1 |
. Hợp tuyển Thi nhân Việt Nam xuất bản lần đầu tiên, tại Hà Nội năm 1942. Hoài Thanh khi đó 33 tuổi. Nguợc lên bảy năm trước, năm 1935, ông đã là một chủ tuớng của phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” tranh luận với phái “nghệ thuật vị nhân sinh” do Hải Triều chủ soái. Hải Triều cũng chỉ hơn ông một tuổi. Nhưng nào có nghĩa gì cái chuyện tuổi tác. Tôi viết điều này mà tủi thẹn với tiền nhân. Hoài Thanh và thế hệ của ông đã có được những cái của mình, đã làm được những cái của mình. Một thế hệ trẻ trung giàu tài năng và tâm huyết đã làm nên cuộc cách mạng văn học Việt Nam lần thứ nhất ấy chiến công vang dội mạnh mẽ. Bên thơ, đó là phong trào Thơ Mới. Bên văn, đó là phong trào Tự Lực Văn Đoàn. Năm 1932 là cái năm đánh mốc văn học hiện đại Việt Nam. Mười năm sau, năm 1942, sừng sững dựng lên hai tuợng đài bất hủ của nền văn học mới: Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, và Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan.
Ở cái tuổi ba muơi Hoài Thanh tự tin và dũng cảm đặt cho mình một nhiệm vụ tổng kết và đánh giá một phong trào thơ diễn ra trọn vẹn trong một thập niên. Việc đó quả đầy khó khăn. Nhưng khó hơn nữa là cái sự định vị giá trị của từng thi sĩ và tiên cảm thời gian tồn tại trong nghệ thuật của họ. Về cơ bản Hoài Thanh đã vượt qua được cái khó và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra. Thứ nhất là do tài năng và sức trẻ của ông. Thứ hai là những người thơ ông yêu mến và đồng cảm đều cùng một lứa, tuổi trẻ và tài cao. Vào cái năm cách đây hơn nửa thế kỷ ấy Chế Lan Viên mới 22, Huy Cận 23, Xuân Diệu 25, Hàn Mặc Tử và Lưu Trọng Lư 30, Thế Lữ cao nhất cũng chi mới 35. Mỗi người đều đã có sau lưng mình một đài thơ lộng lẫy khắc ghi tên mình mãi mãi không bị thời gian bụi trần xóa nhòa. Họ đã bộc lộ trọn mình một cách say mê, táo bạo, quyết liệt; không rụt rè do dự, không phân vân, hoài nghi. Tựa của Chế Lan Viên cho tập Điêu tàn của mình, tựa của Hàn Mặc Tử cho tập Tinh huyết của Bích Khê, tựa của Xuân Diệu cho tập Lửa thiêng của Huy Cận đều có những nhận định mang tính chất khái quát, tuyên ngôn. Hoài Thanh được đứng trên cái nền cao vững chãi đó. Và đến lượt mình ông lại nâng cái nền đó lên cao một bực nữa. Hơn ai hết ông đã được thừa nhận và xứng đáng được thừa nhận đại diện cho thế hệ những người con đầu lòng của thế kỷ hai mươi đứng ra “cung chiêu anh hồn Tản Đà” về chứng giám cho cuộc hội Tao Đàn Thơ mới. Với Hoài Thanh ở Thi nhân Việt Nam cuộc cách mạng thơ ca đã phá lối lối văn vè từ chương cũ, đi tìm những cảm xúc cách điệu mới thành một sản vật tâm hồn dân tộc.Và những người thơ mới là những người trẻ đáng quý đáng yêu “không phải là những quái thai của thời đại, những đứa thất cước không có liên lạc gì với quá khứ của giống nòi”.
2. Trong bài “Nhỏ to” đặt cuối tập Thi nhân Việt Nam có đoạn Hoài Thanh viết: “Nếu bảo rằng tôi không ái ngại người này, không khinh ghét người kia, thì e không thực. Nhưng ái ngại hay khinh ghét, khi xem thơ, tôi chi biết có thơ. Tôi không hề nghĩ đến danh vọng của người hay của tôi. Danh vọng quý thật, nhưng còn có điều quý hơn danh vọng, quý hơn hết thảy: lòng ngay thẳng, mà ít nhất cũng phải giữ trọn trong văn chương”. Chính tâm niệm này đã làm nên kiệt tác Thi nhân Việt Nam. Một mình đứng ra làm tuyển để khẳng định và tôn vinh Thơ Mới. Hoài Thanh cùng Hoài Chân đã dám chịu trách nhiệm trước lịch sử văn học về sự chính xác và công bình trong việc thẩm định, đánh giá thơ ca của mình. Chọn ai bỏ ai, trích nhiều hay ít, khen chê thế nào, bình dài hay ngắn... mọi việc đều do tác giả một mình quyết định, không cần một hội đồng, một ban bệ nào cả. Ông thích thơ, say thơ thì tự ông làm tuyển thơ theo ý riêng. Nhưng ý riêng đó dựa trên hai điều cơ bản khi lực chọn, phân tích: Thơ là tiêu chuẩn của thơ và ngay thẳng nói đúng ý mình. Nhờ thế cái chủ quan rất mực của Hoài Thanh đã có được ý nghĩa khách quan, đúng đắn. Đa phần những điều ông nói về phong trào chung cũng như về các tác giả cụ thể được chấp nhận là đúng, là hay. Và tác phấm hợp tuyển này là không thể thay thế.
“Của tin, gọi một chút này làm ghi” - Hoài Thanh lấy làm đắc ý khi chọn được câu Kiều này làm đề từ cho Thi nhân Việt Nam. Câu thơ của Nguyễn Du gói trọn ý nguyện ước mong của nhà phê bình trẻ về tác phẩm của mình và về nền thơ mình xưng tụng. Vậy mà hơn hai mươi năm sau “chút của tin” này lại bị chính người đưa tặng dang tay quẳng đi. Hoài Thanh viết: “Nhìn chung thơ mới” chìm đắm trong buồn rầu, điên loạn, bế tắc. Đó là chưa nói đến phần hiển nhiên là sa đọa. Nguy hiểm nhất là nó lại tạo ra một thứ say sưa trong đó”. Và ông thấy cuốn hợp tuyển mình làm “sai lầm không chi ở chỗ đã đề cao quá đáng nhà thơ này hay nhà thơ kia. Có thể nói toàn bộ sự đánh giá ở đây là sai vì sai từ gốc sai đi. Ngay những đoạn có vẻ đúng, thật ra vẫn là sai và sai về căn bản” (Một vài ý kiến về phong trào “Thơ mới” và quyển Thi nhân Việt Nam, 11/1964). Thêm mười ba năm nữa trôi qua, tháng 8.1977, Hoài Thanh lại viết một đoạn nữa về Thơ Mới và Thi nhân Việt Nam. Lần này giọng lên án thì nhẹ bớt, nhưng kết luận vẫn nặng nề. Trước thực tế là ở miền Nam cuốn sách đuợc in lại nhiều lần, có khá nhiều người nhất là số trẻ đọc và ưa thích. Hoài Thanh chắc thâm tâm cũng mừng vui nhưng hoàn cảnh chưa cho phép nói được ra. Ông khẽ mở: “Trong Thi nhân Việt Nam không có bài nào là thơ phản động và nói chung cũng không phải là thơ đồi trụy. Chẳng những thế, có không ít những bài thơ đậm đà phong vị quê hương, rất có tình với đất nước, rất tha thiất yêu đời”. Đoạn dưới ông vẫn khép lại: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiẽp tục trân trọng phần hay, phần đẹp trong “thơ mới” như ta vẫn trân trọng trước đây. Nhưng phần ấy không phài là phần chính. Phần chính là “Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”, mà vô luận trong hoàn cảnh nào cũng không thể chấp nhận chuyện buông xuôi”. Tôi nghĩ Hoài Thanh còn sống đến hôm nay thì ông già năm 1998 sẽ ôm lãy chàng trai năm 1942 mà nức nở buồn vui, dù chắc chua hết hẳn nỗi e dè sợ sệt của kẻ đầu bạc trước người thanh niên...
Dầu sao cái mà Hoài Thanh đã làm được năm 1942 và đã đánh mất suốt bốn chục năm sau đó khi ông nằm xuống người đời vẫn chứng nghiệm sự tồn tại của phê bình đích thực, rộng ra của văn học đích thực, là phải dựa trên hai tiền đề căn bản: văn học là tiêu chuẩn của văn học ngay thẳng nói đúng ý mình. Mười lăm năm sau ngày mất của ông, chúng ta quý trọng, thông hiểu và trách móc Hoài Thanh chính là trên phương diện này.
3. Hoài Thanh có riêng một lối phê bình tinh tế và đặc sắc. Ông có cái mà nhiều nhà phê bình thiếu: trực giác. Theo tôi, trong phê bình văn học (khác với nghiên cứu) nghĩ là cần, nhưng cảm mới là quan trọng: Nghĩ có thế chưa sâu, nhưng cảm đúng và nhất là cảm hay sẽ làm giàu làm đẹp thêm bài thơ bài văn, gợi cho người đọc nhiều cảm nghĩ của riêng họ. Ở thơ, cái lĩnh vực “khả giải bất khả giải” này, trực giác tinh nhạy quý vô cùng. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà phê bình thơ có tiếng thường cũng là nhà thơ. Có thể nói không quá rằng Hoài Thanh là một nhà thơ làm phê bình. Và bản thân những bài phê bình thơ của ông (các bài trong Thi nhân Việt Nam và một số bài về sau) cũng có thể xem nhự những bài thơ. Đọc chúng người ta đọc được khoái cảm nhân đôi. Cùng ông thưởng thơ của thi sĩ và cùng lúc tự mình thưởng văn ông quyện trong thơ của thi sĩ. Viết phê bình, đối với Hoài Thanh, cũng là một kiểu sáng tác. Ông biết nhân văn bản của người lên và từ đó làm nên văn bản của mình. Cho nên ông là nhà phê bình văn học tôi dám nói là duy nhất được người đọc nhớ văn. Không chỉ nhớ mà còn thuộc. Không chi thuộc mà còn thích thú ngân lên cho thấm hết cái mượt mà của ngôn từ, cái sâu xa của ý tứ. Ai quên được cái câu tạc tượng muôn đời cho Tản Đà: “Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa”. Ai không nhập tâm một so sánh không - thời gian này: “Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay tới ráng chiều đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân, có sự cách biệt của hơn một ngàn năm và của hai thế giới”. Tuy nhiên cũng phải nói thật một điều đáng tiếc là, về sau này Hoài Thanh bị đi ra ngoài thơ hơi nhiều nên không phải không có chỗ bình hay nhưng cái hay đó không còn là hay của văn chương nữa. Ông đã từng nói: “Tôi đã đọc tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở”. Vậy bài nào còn lại là đã được lọc qua con mắt thơ của ông, nghĩa là bài ông thấy hay về thơ. Từ đó ông phân tích, bình giảng thật say sưa, hào hứng, truyền được cái thần thơ đến cho người đọc. Sau này con mắt thơ của ông nhiều lúc khép, ông nhìn bằng con mắt khác, nên thơ dở không ít mà ông vẫn cố bình, cố khen, không dám bỏ qua. Chỉ thảng hoặc ông chợt thức con mắt thơ, và những lúc ấy chúng ta thấy cớ Lưu Quang Vũ, nguyễn Duy cùng ông bước lên đài thơ.
Điều vừa nói ở đoạn đời sau của Hoài Thanh trái ngược lại với phương châm ngay từ đầu của ông là: chỉ nói thơ hay, không nói thơ dở. Trên quan niệm phê bình thì việc chỉ chọn thơ hay để bình là phù hợp với kiểu phê bình trực giác của Hoài Thanh và ông đi lối này là đạt nhất. Trực giác giúp ông mở cánh cửa qua những bài thơ hay đi vào tâm hồn con người, thấy được "phần sâu sắc nhất trong tâm hồn họ đã ghi lại nơi những vần thơ đẹp”. Kiểu phê bình đó của Hoài Thanh đã thành ra một tên gọi, một danh xưng. Cố nhiên có nhiều kiểu khác nhau thì tốt, mỗi kiểu thích dụng cho một cách tiếp cận riêng đến văn học. Đem các kiểu phê bình đối lập, loại trừ nhau là không hay, mà nên biết phối hợp bổ sung chúng cho nhau thì hơn. Nhưng phải chăng hiện nay kiểu phê bình Hoài Thanh đang mất dần đi, đang thiếu vắng trong văn học ta? Các bài phê bình thơ hiện thời duy lý nhiều, duy lý đến mức mất cả thơ. Trực giác không có, hoặc có ở mức thấp, do đó không thể cảm nhận được những điều chi có thể cảm nhận mà thôi chứ không chịu được sự suy lý đơn giản rành rẽ. Một thí dụ gần đây là cuộc tranh luận quanh bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm mà kẻ viết bài này cũng có dự vào. Thêm bao ý kiến bàn cãi, giảng giải tôi thấy vẫn không bằng mấy lời bình ngắn gọn hay và đúng của Hoài Thanh: "Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn cổ phong. Nhưng trong bài dưới đây lại thấy sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ. Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”. Câu cuối cùng cho thấy Hoài Thanh câm nhận rất tinh thần thái tinh thần của bài thơ và như thế bài thơ rộng nghĩa mênh mang, kết nối đuợc nhiều liên tưởng sâu xa. Còn như hỏi: “Người ra đi là ai? thì nhà phê bình đã bắt bí người thơ và người đọc thơ rồi vậy. Truờng hợp này lặp lại trường hợp đáng buồn của chính Hoài Thanh năm 1976 bắt bẻ bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên. Mới hay phê bình phải biết phê bình, biết rồi lắm khi không khéo vẫn sai. Phê bình khố là thế đấy!
Mười lăm năm Hoài Thanh đã giã từ thế sự. Hơn nửa thế kỷ tập Thi nhân Việt Nam đã tồn tại trên đời. Lịch sử trong một phần hai và một phần mười thế kỷ ấy đã có nhiều thăng trầm biến động. Con người rồi thành ra cát bụi. Nhưng những cái con người làm ra thật có giá trị con người thì mãi mãi còn lại. Tôi hoài niệm Hoài Thanh như một con người cùng thế kỷ chịu chung số phận, như một kẻ hậu nhân nối bước bậc tiền nhân, như người cuối đuờng nhìn lại đầu đuờng. Tuyển tập Hoài Thanh (cũng như tuyển các tác giả khác thời 1930 - 1945) phải làm lại đầy đủ, chính xác hơn. Bài Một thời đại trong thi ca nhất thiết phải đưa vào, không thể thiếu. Và rút ra các bài thanh minh chống đỡ gượng gạo làm xấu ông và xấu cả thời đại ông sống. Một học giả nước ngoài nói: mạt sát thì dễ nên nhiều người làm được, khen ngợi thì cực khổ nên chi ít người dám làm. Hoài Thanh thuộc số ít đó.
P.X.N