Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hơn 30 năm sau gặp tác giả bài thơ "Đêm Quảng Trị"

N

ét người, tầm thước, vầng trán rộng, da hồng hào, tính tình cởi mở vui nhộn, giọng nói còn mang đậm xứ Hà Tĩnh, quê “choa”... đó là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, bút danh ở chiến trường là Vũ Ngàn Chi tác gải bài thơ “Đêm Quảng Trị”.

Vào những năm 1967-1968, chiến trường Quảng Trị thuộc mặt trận B5 thật vô cùng khốc liệt. Bạt ngàn rừng già của dải Trường Sơn chạy về phía nam là vậy mà không ít cánh rừng chỉ trơ lại “ngàn tay than cháy, vạch màu trời xanh” (Tố Hữu) vì B52 rải thảm, pháo chụp, pháo bầy và những trận mưa của chất độc hóa học Mỹ nhằm hủy diệt môi trường sống của rừng, Việt cộng hết nơi ẩn nấp để cho chúng dễ bề tiêu diệt.

Là chiến trường tiếp giáp với miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn ở miền Nam anh hùng. Một cân gạo, phong lương khô, viên đạn... tới tay bộ đội là tính bằng...máu. Máu đổ từ trên luống cày, lúc thu hoạch, máu của những thanh niên xung phong hỏa tuyến và máu cán bộ, chiến sỹ chuyển ra chiến trường. Còn sách báo, phim ảnh và những món ăn tinh thần khác không thể thiếu mà không phải lúc nào cũng đáp ứng dù tỉ lệ rất thấp. Mỗi cuốn sách, tờ báo và các ấn phẩm văn hóa đến tay chiến sỹ phía trước là sinh tử. Chính vì vậy mà anh em trân trọng chuyền tay nhau đọc không để sót một chữ. Đó là chưa nói có những nội dung hay, hấp dẫn nhiều anh em thuộc làu làu. Nói không quá lời rằng có những bài bút ký, xã luận, bình luận, tùy bút dài cả mấy ngàn từ mà có anh vẫn thuộc hết, để tự nguyện làm "xướng ngôn viên” đọc trôi chảy, lưu loát cho đơn vị nghe mới thú làm sao. Một dạo thật tình cờ, cầm tờ báo “Tiền tuyến” do Phòng tuyên huấn Cục Chính trị mặt trận phát hành, tôi bắt gặp bài thơ với nhan đề: “Đêm Quảng Trị” của Vũ Ngàn Chi. Sau khi lướt qua các tin bài và chuyên mục được báo đăng tải, rồi đọc tới bài thơ trên. Khi đọc lần một đã thấy hấp dẫn, đọc lại càng thấy hấp dẫn hơn. Song ngặt một nỗi, báo hiếm quá, cả đại đội chỉ có mấy tờ, ai đó giữ lâu là không ổn mà tập trung đông người đâu có được bởi đề phòng bom rải thảm nên phải phân tán từng bộ phận nhỏ để đọc cho nhau nghe. Vì vậy, tôi chép lại bài thơ vào cuốn sổ tay nhỏ bỏ túi cóc ba lô cho tiện việc sử dụng. Đó cũng là thói quen của mình. Chính vì vậy mà “năng nhặt chặt bị”, “góp gió thành bão”, cuốn sổ tay ấy ngày càng dày thêm tư liệu qua “nhặt” từ sách báo, phim ảnh... những nội dung mà mình thích thú. Bài thơ “Đêm Quảng Trị” tôi thuộc rất nhanh, vì tự đặt “chỉ tiêu” cho bộ nhớ. Phải thuộc từng phần nên rất dễ, ít khi bị lẫn lộn. Mà khi đã nhập tâm rồi thì khó mà rơi vãi được. Cũng nhờ vậy mà có những bài thơ, ca, hò, vè... từ quê hương tiếp thu hồi còn nhỏ vẫn được lưu giữ trong tôi cho tới tận bây giờ...Mỗi lần có dịp sử dụng là nhớ lại liền, không mai một là bao.

Thế rồi nhân một lần về hậu cứ, trong dịp sinh hoạt đơn vị tôi đem bài thơ làm tiết mục tham gia. Không ngờ bằng giọng đọc truyền cảm của mình, được anh em nhiệt tình hưởng ứng và yêu cầu trình bày lại mấy lần. Một khía cạnh khác theo thiển nghĩ của tôi: Mình đọc cũng bình thường thôi, nhưng điều quan trọng là chất liệu bài thơ mới là chính yếu. Tác giả đã gửi hết lòng mình vào tác phẩm nên mới được bạn đọc cảm nhận một cách hứng thú thi vị của bài thơ đến như vậy:

Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận đánh

Thủ pháo rung rinh đầu kíp nụ xòe

Đêm kỳ diệu quen nhuộm màu đen nhánh

Đêm ngàn đời đất thánh vẫn trùm che.

Cũng như nhiều đơn vị bạn, chúng tôi từ mọi miền quê góp mặt để thực hiện một lý tưởng chung: Lúc ấy đều là những người lính xung trận thực thụ ngay trên mảnh đất Quảng Trị - nơi xuất xứ của bài thơ. Và trước đó có những đồng đội đã ngã xuống, đem theo những vần thơ tươi rói còn trinh nguyên nét bút của tác giả. Có lẽ vì vậy mà “cái hồn” của mỗi câu, mỗi dòng, mỗi từ thắm đậm lắm thay! Tiếp đến:

Sông Ba Lòng ơi!

Ta muốn áp tai nghe

Đôi bờ phì nhiêu phập phồng ngực thở

Ta cúi hôn từng cụm lá chua me

Chung thủy với cha ta mười năm gian khổ.

Không chỉ riêng sông Ba Lòng mà khá nhiều con sông, con suối, nhiều làng mạc, xóm thôn, núi đồi từ Nhĩ Trung, Nhĩ Hạ, Lại An, Mai Xá lên đến Cù Lao Dinh, Ba De, Khe Sanh, Lao Bảo, Hướng Hóa rồi đường 9, điểm cao 544, Đầu Mầu, Dốc Miếu, Quán Ngang...chúng tôi đã từng. Những tên làng tên đất, tên núi, tên sông, Quảng Trị không chỉ “chung thủy với cha ta mười năm gian khổ” mà tiếp tục chung thủy với chúng tôi thế hệ trưởng thành trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và lớp lớp con cháu kế tục xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngàn lần yêu quý, sau này. Gì nữa nhỉ? À, phải rồi, tác giả thì thầm như tâm sự với những địa danh nhưng thực ra là để hỏi lòng người Quảng Trị ấy:

Ơi ngọn núi vắt con đường nhỏ

Những năm xưa đưa cán bộ lên Cùa

Gạo Triệu Hải đò đằm ngang sóng vỗ

Vượt Trấm rồi rộn rã mái chèo khua.

Cũng vì yêu mến mảnh đất Quảng Trị, yêu mến luôn cả bài ấy mà chẳng bao lâu nó được nhân rộng khắp các đơn vị toàn mặt trận từ cán bộ đến chiến sỹ, cả phía trước lẫn hậu cứ ai ai cũng lấy làm thích thú. Bởi: Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận đánh; Quảng Trị cho ta những chiến công; đất Quảng Trị che chở; người Quảng Trị thủy chung, đằm thắm...ai lại nỡ phũ phàng.

Có một dạo các vị chỉ huy, lãnh đạo cao nhất của mặt trận như: Đại tá Cao Văn Khánh – tư lệnh (lúc ấy ông chưa lên cấp tướng, nhưng khi qua đời, cấp hàm của ông là trung tướng), đại tá Lê Tử Đồng – chính ủy, cùng một số cán bộ Bộ Tham mưu, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh mặt trận xuống kiểm tra lại Trung đoàn 27. Nhân lúc giải lao đi lại chuyện trò dưới bóng cây rừng quanh hậu cứ trung đoàn, một chiến sỹ trẻ của trung đội vệ binh ở đâu đó thản nhiên đọc bài thơ “Đêm Quảng Trị”. Lát sau, Chính ủy mặt trận Lê Tử Đồng hỏi Chính ủy trung đoàn Hà Tiềm: Ở đây anh em có nhiều người thuộc bài thơ “Đêm Quảng Trị” không anh Tiềm? - Chính ủy - Bí thư Đảng ủy trung đoàn Hà Tiềm trả lời:

- Báo cáo đồng chí chính ủy mặt trận là khá nhiều anh em thuộc, nhưng số lượng bao nhiêu thì chưa thống kê được. Nhưng đến đâu chúng tôi cũng nghe anh em ngâm nga. Chính ủy Đồng giảng giải:

- Theo tôi, bài thơ ấy khá hay, nội dung sâu sắc, có sức truyền cảm, bởi nó phản ánh đúng tâm trạng của cán bộ. Cần phổ biến, nhân rộng ra. Tôi cũng đã đọc bài thơ ấy đôi lần, mỗi lần đọc đều nhận ra cái thi vị của nó.

Sau đó ít lâu, tôi được cấp trên cử đi học Học viện Chính trị Quân đội tại Hà Nội. Ra trường, được điều về đơn vị của Bộ, có trở lại chiến trường Quảng Trị vào những năm 1969, rồi vào tiếp các chiến trường Nam bộ cho tới này miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Hơn 30 năm sau, vào khoảng tháng 10-1999, tình cờ tôi gặp Phạm Ngọc Cảnh - Vũ Ngàn Chi tại nhà của thiếu tướng Phan Thanh Tùng - anh hùng quân đội- đang là Chủ tịch Hội CCB tỉnh Đồng Nai tại ấp Sa Nghe, xã Hậu Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Khi được anh Chín Tùng, gọi theo thứ ở Nam bộ, giới thiệu, tôi liền bắt tay và nói: “Chào anh Vũ Ngàn Chi - tác giả bài thơ “Đêm Quảng Trị”. Sau đôi lời chào hỏi chúc tụng, anh liền lục vấn có vẻ chân thành:

- Ông ở đâu mà biết tôi, lại biết cả thơ tôi?

Tôi liền đáp:

- Cái đó thì đơn giản, này nhé, không những biết mà còn thuộc cả bài thơ ấy của anh nữa đấy, mặc dầu đã hơn 30 năm rồi còn gì.

Anh cười rất vui mà rằng:

- Thế kia, quý hóa quá.

- Song trước hết đề nghị tác giả đọc lại bài thơ ấy. Chắc anh không từ chối – tôi liền đề xuất.

Suy nghĩ chốc lát như để soát xét tác phẩm. Đằng hắng một cái đề lấy...giọng rồi bắt đầu vào cuộc. Nhưng...đọc được ít câu, anh tỏ ra ấp úng rồi tắt luôn vì quên. Để biện minh cho cái quên ấy, Phạm Ngọc Cảnh hài hước một câu rất là Vũ Ngàn Chi rằng:

- Thú thật với anh bạn, vì “đẻ” nhiều quá nên không nhớ hết tên “con”- Làm những người có mặt không nhịn được trận cười.

Khi Phạm Ngọc Cảnh bối rối chào thua, tôi có thêm cơ hội lấn tới: - Nếu có ai thay tác giả đọc hết bài thơ một cách xuôi chảy thì thế nào nào? Không cần suy xét lâu la, Phạm Ngọc Cảnh liền đáp: Thế thì tốt quá, tuyệt quá đi chứ.

Tôi từ tốn xin phép mọi người và đọc một cách mạch lạc, có phần diễn cảm từ đầu chí cuối bài thơ. Phạm Ngọc Cảnh chăm chú nghe, từ chỗ vui mừng hớn hở, nét mặt bỗng trở nên trầm tư và cảm động. Bởi bài thơ ra đời trong máu lửa, nó được sản sinh trên mảnh đất mà bao năm anh gắn bó hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cùng đồng đội gồng mình lên chịu đựng mưa bom bão đạn của kẻ thù. Phải yêu đằm thắm lắm mảnh đất ấy và những con người kiên trung bất khuất, nhưng hết sức dung dị nơi đó mới cho ra đời được tác phẩm như thế để bạn đọc đón nhận một cách trân trọng. Đặc biệt hơn, ngần ấy thời gian có tới hơn một phần ba thế kỷ chứ nào có ít. Vậy mà bạn đọc gần xa nhiều người vẫn nhớ một cách mạch lạc tác phẩm của mình.

                  N.Q.H

Nguyễn Quốc Hoàn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 86 tháng 11/2001

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

6 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

6 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

6 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

7 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground