Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hoàng Phủ Ngọc Tường - Nước non ngàn dặm…

Tròn một con giáp trước (tháng 4/2011) khi chị Mỹ Dạ gửi cho tôi tập bút ký Lời tạ từ gửi một dòng sông, tôi nói với chị Dạ để em viết bài điểm sách này gửi cho Tuổi Trẻ, sau đó trong bài viết gửi chị Đinh Thúy Nga - khi đó là trưởng ban Văn hóa Văn nghệ báo Tuổi Trẻ. Nếu bây giờ chị Nga lục email sẽ thấy trong bài viết tôi gửi cho chị có dòng chapeau riêng để giải thích: đây là cuốn sách cuối cùng của ông Tường nên em không viết như một bài điểm sách mà dài dòng một chút, coi như ông HPNT tạ từ văn chương trước khi...(bao nhiêu năm nữa?) tạ từ trần gian.

Mười hai năm sau dòng nhắn gửi đó, lần này anh Hoàng Phủ Ngọc Tường mới thật sự rời cuộc chơi trần thế! Những ngày này bạn đọc cả nước thương tiếc anh. Là phải thôi, bởi thể loại bút ký văn học - văn chương phi hư cấu này anh là một đỉnh cao mà khi anh ra đi, đó là một khoảng trống không ai bù đắp được.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ảnh: Hoàng Dạ Thư (con gái nhà văn) chụp năm 2020

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ảnh: Hoàng Dạ Thư (con gái nhà văn) chụp năm 2020

Tài hoa chữ nghĩa của anh Tường nhiều người đã nói và nói rất hay, rất trúng. Những ưu tư trần ai của anh cũng vẫn còn đây đó nọ kia, nhưng lớn hơn tất cả là những gì anh đã viết ra và dâng tặng cho văn chương Việt Nam, văn chương thế giới mới là điều vĩ đại nhất mà không phải nhà văn nào cũng có thể làm được. Tôi nghĩ mọi người gọi anh là nhà văn, nhà thơ… nhưng ở tầm vóc lớn hơn thế, anh là một nhà văn hóa hiếm hoi bởi sự uyên bác, bởi kiến văn sâu sắc, bởi trí tuệ mẫn tiệp, bởi sự diễn đạt rõ ràng dễ hiểu những khái niệm trừu tượng.

Những áng văn hay nhất về Tổ quốc này, đất nước này đều có bóng dáng của anh. Đi từ Bắc vô Nam sẽ nhớ Rừng hồiAi về châu xưa ở Lạng Sơn ải Bắc, nhớ Côn Sơn thông reo trong ngọn bút của anh với Ức Trai Nguyễn Trãi, hay về tận Cà Mau có bút ký Đất Mũi... nhưng những bút ký sâu sắc, tài hoa nhất vẫn là về mảnh đất miền Trung. Huế thì khỏi nói bởi những bút ký đã chọn đưa vào sách giáo khoa như một kinh điển, nhưng mảnh đất quê hương nguồn cội Quảng Trị của anh mãi thăng hoa trên những bút ký Đánh giặc trên hàng rào điện tửHành lang của người và gióĐêm chong đèn nhớ lạiQuê hươngLý chuồn chuồn…, hay Quảng Nam với Đứa con phù saRượu hồng đào chưa nhấm đã say,... Ôi, nếu kể hết tác phẩm của anh Tường thì đã đủ số chữ vài ngàn cho một bài viết, nên chỉ có thể mượn lời nhà văn Nguyên Ngọc đúc kết rất ngắn gọn mà đầy đủ súc tích về Hoàng Phủ Ngọc Tường: Nhà văn gốc Séc nổi tiếng Milan Kundera vốn là người rất chăm chú suy nghĩ về nghề - có lần nói rằng: “có ba khả năng cơ bản của một nhà tiểu thuyết: anh ta KỂ một câu chuyện, anh ta TẢ một câu chuyện, anh ta SUY NGHĨ một câu chuyện”. Xếp loại như vậy thì Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc loại thứ ba. Hoặc đúng hơn: anh là cả ba, nhưng thiên nhiều hơn về thể loại thứ ba. Anh kể, anh tả, nhưng nhiều hơn là anh suy nghĩ. Hoặc nói chính xác hơn, anh kể, anh tả, để mà suy nghĩ. (Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tập 2, trang 848).

Cái nhận xét ngắn gọn đó đủ để làm bật lên hàm lượng trí tuệ trong những bút ký của anh Tường. Nhưng tôi thì nghĩ cái hàm lượng trí tuệ trong văn chương Hoàng Phủ không phải là để trình diễn trí tuệ siêu việt của anh. Lịch sử cho cùng là một dòng chảy miên man bất tận. Vài chục năm trước càng khác với bây giờ, khi mà truyền thông và mạng xã hội ném con người ta vào những “trend” và rồi những “trend” dù nóng hôi hổi đến đâu, chỉ vài ngày vài tuần là chìm vào quên lãng? Lại phải trích dẫn thêm Nguyên Ngọc một lần nữa, khi ông nói về những trang văn của anh Tường rằng:

Và tôi sực nhớ một câu của Bảo Ninh viết trong cuốn tiểu thuyết của anh về cuộc chiến tranh vừa qua: “Cuộc chiến tranh vừa được ghi nhớ vĩnh hằng vừa bị quên lãng từng ngày”.

Đúng quá! Cuộc chiến tranh anh hùng, thiêng liêng vừa qua sẽ được ghi nhớ vĩnh hằng trong ký ức đời đời của dân tộc, không bao giờ và không gì có thể làm phai mờ. Nhưng đồng thời ta lại đau đớn thấy nó đang bị quên lãng từng ngày trong cuộc sống đua chen rộn rã và xô bồ hôm nay. Nhớ và quên là biến chứng của cuộc sống con người.

Có lẽ chính vì thế mà cần có văn học. Cần có những cuốn sách như cuốn sách này của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Văn học, nói theo cách nào đó, là nỗi khắc khoải không nguôi của con người trên hành trình muôn dặm của mình, để cho “quá khứ không chỉ là dĩ vãng” mà là than đá “dồn nén cồn cào trong lòng đất và luôn đòi bốc cháy"

Từ những trang văn của Hoàng Phủ, Tổ quốc chúng ta hiện lên kiêu hãnh và lộng lẫy như những tượng đài chữ. Và trong công viên tượng đài ấy, mỗi miền đất lại được anh dựng cho những tượng đài rất riêng, rất kỳ diệu!

Hãy đọc một đoạn ngắn chưa đầy mươi dòng viết về cây xương rồng trong bút ký Rượu hồng đào chưa nhắm đã say anh Tường viết về xứ Quảng Nam:

Trên những ghềnh đá sát biển phía Nam đèo Hải Vân lên tận núi Ngũ Hành, mọc tràn một loại cây lạ, thấy nói là thủy tổ của loài xương rồng, lá dài đan võng. Cây thuộc họ Lô hội, tên khoa học là Aloe dichotoma vì thân và cành cứ chia đi, gốc thành hai thân, thân hai cành, cành hai nhánh, mỗi nhánh lại tiếp tục chia đôi. Tôi lên Ngũ Hành Sơn, sửng sốt nhìn cây, như nhìn thấy dáng một con người buộc phải lựa chọn "hoặc là... hoặc là".

Vâng, một dáng người rất Séc-xpia, vững, cao, thẳng tắp, luôn luôn bị đẩy vào thế chọn lựa "tồn tại hay không tồn tại" (to be or not to be), và không còn cách nào khác

Thú thật, nếu là người Quảng Nam, khi đọc đến đoạn này, nói theo ngôn ngữ của tuổi teen bây giờ, đó là một đoạn văn hay “hết nước chấm”! Vừa tả, vừa kể, nhưng nhiều nhất vẫn là suy nghĩ.

Mà trong văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có thể ngồi tỉ mẩn chọn ra hàng trăm đoạn văn lấp lánh như thế. Chữ nghĩa của anh cũng kỳ lạ. Tôi nhớ nhạc sĩ Văn Cao khi nói về ca từ của Trịnh Công Sơn đã nhận xét “Sơn viết dễ như lấy chữ trong túi ra”. Nhưng đó là một nhạc sĩ nhận xét về một nhạc sĩ. Mê mải chữ nghĩa của anh Tường tôi nhận ra anh có một năng lực đặc biệt là anh thường đặt những câu chữ rất mộc bên nhau để rồi cái tập hợp chữ ấy khi đứng cạnh nhau lại tỏa ra một thứ ánh sáng kỳ diệu. Ví như “rượu” là một từ rất quen, “làng” là một từ rất giản dị, thế nhưng sau hơn 30 năm tôi vẫn nhớ trong lời tựa tập thơ cho anh Phan Văn Quang, anh Tường viết: Những ngày ở Quảng Trị, ngồi uống rượu làng cùng Phan Văn Quang…, trời ơi, cái từ “rượu làng” trong cái văn cảnh huynh đệ ấy nó trĩu nặng bao nhiêu là ân tình hào hoa và kiêu bạc.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (người đeo cà vạt) trò chuyện cùng họa sĩ Lê Bá Đảng tại làng Bích La Đông năm 1992 - Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (người đeo cà vạt) trò chuyện cùng họa sĩ Lê Bá Đảng tại làng Bích La Đông năm 1992 - Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Mấy hôm trước, khi anh Tường về cõi, tôi ngồi đọc lại những bút ký của anh về quê cha đất tổ và thật xúc động, bút ký cuối cùng anh viết cho tạp chí Cửa Việt quê nhà có cái tựa là "Quê hương". Bình thường đọc đã xúc động, nhưng khi anh Tường ra đi, càng xúc động gấp bội, bởi khi ở tuổi 80 và có gần 20 năm ngồi xe lăn sau cơn tai biến năm 1998, vậy mà đọc bút ký dài gần 4000 chữ của anh về khung trời hoa niên thơ dại, mới hiểu vì sao ông cha ta lúc gần đất xa trời ai cũng muốn quay về cố hương. Không lẽ nhắc mãi tích xưa và điển cố văn chương như kiểu “Việt điểu sào nam chi / Hồ mã tê bắc phong”, nhưng đúng là dù anh chỉ có vài năm tuổi thơ ngắn ngủi chốn quê nhà Quảng Trị nhưng mãi mãi trong anh đó là một thiên đường thơ ấu, hình như sau bao nhiêu dâu bể đời người dường như những lúc mệt mỏi nhất anh lại cùng với tâm hồn mình về trú ngụ ở đó, trong cái mảnh làng sơn trại phía đầu nguồn Thạch Hãn. Tôi đọc lại những bút ký của anh liên quan đến quê nhà, đến hoa cỏ thiên nhiên, luôn luôn là hình ảnh của cậu bé thuở lên mười làm bạn với đám mục đồng, luôn luôn là những bông hoa đồng nội thơm ngập ngừng với một tâm hồn nhạy cảm, luôn luôn là những chú dế bãi biền thức dậy giấc mơ phiêu lưu như chú dế trong trang sách Tô Hoài.

Dù là một nhà văn lớn, một người từng tham gia vào hệ thống chính trị (anh làm đến Trưởng ty, tương đương Giám đốc Sở), một nhà văn hóa, nhưng không hiểu sao, sau tất cả tôi vẫn thấy lớn nhất trong anh vẫn là những hồn nhiên mơ mộng.

Thoạt ban đầu tôi muốn viết riêng về anh và miền quê Quảng Trị, nhưng biết rằng anh Tường không của riêng một miền quê nào.

Chợt nhớ khi viết “review” cho cuốn sách Lời tạ từ gửi một dòng sông tôi có dẫn lại thi sĩ Phùng Quán đã từng viết về Hoàng Cầm, đại ý rằng ngày nào đó khi Hoàng Cầm từ giã cuộc chơi, đi sau ông sẽ có dòng sông Đuống, và cũng nói theo cách của Hoàng Phủ, rằng “Mai kia tôi về ngủ trên đồi…”, hẳn ông sẽ có dòng sông Hương đưa tiễn với tất cả tấm tình hào hoa đam mê mà ông đã dành cả đời văn của mình dâng hiến cho linh giang xứ Huế.

Nhưng giờ đây khi anh chị cùng nằm xuống, anh và chị Mỹ Dạ đã chọn một vuông đất bên sông Hương để ký thác tro cốt thì tôi tin tiễn anh đi không chỉ có sông Hương mà còn cả sông Thạch Hãn, sông Thu Bồn và bao nhiêu nữa dòng sông đất Mũi, dòng sông Việt Bắc, bao nhiêu hoa trái cỏ cây của nước Việt đã thăng hoa gấm vóc từ câu chữ của một nhà văn tài hoa tầm cỡ như anh!

Tôi cũng như bao nhiêu người đọc yêu mến những trang văn của anh Tường đều nghĩ sẽ không có một cuộc tạ từ nào cả.

Hoàng Phủ Ngọc Tường dù rời cuộc chơi trần thế thì xứ sở này vẫn mãi lưu dấu bóng hình “chàng Tư Mã” Hoàng Phủ, như sông đã lưu bóng Huyền Trân thuở nào khi qua miền Châu Hóa, đau đáu gửi dòng sông một nỗi niềm “nước non ngàn dặm ra đi…”.

LÊ ĐỨC DỤC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 347

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

18 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

4 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground