv... thì việc xóa bỏ, quét sạch ngay một lúc không dễ. Cơ chế nào để trừng trị chúng? Nhìn sang các nước láng giềng, chúng ta biết những kinh nghiệm đáng tham khảo. Việc xây dựng một chính phủ trong sạch trở thành quốc sách. Ở Singapore, theo cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu “khi đảng PAP (nhân dân hành động) lên nắm chính quyền năm 1959, chúng tôi liền bắt tay xây dựng chính phủ trong sạch. Chúng tôi ghê tởm trước lòng tham và suy đồi của những nhà lãnh đạo ở châu Á - những người chiến đấu cho tự do của dân tộc trở thành kẻ cướp vì mưu lợi ích riêng” (Xem: Bí mật hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000, NXB trẻ, 2001, tr.170, 171). Ngay từ đó Singapore, Malaixia đã thành lập cơ quan trọng yếu mang tính tự trị gọi là Ủy ban điều tra chống lãng phí, tham nhũng (Corrupt Practices Inrestigation Bureau). Về đức trị, chính phủ làm gương cho các cấp dưới. Vào những năm 70, khi tình trạng thất nghiệp bớt gay gắt, thủ tướng nêu gương sáng trước các bộ trưởng bằng cách tăng lương cho họ từ 2500 dola Sing lên 4500, còn ông Lý chỉ nhận mức 3500 nhằm nhắc nhở, tiết chế dục vọng của cấp dưới. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là chiến dịch lâu dài, huy động hàng nghìn biện pháp, nhưng có trọng điểm trước hết là các lĩnh vực: hải quan, cảnh sát giao thông, các tập đoàn kinh tế lớn, các ngành tài chính tiền tệ. Ở khu vực những viên chức nhỏ, lương không đủ sống buộc phải dùng quyền lực để kiếm tiền hối lộ, chính phủ vừa phải đấu tranh, vừa tìm cách tái cơ cấu tiền lương hợp lý cho họ.

         Ở nước ta trong tình trạng suy thoái, biến chất ở một bộ phận không nhỏ đảng viên cầm quyền, làm thất thoát của công, các cơ quan chống tham nhũng, các cơ quan tư pháp cần khẩn trương vào cuộc đấu tranh đầy cam go, phức tạp với những biện pháp sau:

         - Minh bạch hóa, kê khai tài sản, bất động sản của các quan chức lớn ở trong nước hoặc ở các ngân hàng nước ngoài. Lực  lượng đấu tranh chống “nhóm lợi ích”, “bọn Maphia”, “xã hội đen” vv... thật không dễ dàng nhưng chúng ta có một hệ thống chính trị đủ mạnh như Ủy Ban chống tham nhũng Trung ương, Ban kiểm tra T.Ư, Ban Nội chính T.Ư, bên Chính phủ có Ban thanh tra từ Trung ương xuống các tỉnh, thành, cơ sở.

Quyết định cuộc đấu tranh có hiệu quả là các cơ quan thực thi biết dựa vào “tai, mắt” của dân ở cơ quan, các khu phố dân cư, các cơ quan thông tin đại chúng vv... Cần có chế tài để khen thưởng những công dân phát hiện những vụ việc tham nhũng, lãng phí bảo vệ những người trung thực đấu tranh có hiệu quả những hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống xa dân, chủ nghĩa thực dụng và cơ hội.

Việc tái cấu trúc tiền lương cho tương ứng với tăng trưởng kinh tế chứ không điều chỉnh lương theo kiểu “chạy đuổi theo giá” hiện nay, cũng góp phần chống lãng phí, tham nhũng, đình công, bãi công vv...

Công khai hóa quyền được lựa chọn, giám sát của Dân đối với các thành viên trong hệ thống chính trị. Việc cán bộ lãnh đạo tham gia sinh hoạt Đảng, sinh hoạt với Dân ở khu phố, làng bản chịu lắng nghe ý kiến phê bình của Dân nên trở thành một tiêu chí của cán bộ đương chức, đương quyền (dù người đó ở cấp cao nhất).

Tạo nên một môi trường tin cậy giữa đảng và dân, đoàn kết trung thực. Đảng phải trở thành “đạo đức và văn minh”. Chính phủ phải liêm khiết, liêm chính. Nếu có chính sách chưa phù hợp với lòng dân thì phải sửa, còn dân phải được thông tin nhiều hơn, thiếu dân chủ, người dân đứng bên lề chính trị.

2. Nhân quyền và dân quyền

Nhân quyền là quyền con người, là các quyền tự do cơ bản về pháp lý của một cá nhân. Các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội của con người là bản chất của quyền con người. Quyền con người không mâu thuẫn các quyền cá nhân, quyền quốc gia, quốc tế. Nước mất thì nhà tan, dân khổ. Ở nước nào cũng vậy không có chuyện quyền quốc tế cao hơn chủ quyền quốc gia. Trong quan hệ quốc tế không dùng sức mạnh của nước lớn để đe dọa các nước nhỏ. Quyền con người được nêu rành rẽ  trong các văn bản pháp lý quốc tế trên cơ sở nội dung các văn kiện của hiến chương liên hợp quốc: Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965, Công ước cấm mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, Công ước về luật biển 1982 vv... Hiện thế giới có 23 công ước quốc tế được các nước ký tên trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền. Nội dung cơ bản của nhân quyền có 2 phần: khuyến khích tôn trọng quyền con người, đấu tranh chống vi phạm quyền con người dưới mọi hình thức.

Dân quyền là quyền công dân (trừ những người bị kết án tù và những người bị tước quyền công dân): trong chính trị là quyền được bầu cử, ứng cử, quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng vv... trong kinh tế là quyền sở hữu ruộng đất theo luật đất đai, sản xuất và phân phối hàng hóa, lưu thông, thương mại vv... trong văn hóa là quyền tự do sáng tạo, quyền dân chủ thông tin, xuất bản, hội họp, mit tinh vv... trong xã hội là quyền bình đẳng giới, bình đẳng giữa các dân tộc, các sắc tộc vv...

Khi sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992, có một vấn đề liên quan trong nhiều năm và sẽ còn là “điểm nóng” trong xã hội ta là vấn đề nhân quyền, dân quyền và quyền tự do tôn giáo. Ở nước ta từ trước đến nay không hề có sự đàn áp tôn giáo, không có tù nhân tôn giáo. Chỉ có những ai mạo danh công dân nước ngoài, những kẻ khoác áo thầy tu vi phạm luật pháp Việt Nam, gây mất ổn định chính trị, thì các cơ quan pháp lý không để họ yên. Thế mà nhiều năm trước đây, Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human rights watch) một mặt thừa nhận Chính phủ ta trả tự do cho hàng vạn phạm nhân trong các trại giam, nhưng mặt khác họ lại xuyên tạc những thành tựu đổi mới ở Việt Nam, can thiệp thô bạo vào pháp luật công minh nước ta, để bào chữa cho những kẻ vận chuyển ma túy, buôn bán heroin vào nước ta với khối lượng lớn. Vào những năm 2000 - 2001 Hạ viện Hoa kỳ thông qua Hiệp định thương mại Việt Mỹ vừa biểu quyết trước đó cái gọi là Đạo luật nhân quyềnViệt Nam mưu toan áp đặt các điều kiện chính trị đi kèm theo những quan hệ kinh tế và các vấn đề khác mà trên hết là “tự do tôn giáo” theo kiểu Mỹ. Đó là chưa nói đến họ khuyến khích, bênh vực một số người Việt Nam ở phương Tây, làm việc và nhận tiền thuê từ “quỹ Hoa Kỳ” nhằm mục đích gây rối chính trị, chống phá chế độ, như chúng đã thực hiện tại một vài địa phương ở Tây nguyên vào những năm 2000-2001. Hãy cảnh giác những hành vi của chủ nghĩa đế quốc văn hóa!

                                               

H.S.V 

 

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 225 tháng 06/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground