T |
hoạt đầu tôi hơi phân vân, nói thực là tôi chưa tin họ có thể làm nên chuyện. Một ngôi nhà sàn cũ kỷ mang từ Hòa Bình về, chụp lên một vuông đất hẹp ở cuối đường Thái Hà, xung quanh trồng trúc, trồng cau, trước hiên là một mảnh sân lát gạch nom nửa quê nửa tỉnh. Thì họ thích thế, thích gợi đến một nét gì xa xưa, gợi lại một dáng của quá khứ. Những ông họa sĩ trẻ râu tóc lởm chởm, những nhà điêu khắc chân tay lấm láp bùn đất, lấm láp thạch cao, xi măng và bụi đá. Đến chơi với họ hàng ngày là mấy ông nhà báo, nhà thơ, nhà sử học. Ai nấy xem ra đều hào hứng, khoáng đạt và mạnh mẽ lắm. Họ thường xuyên bàn đến sáng tạo, đống củi chất giữa nhà nhóm lửa khói mù mịt, họ ngồi vây quanh bếp đọc thơ, hát dân ca ba miền, vui thì có vui nhưng đến bữa ăn thì hình như mỗi người tản mát một ngả.
Bẵng một dạo tôi lại đến thăm họ, nghĩ bụng thử xem mấy ông này đã đến lúc giải nghệ chưa nhưng lạ thay, họ vẫn còn đó, cơ hồ muốn đông hơn và công việc xem chừng khẩn trương, trang nghiêm thật sự. Ở mấy buồn bên là các nhóm đang dựng phác thảo tượng đài kỷ niệm chiến thắng Ban Mê Thuột, các chiến sĩ không quân nhân dân anh hùng, ngoài sân là một khung giàn giáo bằng thép tròn vững chải với một khối đất sét khổng lồ đang được đẹo gọt, đã có thể nhận ra hình hài một danh nhân lịch sử, một nhân vật văn võ toàn tài, mặt ngẩng lên nhìn rất xa, tay trái nắm đốc gươm, tay phải binh thư, tôi hiểu ngay là họ đang dựng tượng…
Đứng chót vót trên cao là một nhà điêu khắc, anh người Thái Bình. Thấy tôi anh khua khua cai bay trong tay ra hiệu chào rồi lại quay vào với khối đất của mình, lâu lâu sau một hồi tính toán, lưỡng lự, anh mới đưa bay đưa dao lên quả quyết phạt một nhát dứt khoát.
Ngang trưa lại thấy họ xung quanh bếp lửa. Giọng nói khe khẻ nằng nặng của mấy tay thợ đá tỉnh Thanh chen lẫn giọng ngọt ngào thanh thanh của mấy ông thợ ngõa Hà Thanh. Họ đang bàn tới những chuyện tương lai. Người này thề sẽ có lúc dựng tượng vị anh hùng áo vải Lam Sơn trên quê hương mình, chân dung các anh hùng Núp, đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng ở nhà ngục Hỏa Lò và rồi lại sẽ đến một lúc phải dựng tượng Quang Trung trên đất Bình Định. Rất nhiều sẽ có ngày, sẽ có lúc, rất nhiều anh hùng áo vải, rất nhiều hy sinh, rất nhiều nhà ngục… những dự định lớn lao, hệ trọng, thực sự là việc của họ phải đảm đương, là bổn phận của một thế hệ đã có nhiều chuẩn bị, nếu họ tai nghe mà lòng rưng rưng cảm động, dẫu sao cũng vẫn là một nửa mừng nửa thắt thỏm. Vẫn biết đó là cả một sự nghiệp hoành tráng, nhiều ý nghĩa và lớn hơn lúc nào hết đã đến lúc phải làm, cần phải sớm hành hiện thực, nhưng ở đời này, có thiếu gì lý do để những phác thảo đầy giá trị mà rồi vẫn chả đi đến đâu. Anh em nghệ sĩ dường như năm ấy không về nhà ăn tết, họ bảo nhau ở lại để kịp bắt tay ngay vào việc.
Lại đống lửa bâph bùng, khói mù mịt xông lên mà cay xè những con mắt. Tôi chợt nhìn lên bức vách, thấy có treo một khung ảnh trang trọng. Đó là những tấm ảnh mới được chụp trong mấy ngày vừa qua. Ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ảnh Tổng Bí thư Đỗ Mười, ảnh các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, họ vừa tạt qua thăm ngôi nhà sàn này trong dịp tết, chuyện trò trao đổi với các nhà điêu khắc trẻ và cùng chụp ảnh bên các phác thảo tượng đài.
Vậy là thành việc rồi, vậy là đã có một cơ duyên may mắn, đã có một cái phận đến với mấy nhà điêu khắc long đong này rồi.
Đến cuối năm thấy báo chí trân trọng đưa tin về lễ khánh thành tượng Đức Thánh Trần trên đỉnh núi Yên Phụ, Hải Dương. Rồi đến Đài kỷ niệm các chiến sĩ không quân, tượng đài chiến thắng Ban Mê Thuột, tượng đài nhà ngục Kông Tum… Một loạt tượng ngoài trời nối tiếp nhau ra đời, được dư luận chào đón khích lệ, được đông đảo khen ngợi. Cái hôm hô thần nhập tượng dưới Yên Phụ, những đoàn người từ bốn phương, già có trẻ có xếp thành hàng rồng rắn rước cờ rước lọng tấp nập kéo về đền An Sinh Vương, vây quanh chân tượng Đức Thánh Trần, gió bay phần phật làm tung những dải lụa đỏ phủ quanh bệ đá, nom sao mà thiêng liêng quá.
Bây giờ thì tôi đã thật sự tin cậy ở tài năng, tin cậy ở sức mạnh của một đội ngũ các nhà điêu khắc trẻ của chúng ta. Và tôi muốn thử lần ngược trở lại một chút, xem họ đã từ đâu mà đến với cuộc đời, họ đã mọc lên từ chốn nào vậy. Người đầu tiên tôi muốn nói tới chính là người phụ trách nhóm nghệ sĩ nhỏ bé đó, anh tên là Khúc Quốc Ân. Đó là một người luon luôn biết trân trọng và biết huy động tài năng của các bạn đồng nghiệp, là người tỏ ra có khả năng tổ chức công việc, có uy tín và có bản lĩnh quán xuyến, đồng thời cũng đầy ắp những ý tưởng nghệ thuật. Ở tuổi sắp ngũ tuần, Khúc Quốc Ân đau đáu một khao khát có nhiều tượng đài điểm tô cho Hà Nộ, cho đất nước.
Đó là một công việc còn lắm gian nan, còn phải học hỏi nhiều, chuẩn bị nhiều và con đường mà anh lựa chon là một con đường xa, rất xa, Con đường ấy hóa ra đã bắt đầu từ cổng làng anh, năm anh 14 15 tuổi. Một cậu bé mò cua với cái giỏ đeo bên sườn một sớm đứng ở trên cánh đồng làng Lạc Thổ, ngẩng nhìn lên trời xanh nhìn mái cong của tam quan chùa Bút Tháp, chợt nhớ đến những bức tranh gà, tranh lợn Đông Hồ thấy quê hương đẹp quá, cậu bé bổng thèm vẽ, thèm nặn tượng. Năm ấy cậu đánh liều nộp đơn xin vào khóa trung cấp trường mỹ thuật Yết Kiêu. Nay nắm làm sao lại đỗ. Bà mẹ cầm tờ giấy báo trúng tuyển của nhà trường gửi về, hai hàng nước mắt rưng rưng. Bà chạy ra cổng làng gọi con trai, bà nói, này học gì mà bu không tường, trăm sự bu chỉ biết tin vào các thầy ngoài đó, điều bu mừng nhất là mày được nhập trường, được Nhà nước nuôi, ngày hai bửa, cũng đỡ khổ con, khổ bu. Cậu bé tháo cái giỏ cua bên sườn ra đội cái mủ cọ lên đầu, mặc một bộ quần áo mới thay bằng vải diềm bâu, chân đất, cậu ra Hà Nội, qua cầu Long Biên, hỏi thăm đường về phố Yết Kiêu người nghệ sĩ của tương lai đã bắt đầu đơn giản như thế. Đơn giản như ở quê hương anh từ nhiều năm về trước, một đám đông nghèo hèn đã bắt đầu chống mù chữ bằng lớp bình dân học vụ mở ngay ở bờ ruộng, chữ A viết trên nón mê, chữ B viết trên mông trâu, chữ C viết trên cánh liếp…
Và cậu đã bắt đầu như người cha của cậu đã bắt đầu. Ông đã cùng anh em tự vệ trong làng mài mã tấu trên thềm đá ngoài đình, đứng gác ngoài điếm canh đê, mỗi đêm bơi qua, bơi lại mấy lần trên sông để đưa các anh bộ đội luồn vào địch hậu.
Cả một dân tộc thèm hát, thèm chữ, thèm tự do, độc lập. Một dân tộc đã đứng dậy tự nguyện bước vào những trận đánh không cân sức, tự nguyện cuốc bộ trên con đường dài lịch sử, chỉ để được hát, được học chữ, được làm người có Tổ quốc.
Và dân tộc ấy đã để lại sau lưng mình một quá khứ không tồi, một quá khứ nhiều danh dự nếu không muốn nói là đầy kêu hãnh. Đó chính là vốn liếng đáng kể nhất để các thế hệ đến sau có thể mang trên vai bước vào đời, để họ có thể trở thành những nghệ sĩ hôm nay goi nhau đi dựng tượng đài tưởng niệm cha ông muôn đời, đặt niềm tin yêu và biết du lên những tòa sen giữa trời giữa đất. Trong khi họ lăn vào làm đẹp cho đất nước thì chính họ cũng đang là những vẻ đẹp của cuộc sống chúng ta.
Đ.C