Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kịch Xuân Đức với nhiều ám ảnh

Bên cạnh nhà tiểu thuyết Xuân Đức, còn song hành một nhà viết kịch Xuân Đức (1947 - 2020).

Nếu tiểu thuyết là dương bản của chiến tranh thì hầu hết kịch bản là âm bản của chiến tranh, như hai mặt của một tờ giấy, hai mặt của một vấn đề bổ sung cho nhau, cộng hưởng với nhau.

Chúng ta đã biết nhà văn Xuân Đức từng công tác lâu dài ở Đoàn kịch nói Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị, QĐND Việt Nam, cho đến khi về hưu với quân hàm trung tá. Vở kịch đầu tiên có tên Tổ quốc (1985) viết chung với Đào Hồng Cẩm. Về sau song hành cùng với việc viết tiểu thuyết, Xuân Đức sáng tác nhiều kịch bản sân khấu và được dư luận quan tâm. Có thể kể tên một số kịch bản kịch nói của ông như: Người mất tích, Chứng chỉ thời gian, Đợi đến bao giờ, Đám cưới ly biệt, Cuộc chơi, Cái chết chẳng dễ dàng gì, Ám ảnh, Chuyện dài thế kỷ... Bên cạnh những giải thưởng có giá trị về tiểu thuyết, các vở kịch của Xuân Đức cũng gặt hái nhiều thành quả. Kịch bản Cuộc chơi đoạt giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (1995), Giải thưởng cuộc vận động viết về chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ (1994), Giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc cho kịch bản Cái chết chẳng dễ dàng gì; Giải thưởng kịch bản Sân khấu năm 2007 cho kịch bản Chuyến tàu tốc hành trong đêm... Nhà văn vừa viết tiểu thuyết vừa sáng tác kịch bản sân khấu nên có ảnh hưởng qua lại giữa hai loại hình sáng tạo, có khi khá thú vị. Chẳng hạn nhà văn có tiểu thuyết Kẻ song sinh lại cũng có kịch bản sân khấu cùng tên mà cốt truyện và nhân vật khá giống nhau.

Kịch Xuân Đức hầu như đều chịu ảnh hưởng của chiến tranh của một nhà văn áo lính ngay cả khi ông rời quân ngũ đã lâu, cho dù bối cảnh hòa bình thì chiến tranh vẫn thấp thoáng ở đâu đó và chi phối nhiều con người và sự việc hôm nay. Bóng dáng chiến tranh vẫn gần như thường trực trong tác phẩm. Dù là viết trực diện về thời điểm chiến tranh (Cái chết chẳng dễ dàng gì) hay quá khứ chiến tranh và hiện tại hòa bình đan xen (Chứng chỉ thời gian, Nguyệt thực)... thì tâm thức trận mạc vẫn không hề vắng bóng và không chịu ngủ yên trong những nhân vật đã từng trải qua. Cho nên nói đến quá khứ trong kịch Xuân Đức chính là quá khứ chiến trận.

Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, vở kịch nói Chuyện đời thường vớ vẩn, kịch bản Xuân Đức, đạo diễn NSND Xuân Đàm, vai chính NSND Kim Quý. Tên gọi quai nôi của vở kịch là Đợi đến bao giờ, đến khi công diễn, đạo diễn Xuân Đàm đổi tên như trên để dễ "tiếp thị" khán giả. Một cảm giác về chiến tranh dù đã qua nhưng vẫn ám ảnh trong cuộc sống đương đại hòa bình, tác động đến tâm lý và hành vi của các nhân vật. Nhân vật nữ chính cứ say mê công việc, cuốn theo với trách nhiệm xã hội hết mình, bỏ qua cả tuổi xuân, để rồi đến khi nhận ra một cuộc khủng hoảng bên trong của chính mình thì dường như mọi thứ đều đã muộn màng.

Hay như vở kịch Ám ảnh, hai bà mẹ có con ở hai chiến tuyến đối đầu và đều đã bị chiến tranh cướp đi sinh mệnh. Hai bà mẹ cùng là người làng nhưng bao nhiêu năm sống trong hòa bình, thống nhất vẫn chưa thể thực sự gần nhau dù cả hai đều thiện chí. Những hố sâu ngăn cách có thể vô hình nhưng có thực mà họ chưa thể vượt qua một sớm một chiều. Họ quan tâm đến nhau, thăm nhau cũng rụt rè, lén lút như thể mình làm một điều gì đó bất minh, không muốn người kia biết được. Có những uẩn khúc của lòng người không dễ giãi bày. Rồi hai người mẹ giáp mặt nhau. Cả hai đều có những nỗi niềm đồng cảm, bởi cả hai đều là những người mẹ có trái tim của bậc sinh thành. Đoạn đối thoại sau giữa hai người tình cờ đối diện:

- Bà Hậu: Chị...

- Bà Công: Chị...

- Bà Công (cầm túi ra): Chị cầm về đi ! (run rẩy) Chị về đi ! ...(khóc)

- Bà Hậu: Chị Công! ... (im lặng dài)... (Bà Hậu dìu bà Công ngồi xuống). Thực lòng... đã hàng chục năm nay, tôi muốn được gặp chị, muốn được nói với chị một điều...

- Bà Công: Tôi cũng vậy, thưa chị. Cũng đã mấy chục năm rồi, tôi rất muốn nói thực với chị một điều... Thế mà...

Trong vở kịch dài Chứng chỉ thời gian ba nhân vật chính đều bước ra từ cuộc chiến khốc liệt. Hiền trước đó với Lưỡng là một đôi uyên ương. Sau khi Lưỡng hy sinh, trải qua tám năm Hiền mới lấy Phan làm chồng khi đứa con với Lưỡng đã lên tám tuổi. Sống với hiện tại khi cuộc hôn nhân không thể cơm lành canh ngọt. Hiền đã dằn vặt khi khấn vái Lưỡng:

Anh Lưỡng ơi! Người ta vẫn nói với em không ai chỉ sống bằng nỗi tiếc thương quá khứ. Nhưng em... em không sống nổi nếu như buộc phải quên hết tất cả những gì của hai mươi bốn năm qua.

Hai mươi bốn năm qua thời gian dài hay ngắn? Chớp mắt hay đằng đẵng, em cũng không còn phân biệt được nữa. Trước mắt em bây giờ cái gì cũng khác lạ. Tình người, lẽ sống, đạo đức, niềm tin, nỗi khát khao, niềm hy vọng, hầu như đã biến dạng thay hình...

Còn Lưỡng thì không phải đã hy sinh dù gia đình đã nhận bằng liệt sĩ. Nhưng khi anh trở về thì nhiều thứ trong cuộc sống hiện tại đã đảo lộn. Kể cả việc hiển nhiên là cần phải chứng minh mình đang sống. Lưỡng kêu lên:

Không, tôi chỉ muốn có sự thừa nhận... (Hiền nhìn Lưỡng hoảng hốt). Phải, tôi đòi sự thừa nhận đó. Suốt hai chục năm qua, tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi. Khi quê hương giải phóng, tôi đã mò về tỉnh. Nhưng tỉnh bận sáp nhập, về huyện, huyện cũng nhập to ra, về xã, xã cũng thay đổi tên họ để làm ăn lớn. Tổ chức bận bao nhiêu việc lớn, không ai xác nhận cho tôi. Họ động viên tôi cứ tạm bằng lòng với danh hiệu liệt sĩ, sau này có điều kiện sẽ truy cứu...

Đó cũng là một bi kịch thời hậu chiến, rất éo le khi người lính về lại giữa đời thường. Thế thái nhân tình đã khác xa thời trước, nhiều người đã thay đổi, biến dạng, kể cả những chiến binh dạn dày trận mạc. Những dư âm chiến chinh vẫn ám ảnh hòa bình. Kịch Xuân Đức phản chiếu những vấn đề về số phận con người bước ra từ chiến tranh ngay từ những câu chuyện hết sức đời thường. Có một điều không thể không nhắc đến và nhấn mạnh rằng trong những bi kịch chiến tranh thì nhân vật phụ nữ của kịch tác gia Xuân Đức bao giờ cũng là người chịu đau khổ, thiệt thòi nhiều nhất.

Cảnh trong vở kịch Cái chết chẳng dễ dàng gì - Ảnh: xuanduc.vn

Cảnh trong vở kịch Cái chết chẳng dễ dàng gì - Ảnh: xuanduc.vn

Nhìn lại thì thấy sự nghiệp văn học và sân khấu của cố nhà văn Xuân Đức có vẻ suôn sẻ và gặt hái nhiều thành công, kỳ thực nhiều khi không phải thế. Trước khi qua đời ít lâu, trong một cuộc trò chuyện dài với tác giả bài viết này, nhà văn đã thổ lộ những điều mà rất nhiều người chưa biết, đó là số phận của vở kịch Cái chết chẳng dễ dàng gì viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo kịch tác gia, số là năm 1985, Đoàn kịch nói Quân đội nơi ông đang công tác giao nhiệm vụ cho tác giả Xuân Đức viết một vở kịch về Bác Hồ. Ông bắt tay viết và hoàn thành kịch bản Cái chết chẳng dễ dàng gì nhưng đáng tiếc không được cấp trên duyệt và đương nhiên càng không có chuyện công diễn. Ông cất kịch bản vào ngăn kéo. Năm năm sau, khi đã ra quân làm lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Trị thì có cuộc phát động sáng tác về Bác Hồ của Tổng cục chính trị. Ông lại lục tìm kịch bản cũ định bụng đọc và sửa lại để gởi đi dự thi. Nhưng cũng lạ, khi đọc lại, nhà văn thấy chẳng thể sửa lại được gì, nên cứ vậy gởi đi. Kịch bản được ban giám khảo 8 người thì đều cho 8 điểm A, và đoạt giải nhất tuyệt đối của cuộc thi. Sau đó vở kịch được một đạo diễn gạo cội là NSND Dương Ngọc Đức, Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đưa lên sàn diễn. Đến năm 2005 khi có cuộc phát động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh" thì vở kịch được dựng lại để công diễn. Lần này đoàn kịch Quân đội đảm nhiệm, đạo diễn cũng là một nghệ sĩ tên tuổi: NSND Ngọc Huyền. Lần này vở kịch cũng "lên bờ xuống ruộng" vì ý kiến lạc lõng của một ai đó nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Sau này năm 2012 vở kịch lại tiếp tục được công diễn và vinh danh. Và từ đó đến nay thì không hề có ý kiến khác đi về giá trị của vở kịch này, nó đã được khẳng định vững vàng. Kể lại câu chuyện này của nhà viết kịch Xuân Đức để thấy rằng sáng tạo văn học nghệ thuật là một lĩnh vực cực kỳ tế nhị và nhạy cảm, mang tính đặc thù và cần thận trọng, cân nhắc trong ứng xử với tác phẩm và nghệ sĩ.

Nhà văn Xuân Đức là “con đẻ” của chiến tranh, người từng có 25 năm gắn bó với cuộc đời binh nghiệp, sống, chiến đấu và viết ở "xứ sở trận mạc" như nhà văn Chu Lai đã nói. Trong vốn sống và trải nghiệm của mình, nhà văn thuộc nhất và đau đáu nhất những gì liên quan đến chiến tranh trên quê hương của ông. Vì vậy kịch cũng như tiểu thuyết của ông đều là những tấm gương phản chiếu gần hoặc xa gương mặt chiến tranh và thân phận con người, là tiếng nói trực diện của một nhà văn cũng là người trong cuộc. Bởi thế, kịch của ông thường chân thực, sinh động và nhiều khi ám ảnh.

P.X.D

PHẠM XUÂN DŨNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 328

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

2 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground