Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hoàng Phủ Ngọc Tường: Tháng ngày soi tỏ khung trời cỏ hoa

Trời làm cơn mưa ly biệt mịt mùng thành Huế sớm ngày 1/8/2023, ngày di cốt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được an táng tại Nghĩa trang phía Bắc thành phố Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã “về chơi với cỏ” như ông đã từng viết:

Mai kia rồi cũng xa người
Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa
Có nàng xõa tóc tiên nga
Quỳ hôn cát bụi, khóc òa như mưa.

Khung trời cỏ hoa mộng mị đó hiển hiện giữa núi rừng bao quanh nghĩa trang, là sim mua tím biếc, là cỏ dại nở trắng triền non. Cái giã biệt của văn nhân khiến người ở lại rung động, tiếc trong trân trọng, buồn trong vô thường. Không, Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn sống, vẫn đầy đặn, vẫn sầu cảm, vẫn hân hoan… ấy là khi ta được cầm trên tay những tác phẩm mà ông đã chiết trọn những giọt tinh hoa cho đời.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thời trẻ

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thời trẻ

Làm sao quên được cái cảm giác đọc Sử thi buồn, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Ngọn núi ảo ảnh… mở ra trước mắt tôi cả một khoảng mênh mông, sâu lắng của trí tuệ, chất phong nhã, trữ tình của xứ Huế một thời. Tôi thức trắng đêm để lật từng trang văn, càng đọc càng ngây ngất, càng sung sướng vì sự cuốn hút đến kỳ lạ. Hoàng Phủ Ngọc Tường ra đi và để lại gia tài đồ sộ về thể bút ký với trên mười tác phẩm như: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984), Bản di chúc của cỏ lau (truyện ký, 1984), Hoa trái quanh tôi (1995), Huế – di tích và con người (1995), Ngọn núi ảo ảnh (2000), Trong mắt tôi (bút ký phê bình, 2001), Rượu hồng đào chưa uống đã say (truyện ký, 2001), Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (bút ký văn hóa, 2005), Miền cỏ thơm (2007), Ai đã đặt tên cho dòng sông (Tinh tuyển bút ký hay nhất, 2010). Và sắp tới đây, Nhà xuất bản Trẻ sẽ tiếp tục xuất bản tuyển tập những bút ký của ông. Trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhiều đề tài được khai thác từ câu chuyện về các miền đất Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Tuyên Quang, phía Bắc xa đến tận Lạng Sơn, phía Nam xa đến tận Cà Mau, … Những bạn bè văn nghệ cũng hiện lên chân thật trong tác phẩm của ông như Trịnh Công Sơn, Phùng Quán, Điềm Phùng Thị, Bùi Giáng, và rõ ràng nhất, sâu sắc nhất là Trịnh Công Sơn trong Cây đàn lya và hoàng tử bé

Chừng đó tác phẩm là quá trình lao động chữ nghĩa miệt mài, nghiêm túc, đầy sự hiến dâng. Mỗi tác phẩm của ông ra đời đều khiến làng văn chộn rộn, lẽ vì cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của ngôn ngữ đã được Hoàng Phủ dụng công, trưng dẫn mê hoặc lòng người. Ngay cả nhà văn tiền bối Nguyễn Tuân cũng trầm trồ: “Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa”.

Cả cuộc đời cầm bút của Hoàng Phủ nằm trong Một chữ tâm có sức chứa đựng tất cả, ông đã viết vì tâm nguyện mang lại một tấm lòng tốt muốn đem tâm hồn mình làm quà tặng.

Muốn hiểu Hoàng Phủ Ngọc Tường, muốn thấy cái tài trong con chữ của ông có lẽ nên đọc những nghĩ suy của ông về một thể loại mà nhà văn dụng công, dụng tâm gần như trong suốt đường văn mê mải của mình. Trong tiểu luận Một vài suy nghĩ về thể ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, chúng ta bắt gặp những quan điểm sâu sắc, giàu tính lý luận của ông về một thể loại văn học mà ông để lại nhiều dấu ấn trong văn học sử. Nhà văn đưa ra một thành kiến từ lâu mặc định trong làng văn: Ký là một sản phẩm văn học thứ cấp. Lý luận mà quan điểm này đưa ra lẽ vì dấu ấn sáng tạo của nhà văn không đậm đà, hay nói cách khác nhiều người cho đó chỉ là tác phẩm mang tính ghi chép lại hiện thực, tính tường thuật sự kiện, vấn đề, nhân vật… dường như chiếm lĩnh. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, ký là thể loại văn học tôn trọng sự thật khách quan của cuộc sống, không hư cấu. Chúng tôi còn tra trong Từ điển tiếng Việt, ký là thể văn tự sự có tính chất thời sự, trung thành với hiện thực đến mức cao nhất. Như vậy, thể ký là tên gọi chung cho một nhóm thể tài nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học. Sự giao thoa “ngoài văn học” này chính là điều làm cho nhiều người ngộ nhận về bút ký vì nó liên quan đến báo chí, chính luận, ghi chép, tư liệu các loại…, và đâu đó có nội hàm đồng quy như hồi ký, du ký, phóng sự, ký sự, nhật ký, tùy bút, tản văn, tạp văn, tiểu phẩm… Lẽ vì thế mà quan điểm “văn học thứ cấp” dường như được chấp nhận, như một thực tế phũ phàng. Ấy là người ta vẫn chưa hiểu rõ thế nào là bút ký văn học. Và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phản biện ngay từ đầu: Hiển nhiên, đấy là những thành kiến vô lý, bởi vì người ta chỉ cần nhìn vào sức sống của thể loại này trải qua cuộc hành trình dài hàng nghìn năm của lịch sử văn học thế giới. Rồi ông dẫn dụ từ văn học cổ đại phương Tây: Platon vẫn thích dùng huyền thoại và ẩn dụ… người ta đọc thấy những trang bút ký đích thực, có lẽ đó là những bút ký xuất hiện sớm nhất của văn học Hy Lạp. Tiếp đó, phương Đông cũng không ngoại lệ: Ở phương Đông, bút ký là thể văn xuôi thịnh hành ngay từ buổi đầu của văn học Trung Quốc. Những tác phẩm kinh điển của Nho giáo như Tứ thư và Ngũ kinh, các tác phẩm sử học như Sử ký Tư Mã Thiên, thậm chí cả những tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký… đều có vận dụng thể ký ở mức độ nào đó. Ông kết luận: Các nhà văn Trung Quốc đã sử dụng thể bút ký để tạo nên những tác phẩm văn học cổ điển đồ sộ nhất của họ. Chừng đó thôi quan điểm “văn học thứ cấp” đã rung rinh rồi. Và nữa, ở Việt Nam, Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng những tác phẩm ký xuất hiện sớm nhất có lẽ là Lam-Sơn thực lục của Nguyễn Trãi (bút ký lịch sử), đến Ô châu cận lục của Dương Văn An là một tập bút ký địa lý. Rất nhiều những tác phẩm lớn thời kỳ phong kiến còn để lại vẫn thuộc về thể ký, với “những tay bút đại gia như Lê Quý Đôn (Bắc sứ thông lục); Lê Hữu Trác (Thượng kinh ký sự), Nguyễn Khoa Chiêm (Nam triều Công Nghiệp diễn chí), Phạm Đình Hổ (Vũ trung tùy bút), Ngô gia văn phái (Hoàng Lê Nhất thống chí)”. Tư liệu văn học sử mà nhà văn bày ra quá đồ sộ, choáng hết cả những lập luận có vẻ sắc bén nhưng dường như là thiên kiến, chưa thấu hiểu hết tính chất văn học của thể ký. Ông cho rằng tuổi của ký xem ra cũng đã già gần bằng thi ca, và cũng giống như thi ca, cho đến bây giờ, nó vẫn giữ được sức trẻ trung, khỏe mạnh, như ta có thể nhìn thấy trên sách vở, báo chí hàng ngày chung quanh, trong văn học của nhiều nước. Sức sống trường tồn, phạm vi ảnh hưởng của thể ký là quá rõ ràng. Vậy lý do tồn tại của nó là gì? Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời tiếp những thắc mắc: Lý do tồn tại thiết yếu của bút ký, ai cũng biết chính là nhiệm vụ thông báo của nó, thường được gọi là lượng thông tin chứa đựng trong thể ký. Trong lĩnh vực của mình, nhà văn bút ký trước hết được tin cậy như một nhà khoa học thông báo về các hiện tượng, trong thái độ tôn trọng sự kiện tính (facticité) của những gì đã xảy ra. Xem ra thể ký rất có vị trí trong văn học, là một mảng sáng tác không thể thiếu và từ lâu đã được định vị với vai trò thiết yếu không những cho văn học mà còn cho khoa học xã hội nhân văn. Kinh nghiệm trong lao động nghệ thuật, đặc biệt với thể ký đã được ông đúc kết để tạo nên áng văn hay: gắn liền cái hư và cái thực trong một thể thống nhất; và đấy chính là một cách thế vận dụng hư cấu trong bút ký. Nói như vậy, bút ký giao nhau giữa văn học ở tính sáng tạo, hư cấu trong chừng mực được chấp nhận và ngoài văn học chính là vận dụng hiện thực, thông qua nhiều kỹ thuật khác của tính ngoài văn học để đưa vào tác phẩm.

Cái nghề viết ký nó thật là vất vả giống như nghề lính đặc công, muốn đánh là phải “tai nghe, mắt thấy, tay sờ”. Không đi đến tận thực tế thì không thể viết được, mà cũng đừng nên viết, nhà văn từng than thở và cũng nhắc khéo cho đồng nghiệp về tính hiện thực của bút ký. Văn của Hoàng Phủ vừa hàn lâm, uyên bác, ngôn ngữ chắt lọc, giàu tính triết mỹ được nảy mầm từ hiện thực của đất, người, văn hóa, câu chuyện, dân gian có, cung đình có, chiến tranh có, hòa bình có… Nhưng tuyệt nhiên ông không phải là dạng văn nghệ salon ru rú trong nhung lụa ấm êm, trong điều hòa mát lạnh. Ông lăn lộn đi thực tế, gặp gỡ, ghi chép, vận dụng ngũ quan để hưởng cho kỳ hết hiện thực trải ra trước mắt. Nhưng chừng đó chưa đủ, mà hãy: Trước khi chảy qua ngòi bút, những điều ấy đã chảy qua trái tim của anh như một dòng máu chưa? Ôi, trái tim, dòng máu, là nội giới của kẻ cầm bút, hòa quyện, đồng hiện với những thứ kể trên mới tạo ra được một tác phẩm đúng nghĩa. Như vậy, Hoàng Phủ đã dụng tâm biết mấy mới nhả được những ngôn ngữ phong lãm, trác mỹ đến vậy.

Hoàng Phủ cũng bày tỏ quan điểm ái ngại về sự tu dưỡng tâm đức của con người trước những thực trạng xã hội hôm nay: Ai cũng thấy cần luôn tu dưỡng cái tâm, nhưng theo tôi, thực cũng chưa mấy có ai chịu khó cúi xuống chăm sóc cái tâm bằng ý thức âu yếm.. (Cái Tâm). Sự “chịu khó cúi xuống chăm sóc” ấy là một lời cảnh tỉnh trong cuộc sống thế gian bộn bề. Quan điểm về nghề văn của ông thật giản đơn, không tuyên ngôn cầu kỳ, không vin vào một cái cớ cao siêu, tất cả gần gũi, nội sinh từ cái bên trong sâu thẳm muốn hiến dâng cho đời.

*

Bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khai mở cho tôi, tạo một nguồn cảm hứng sâu sắc, dẫn ngõ vào con đường văn xa mù mà mê mệt. Ấn tượng với chi tiết ông bàn đến “phẩm chất mỹ học” để thể hiện sự tồn tại cho phép của hư cấu trong tác phẩm văn chương (ở đây là thể bút ký) như một lao động nghệ thuật. Từ đó tôi chiêm nghiệm rằng bút ký văn học cần thiết tính duy mỹ và bay bổng của ngôn ngữ, là thứ ngôn ngữ thi ca được trộn lẫn trong những điều chân thật của cuộc sống. Bút ký phải khai thác triệt để sức mạnh của ngôn ngữ, giá trị mỹ học, đặc tính nhân văn và hòa trộn nhiều thể loại được trích xuất như một bản hợp xướng ngôn ngữ, tạo nên lối viết liên văn bản đầy sức cuốn hút. Những phẩm chất và đặc tính đó trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như đầy đủ cả, lẽ vì thế mà bây giờ không ai viết ký về Huế hay hơn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Điều đó là lẽ vì sao? Có người nói rằng Hoàng Phủ xuất thân là dân triết nên câu chữ uyên áo, cộng hưởng với cuộc đời ông trải qua nhiều thăng trầm biến cố, gắn bó với mảnh đất Thừa Thiên những năm chiến tranh gian khổ, gắn với những rêu phong, cổ kính còn đó mơ màng trên đất và người cố đô. Ông đã nghĩ về miền Hương Ngự như sau: Huế mãi mãi là một thành phố lạ lùng của đời tôi: mơ mộng, lười biếng như nàng công chúa sầu muộn, để chợt nhiên nổi giận, thách thức như một lời hịch tuyên chiến. Hoàng Phủ đã sống sâu, trải sâu, hiểu thấu và đồng cảm chứa chan cùng mảnh đất này. Nhà phê bình Phạm Phú Phong có lần nhận xét: Cái “tạng” văn chương của Hoàng Phủ thuộc về tâm cảm, về niềm đau trần thế, nỗi buồn mênh mông và cơn mê dài xuyên qua nhiều số kiếp. Bản thể của nhà văn, cái độc đáo của ngòi bút Hoàng Phủ đã sinh khởi, đứng lên và đi ra từ đó.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (bên trái) và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trên đỉnh núi Kim Phụng ngày 2/9/1995 - Ảnh: Tư liệu gia đình nhà thơ NTT

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (bên trái) và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trên đỉnh núi Kim Phụng ngày 2/9/1995 - Ảnh: Tư liệu gia đình nhà thơ NTT

Có thể cho rằng, những tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường mượn lời mình để dẫn dụ về cái đã/sẽ biến mất như quy luật tất nhiên, để gìn giữ trong trái tim và tâm hồn bản sắc văn hóa một vùng đất. Theo cách nhìn nhận của tôi, ông chính là một đại diện cầm bút phụng sự văn hóa, phụng sự văn chương và gia tài ông để lại khiến hậu nhân mất nhiều tâm sức để cảm, để hiểu, để biết ơn. Ở một góc nhìn khác, nhà văn Trần Thùy Mai đã có lần khẳng định: là một nhà văn, điều anh quan tâm là con người, và với sự hiểu biết khoa học của mình anh đã dựng lại một diện mạo tâm hồn của Huế xưa - điều mà không một nhà Huế học nào làm được. Công lao của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong việc gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Huế được chuyển tải qua các tác phẩm của mình là điều rất đáng ghi nhận. Nhà văn đã góp phần làm cho Huế trở nên đẹp và thơ. Chỉ bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông được in trong chương trình Ngữ văn THPT đã là một sự quảng bá cho biết bao thế hệ ngồi trên ghế nhà trường để biết về xứ Huế, biết dòng sông Hương, núi Ngự, đền đài lăng tẩm uy nghi.

Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường làm sang trọng cho nhiều vùng đất, đặc biệt là xứ Huế, đến độ nhiều người xem ông là “nhà Huế học”, “nhà văn hóa Huế”, người đã góp phần gìn giữ linh hồn và văn hóa Huế qua những trang văn lấp lánh theo một phong cách riêng mà chỉ có Hoàng Phủ mới diễn đạt thành công như vậy. Ông khiến cho thành quách rêu phong, lăng tẩm cũ màu, dòng sông, cỏ dại, hoa trái… phải kể những câu chuyện bi đẫm của mình. Bút ký của ông gắn bó với cội nguồn, với dòng chảy văn hóa Huế. Người đọc cảm được chất Huế phủ lên từng chữ, từng câu, từng suy nghĩ, luận điểm, tường tận về một miền đất văn hóa toàn diện, mộc mạc và gần gũi.

*

Không gian quê hương Quảng Trị vẫn bàng bạc trong văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua những tác phẩm bút ký như Thời ấu thơ xanh biếc, Cồn Cỏ ngày thường, Hành lang của người và gió, Bản di chúc của cỏ lau, Đêm chong đèn nhớ lại, Ngọn núi ảo ảnh… Trong Hành lang của người và gió, đoạn miêu tả về nắng nóng của vùng đất hỏa tuyến Gio Linh khiến người đọc giật mình: Nắng táp vào mặt tôi từng chiếc lưỡi nóng bỏng, như thể đâu đó giữa không trung, những con quái vật thời tiền sử đang phun lửa xuống mảnh đất khô khốc vùng hỏa tuyến. Mùa hè Quảng Trị, những cơn gió Lào khiến người người khổ sở, lăn lộn sống, chiến đấu trong gió cát, trong đạn bom: Gió tràn qua những ngôi làng đất bazan vùng Gio Linh, dấy lên những đám bụi đỏ mịt mùng. Dưới sức thiêu đốt của gió, tre già nổ ran như tiếng súng giao tranh trải khắp một vùng mênh mông dưới chân Dốc Miếu… Những hình ảnh gian khổ của thời tiết, khí hậu tác động mạnh đến người đọc qua những hình ảnh đáng giá như cái mịt mùng của bụi đỏ, tre già nổ rang vì sức nóng, cả những con quái vật thời tiền sử phun lửa… Đọc đoạn này, so với cảm giác của nhà văn Nguyễn Tuân năm 1947 khi vào khu IV cũng chứng kiến: Gió phả cát rang vào khắp da tôi, gió Lào lại ùa thốc cả một khối lửa lên lưng lên mặt và dội vào gáy. Tôi muốn ôm lấy đầu tôi, nhưng lớp tóc dài khô cứng chớm dựng như bàn chải lông thép đặt ngửa. Cả hai bậc kỳ tài trong thể ký đã gặp nhau, cùng sánh bút đặc tả những đoạn văn chân thật nhất, ám ảnh nhất về những còn người kiên cường sống trong thời tiết khắc nghiệt cũng như bền gan bền chí chiến đấu chống lại kẻ thù trên chiến tuyến.

Đất và người Quảng Trị hứng chịu bao nhiêu bom đạn, bao nhiêu hy sinh mất mát, là nơi chứng kiến những bi tráng nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Thành Cổ trong mùa hè đỏ lửa 1972 ghi dấu những trận chiến khốc liệt, sống còn một thời, bao người nằm lại, thành quách cũng hoang tàn. Bản di chúc của cỏ lau đã đưa hình ảnh cỏ dại hiên ngang mọc lên sau chiến tranh đổ nát: Lau lách, đót, tranh, chuối hoang và trăm nghìn thứ cỏ trên trái đất, cứ sau một cơn mưa lại mọc lên tươi tốt phồn vinh. Đó là nhựa sống bền bỉ của một vùng đất hiên ngang, đến cỏ dại cũng trở thành bất khuất. Và Cồn Cỏ ngày thường đọng lại trong trái tim ông một cảm giác thân thương, trân trọng qua sự ví von: Cồn Cỏ không quá xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa để vĩnh viễn nằm trong nỗi nhớ xa khơi của đất liềnNhưng Cồn Cỏ cũng không đứng gần đến độ những con hải âu cũng đâm ra nhàm chán vì ngửi thấy quá ít cái phong vị sóng gió của hải đảo… Chỉ hai câu văn diễn đạt về vị trí địa lý của hòn đảo anh hùng trên tuyến lửa chống giặc đã khái quát cả lịch sử, vị thế, thiên nhiên, đưa Cồn Cỏ vào trong trí nhớ của người đọc một cách chân thành nhất. Ở đó, còn có sự kiêu hãnh xen lẫn tự hào: Hỡi con người có bàn chân nhỏ, sao có thể đi qua những biến động của lịch sử như gió thổi qua đại dương?

Hoàng Phủ Ngọc Tường còn là người có sự nhạy cảm tinh tế với thời tiết, nhất là những ngày chuyển mùa. Trong bút ký Giao lưu với mùa thu, cảnh vật hiện lên đầy mơ màng: Trời đã chuyển mùa, gió heo may bắt đầu trở lạnh, những chiếc lá vàng tươi đang vỡ ra dưới những bước chân. Nhưng câu văn phía sau khiến người đọc bàng hoàng: Cũng trời ấy, cũng đất ấy, cũng mùa thu ấy, chỉ họ không còn nữa. Đó là chiêm nghiệm của nhà văn, là triết lý về cuộc đời, xa vắng như Ông đồ của Vũ Đình Liên.

Nghệ thuật trần thuật, miêu tả đặc sắc, chi tiết, hình ảnh được chọn lọc kỹ càng, dụng chữ công phu, đa nghĩa là những điểm mạnh của Hoàng Phủ. Ông đã tạo ra phong cách ngôn ngữ khác biệt, giọng điệu “độc sáng” mà chỉ cần đọc qua tác phẩm đã thấy hơi thở của ông hiển hiện trong đó.

Tâm hồn nhà văn ngập tràn sự ngợi ca đồng hợp với thiên nhiên hay nói cách khác Hoàng Phủ Ngọc Tường là con người của thiên nhiên, yêu thiên nhiên và hiểu biết thiên nhiên sâu sắc đến độ người đọc cảm nhận như ông đang trò chuyện cùng cỏ cây, hoa lá. Ký của ông là sự giao hòa với sông nước, mây trời, rừng núi và thế giới hoang dại của các loài hoa, loài cỏ, cây trái bốn mùa...  Tình yêu thiên nhiên đã cho ông những câu văn đa cảm như đoạn miêu tả về hoa phù dung trong bút ký Hoa bên trời sau đây: Thú thật là từ trước đến nay, tôi không ngờ có một loài hoa oái oăm đến thế: màu trắng buổi sáng, thì tưởng như không có vật gì ở trên đời trắng hơn, màu hồng vào buổi trưa lại quyến rũ như màu má giai nhân; và màu tím vào buổi chiều luôn luôn khiến ta đau xót, như một niềm thương tiếc khôn nguôi. Tác giả đẩy người đọc qua một nguồn cảm xúc khác khi thấy đóa phù dung sớm nở tối tàn: Tôi lại thấy một cảm giác rờn rợn như đối với một số phận đầy bi thảm. Như thể rằng nó không phải là một loài thực vật, mà là một thiếu nữ. Chi tiết đắt giá nhất, trở thành một bản lý lịch sinh học cho đóa hoa dài đó là: Tôi nghĩ rằng trong thế giới này nếu có một vật gì có vận tốc nhanh nhất thì vật ấy chính là cuộc đời của hoa phù dung. Cái tài dùng chữ, thi triển thuật so sánh của Hoàng Phủ thật khiến người đọc bất ngờ. Đọc trang văn của ông bỗng yêu mến cây ngọc lan già 50 tuổi ở vườn An Hiên trên Kim Long trong Hoa trái quanh tôiVườn có một cây ngọc lan già năm chục tuổi, đứng sát cổng, cây cao bóng cả, đồ sộ như một áng thơ dân gian. Thu tàn đông lạnh, nó chỉ rụng lác đác ít lá vàng, vẫn giữ một mầu lục tươi nguyên khối không hề biết đến năm tháng; cây già mà hoa trẻ, những cánh mầu ngà thon thon dáng ngón tay thiếu nữ, cầm hoa như giữ trong tay một kỷ niệm xao xuyến. Thấu hiểu cỏ cây đến vậy chỉ có thể là Hoàng Phủ, chính ông đã làm cây cỏ cất lời, khiến con người cũng xao xuyến trước vẻ đẹp kỳ khôi ấy. Bài ký Hoa trái quanh tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường từng được GS. Hoàng Ngọc Hiến cảm nhận: những đoạn triết luận sâu sắc về quan hệ con người và thiên nhiên, có những trang miêu tả nghệ thuật tinh tế, có những liên tưởng nhớ lại sự kiện văn học, sử học, giả định một sự tìm tòi nghiên cứu hết sức nghiêm túc, lại có cả những trang trình bày một cách xác thực những kinh nghiệm làm cỏ, trừ sâu và tưới vườn. Bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường giá trị và khác biệt ở chỗ đó, như một cuốn bách khoa toàn thư đã được thi hóa, ai cũng có thể đọc, cảm nhận và yêu mến.

Ở góc nhìn khác, Hoàng Phủ đã cho ra một định đề khả quan cho hiện thực và cuộc sống hôm nay: Lịch sử đổi thay, con người đi qua, nhưng những thành phố còn lại. Để trả lời cho các thế hệ tương lai về những kinh nghiệm sống làm giàu có thêm nhân loại. Câu văn của Hoàng Phủ làm tâm hồn mình lắng lại, bình tâm và tràn đầy hy vọng trước những va đập của cuộc sống bộn bề ngoài kia. Thời gian sẽ trôi, không điều gì là vững bền nhưng ở đâu đó vẫn còn sự cứu cánh dưới cái nhìn minh triết. Hãy sống và trân trọng gìn giữ những gì của hôm qua, làm tốt những gì hôm nay vì đó chính là giá trị của mai sau. Những trang văn của Hoàng Phủ xuất phát từ cái tâm của người cầm bút, của chiều sâu tâm hồn, của văn hóa nghìn đời hun đúc, kết tụ, chắt chiu, để làm giàu có cho tiếng Việt, làm đẹp cho những vùng đất ông đã đi qua.

Với những đóng góp to lớn cho thể bút ký văn học hiện đại, Hoàng Phủ Ngọc Tường xứng đáng là tác giả tầm cỡ, tiêu biểu, có tính đại diện cho thể ký của văn học Việt Nam sau 1975 và ảnh hưởng lớn đến các thế hệ sau. Dấu ấn lớn nhất của ông chính bút pháp nghệ thuật, sự khám phá, trải nghiệm hiện thực, lý giải hiện thực, làm giàu hiện thực theo cách riêng của nhà văn. Bên cạnh đó là sự kỳ công trong khai thác tư liệu như một nhà nghiên cứu đích thực, rộng mở, liên hoàn qua nhiều mảng như triết học, văn hóa học, lịch sử, âm nhạc… Có thể nói, tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường góp phần hoàn chỉnh diện mạo của thể bút ký văn học Việt Nam hiện đại, khơi gợi, mở ra chặng đường mới cho sự phát triển không ngừng của thể loại còn hứa hẹn nhiều màu mỡ và khởi sắc này.

*

Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như đã để lại một chút dự cảm về nghiệp viết của mình: Trên tài hoa nhầu nát / Trên trần gian khói sương / Trên mặt người biến sắc / Mưa in dấu vô thường (Kinh cầu trong mưa). Tôi cho đó là hình ảnh con người và cuộc đời Hoàng Phủ Ngọc Tường “nghiệm hóa” trong bốn câu thơ như chính một định đề Người hái phù dung mà ông đã đặt tên cho tác phẩm thơ xuất bản năm 1992.

Hoàng Phủ Ngọc Tường khi sống văn ông lay động bạn bè, khi mất thơ bạn tiễn bước lâm tuyền. Xin trích lại đây bài thơ nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vừa viết cho những người bạn chân ái trong cuộc ly biệt này: Nhớ ngày kháng chiến / Cùng ngồi trên núi Kim Phụng / Nhìn về Huế / Chúng ta nói với nhau / Mong ngày đất nước thanh bình lại về với Huế... Bây giờ anh chị lại về / Nghỉ lại trên những dãy đồi ngày xưa / Ôm mãi giấc mơ thanh bình cho Huế / Khi lòng mình còn xót xa… Dâu bể, vô thường, nước chảy mây trôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đi xa nhưng con chữ ông vẫn ở lại, thơm ngát như “Miền cỏ thơm” với “Rất nhiều ánh lửa”.

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 347

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

9 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

23 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground