Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hoàng Phủ Ngọc Tường : Vẫn sống để viết

T

rong bài Nhàn đàm viết về hoa ngũ sắc, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ghi lại cảm xúc mình trước ngày bỏ phố lên rừng gần bốn mươi năm trước."Chào bầy hoa ngũ sắc ven đường, Cười sặc sỡ bên khung trời thơ ấu". Bài viết nhắc đến cuộc gặp gỡ với Kiều Thái ở Kim Long - người bạn gái thời sinh viên, sau này là giáo sư Triết học tại Đại học Munich. Sau lần gặp nhau năm 1965, hai người bạn một người lên rừng cầm súng, một người ra nước ngoài du học, hơn hai mươi năm sau mới gặp lại.

Trước ngày lên rừng, anh Tường là giáo sư dạy triết tại trường Quốc học Huế. Giáo sư Trung học thời ấy là một chức danh danh giá, có mức lương gấp hai viên chức thông thường. Vì vậy việc anh dứt áo ra đi không xuất phát từ bất mãn danh phận hay bức xúc về cơm áo, mà từ một khát vọng mang màu sắc lý tưởng.

Khi lên rừng, anh mới chỉ có thơ. Khởi đầu là những tâm sự của người thầy giáo, trong đối thoại tâm tư với học trò: "Đọc sử xưa, em hỏi,/ Lúc nước non lâm nguy,/Có phải chăng Nguyễn Trãi,/Xếp bút nghiên ra đi?" Người giáo sư trẻ tuổi của trường Quốc Học ngày ấy, người đọc rất nhiều thi thư của văn hóa đông tây, có lẽ đã làm theo sự thôi thúc của câu thơ Đuờng về trai thời loạn: "Ninh vi bách phu trưởng - Thắng tác nhất thư sinh" (Hoàng Phủ Ngọc Tường dịch và "update" câu thơ với giọng hóm hỉnh cố hữu của anh: "Thà làm đội trưởng của một trăm thanh niên xung phong hơn làm một anh chàng sinh viên mọt sách"). Hoàng Phủ Ngọc Tường, từ khởi điểm cuộc đời, bị chi phối rất mạnh mẽ bởi ý niệm "Kẻ Sĩ" mà anh đã mang trong tâm khảm từ ảnh hưởng phong hóa Nho học của đất Huế, nơi anh lớn lên và trưởng thành.

Sau này, anh viết nhiều về các danh nhân: Nguyễn Trãi, Đặng Huy Trứ, Đào Duy Từ... Tôi ngờ rằng danh nhân để lại ảnh hưởng sâu đậm nhất trên cuộc đời và hành trạng của anh chính là Nguyễn Công Trứ, với ý tưởng tích cực về công danh "Đã mang tiếng đứng trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông." Anh rất trọng chữ Danh "Chỉ có người chuộng hư danh mới đáng chê, còn người hiếu danh làm nên cái tên mình bằng cả một quá trình lao động lâu dài thì đáng nể". Cụ Nguyễn Công Trứ đã đề cao vai trò Kẻ sĩ "Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt / Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên". Bởi vậy trong đời anh Tường, lúc nào anh cũng muốn dấn bước lên trước, ý thức về người trí thức đi tiên phong luôn dẫn dắt những lựa chọn lớn của anh.

Xuất thân là học sinh rồi giáo sư Quốc học, anh được đào tạo thực sự cơ bản về học vấn; Cái vốn học vấn rất uyên thâm đó, đặc biệt là sự am tường về triết Tây và triết Đông, đã giúp anh đi vào cuộc sống với những phân tích, mổ xẻ đầy sáng tạo, điều mà nhiều nhà văn bây giờ không làm được vì thiếu sự tích lũy những kiến thức công cụ.
Mặt khác, nếu không có khoảng thời gian lặn lội trên Trường Sơn hay gắn bó với tuyến lửa Vĩnh Linh thì anh sẽ thiếu hẳn một mảng vốn sống rộng lớn và chắc chắn sau 1975 anh không cầm bút viết sớm như vậy (những tác giả miền Nam cùng xuất phát trong phong trào đấu tranh ở đô thị với anh, như Trần Duy Phiên và các tác giả khác trong nhóm Việt, phải đến hơn mươi năm sau mới trở lại văn đàn). Nếu như thế, có thể ta đã không có một Hoàng Phủ Ngọc Tường với gia tài tác phẩm phong phú như hiện nay. 

Một nhà nghiên cứu văn học ở Pháp, anh Đặng Tiến, đã nhận định rằng văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường là sản phẩm của chiến tranh cách mạng, bởi thời kỳ ở miền Nam, anh hầu như không viết gì, tất cả tác phẩm đều ra đời sau khi anh thoát ly.

Nhận xét đó có phần đúng. Tuy vậy, năm1975, sau mười năm lên rừng rồi ra Bắc, khi quay về Huế, anh mới chỉ có thơ và một tập ký đầu tay (Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu, 1972). (Anh rời Huế từ 1965 cho đến 1975 mới trở về, không có mặt trong mùa xuân 1968 như nhiều người đã hiểu lầm, do vô tình hay cố ý). Thời gian từ 75 trở đi, anh mới chuyên tâm sáng tác liên tục và được định danh là một nhà văn chuyên viết ký, sau lời nhận xét rất nặng cân của Nguyễn Tuân: "Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa. Ai đã đặt tên cho dòng sông - viết về sông Hương,Ngọn núi ảo ảnh - viết về núi Bạch Mã, và nhiều bút ký về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và con người xứ Huế, cùng với những tác phẩm được tập hợp trong 15 cuốn sách đã làm cho anh trở thành một tác gia kinh điển về thể loại ký trong văn học Việt Nam.

Vìvậy theo tôi, văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường là sản phẩm của thời kỳ đất nước thống nhất, với cảm hứng chủ đạo từ tâm thức người nghệ sĩ trong ba mươi năm qua: hàn gắn dân tộc và đổi mới xã hội.”

Hoàn cảnh xuất thân và quá trình sống làm cho anh, dù muốn dù không, đã thực sự là một cầu nối hiệu quả nhất giữa giới trí thức từ hai miền Nam Bắc, giữa người cầm bút trong nước với trí thức hải ngoại. Những năm từ bảy lăm cho đến trước khi anh bị tai biến não năm 1998, căn hộ anh ở là nơi gặp gỡ của anh em văn bút trong nước, ngoài nước khi qua Huế.

Có thể gặp ở đó những khuôn mặt quen thuộc trong Hội nhà văn Việt Nam: Thu Bồn, Nguyễn Duy, Bùi Minh Quốc... Những khuôn mặt trí thức ở hải ngoại: Mai Ninh, Đặng Tiến, Đinh Cường, Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị... Khách đến chơi nhà anh có đủ từ ông tiến sĩ mang kính trắng dày cộp đến anh Phương Xích Lô giang hồ chân đất, có cả nhà văn lão thành lẫn mầm non văn nghệ vô danh trên đường khăn gói quả mướp giang hồ từ Bắc vô Nam, ngẫu hứng ghé lại rồi nương nhờ cả tháng nơi gác xép sau nhà.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ có lần nói: "Khách đến nhà Tường nhiều, một phần là vì có Dạ". Ai đến thăm nhà đều được chị Dạ đón với nụ cười hiền, được chị ép ăn, ép uống, người đến chơi thì được tiếp đón, người nương nhờ thì được cưu mang. Cuộc hôn nhân của anh Tường với Mỹ Dạ, là sự nối kết giữa trí thức miền Nam với tài hoa miền Bắc. Bạn anh và bạn chị đã thành bạn của nhau trong những bữa rượu tưng bừng hỉ hả nơi căn hộ ở lầu hai chung cư Nguyễn Trường Tộ ấy. Bây giờ người ta nói nhiều về hội nhập, về chuyện hàn gắn và nối kết hai cộng đồng trí thức văn nghệ trong và ngoài nước, giữa những người cầm bút trước và sau 1975. Thật ra sự hòa nhập ấy đã liên tục diễn ra trong rất nhiều năm tháng, và cái căn hộ lầu hai gần Phú Cam ấy là nơi gặp gỡ, tìm hiểu và kết thân, đã làm cho nhiều người xa lạ trở thành bạn hữu.

Như đã nói, cả đời anh, anh rất ngưỡng mộ Nguyễn Công Trứ, với anh thì cụ Nguyễn là một cầu thủ siêu giỏi đã sút chính xác vào cầu môn cuộc đời những đường bóng tuyệt vời. Cũng như Nguyễn Công Trứ, cuộc đời anh có cả vinh quang và cay đắng, nói chính xác thì vinh quang nhiều hơn cay đắng. Nhưng ở anh có một điều Nguyễn Công Trứ không bao giờ nói đến, đó là nỗi buồn. Với anh, sau mọi thăng trầm của cuộc sống, anh hiểu: Rồi thi sĩ sẽ quay về với ngôi nhà ở đời của mình là nỗi buồn.

Có những lúc anh hụt hẫng và rất cô đơn, như đã thổ lộ trong thơ:
Những chiều Bến Ngự giăng mưa,

Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi,

Tôi ra mở cửa đón người,

Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang. 

Người đọc thơ dễ dàng nhận ra hình ảnh anh trong căn hộ bên dòng sông Bến Ngự. Một căn hộ luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng ngâm thơ, đọc truyện. Nhưng đây là những phút thăm thẳm một mình:

Nhà tôi ở phố Đạm Tiên,

Dưới dòng nước chảy, bên trên có cầu

Cây sầu đông, cây sầu đau,

Thương tôi, cây cũng nở màu hoa râm.

Sau những năm ra Quảng Trị làm báo, sức khoẻ anh xuống nhiều, hầu như năm nào cũng vào viện vì căn bệnh xuất huyết dạ dày. Có một nhà chiêm tinh đã đoán anh không sống được qua sáu mươi tuổi. Những tháng năm làm tập thơ "Người hái phù dung ", anh thường bị ám ảnh bởi cái chết.

Nhưng như một phép lạ, sau cơn đột quỵ năm 1998, anh đã qua được và từ đó đến nay dù nằm yên một chỗ, anh vẫn sống với tất cả ý nghĩa của sự sống: làm việc, cảm nhận và yêu thương. Anh đã sống lâu hơn rất nhiều những người cùng thời mạnh khỏe. Và viết, vẫn giọng văn tinh tế, uyên bác. Hãy tưởng tượng anh đã lao động vất vả như thế nào khi bàn tay không còn cầm bút được nữa. Hãy tưởng tượng anh đã khó khăn thế nào khi không còn được đi đến nơi này nơi kia để thu thập thêm vốn sống, vậy mà tự rút ruột, anh vẫn còn vốn để viết.

Bây giờ anh đã rời bỏ căn hộ ở đường Nguyễn Trường Tộ để về ở vùng Nam Giao, trong một ngôi nhà yên tĩnh hơn. Những ngày dài anh nằm trên giường, đọc sách, và viết - tức là đọc cho chị Dạ ghi lại những ý tưởng của mình. Nhiều bạn bè lo lắng cho sức khoẻ của anh đã khuyên: Bây giờ nên tập trung dưỡng bệnh, đừng viết mà đầu óc căng thẳng, nguy hiểm lắm.

Nhưng biết đâu chính nhờ viết mà anh cảm nhận cuộc sống vẫn gần gũi bên mình, nhờ viết mà trong khi bị bệnh tật giam cầm trong căn phòng bé nhỏ, tâm trí anh vẫn vượt ra ngoài để hội nhập vào cuộc sống đương thời: chính bằng cách viết anh đang níu giữ sự sống.

Cuộc đời anh lúc ba mươi tuổi bỏ thành phố lên rừng với giấc mơ hòa bình, năm mươi tuổi dấn thân vào sự nghiệp làm báo với khát vọng góp phần đổi mới đất nước, và hơn ba mươi năm sau ngày hòa bình làm cầu nối thân hữu giúp cho những người đang xa cách trở thành bè bạn. Giờ đây anh đang chiến đấu với một hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt để tồn tại, với vũ khí cuối cùng mà anh còn có được: bản năng sáng tạo.

Thêm một mùa xuân đến, anh vẫn viết, vẫn sống để viết.

T.T.M

 

Trần Thùy Mai
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 174 tháng 03/2009

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

5 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground