Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Xuân Đức.*

K

hông gian thời gian nghệ thuật luôn là một hình tượng nghệ thuật được các nhà văn sử dụng linh hoạt và chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa trong các tác phẩm văn học từ trước đến nay. Trong qúa trình sáng tạo nghệ thuật, nếu hiện thực cuộc sống và phương thức biểu hiện được coi là mặt triển khai của mối quan hệ giữa nội dung và hình thức thì, không gian và thời gian nghệ thuật được tác giả sử dụng như một quan niệm riêng để thể hiện mối quan hệ cụ thể giữa nhân vật và hoàn cảnh. “Là sản phẩm của hiện thực khách quan và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ được khúc xạ bởi lăng kính chủ quan của nhà văn, không gian, thời gian nghệ thuật luôn gắn với quan niệm nghệ thuật về con người và góp phần lí giải cho quan niệm ấy” (Trần Đình Sử)

TheoTrần Đình Sử, không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan điểm nhất định về cuộc sống, do đó không thể qui nó về sự phản ánh không giản đơn không gian địa lý, hay không gian vật lí vật chất. Như vậy, không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, là không gian do con người cảm thấy trong tâm tưởng. Đó là sự sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm thể hiện một quan điểm nhất định về cuộc sống, là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật và là một trong những bình diện chủ yếu của thi pháp học. Xây dựng không gian như thế nào góp phần bộc lộ quan niệm của nhà văn như thế ấy. Không gian nghệ thuật vì thế luôn gắn liền với quan niệm nghệ thuật qua từng tác phẩm với tư cách là hình tượng nghệ thuật cụ thể. Sự thống nhất giữa con người và không gian là điều kiện để nhận thức và biểu đạt nghệ thuật, vì thế cần phải nói đến không gian như một nhân tố nghệ thuật và góp phần không nhỏ trong việc biểu đạt ý đồ nghệ thuật của tác giả.

Tiểu thuyết Xuân Đức xây dựng nhiều kiểu không gian khác nhau góp phần tô đậm số phận và tính cách các nhân vật cũng như biểu đạt quan niệm nghệ thuật về con người qua các tác phẩm ấy.

1. Cửa biển, dòng sông, bến đò - không gian của tinh thần chiến đấu và niềm tin công lí

Hình tượng không gian này khá nổi bật  và có ý nghĩa nghệ thuật rõ rệt trong tiểu thuyết Xuân Đức. Đây là mô hình thế giới của tác giả và được lặp lại với tần xuất tương đối lớn trong các tiểu thuyết của Xuân Đức. Nó thể hiện tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của con người với kẻ thù (Cửa gió), với chính mình để giữ gìn nhân cách (Bến đò xưa lặng lẽ), và là nơi gửi gắm niềm tin của những tâm hồn bầm dập tả tơi vì sự vùi dập của số phận (Người không mang họ,Bến đò xưa lặng lẽ ).

Trong Cửa gió, một tiểu thuyết đậm chất sử thi, nhà văn chọn bối cảnh gắn với những địa danh chiến trận tại miền đất lửa Vĩnh Linh. Mảnh đất đặc biệt nối liền hai bờ chiến tuyến địch ta với những cuộc giằng co sinh tử. Và hình ảnh Cửa biển, sông Bến Hải, sông Hiếu, bến Hiền Lương… đã không còn con sông cụ thể mà đã được nâng lên thành biểu tượng của niềm tin sức mạnh và tinh thần chiến đấu của con người Vĩnh Linh kiên cường bất khuất, cũng là nơi ranh giới của sự thử thách ý chí nghị lực và khát vọng chiến thắng kẻ thù trong bản thân mỗi người con đất Việt.

Sông Sa Lung tuy nhỏ nhưng khá đẹp và ngoan như cô gái miền Trung…khi trôi đến Bến Quan thì nó đã thành dòng…đôi bờ lá tre rũ tóc xuống…nước bẽn lẽn trôi…Qua khỏi đất Vĩnh Thủy thì kết hôn và đa mang thêm một mối…Nhưng hai nhánh sông ấy không vì nhau được mãi. Đến bến phà Vĩnh Sơn thì tất cả dòng nước chắt chiu từ thượng nguồn kia trao hết mình vào cho sông Bến Hải…Nó quặn đau cào xé ra tận Vĩnh Quang thì gặp biển. Nó hòa tan vào sóng Cửa Tùng trao hết lòng mặn ngọt cho biển Đông <18, tr.50>.

Con đường đi của sông Sa Lung để hòa vào đại dương trải qua biết bao trăn trở quặn xé, hi sinh nhưng đầy nghị lực mạnh mẽ. Con đường ấy phản ánh không gian rộng lớn của cuộc kháng chiến nơi khúc ruột miền trung đang chiến đấu một cách ngoan cường và bất khuất để gắn kết con người cùng dòng máu đỏ da vàng trên dải đất Việt Nam thành một khối thống nhất. Đây là nơi “yết hầu” vận chuyển chất dinh dưỡng từ miền Bắc vào miền Nam, cũng là nơi con dân Việt phải dùng máu để giữ vững cho ngọn cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới trên bầu trời tự do Bắc Việt.

Đó là không gian mà Lợi đã đã cùng đồng đội vượt qua sông Hiếu để tiếp cận chiến tuyến phía bên kia “mỗi bước chân đi như trong khoảng không, tiếng nói đập vô bờ tường dội tới lui  như có ma nhại lại. Con người vô chỗ đó bỗng không dám nói nữa, nhìn nhau ngơ ngác, dè chừng, nghi kị lẫn nhau”<18, tr.160>, không gian xám xịt đặc quánh một sự ghê sợ khiến người ta phải rùng mình “cái chi ở đây kể cũng lạ, kể cả bầu trời, những ngôi sao khuya chừ cũng nhấp nháy đầy vẻ nửa tin nửa ngờ, xóm thôn ở đây vắng lặng quá, vắng tưởng đến mức tưởng như xóm chết.” Chính không gian ấy có lúc dẫn tiểu đoàn 47 anh hùng rơi vào tình huống dở khóc dở cười “cả trung đội chạy thục mạng” là nơi Hoan rơi vào “tâm lí chiến” của kẻ thù dẫn đến sự phản bội đê hèn; là nơi ông Chẩn mặc dù thuơng con đến đứt ruột nhưng vẫn không tránh khỏi những phút giây “nao núng tinh thần” đến hoảng hốt khi nghe kẻ địch rêu rao về sự phản bội của con mình. Ngay cả tình yêu trong trắng của cô giáo Thuấn với Lợi cũng không thể đứng vững nổi trước luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Chính vì thế, không gian cửa biển, dòng sông ở đây vừa rộng lớn nhưng cũng đầy bất trắc, vừa mang đến cơ hội nhưng cũng đầy thách thức, vừa hy vọng cũng vừa trăn trở, xót xa. Sống trong không gian đó, con người dường như lúc nào cũng phải tỉnh táo, cẩn trọng và luôn chuẩn bị  tư thế đương đầu với mọi khó khăn có thể xảy ra bất cứ lúc nào “đất giới tuyến mình. Lá mặt lá trái lật trở có một mái chèo.(…). Thằng Mĩ đánh mình cốt đánh vô lòng tin. Răng chừ mình hết tin nhau, bạn hết tin bạn, dân hết tin Đảng thì là nó thắng. Cho nên mình đừng hoang mang” <18, tr.273>. Như vậy, đó không chỉ là không gian sống mà còn là chiến trường khốc liệt thử thách và tôi luyện tinh thần con người.

Không gian dòng sông lại một lần nữa được lặp lại ở tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ như một nhân chứng cả một thời kì máu lửa của dân tộc, đồng thời chân dung các nhân vật cũng lần lượt hiện lên rõ nét cùng với bao biến cố của lịch sử. Bến đò Hói Cụ - một khúc sông nhỏ nhất của sông Bến Hải - nhưng lại là trung tâm của ba địa điểm quan trọng: nhà dòng Phước Sơn  do cha cố Nguyễn Đình Cựu trấn giữ, tam giác kháng chiến ở chiến khu Thủy Ba đến Gio Linh - Cam Lộ và thôn Quai Mọ làng Quách Xá - quê hương của Lương, Li, Đọt.

Bến đò Hói Cụ chỉ là không gian không quá rộng nhưng trở đi trở lại vào tâm khảm của mỗi nhân vật như một vết hằn không thể xóa nhòa trong kí ức. Nơi đó, Lương từ giã bến mê của thánh đường, từ giã cha Cựu một thời cô mê đắm để đến với một bến mê khác, bến mê của tình yêu với Khảm. Khi tình yêu nồng cháy của họ thăng hoa, không gian dường như là cái tổ ấm nhỏ bé che chở cho đôi uyên ương đang khao khát được cháy hết mình với sức sống bất diệt của tuổi trẻ. Tình yêu họ đơm hoa kết trái  từ chính khoảnh khắc đó. Nhưng hơn hai năm sau, hình ảnh bến đò ấy lại là chứng nhân cho những bi kịch đớn đau của từng con người mang đậm dấu ấn chiến tranh ấy. Bi kịch “đánh mất chính mình” vì “ở cái đất này đố ai sống thật với chính mình được”<23, tr.110>. Tình bạn, tình đồng chí tan vỡ, tình yêu không trọn vẹn, tình vợ chồng thì gượng ép ban ơn, tình mẫu tử, phụ tử cũng chia lìa …giữa Lương, Li, Khảm, Đọt. Tất cả đều xảy ra trong khoảng không gian nhỏ hẹp và khắc nghiệt ấy với sự luẩn quẩn  đến bế tắc tù đọng mà nguyên nhân chính là sự ích kỉ của lòng người. Những mâu thuẫn xung đột giằng xé luôn ẩn hiện trong các chiều kích của không gian khiến hình tượng các nhân vật sống động và đầy sức sống. Và cuối cùng, khi thời gian đã qua đi cái còn đọng lại trong tâm thức các nhân vật vẫn là cái khoảng không gian ngập tràn kỉ niệm với niềm tự hào và niềm thương tiếc khôn nguôi đối với những người đã ngã xuống trên bến đò hào hùng ấy. Chính nó giúp những người còn sống nhận rõ ý nghĩa đích thực cuộc sống, làm cháy  lên ở bản thân họ nỗi niềm sám hối lẫn đau xót, khơi gợi bản chất lương thiện và ý nghĩa tình đời trong cuộc đời vốn quá nhiều phong ba bão táp.

Với kiểu không gian dòng sông chia đôi bờ chiến tuyến, một kiểu không gian được tạo ra không đơn thuần là mảnh đất để nhân vật tồn tại mà nó là nơi người đọc phải liên tưởng và suy ngẫm. Đó là kiểu không gian mang tính biểu tượng cho lằn ranh giới của hai thế lực tiến bộ và phản động, thiện và ác.

2- Tòa án – không gian của lương tâm và nhận thức

Nếu có một nơi  mà con người khi đứng trước nó phải chịu sự phán xét của luật pháp hoặc của chính mình, thì đó là tòa án. Không gian tòa án trong tiểu thuyết Xuân Đức len lỏi vào từng góc khuất trong trái tim mỗi con người nạo vét tận cùng đáy lòng đầy trắc ẩn của nhân vật. Qua đó, bi kịch tinh thần của mỗi con người được khám phá một cách sâu sắc và hợp lí.

Đứng trước tòa án hôn nhân, vợ chồng Quân và Khỏa (Hồ sơ một con người), hiện lên với hai quan niệm trái ngược hẳn nhau về hạnh phúc. Dưới cái nhin của Quân, Khỏa là một người vợ không đoan chính, dưới cái nhìn của tòa án Khỏa là “cô gái hư hỏng, một kẻ lừa dối, một con người không chung thủy, thậm chí là một con đĩ”<21, tr.10>. Nhưng đối với Khỏa, chị lại một mực không chấp nhận, không đồng tình với phán quyết đó, chị bảo vệ cho hành động được gọi là sai trái ấy là “tìm kiếm hạnh phúc đích thực”. Vậy trong ba thành phần kia, ai đúng, ai sai, ai sống đúng với chính mình, ai chỉ sống với vai trò mà quên mất bản chất cuộc sống. Câu hỏi lớn bao quanh không gian căn phòng của tòa án. Không gian ngưng đọng trên sắc mặt nghiêm trang và lạnh lùng đến mức khắc kĩ của cô phó chánh tòa án nhân dân huyện, một người đàn bà qua tuổi 40 chưa từng được sống giây phút nào cho khát vọng bản năng tuổi trẻ. Không gian ấy cho thấy sức ám ảnh nặng nề của quan niệm cũ một thời đang bao trùm và chi phối số phận các nhân vật ở đây. Và dĩ nhiên, phần thua bao giờ cũng nghiêng về phía người dám chống lại quan niệm đó. Quân đã được tòa cho li dị vợ, Khỏa phải trở về với cuộc sống đầy tai tiếng vì đã sống không đúng với chức năng phận vị của mình.

Tuy nhiên, sức lan tỏa của không gian ấy còn nằm ở cái vẻ rất “sân khấu” của tòa án, từ hình thức bên ngoài là “ba chiếc bàn gỗ được xếp sát nhau theo một chiều ngang, gian đầu được đắp cao lên theo thể hình thức một sân khấu” <25. tr.9>  đến những người đứng trên sân khấu nắm trong tay quyền phán xét. Ngồi ở giữa là chủ tọa phiên tòa Nguyễn Phương Bảo - toàn bộ vóc dáng cho thấy sức sống mạnh mẽ đang tiềm ẩn bên trong con người chị. Bên trái là Soan - cô thư kí trẻ miệng lúc nào cũng cười chúm chím. Không gian phảng phất không khí của vở kịch mà tất cả họ đều là diễn viên đang phải đóng vai trên sân khấu, nói lời của đạo diễn kịch ngay cả khi bản thân họ vẫn chưa chắc hiểu hết ý nghĩa lời nói đó.

Khác với không gian hữu hình ở trên, trong Bến đò xưa lặng lẽ là một kiểu tòa án lương tâm với sự góp mặt của tất cả các nhân vật của tiểu thuyết này. Không khí xô bồ bởi hơi người chen chúc nhau kia dự báo những điều đau đớn nhất đã và đang xảy ra ở xứ này. Người phạm tội, kẻ kêu oan, người bị hại, nhân chứng, quan tòa...Với một không gian mà tội ác đang bị phán xét một cách công khai và nghiêm khắc đó khiến mỗi người đều tự phán xét lại bản thân mình. Dù là người còn sống hay đã chết thì tội lỗi một thời vẫn còn đó như dấu ấn không phai mờ trước ánh sáng của lương tâm và công lí.

Hội tụ về đây là những người từng là vợ chồng và có với nhau đứa con kháu khỉnh, là bạn bè thân thiết từ hồi còn ấu thơ, là đồng chí cùng nhau vào sinh ra tử. Nhưng hầu như giờ phút đặc biệt này họ không đứng cùng nhau ôm hôn nhau “tay bắt mặt mừng” sau 40 năm xa cách mà ngược lại, không gian dường như bị vỡ ra tan tác theo từng vị trí và tâm trạng của từng người. Lương ngồi ở hàng ghế thứ ba, mắt hơi ngước lên trần nhà sân khấu, mắt hơi lơ đễnh không nhìn một ai, còn Đọt đứng lẫn trong tốp bị cáo, đầu cúi gằm, nhìn xuống những ngón chân mình. Li chen chúc ở sân, lại cũng nhói chân nhìn thăm thẳm qua một rừng đầu người. Còn Khảm - nhân vật xưng “tôi” lại là một hồn ma tan loãng giữa không gian vốn quá ngột ngạt và bức bối nhưng lại thâu tóm được từng cử động của tất cả mọi người mà anh quan tâm. Sự phân mảnh không gian theo từng vị trí của nhân vật chính là cách tác giả xâu chuỗi cốt truyện theo một cách đặc biệt nhất. Các nhân vật vì thế được nhìn đa diện nhiều chiều hơn.

Không gian tòa án  là một trong  những kiểu không gian độc đáo, vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính biểu tượng. Kiểu không gian này góp phần phản ánh tâm trạng phức tạp và đa dạng của con người. Đồng thời, nó giúp nhà văn thể hiện khá rõ nét tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm.

3. Bàu thủy đọng – không gian của thân phận và sự tha hóa

Bàu thủy đọng - cái bàu nước bao quanh làng, đầy rêu và bùn nhão ứ đặc ngày một thêm tù đọng, đặc quánh lại, mùa hạn bốc mùi hôi thối ngập cả làng khiến không ai ngủ được - là nơi sản sinh ra và tạo nên số phận cho nhiều nhân vật trong tiểu thuyết Xuân Đức.

Hình ảnh Bàu thủy đọng biểu tượng cho không gian sống tù đọng, cũ kĩ và lạc hậu của chế độ xã hội bán khai. Nó chứa đựng tất cả thói xấu xa, ngu dốt ích kỉ, tàn nhẫn và là nguyên nhân của sự tha hóa, vật hóa trong tâm thức nhân vật dù sau này nhân vật đã rời xa khỏi chốn khai sinh bẩn thỉu đó đi chăng nữa. Và chỉ có nơi đây mới xảy ra những chuyện động trời bởi sự u mê, tối tăm và  lầm lạc đến mức ngoài sức tưởng tượng. Ông Ngang và bảy bà vợ là bảy chị em ruột như một bầy người hoang dã tạo nên “xóm Linh Linh ở ngay bên đường quốc lộ như một tổ kiến bíu vào cái khúc giữa thân của cây đời văn minh”<39, tr.44>. Một cái xóm có bảy nóc nhà như bảy cái rẫy với hai mươi tám đứa con. Trừ vài đứa lớn lưu lạc kiếm ăn tha hương thì còn lại đều “trai ăn cắp, gái làm đĩ”. Thế nhưng tất cả từng ấy người đều ôm giấc mơ sở hữu về vật huyền thoại của tổ tiên “tượng đồng đen một chân”. Mọi xung đột bi kịch và tội ác đều được thu hẹp lại trong không gian  của bảy gian nhà nhỏ bé đơn sơ quanh năm cúi mặt xuống đám bèo bẩn thỉu ở thôn bàu.

Kẻ song sinh cũng có kiểu không gian đó. Đó là nơi có giai thoại phó cối và lời nguyền độc địa về những đứa con song sinh “Sơn bất thượng, thủy bất thâm, trai tắc trá, gái tắc dâm”.Lời nguyền rủa cùng với ao hồ ngập nước thủy đọng ấy như chiếc lưới trói buộc cuộc đời những nạn nhân vào mê cung của sự ám ảnh về một cuộc sống nghèo khổ tù đọng, tù đọng cả về thể xác lẫn tinh thần. Trên con đường leo lên bậc thang danh vọng của Quả có bóng dáng của sự ám ảnh đó: tuổi thơ không trọn vẹn, nghèo đói , bế tắc, ngu dốt khiến anh có cảm giác thua kém kẻ khác, bị kẻ khác lợi dụng, lừa phỉnh, ngay cả chuyện vợ con cũng bị “đặt bẫy cho vào tròng”. Đối với Quả “chẵn chòi hai mươi năm anh chưa một lần nhìn lại cái bàu thủy đọng đó (…) Quả cố tình tránh nó như con nợ tránh mặt những kẻ đã gán nợ vào đời anh” <27,tr.187>. Thõn, Thẽn là hai chị em song sinh cũng từ Bàu thủy đọng ra đi mang theo những dự cảm về lời nguyền. Như một định mệnh, cuộc đời cô nhanh chóng bị đánh mất chỉ vì sự thiếu hiểu biết của bản thân. Ở thôn Bàu, từ nhỏ đến lớn không ai dạy cô cái điều giản đơn của một người con gái để bảo vệ chính mình. Những phút dại khờ, dễ dãi nông nỗi nơi rừng đại ngàn đã khiến cuộc đời cô rơi vào cảnh “chồng hờ vợ tạm” mãi sống kiếp đọa đày câm lặng cô đơn, tình chị em với Thẽn cũng vì thế mà tan nát hận thù nhau.

 Không gian Bàu nước thôn Linh Linh là không gian chết, là nơi kết thúc cuộc đời đối với những đứa con bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa của làng Cau. Ngang, Ngô, Nghi, Ngãi, Vi Hán, Phu Sẩu (Tượng đồng đen một chân) đều phải trả giá cho tham vọng ảo tưởng của mình. Ngang bị Ngô là con trai thổi tà phép giết chết, còn tất cả những người còn lại thì kẻ chết, người bị điên. Không gian Bàu đêm đó chỉ là không gian chết chóc “Bầy người điên cuồng xán cuốc vào nhau, những thân người  lảo đảo, những cánh tay lạng quạng, cuốc bổ xuống chỗ không có địch thủ. Rồi tất cả xiêu vẹo, quờ quạng vứt lấy cuốc mà ôm lấy bụng...”<22, tr.198>. Trong lần về lại thôn Bàu gặp chú Tấn, mọi dự tính của Quả dường như không còn linh hoạt như trước nữa, Quả chợt thấy lo sợ khi đối diện với không gian thôn Bàu, với chú Tấn “hình như đó không phải là con hùm xám bằng xương bằng thịt, cũng không phải con hùm xám Trường Sơn hồi nào đang hồi sanh mà một vong hồn hóa phép hiện hình nhô lên từ dưới bàu nước tuyên án bầy con cháu bất hiếu ở làng Cau”<24, tr.192>. Những ai bỏ quên quá khứ, những ai bất hiếu với tổ tiên đều là kẻ không đáng sống. Điều đáng nói ở đây là thông qua những cái chết tất yếu đó, tác giả đã khép lại không gian sống đầy tối tăm, tội lỗi gắn với thời kì đau thương của lịch sử để mở ra một không gian khác trong sáng hơn, có thể nuôi dưỡng những tâm hồn nhân ái và đẹp đẽ hơn.

Khai thác không gian Bàu thủy đọng, Xuân Đức đã góp thêm vào  không gian những hình tượng có sức ám ảnh, thể hiện rõ phong cách và quan niệm của nhà văn về con người và cuộc sống.

Đ.T.H.H

* Trích luận văn thạc sĩ văn học: Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết của Xuân Đức 

 

Đặng Thị Hương Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 221 tháng 02/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground