Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hình thức nghệ thuật thơ Chế Lan Viên

C

hế Lan Viên là nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có một quan niệm nghệ thuật sáng rõ từ những ngày đầu cầm bút. Toàn bộ sáng tác của ông là minh chứng cho ý thức đó của một nghệ sĩ tài danh suốt đời “nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…” vì sự nghiệp văn học của dân tộc.

   Đi sâu vào thế giới thơ Chế Lan Viên, chúng ta sẽ ngày càng phát hiện, phân tích và lý giải những nét đặc sắc về phương diện hình thức nghệ thuật của ông, qua đó góp phần làm sáng tỏ phần nào sự phát triển của thơ Việt Nam hiện đại về mặt hình thức nghệ thuật

   Trong bài viết ngắn này chúng tôi tạm thời phân chia trong cách tiếp nhận, khảo sát để tìm hiểu hình thức nghệ thuật thơ Chế Lan Viên ở vài đặc điểm nổi trội. Tuy vậy, vẫn tuân theo nguyên tắc về mối quan hệ hữu cơ giữa nội dung và hình thức. Hình thức ở đây là hình thức mang tính nội dung. Lý thuyết thi pháp học thừa nhận hình thức tác phẩm nghệ thuật chứa đựng nội dung nhưng đồng thời cũng sáng tạo nội dung và mang nét riêng của chủ thể sáng tạo.

   Hình thức nghệ thuật lại bao gồm nhiều yếu tố cấu thành như: hình ảnh, nhịp điệu, ngôn ngữ, thể loại, nhạc tính… và nhiều biện pháp tu từ khác. Tất cả những yếu tố đó phản ánh quan niệm nghệ thuật và tư duy thơ góp phần hình thành hướng thẩm mỹ và  xác lập mô hình nghệ thuật của tác giả. Với Chế Lan Viên, yêu tố nào đi vào thơ cũng mang yếu tố đặc sắc, mang dấu ấn phong cách riêng. Ở đây, chúng tôi tập trung nêu một quan niệm và hai biện pháp nổi bật của ông.

   1- Quan niệm: Hình thức cũng là vũ khí:

   Luôn nhấn mạnh đến nội dung tư tưởng của tác phẩm nhưng Chế Lan Viên cũng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của hình thức. Hình thức mà ông quan niệm khác với “hình thức chủ nghĩa” mà nhiều người mắc phải. Trong toàn bộ sáng tác, ông luôn có những tìm tòi, đổi mới về hình thức với một quan niệm sáng rõ: hình thức cũng là vũ khí – sắc đẹp của câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lý. Quả thực nội dung tốt bao giờ cũng yêu cầu một hình thức tương ứng. Và đến lượt mình, hình thức cũng sáng tạo nội dung, chuyển tải nội dung một cách có hiệu quả. Chế Lan Viên từng viết:

   Những lá thơm hái lúc về già

   Hái những lá có hương tư tưởng

   Khi cây đã hóa trầm trong ruột

   Lá đủ rồi, phải đợi gì hoa?

   Suốt đời thơ, Chế Lan Viên đã phấn đấu cho vẻ đẹp hài hòa ấy của thơ và không ngừng tìm tòi, thể nghiệm để sáng tạo ra nhiều cấu trúc, mô hình mới cho từng giai đoạn, phù hợp với nội dung mới cần thể hiện. Sự thống nhất, hài hòa giữa các yếu tố cấu thành tác phẩm luôn luôn là mục tiêu theo đuổi của Chế Lan Viên. Và thực tế, ông đã thành công. “Nội dung bể phải đâu muôn đời vẫn thế - Thay hình thức của thuyền đi sẽ hiểu bể thêm mà”. Sự điêu luyện trong ngôn ngữ đến chừng nào cũng đều vô nghĩa nếu nó không mang lại sự thống nhất giữa nội dung và hình thức. Nghệ thuật sắp xếp câu chữ cho thành vần nhịp. Với Chế Lan Viên đó mới chỉ là người làm thơ, còn tâm hồn được thể hiện trong vẻ đẹp tương hợp, mới mẻ và có ích mới thực sự làm nên thi sĩ.

   Lấy đá mới tạc nên thần mới

   Mang nụ cười chưa có nghìn xưa

   Chế Lan Viên từng vật vã, trăn trở và tự vấn trước mình và ngọn đèn trang giấy chỉ vì một sứ mệnh thơ ca cao cả ấy.

   Nghệ thuật à? Anh hãy thử xem sao?

   Số ngày còn lại cho anh trên trái đất đếm rồi

   Như thóc giống đếm từng hạt một

   Chỉ còn từng ấy thôi, anh phải tạo ra mùa

   Cứ thế “Người làm vườn vĩnh cửu” Chế Lan Viên (chữ dùng của Trần Mạnh Hảo) không ngừng đi tìm cái mới cho thơ, vì dừng lại anh đâu còn anh nữa, cả những lúc anh phải đặt ra “Hai câu hỏi” và phải “tập qua hàng” (Tên hai bài thơ của Chế Lan Viên), bởi vì, ông chưa bao giờ xem nhẹ sứ mệnh của thi nhân.

   Bốn nghìn năm chưa phải là ta đã cày sâu vào trang giấy lắm đâu

   Gié lúa nhiều thế kỷ cầm lên con lép hạt

   Đảng bảo ta thay những giống xưa và thay cả những luống cày.

   Đó chính là ý thứ sáng tạo có trách nhiệm của Chế Lan Viên. Cả đến những ngày cuối đời nằm trên giường bênh, ông cũng không chịu bó tay. Ông nghĩ về “Thơ cầm tay” và nghĩ đến “Thơ thế kỷ 21”:

   Nhân loại đi xa chớ có vẽ bày

   Từ ngữ kềnh càng văn chương vô lối

   Cả đời anh anh thu nhỏ lại

   Chỉ còn cái lõi

   Cho nhân loại mang cùng, nhân loại cầm tay.

Những hành trình tìm tòi, khám phá ấy, theo ông, phải là hành trình không chia cắt với quá khứ Ta nối liền trong bề dọc thời gian – Câu thơ thế kỷ 20 liền hơi với hồn cha ông trong truyện kiều, Chinh Phụ, dẫu có lúc “Phải văn xuôi” nhưng không thể không nghĩ suy về thơ thế kỷ sau.

   Thơ thế kỷ 21 mà

   Làm sao có thể hồn nhiên

   Sau hai nghìn năm tìm tòi phá phách

   Cả đời thơ, Chế Lan Viên không ngừng dấn thân tìm tòi. Và thành công, vinh quang ấy thuộc về ông. Trong tiến trình thơ Việt hiện đại, ông có những đóng góp và vị trí đáng trân trọng xuất phát từ một quan niệm sáng rõ về hình thức mafta vừa tìm hiểu.

   2- Hai biện pháp nghệ thuật nổi bật của Chế Lan Viên.

   2.1. Biện pháp đối lập:

   Chế Lan Viên vận dụng và sáng tạo nhiều phương thức tư duy nghệ thuật, trong đó nổi lên phương pháp đối lập và so sánh, mang dấu ấn thẩm mĩ và năng lực độc đáo của riêng ông. Bên canh liên tưởng, tưởng tượng là những phương thức sở trường của tư duy nghệ thuật Chế Lan Viên, ông còn vận dụng tối đa biện pháp tương phản, đối lập, tạo cho thơ những phát hiện bất ngờ, đa dạng. Do nắm vững qui luật của cuộc sống và quy luật nghệ thuật, cộng với vốn văn hóa, vốn triết học sâu rộng, Chế Lan Viên đã không ngừng tư duy, khám phá, tạp ra những hình tượng thơ mới lạ trên cơ sở của sức tưởng tượng, liên tưởng hợp lý, tài hoa thú vị, làm cho tứ thơ, câu thơ, bài thơ vang ngân, kỳ ảo đầy biến hóa, đem lại sự rung cảm thẩm mỹ bất ngờ cho người đọc.

   Trong thơ ca truyền thống Việt Nam, phép đối đã trở thành biện pháp nghệ thuật phổ biến đối với các thi nhân nhưng đến Chế Lan Viên, nó đã có những phát triển mới. Là người sành về thi luật Đông-Tây, đặc biệt là thơ Đường và thơ Pháp. Chế Lan Viên đã học tập, vận dụng chúng theo tinh thần dân tộc và theo hướng hiện đại hóa, đa dạng hóa, phù hợp với tư duy thích luận bạn, triết lý của ông. Với phương thức đối lập, nhà thơ thuận lợi trong việc phân tích, xoáy sâu vào bản chất của từng sự vật, hiện tượng để tìm ra một nghĩa lý, một thuộc tính, một vẻ đẹp còn tiềm ẩn của chúng. Chính phương thức này là nơi để Chế Lan Viên thi thố tài năng.

   Chiều đông tàn như mai xuân lộng lẫy

   Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn

   Hoặc:

  Vì u buồn là những đóa hoa tươi

   Và đau khổ là chiến công rực rỡ

   Về sau, tu duy này càng vận động, phát triển theo cách cảm, cảm nghĩ mới. Ngay cả tên các bài thơ, các tập thơ, Chế Lan Viên cũng vận dụng phương thức này để làm nổi bật ý tưởng bổ sung và đối chọi của nội hàm: Ánh sáng và phù sa. Đối thoại mới về câu chuyện cổ, Hoa ngày thường – Chim báo bão, Thơ bình phương, đời lập phương, Nàng tiên trên mặt đất… Hoa trên đá… có hiện tượng này vì Chế Lan Viên biết vận dụng lý thuyết âm dương của triết học để làm giàu cho sức liên tưởng của mình. Kiểu tư duy này của Chế Lan Viên càng về sau càng trải nghiệm và có những khám phá mới, sâu sắc, đặc biệt trong hai tập Di cảo thơ đồ sộ của ông.

   Có thể nói sử dụng biện pháp đối lập trong tư duy nghệ thuật là biện pháp tài hoa của Chế Lan Viên. Ông đã sáng tạo ra nhiều kiểu đối lập, tương phản mới mẻ. Và vì vậy, hiệu quả thơ ông càng cao, đi thẳng vào người đọc, nâng những nhận thức trong họ lên những khía cạnh mới. kiểu đối lập, tương phản này thể hiện trong thơ ở nhiều cấp độ: từ vựng, từ pháp, cú pháp, hình ảnh, cấu tứ:

   Xưa phù du mà nay đã phù sa

   giữa đục của đời, một ngọn suối trong

   Có khi thể hiện trong hai câu thơ, khổ thơ…

   Khi ta đến chỉ là nơi đất ở

   Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn

   Cân những Thái Sơn lại là chiếc hôn nhẹ tựa lông hồng

   Một cái hôn cân vạn ngày lửa đạn

   Có khi được Chế Lan Viên mở rộng trong nhiều cặp đối lập:

   Nửa nước hòa bình

   Nửa nước chiến tranh

   Một tai lắng nghe chim

   Một tai nghe chừng đạn nổ

   Phòng ngoài chớ ngủ yên

   Phòng trong đang bốc lửa…

   Đây là kiểu tư duy hợp với “tạng” của Chế Lan Viên nên tạo ra những biến hóa bất ngờ, nâng sự triết lý, liên tưởng của ông lên một vẻ đẹp thông minh, sắc sảo hiếm thấy trong thơ hiện đại. Sức hập dẫn của thơ ông chính là ở cảm xúc, tâm trạng và kiểu tư duy trên.

   2.2: Biện pháp so sánh

   Sử dụng biện pháp so sánh nghệ thuật, Chế Lan Viên đã thật sự thành công và tiến rất xa so với các nhà thơ khác cùng thời và sau ông. Điều đó càng chứng tỏ tài năng của ông. Điều này được các nhà nghiên cứu thừa nhận. Tài sử dụng ngôn ngữ, sức liên tưởng tương đồng, tương phản của ông mang cả tính riêng không lẫn vào ai, lấp lánh một vẻ đẹp trí tuệ.

   Để tạo ra nghĩa mới nhiều tầng, nhiều bậc ông đã vận dụng tối đa kiểu tư duy này từ việc so sánh tu từ đến so sánh hình ảnh thông qua một đối tượng, một quan niệm hoặc nhiều hơn để triển khai ý tưởng cần so sánh.

   Trong thơ Chế Lan Viên có nhiều dạng, nhiều biến thể nhưng phổ biến, đạm đặc nhất là các kiểu sau

   1: A như B: em đi như chiều đi

   2: A là B: Điện trời ta là sóng nước sông Hồng

   3: A thành B:  Rồng năm móng vua quan thành bụi đất.

   Trong tổng số thơ Chế Lan Viên, kiểu một là kiểu phổ biến nhất, chiếm khoảng 52%. Kế đến là kiểu 2, chiếm khoảng 35%. Kiểu 3 ít hơn, chiếm khoảng 23% nhưng cũng mang nét riêng độc đáo của phong cách Chế Lan Viên. Tất cả đều nhằm tạo ra nhiều nghĩa, nhiều tầng nghĩa mới mang tính khẳng định cao. Biệt tài ngôn ngữ của ông càng được khẳng định dù ở kiểu so sánh nào.

   * Cấu trúc kiểu A như B: Đây là kiểu có tần số cao nhất và được biến hóa đa dạng. Kiểu này trong thơ cơ dân gian được sử dụng phổ biến nhưng đến Chế Lan Viên  đã tở nên giàu có hơn nhiều với những phẩm chất mới mẻ.

   Thời gian như thạch nhũ

   Trời như ngọc, như hồn, như bể

   Những cái hôn rực trời như núi lửa

   Có khi từ so sánh được đặt ở đầu câu:

   Như đất nước sau mười năm tàn phá

   Như dòng sông sau mùa mất phù sa

   Sử dụng cấu trúc trên, Chế Lan Viên đã đẩy xa trí tưởng tượng, liên tưởng của vế vế B sang nhiều mối quan hệ để tạo ra những chuỗi so sánh mới nhằm khẳng định phẩm chất mới của mệnh đề A. Đây là sáng tạo độc đáo chỉ Chế Lan Viên mới thành tần số lập đi lập lại.

   Anh muốn hồn thơ như cô Tấm nuôi trong giếng sâu u tố

   Cái bống con nôm na mách qué chẳng ai nhìn.

   Hoặc:

  Xanh biếc màu xanh, bể như hàng ngàn mùa thu qua còn để tâm hồn nằm đọng lại.

   Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan xanh ra thành bể và thôi không trở lại làm trời.

   Có những so sánh được kéo dài trong 4 câu, tạo ra những ý nghĩa mới cho mệnh đề đòn bẫy.

   Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

   Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa.

   Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

   Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

   Trên đây là một trong hàng trăm kiểu so sánh phúc tạp, nhiều tầng bậc nhằm tạo ra hình ảnh mới, ý nghĩa mới mang tính hiện đại mà vẫn không xa lạ với tư duy thơ ca truyền thống.

   * Cấu trúc kiểu A là B: Tần số xuất hiện của kiểu cấu trúc này tuy ít hơn kiểu A như B nhưng các tập thơ sau càng chiếm tỷ lệ cao. Trong thơ Chế Lan Viên kiểu này mang tính khẳng định như một định nghĩa phù hợp với tư duy lôgíc của ông, làm cho các so sánh các tính chặt chẽ dù có khi tưởng như vô lý.

   -Nhưng con đường ta đi là con đường duy nhất đúng

   -Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất

   -Ôi đường đến với Lê nin là đường về Tổ quốc

   Kiểu so sánh này cũng được Chế Lan Viên vận dung linh hoạt. Từ “nối” là nối hai đẳng thức có khi được đặt ở đầu câu (Là chân lý Bác chẳng nói nhiều hơn chân lý); có khi đặt ở gần cuối câu (Màu đỏ thế kia, mày vẫn cứ là mày). Để đạt hiểu quả cao, có khi Chế Lan Viên kết hợp xen kẽ thể hiện cả hai kiểu cấu trúc trên trong cùng một khổ thơ.

   Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả

   Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn

   …………………………………..

   Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ

   Từ “là” có khi được nối trùng điệp, hình thành sự khẳng định song song, tạo ra những so sánh mới lạ với những thuộc tính lý thú có tính phát hiện.

   - Lạy nhân dân! Tôi không phải là người! Tôi là con thú!

   - Nếu núi là con trai thì bể là phần yểu điệu nhất của quê hương đã biến thành con

   Tất cả những biến đổi của kiểu so sánh này làm cho chất thơ ông càng giàu có, hấp dẫn giúp cho ý tưởng của vế so sánh và về được so sánh càng nhiều tầng ý nghĩa, mang sắc thái tu từ và thẩm mỹ cao.

   * Cấu trúc kiểu A thành B: kiểu cấu trúc này xuất hiện ít hơn hai kiểu trên nhưng là kết quả của sự lao động nghệ thuật có ý thức, làm nên thi pháp thơ của Chế Lan Viên. Kiểu cấu trúc này của Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh và các nhà thơ trẻ sử dụng nhiều nhưng với Chế Lan Viên, ông có cách tư duy biện chứng, đặc sắc theo phong cách của ông. Kiểu so sánh này càng về sau càng tăng, càng có nhiều phẩm chất mới, sang trọng mượt mà, giàu sức biểu cảm và tính duy lý sắc sảo.

   - Lòng ta thành con rối. Cho cuộc đời giật dây

   - Đi hết lòng tiếng khóc hóa lời ca

   Triết luận về thời gian và quy luật sống – chết, ông có những so sánh bất ngờ (Hãy kiến trúc thời gian thành hạt muối).

   Từ so sánh được đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong từng câu, từng khổ một phần là tùy theo ý đồ, một phần tùy theo cấu trúc ngữ pháp của tác giả. Nhờ vậy những ý tưởng được đem giả định, so sánh càng nổi bật với những nội hàm mới.

   - Đáng lẽ không hôn thì anh thành tượng đá.

   Thành gỗ trong chùa thếp vàng sau đó sơn son.

   - Nỗi lặng im thành sóng vỗ muôn trùng

   Biến cái rụng rơi thành sự vun trồng

   Có thể nói đây là kiểu so sánh nhiều sáng tạo của thơ hiện đại mà Chế Lan Viên là người thành công tiêu biểu, qua nghệ thuật sử dụng ngôn từ tài hoa, quyền biến. Những vẻ đẹp lung linh của các so sánh hiện lên qua từng câu chữ, kích thích trí tò mò của người đọc.

   - Giặc nước đuổi xong rồi trời xanh thành tiếng hát

   - Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn

** *

   Từ một quan niệm sáng rõ: Hình thức cũng là vũ khí, Chế Lan Viên đã không ngừng sáng tạo ngôn từ và mô hình hóa các kiểu hình thức. Tất cả những thành tựu đó đã đem lại cho hình tượng thơ Chế Lan Viên một giá trị riêng: Lung linh, đa dạng về hình ảnh, vần nhịp, tâm trạng, màu sắc, âm thanh… Trong nhiều biện pháp nghệ thuật, biện pháp đối lập, so sánh mà ta vừa tìm hiểu được xem là đặc sắc của hình thức nghệ thuật thơ, làm thành thi pháp và phong cách thơ Chế Lan Viên.

                                                                                                                    H.T.H

Hồ Thế Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 29 tháng 02/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

2 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

5 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground