C |
ó một người nghệ sĩ lang thang giữa hoa cỏ thiên nhiên rồi thiên nhiên bước vào những trang bút kí tài hoa của anh với bao nhiêu sáo động khôn cùng của ngổn ngang trần thế, thâm hậu như những châm ngôn mà vẫn lấp lánh một ánh sáng lạ khiến người đọc, sau mỗi dòng chữ kia, thấy biết ơn với căn nhà vũ trụ mà ta đang sống. Con người đã rong ruổi giữa thiên nhiên vô biến ấy, trầm tư trên những ngọn thông đỉnh Bạch Mã hay bơi ra giữa dòng Bến Hải ôm lấy làn nước dòng sông để tiếp thêm sinh lực cho cuộc xuống đường chống Mỹ thời sinh viên tranh đấu năm nào… lãng du qua những phố vườn trời Âu hay giẫm chân dưới ruộng sình của quê nhà rơm rạ, yêu thắt lòng mỗi hạt bụi trần gian đến ánh sao xanh giữa thiên hà hun hút, vậy mà một năm rưỡi rồi phải ngồi trên xe lăn, khát khao được một lần hòa bước chân mình vào dòng đời xuôi ngược và bày tỏ niềm biết ơn với thiên nhiên bằng sự lễ độ của một con người qua những trang viết kí tài hoa có một. Người ấy là Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Bây giờ anh ngồi đó, trên căn phòng tầng hai, phòng khách của Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, 65, Nguyễn Du – Hà Nội, lặng im nhìn qua ô của sổ. Bên kia vòm là cây hoa sữa thoảng những hoa cuối mùa thu như nuối tiếc làn heo may đã nguôi về khi chiều xuống. Hơn bốn tháng nay anh ra đây chữa bệnh. Cứ mỗi ngày mai lên lại hi vọng phần bán thân trái kia sẽ phục hồi nhờ thuốc của một thầy lang giỏi tận Kinh Bắc mang về. Ở căn hộ anh sống tại Huế cũng có ô cửa sổ trên tầng hai nhìn ra một vòm long não xanh nao lòng phố Nguyễn Trường Tộ. Thiên nhiên vốn có mặt trong mỗi một số phận con người, nhưng thiên nhiên hóa thân thành máu thịt đời người, trở thành ám ảnh khôn nguôi đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hãy nghe anh nói về cái thiên đường ấy, tự ấu thơ: Tôi đã có một thiên đường đã mất, phía bên ngoài cửa sổ, bên kia những hàng cây và những mái nhà… Đấy là một không gian thơm mùi hoa cỏ dại, đất sau cơn mưa và nhiều khi tôi ngửi thấy mùi của những ngọn gió lạ… (Lý chuồn chuồn). Anh đã mải mê giữa thiên đường tuổi thơ với “cánh bướm, cánh chuồn chuồn”, những con dế mèn đất bãi và chú ve sầu lột xác, để rồi miền kí ức ấy nuôi dưỡng trong anh một tình yêu vô bờ bến với thiên nhiên. Tình yếu ấy biến thành sự kính trọng – hay như anh thường nói – đấy là sự lễ độ với thiên nhiên trong cuộc đời và trong văn chương. Bởi thiên nhiên cũng chính là cuộc đời, là nhân tình thế thái, là dâu bể ba đào. Nhân loại đã từng bao phen khốn đốn khi thiên nhiên nổi giận đó sao? Trong bút kí “Thành phố và chim” Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết với nỗi tâm tình bè bạn và nỗi đau đớn thắt lòng khi Huế đã có một thời đầy chim chóc và rồi những đàn chim bay đi, bỏ những đường xanh nắng lụa, và anh hạ một câu “Chẳng thế người ta lại nói “Đất lành chim đậu”. Viết như thế thì chẳng phải chỉ là chuyện chim muôn cây cỏ mà ắp đầy nhân tình thế thái, thâm trầm những ẩn ngữ.
Bên những niềm vui về tiến triển của sức khỏe, những ngày thu Hà Nội này anh có một niềm vui nho nhỏ khác: Nhà xuất bản Thanh niên tuyển 14 bút kí anh viết mấy năm qua để in thành tập “Ngọn núi ảo ảnh” – tập sách thứ 9 của anh trong thể loại này. Vẫn một chất giọng tài hoa riêng có ấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường khiến người đọc khâm phục sức đọc và sức nghĩ của anh. Ví như anh đã viết về sông Hương với những bút kí để đời “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, “Sử thi buồn”, nhiều bạn văn vẫn bảo: Sẽ khó ai mà viết được nữa bởi anh đã khai thác hết tận cùng nguồn ngọn, chi li từng cọng rêu, giọt nước mà thâm hậu và trải nghiệm đến vô cùng. Bao nhiêu người đã từng viết về Bạch Mã, vậy mà với bút ký “Ngọn núi ảo ảnh” mới phát hiện ra rằng thiên nhiên Bạch Mã có ảnh chứa cả một phần lịch sử trong từng góc cây, ngọn cỏ, chồi thông, ở một tầng bậc khác, ngọn núi ảo ảnh ấy còn mang một thông điệp về những giấc mơ thái hòa giữa con người và thiên nhiên cũng đầy trầm tư thế sự. Phải một bút lực thế nào mới diễn đạt hết thông điệp ấy, và ngoài anh ra khó có người vết được. Hãy đọc một đoạn ngắn chưa đầy mười dòng anh viết về cây xương rồng trong bút ký “Rượu hồng đào chưa nhắm đã say” về xứ Quảng Nam. Từ sự phân thân của cây xương rồng anh liên tưởng tới vóc dáng một con người trong bi kịch Hămlet của Sêcpia. Tồn tại hay không tồn tại. Và để hiểu được cây xương rồng ấy anh đã lục tìm để biết tên khoa học của nó là Aloe dichotoma. Chợt nhớ khi anh viết về cây hồi đất Lạng Sơn cũng vậy. Sao mà cặn kẽ thế, chi li thế: Cây hồi có tên khoa học là Illicium verum hook, trong đó cái họ La tinh Illicium có nghĩa là “Sự quyến rũ…”. Chính xác như một nhà khoa học nhưng những trang bút ký của anh vẫn bay bổng tài hoa và thâm hậu. Có lẽ chính xác khoa học kia cũng là một cách bày tỏ sự lễ độ của anh với thiên nhiên. Vả chăng giữa văn chương và cây cỏ có một sự tri kỷ - (Một người bạn anh bảo thực vật là “Âme sôeur” (Tâm hồn chị em) của văn học kia mà!). Mỗi ngọn núi, Bạch Mã hay Côn Sơn… Mỗi dòng sông, Hương Giang hay Thu Bồn, Bến Hải… Tổ quốc trong văn của anh với vẻ đẹp giang sơn cẩm tú nhưng cũng đượm vẻ đẹp hùng tráng và bi tráng, nhiều ưu tư và tự hào. Đọc những bút ký của anh ta luôn gặp một Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn hiền kính như con chiêm trước một đấng tối cao là chim muôn – hoa lá – đất trời gọi tên là thiên nhiên. “Mùa xuân thay áo trên cây” - Một bút ký có thể gọi là kinh điển về sự cảm nhận, giao hòa giữa con người và cây cỏ. Tỷ mẩn quan sát từ nụ hoa mai nơi vườn vắng đến bông sầu đông, những sắc bàng mùa trút lá đến cấy xà cừ mỗi buổi cuối đông đầu xuân, đến cây vong với màu đỏ chói lọi của loài hoa hiếm khi nở, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dẫn dụ người đọc vào trong thánh đường cây lá, và cũng như anh, cảm thấy mình trở nên ngoan đạo với hoa cỏ cuộc đời. Ví như cây hoa sầu đông, ở bên đường, nơi góc vườn, hẻm phố, ngày nào ta chẳng gặp? Nhưng hãy nghe anh nói về nó: “Hình như hoa sầu đông chỉ thơm ở những ngõ vắng. Trong lòng mỗi bông sầu đông trắng nhỏ xíu có mang một vết tím huyền, khiến nhìn gần những chùm hoa trở thành màu xám, vết tím ấy giống như chút kỷ niệm ẩn giấu trong một ký ức đã mơ hồ. Lang thang một mình trên đường vắng tôi thường bắt gặp một mùi hương sầu đông rất sâu chậm thấu từng tế bào của trí nhớ và thách thức trong tôi nhiều điều như đã quên trong đời”… (Mùa xuân thay áo trên cây). Viết như thế thì họa sĩ cũng phải “ghen” với anh, vì cái chiều sâu tâm cảm của hoa khó màu sắc nào diễn tả hết được. Còn nhớ anh cũng từng có một câu thơ xứng đáng gọi là tuyệt bút về loài hoa: “ Cây sầu đông, cây sầu đau. Thương tôi cây cũng nở màu hoa râm”… Có thể kể ra vô số những đoạn như thế trong bút ký của anh.
Bây giờ trên những phố vắng, cây sầu đông đã trút lá đợi lộc xuân và trổ hoa thơm bước chân kẻ lang thang. Tôi nhìn chiếc xe lăn của anh nơi góc phòng và thấy thậm vô lý khi một người như anh phải ngồi lên đó. Nhưng cuộc đời còn phải “Thương hải tang điền”, chính anh đã viết những dòng cuối cùng của bút ký “Ngọn núi ảo ảnh”: “Ba trăm năm một lần, biển xanh hóa thành ruộng dâu. Biển dâu thời tôi sống kéo tới dồn dập đến kinh hoàng. Biển dâu trên thời đại, trên đời dân, trên phận người, trên cây hoa anh đào. Biển dâu đến cả hoa kia cỏ này”. Hiểu như thế để rồi sau “Tang thương ngẫy lục” “Chỉ có tường ạ, cũng là dâu bể đời người, khi bây giờ anh im lặng nhìn qua của sổ. Ngoài kia thiên nhiên cũng bày tỏ niềm biết ơn trở lại với anh qua những sắc lá một ngày, anh chẳng thấy đấy sao?
Tháng 12-1999
L.Đ.D