Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khép lại cuộc thi phát động trong 2 năm

T

rong hai năm 2004- 2005 đất nước và tỉnh nhà đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế xã hội, có những bước tiến mới về hội nhập và hợp tác, từng bước thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Dưới ánh sáng của NQTW5 về xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, các hoạt động văn học nghệ thuật được phát triển mạnh mẽ. Đại hội các hội chuyên ngành Trung ương lần lượt được tổ chức để tiến đến Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa VII nhiệm kỳ 2005 - 2010 vào ngày 23/9/2005 tại Hội trường Ba Đình - thủ đô Hà Nội. Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn trên, Tạp chí Cửa Việt đã mở cuộc thi truyện ngắn, thời gian bắt đầu từ ngày 30 tháng 4 năm 2004. Tính đến hôm nay đã gần hai năm, với quãng thời gian không đủ cho trái đất quay trọn hai vòng nhưng đối với con người văn nghệ sĩ chúng ta thì đã trải qua biết bao cuộc vật lộn để thực hiện công việc sáng tạo, như con tằm nhả kén để lại cho đời những sợi tơ vàng.

Cuộc thi truyện ngắn lần này, được tổ chức với một quy mô lớn chưa từng có trên Tạp chí Cửa Việt từ trước đến nay. Có thể nói rằng đó là việc làm vượt quá tầm tay của một tờ tạp chí văn nghệ địa phương mà với Quảng Trị lại là một địa phương nghèo. Nhưng cũng nhờ vậy mà tạo được cảm tình và dư luận rộng rãi trên văn đàn cả nước.

Ngay sau khi nhận được Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch, chúng tôi đã thông báo Cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và chỉ một tháng sau, các tác giả khắp nơi đã lần lượt gửi bài về. Thời gian đầu chỉ vài ba tác phẩm trong một ngày, sau đó tác giả gửi về dồn dập, có ngày lên đến vài chục tác phẩm. Đến ngày 27 tháng 7 năm 2005 là ngày chúng tôi khóa sổ nhận bài thì con số tác phẩm gửi về tham gia cuộc thi đã lên tới 600 tác phẩm. Con số đó đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng thì không lớn, nhưng đối với  văn chương thì quả khổng lồ – Một hiện tượng đột khởi mà các tác giả dự thi đưa đến cho Cửa Việt một số vốn liếng văn học ngoài sức tưởng tượng.

Trong tổng số nói trên viết về đề tài chiến tranh có 320 truyện, đề tài xây đổi mới có 190 truyện, đề tài tình yêu có 90 truyện.

Các tác giả dự thi truyện ngắn trên Tạp chí Cửa Việt ở rải rác khắp các tỉnh bạn. Nhiều nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Giữa họ có sự chênh lệch về nghề nghiệp, tuổi tác. Có những cây bút đã nổi danh trên văn đàn cả nước, nhưng cũng có những cây bút mới bước vào nghề. Những tác giả đến với cuộc thi này, chúng tôi thiết nghĩ có những người chưa hẳn vì mục đích so tài, hơn thua mà cái chính là, họ muốn thực hiện một nghĩa cử cao đẹp đối với quê hương Quảng Trị anh hùng. Bên cạnh đó có một số cây bút trẻ vì khao khát sự nghiệp văn chương, họ tìm đến cuộc thi chủ yếu để làm quen, để tìm hiểu, khám phá. Họ thật đáng yêu như những chú thỏ con trong ngày hội sơn lâm, ngỡ ngàng trước hoa thơm cỏ lạ.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi khả năng, tác phẩm của họ dù dở, dù hay âu cũng là tấm lòng thơm thảo đối với mảnh đất con người Quảng Trị. Ban Tổ chức, Ban chung khảo chúng tôi đã trân trọng nâng niu từng trang viết, và xử lý một cách công tâm đối với từng tác phẩm. Chúng tôi đã chọn 43 tác phẩm đưa vào chung kết và kết quả có 12 tác phẩm đoạt giải.

Những truyện ngắn dự thi trên Cửa Việt dù viết về chiến tranh hay đương đại, tất cả đều tập trung phản ánh những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, con người Quảng Trị trong từng giai đoạn lịch sử. Đó là toàn cảnh của bức tranh muôn màu. Là bức thông điệp gửi đến cho bạn đọc những nội dung chứa đựng nhiều vấn đề trong cuộc sống xã hội. Đó là quê hương và đất nước, dân tộc và thời đại. Đó là sự vươn tới đón nhận một thời kỳ phát triển sôi động của đất nước và nhân loại.

Những tác phẩm viết về chiến tranh phần lớn là của các tác giả từng sống và chiến đấu trên đất Quảng Trị. Với họ Quảng Trị là nỗi niềm là máu thịt. Tình cảm ấy lâu nay được tích lũy, dồn nén, được kéo căng như một sợi dây đàn chỉ cần gẫy nhẹ sẽ bật lên  những tiếng ngân rung, và giờ đây, với cuộc thi trên Tạp chí Cửa Việt đã chạm vào niềm tâm khảm của họ làm cho những tiếng ngân rung ấy cùng cất lên như một bản hòa tấu với nhiều cung bậc, sắc âm, nhưng với một chủ đề tình yêu thương Quảng Trị thiết tha.

Quảng Trị với một Hiền Lương quặn thắt nỗi chia ly, một Thành Cổ kiên gan, một đường Chín Khe Sanh anh dũng kiên cừơng. Quảng Trị có biết bao bà mẹ cứ chiều chiều ra đứng ở bãi ngang đợi chờ con ngoài Cồn Cỏ mà đứa con đi mãi mãi không về. Những người cha đêm đêm trầm mặc xa xót với những đứa con miền Nam, miền Bắc, một đời trai nơi trận mạc xông pha. Quảng Trị với nắm cơm xẻ nửa, củ sắn chia đôi, lá rau má rau mưng mọc lên trên mảnh đất cằn khô, cát trắng gió Lào mà thơm thảo tình người. Tất cả đã trở thành cảm xúc tràn bờ cho các tác giả viết về mảnh đất này. Truyện ngắn “Viên gạch lạ” của tác giả Tấn Hoài đã viết với nỗi niềm như thế. Tứ truyện đựơc khởi mạch từ một người nghệ sĩ trẻ luôn tìm tòi sáng tạo, anh ta bằng mọi cách để có được một tác phẩm có giá trị. Qua bao lần thể nghiệm không thành, cuối cùng anh ta tìm đến một cựu du kích là chủ nhân của viên gạch lạ. Viên gạch ấy, người du kích thời bấy giờ đã dùng để cất giấu chiếc đầu của một liệt sĩ. Viên gạch ấy đã chín hồng trong lò lửa, chiếc đầu của người liệt sĩ ấy không còn, chỉ để lại một nắm tro, nhưng khuôn mặt người liệt sĩ ấy đã in dấu lên bên trong viên gạch, người nghệ sĩ nọ đã lấy đó làm khuôn đúc cho tác phẩm lý tưởng của mình. Cái hay của truyện là không chỉ phản ảnh tình đồng chí, đồng đội trong chiến tranh mà còn phát triển đến một nhận thức mang tính thời đại. Sự phản ánh không đơn thuần về cuộc chiến tranh khốc liệt cũng như ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân mà ở đây đã nhìn nhận suy ngẫm về chiến tranh với những giằng xé của ý thức hệ, tạo nên vực xoáy trong cảm xúc, truyền cảm đến người đọc những vấn đề sâu sắc của thời đại. Đó là mối quan hệ giữa quá khứ với hiện tại tương lai, giữa thế hệ ông cha và con cháu. Quá khứ phải là cơ sở cho sự phát triển của đất nước, cho dân tộc, cho mỗi cuộc đời hôm nay và con cháu ngày mai...

Cũng viết về đề tài chiến tranh nhưng với Văn Bốn lại có một góc nhìn khác. Anh lấy câu chuyện giữa hai người bạn cùng làng. Hai người bạn ấy trong chiến tranh họ ở hai chiến tuyến. Nhưng đến lúc hòa bình họ lại về sống trong một ngôi làng. Họ đã dần dần bỏ qua những mặc cảm quá khứ để hòa hợp làm ăn xây dựng cuộc sống gia đình quê hương. Câu chuyện có thể kể vắn tắt như thế. Nhưng dưới ngòi bút của Văn Bốn câu chuyện trở nên đầy kịch tính. Kịch tính không phải ở những sự kiện, sự biến, ở những tình tiết éo le phức tạp mà ở trong thế giới nội tâm của con người để vươn đến những khát vọng cao cả. Văn Bốn rất khéo chọn chi tiết và khai thác chi tiết đến cùng. Bởi chi tiết là cái sống còn của tác phẩm. Hình ảnh anh đưa vào kết truyện là hình ảnh hai người cựu binh, một bên cụt chân trái, một bên cụt chân phải đứng tựa vào nhau như một cơ thể hoàn chỉnh. Hình ảnh đó mang tính biểu tượng về mối đoàn kết cộng đồng dân tộc.

Với cách dựng truyện khác nhau, bút pháp khác nhau, các tác giả đã nêu bật ý tưởng khác nhau, Nguyễn Ngọc Lợi suy tư nghiền ngẫm, chiêm nghiệm về lẽ sống, từ đó để rút ra một triết lý sâu sắc về cuộc đời. Với tác phẩm “Người nặng nợ”, tác giả có lối dẫn truyện cuốn hút, tập trung sự chú ý của độc giả từ đầu truyện đến cuối truyện.

Đỗ Công Tiềm với tác phẩm “Tình người” thể hiện tình cảm giữa hai người mẹ, có hai đứa con ở hai chiến tuyến. Đó là cái nhìn bao dung độ lượng thấm đẫm chất nhân văn.

Thu Hà với tác phẩm “Chuyện tình của chị tôi” kể về mối tình của cô thanh niên xung phong và anh bộ đội. Truyện có nhiều chi tiết cảm động. Ẩn chứa đằng sau câu chuyện là sự tôn vinh đức tính thủy chung của người phụ nữ Việt Nam.

Trần Văn Thước với “Hiện thực huyền ảo” đã viết với một bút pháp lạ, dùng cõi âm, người âm để  suy tưởng, chiêm nghiệm về chiến tranh, về đồng đội và con người ở cõi dương gian.

Các tác phẩm đa dạng hóa về đề tài, chủ đề, giọng điệu tạo nên tiếng nói đa thanh, đa chiều, bộc lộ dấu ấn cá nhân rõ nét trong từng tác phẩm.

Vùng đất Quảng Trị từng là âm vang chứng tích lịch sử, bây giờ trong công cuộc đổi mới, cuộc sống bộn bề sôi động là hiện thực cho các tác giả dấn thân. Một Quảng Trị vươn mình đi lên đang đối mặt trước những thách thức của những đổi thay. Những ngóc ngách của tâm hồn, những uẩn khúc đời sống, những góc tối và góc sáng của những số phận, tất cả những đời thường ấy đã đến gõ cửa trái tim nhà văn và nhà văn đã đón nhận với niềm cảm xúc vô tận. Nổi bật trong mảng đề tài này là hai truyện ngắn “Chim gõ kiến” của Khải Nguyên và “Mùi tiền” của  Hoàng Thái Sơn.

“Chim gõ kiến” là tiếng kêu khẩn thiết chặn lại sự thoái hóa phẩm chất đạo đức cách mạng của một nhóm cán bộ lâm trường - những người có trách nhiệm quản lý, bảo vệ tu bổ rừng lại đi phá hoại rừng. Từ những sự việc ngoài đời tưởng như là tư liệu cho một tác phẩm phóng sự, tác giả đã khéo lồng ghép và đẩy thành một truyện ngắn hoàn hảo. Hình ảnh của con chim gõ kiến được tác giả gọi về trong truyện làm nảy sinh những suy tư, dằn vặt trong thế giới nội tâm con người để đi đến một nhận thức lý trí mang tính cảnh báo. Điều cảnh báo ở đây không chỉ dừng lại ở vấn đề môi sinh môi trường bị tàn phá mà còn cảnh báo về cái ác mới đang hình thành trong đời sống xã hội. Bởi xã hội càng phát triển, đi đôi với cái thiện đang nảy nở thì cái ác càng ngày càng được sinh sôi và được chắp thêm nanh vuốt. Âu cũng là sự tất nhiên của quy luật đấu tranh phát triển.

Thời đại đổi thay thì nấc thang giá trị cũng đổi thay. Truyện ngắn “Mùi tiền” của tác giả Hoàng Thái Sơn là sự chiêm nghiệm về xã hội, con người, cuộc đời. Nhân vật chính là ông giáo dạy văn ở một ngôi trường. Ông rất mê thơ hoạ và ở ông có cách nhìn nhận đồng tiền theo quan niệm của thời bao cấp. Thế rồi do tai nạn nghề nghiệp, cuộc đời ông đã chuyển sang một bước ngoặt khác. Ở đây, nhờ cơ chế thị trường và sức năng động tháo vát của mình ông ta đã buôn bán làm ăn phát đạt. Bây giờ ông có quan niệm mới về tiền. Đó là cách kiếm tiền và sử dụng tiền chân chính. Tác giả không chú trọng miêu tả tỉ mỹ về sự việc ngoài đời mà chỉ tập trung suy ngẫm những vấn đề mang tính thời đại, vì vậy tác phẩm có sức khái quát cao. Hiện thực đời sống chỉ là mảnh đất cho tâm hồn tác giả đổ cánh, nhặt vội những chi tiết rồi vút bay lên với bầu trời lãng mạn của mình. Với truyện ngắn “ Mùi tiền” chứng tỏ người viết có ngón nghề.

Nếu tác phẩm “Mùi tiền” của Hoàng Thái Sơn mượn đồng tiền để nói con người thì tác phẩm “Chú Tuấn” của Ngọc Tâm lấy con người để chiếu rọi con người. Tác giả nhân danh con người để kêu gọi con người hãy xích lại gần nhau, hãy biết thương yêu và nhường nhịn cho nhau. Bởi trong cuộc đời con người, cái quyền lợi nhỏ bé ở người này nhưng lại là cái lớn lao đối với người khác. Với “Chú Tuấn” chứng tỏ tác giả là cây bút rất có tâm.

Ngoài đề tài về chiến tranh và đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội, cuộc thi lần này còn có một số tác phẩm viết về đề tài tình yêu. Truyện ngắn “Trưa vắng” của Trần Hoàng Thiên Kim là một dẫn chứng. Với câu chuyện mối tình tay ba thì không có gì mới, thực ra đó là ngã ba, ngã tư của con đường sáng tạo mà các nhà văn lớp trước đã đi qua. Nhưng với Trần Hoàng Thiên Kim vẫn nhặt được những ý tưởng mới mẽ trên ngã ba đường mòn ấy. Tác giả trẻ này đã vượt khỏi bờ rào bút pháp cũ để đến với bút pháp mới nhẹ nhàng thoáng đạt mà không kém phần sâu sắc.

Viết về đề tài tình yêu còn có truyện ngắn “Ngọn lửa hồng trong đêm” của Nguyễn Ngọc Chiến. Với tác phẩm này, tác giả khẳng định: Tình yêu chân thực sẽ tồn tại đừng quá tuyệt vọng trước dối trá lừa đảo. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Lành – Một cô gái nông thôn hiền dịu nết na. Mẹ Lành mất sớm. Lành phải ở với ông bố dượng từ lúc còn bé, lớn lên Lành bị bố dượng ép gã cho Hùng một kẻ xa hoa điếm đàng. Hùng đã có vợ, vợ Hùng là một ả bụi đời, buôn gian bán lận. Lành như một con cừu non rơi vào chốn nanh hùm miệng sói. Lúc tỉnh ra biết mình bị mắc lừa, nhưng sự việc đã muộn, cô đã bỏ trốn, định lao vào con đường tuyệt vọng. Nhưng may nhờ gặp An, một chiến sĩ biên phòng thật thà chân chất, hăng say công việc, tận tuỵ với tình yêu. An là người đã cứu cánh cho cuộc đời của Lành. Nguyễn Ngọc Chiến không gạ gẫm, rủ rê người đọc với tình tiết éo le phức tạp trong qúa trình xây dựng cốt truyện, và cũng không phô trương giọng điệu chữ nghĩa, anh viết với một lời văn giản dị mà súc tích. Mạch văn có lúc chảy chậm, có lúc ào ạt khôn xiết, không ngừng dâng lũ ngôn từ để người đọc hình dung được nhân vật quẫy đạp, bứt phá trên dòng chảy số phận đến với bến bờ hạnh phúc.

Đặc điểm nổi bật trong cuộc thi này là các truyện ngắn ít theo lối mòn, có nhiều khám phá, tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, cuộc thi không tránh khỏi nhưng hạn chế. Điều đáng nói là tư tưởng ở trong một số tác phẩm không đủ sức đi xa, nhưng bút pháp vẫn cố sức đi thêm, thế là lời không đựng ý, ý không đựng tứ thành ra thừa. Một số tác giả có tứ truyện rất độc đáo đáng ra dày công hơn một chút sẽ trở thành tác phẩm hay, nhưng trong quá trình thể hiện, đến một lúc nào đó cây bút tỏ ra mỏi mệt, lời văn buông lơi dần khỏi cốt truyện. Một đặc điểm nữa cần lưu ý là tuyến truyện không rõ ràng, với dung lượng một tác phẩm truyện ngắn, nhưng tác giả lại kết cấu theo lối tiểu thuyết, mở nhiều con đường nhánh làm mờ nhạt trục đường chính của tác phẩm.

Trên đây là ý kiến đánh giá mang tính tổng quát của Ban tổ chức chúng tôi. Vì thời gian không cho phép, hơn nữa trong khuôn khổ một bài viết không thể dẫn chứng và phân tích đầy đủ cả 600 tác phẩm dự thi. Cái đẹp phức tạp của văn chương cần có thời gian mới cảm thụ hết. Điều hạn chế trong văn chương cũng cần có điều kiện mới phân tích rõ ràng. Ngay cả trong những tác phẩm được giải cũng còn có vấn đề để bàn, ngay cả trong những tác phẩm không được giải vẫn có những trang viết lung linh để luận. Tiếc thay vì một lý do nào đó mà những tác phẩm ấy chưa thể hoàn chỉnh và bỏ lỡ mất cơ hội. Tạp chí Cửa Việt sẽ tiếp tục liên hệ với tác giả để cùng khắc phục sửa chữa đưa vào sử dụng. Đó là trách nhiệm của đội ngũ biên tập chúng tôi.

Cũng qua cuộc thi này, mặc dù Ban tổ chức, Ban chung khảo, đã làm việc hết sức nhiệt tình, công tâm nhưng vẫn không tránh được những sơ suất, âu cũng là chuyện thường xảy ra như người nông dân nhỡ tay vằng, tay hái bỏ rơi những bông vàng trên cánh đồng thu hoạch. Mong rằng các đồng nghiệp hết sức thông cảm và bỏ qúa cho.

Cuộc thi truyện ngắn 2004- 2005 trên Tạp chí Cửa Việt đã khép lại nhưng đã mở ra những trang mới về mối quan hệ mật thiết giữa Tạp chí Cửa Việt với bạn đọc bạn viết khắp nơi trên toàn quốc, đồng thời để lại tiếng vang trên diễn đàn văn học cả nước. Với cuộc thi này, một lần nữa hình ảnh mảnh đất, con người Quảng Trị đổ bóng xuống từng trang viết để cho đồng bào ta khắp nơi trong cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ và kể cả đọc giả nước ngoài thấy được gương mặt Quảng Trị khắc khổ đau thương trong chiến tranh nay lại sáng bừng lên trên con đường hội nhập đến với tương lai.

          C.H

Cao Hạnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 135 tháng 12/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground