Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kiểu nhân vật dị biệt trong một số tác phẩm văn xuôi đương đại Việt Nam

S

ự tha hóa dẫn đến một thế giới người nghịch dị cả về thể xác lẫn tinh thần, những người không làm chủ được bản thân, những người điên trở thành môtip quen thuộc. Bên cạnh những người bình thường là một thế giới nhân vật kì ảo: hồn ma, các đồ vật, cây cối… tồn tại đan xen bình đẳng. Không có gì là chuẩn mực trong các kiểu nhân vật này.

Nhân vật dị biệt, kì ảo không phải mới xuất hiện trong văn xuôi Việt Nam, nó đã có từ truyền thống của thể loại truyền kỳ, gần đây hơn là các nhân vật dị biệt trong tác phẩm Nam Cao, Vũ Trọng Phụng (Chí Phèo, Thị Nở, Xuân Tóc đỏ). Nhưng từ sau 1986, sự trở lại và nở rộ của kiểu nhân vật này mang một nhãn quan và ý thức khác của người viết. Nhân vật kỳ ảo cũng như các yếu tố kỳ ảo trong truyện truyền kỳ là thế giới mơ mộng, những ước vọng và cả trí tưởng tượng chất phác của người xưa. Nhân vật dị biệt của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng hàm chứa cái nhìn nhân đạo cũng như phê phán của nhà văn. Sử dụng phổ biến thủ pháp nghịch dị, giễu nhại trào lộng, trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái… xuất hiện hàng loạt các nhân vật dị biệt, kì ảo. Đó là kết quả của quan niệm về hiện thực đa chiều, của một xã hội đảo lộn mọi giá trị, nơi con người phải gánh chịu những “chấn thương” tinh thần từ bên trong.

2.2.1. Nghiên cứu yếu tố hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam qua sự so sánh với văn xuôi Nga Đào Tuấn Ảnh cho rằng: “Trong các tác phẩm của họ (các nhà hậu hiện đại Nga và các nhà văn Việt Nam như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương... - người viết chú thích), không thấy bóng dáng của nhân vật điển hình (…) mang tầm khái quát cho mọi tính cách lớn lao trong đời, mà thay vào là đủ mọi thứ hạng trong nhân gian, đại đa số là đám người u tối, nghịch dị cả về thể xác lẫn tinh thần và khá nhiều người điên” (1). Xây dựng kiểu nhân vật nghịch dị, tác giả không bao hàm thái độ đánh giá về đạo đức, nhân cách hay xem nhân vật như “một con bệnh”. Họ chỉ xem đó như một loại tồn tại vừa trống rỗng vừa vô nghĩa. Điểm nhìn trần thuật trao cho các nhân vật này sẽ đưa đến những cái nhìn khác logic thông thường, những ý nghĩa, những hệ giá trị khác được xác lập đầy bất ngờ và thú vị.

Sự tha hóa của con người dẫn đến một thế giới người nghịch dị về tinh thần và thể xác. Các nhân vật dị biệt cũng có nhiều loại. Hoài (Thiên sứ) chỉ dị biệt về hình dáng, sau “lễ rửa tội năm tiếng đồng hồ” trong phòng tắm ngày chủ nhật là “không bao giờ trở thành đàn bà nữa”, mãi dừng lại ở tuổi mười bốn (“1m, 30kg, đuôi sam”) đến năm hai mươi chín tuổi. Trong Không có vua có cả một gia đình nghịch dị về tâm hồn. Lão Kiền, Cấn, Khảm, Đoài, Khiêm (kẻ có nhân tính nhất trong mấy anh em) là những kẻ méo mó về nhân cách bởi đồng tiền và dục vọng tầm thường nhất. Cũng như vậy, hầu hết các nhân vật trong Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương) là những con bệnh về tinh thần. Nỗi ám ảnh tích tụ từ tiền kiếp, qua đất Linh Nham, chảy vào họ. Hoang tưởng bệnh hoạn, điên loạn, tự kỷ ám thị trở thành số mệnh. Con người mục nát, thối rữa về tinh thần từ lâu nhưng không phơi bày lồ lộ như sự thối rữa, nhầy nhụa thân xác của Hoàn nên không phải ai cũng ý thức được tình trạng của mình. Các nhân vật nghịch dị của Hồ Anh Thái là kết quả của phép phóng đại đầy hài hước một vài nét tính cách lập dị, quái đản. Trong Mười lẻ một đêm trí tưởng tượng phóng túng đậm chất Nghìn lẻ một đêm tạo nên họa sĩ Chuối Hột “bốn mươi tám cái xuân xanh là bốn mươi tám mùa cởi mở”, khỏa thân tập yoga khi “cửa mở thông thống” hướng ra sân chung: "gã chống đầu xuống đất hai chân dốc thẳng lên trời, thân người bóng nhẫy trắng lôm lốp như thân chuối. Tất nhiên là chuối hột trổ hoa ở quãng lưng chừng trời". Đó là sở thích quái đản, còn công việc họa sĩ của gã cũng lố bịch không kém: nói tiếng Anh theo kiểu “I like play you”, làm nghệ thuật bằng cách “quăng quật mọi thứ linh tinh ra thành sắp đặt, vẽ mặt bôi hề nhảy nhót hú hét leo cột mỡ thành ra biểu diễn”. Nhân vật Bà mẹ được phóng đại ở cái dâm và tham, “ngửi thấy mùi đàn ông và mùi đất đều chén được". Qua năm lần đò, bắt đầu các cuộc phiêu lưu tình ái bằng câu cửa miệng: “Về làm gì, ở lại đây ngủ cho vui”, bám riết, lùng sục kẻ được yêu nếu hắn ta tìm cách bỏ chạy và mỗi lần bước xuống đò là được thêm một cái nhà. Câu chuyện còn có hai ông giáo sư kiến thức “mãi mãi dừng lại ở trình độ cử nhân bổ túc công nông”. Giáo Sư Một tên Xí nổi danh là nhà văn hóa lớn, về hưu vẫn đi xe con của viện, “ngồi vào xe là tiểu tiện ra ghế êm”, trong hội nghị quốc tế không được mời tham luận vẫn lò dò dép lê lên phát biểu quá thời lượng, tranh giờ của cả một phó thủ tướng Châu Âu, “vục đầu vào ăn” trong bữa tiệc đứng, sở thích đặc biệt là “đái bậy” vào chân nhóm tượng đài công nông khiến dân phường phải “viết thư phàn nàn lên báo thủ đô” và tổ chức bắt quả tang lập biên bản. Giáo Sư Hai tên Khỏa - tiến sĩ viện trưởng, vốn là một kĩ sư hóa chất “sang quản lí khoa học xã hội”, “chập dây thần kinh cười”, hễ cười là không tắt được. Giáo sư sử học “nghiên cứu viết sách giảng dạy lịch sử nước Mĩ và lịch sử Ai Cập là những nơi ông chưa bao giờ đặt chân tới. Thứ ngôn ngữ tệ hại của những vùng đất ấy ông cũng không sử dụng được”, tranh thủ ăn cắp vặt trong các bữa tiệc… (Phòng khách). Kiểu nhân vật nghịch dị do vênh lệch giữa “vai xã hội” và “vai tính cách” này rất phổ biến trong tác phẩm Hồ Anh Thái.

Các nhân vật dị biệt về tâm hồn là những người có vỏ bọc hào nhoáng hoàn hảo, ngoài ra còn có những nhân vật mà sự dị biệt hiện rõ ra hình thức bên ngoài.  Các cô Cá Sấu 1 và Cá Sấu 2 (Trại cá sấu) có hình dáng hỗn hợp của “thế giới động vật”: “một mắt nhìn núi Đôi một mắt nhìn sông Nhị, một thân hình rắn giả lươn một thân hình cá trắm lai cá chép trứng, một khuôn mặt sủi cảo một khuôn mặt mưng mưng thủ lợn thiu, răng cửa phi nước đại răng hàm đi nước kiệu” và một tâm hồn hoang tưởng, “phô trương mời chào” sẵn sàng “ngả bàn đèn” để thành hoạ sĩ, diễn viên. Đó là nhân vật dị biệt về cả hình dáng lẫn nhân cách. Người điên là kiểu nhân vật nghịch dị đặc biệt. Tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương lấy bối cảnh vùng đất Linh Sơn toàn người điên và những kẻ tật nguyền. Ở đó có hẳn một đám đông người bị bệnh tâm thần “hay tụ tập ở các cột cây số múa hát í a”. Người điên là những kẻ trống rỗng, tồn tại như câu nói quăng ra một cách vô nghĩa lí nhất của họ:

“Lão điên:

- Hai năm rõ mười!

Cô gái Thổ điên:

- Con ơi, lại gió rồi!

Mụ điên:

- Đã bảo không nghe, chạm vào cỏ trắng thế nó về kia kìa. Giời, não cả ruột…

Tính:

- Mẹ chúng mày.

Thằng điên:

- Cù nách.”

Đối với Tính, hình dáng kì dị: “tay dài, lưng dài, chân ngắn. Lông tay đỏ hồng, ngón không phân đốt. Lông mày nhạt, hình vòng cung ôm nửa mắt. Tai nhỏ, mồm rộng, răng cải mả. Tiếng nói đục. Đi như vượn, ngồi như gấu” góp phần tạo nên con người bản năng hoang dại. Tính là người điên bởi ở Tính phần vô thức, bản năng lấn át ý thức. Thế giới người điên là thế giới phi logic, đứt đoạn. Nhưng với một người điên lạ lùng như Tính thì lời nói và hành động có vẻ phi lí đó ẩn chứa cả thế giới phong phú, phức tạp: “Trôi ở giữa những đụn khói, ai cũng lẫn vào nhau, lẫn vào nhau. Tất cả đều mờ. Trăng không xuống được tóc, chỉ lơ lửng trên đầu. Trăng cười, vàng sắp thành đen rồi. Cứ nở mãi, nở mãi giữa những đụn khói đặc quánh…”, “Chúng nó đã ngủ, lợn đã ngủ. Hiền về thì về đi. Nghe người lục bục lắm, có lẽ trăng sẽ vỡ mất. Mắt chó vàng như trăng. Nó giàn giụa sáng”… Những lời câm cho thấy nỗi cô đơn run rẩy, hoang tưởng, nhu cầu nhục dục, dục vọng hủy diệt và cả ao ước, cầu mong. Thế giới qua điểm nhìn của Tính trở nên xa lạ: “Trăng làm Tính lạnh, càng bịt tai, co người, càng đau đớn khổ sở. Trăng rơi u u, miên man, rên xiết. Tính vùng dậy, xô cửa ra sân, nhặt đá đáp lên trời. Tính đáp điên cuồng. Trăng không vỡ…”. Đó là hiện thực đã nhiễu bởi điên loạn, mộng mị. Tính mang một tâm hồn khuyết tật, phần nhân tính bị hủy diệt.

Quang lùn trong Thiên sứ mang bóng dáng của “quỷ lùn” quái dị. Hình thức là của đứa bé lên mười, “1m 26 phân chiều dài sinh học”, gương mặt “tròn trĩnh, nhẵn nhụi, nhạo báng thời gian” nhưng tâm hồn là một khối ý chí mãnh liệt: bảy năm hoàn thành hai bằng ngoại ngữ, một bằng đại học tại chức, kéo chiều dài sinh học thêm một phân trong sáu tháng... Nhờ ý chí, anh ta có được địa vị của người có học thức, đường công danh rộng mở, tư tưởng của một nhà cách mạng (“Tôi yêu Hoài. Nhưng chúng ta không thể để tình yêu lấn át lí trí. Tôi cần ra đi, nhiều nhiệm vụ cấp bách của cách mạng đang đòi hỏi. Giặc bành trướng đang tràn sang. Chúng ta không thể ngồi yên nhìn chúng giày xéo giang sơn…” - đại diện cho loại người lí trí tuyệt đối, lời tỏ tình của anh ta cũng theo công thức định sẵn) và dục tính của người đàn ông trưởng thành. Anh ta có vẻ gần với hình tượng con người mới của văn học cách mạng, mang sứ mệnh cao cả của tập thể: “mời các bạn đi ăn kem, nhân ngày hội lớn của dân tộc”, “đeo băng đỏ đứng canh cho thắng lợi của cuộc cải cách tiền tệ lần thứ nhất”, “vui sướng chọn ngọn lửa chiến tranh để thắp sáng và tôi luyện mình” (mà thực ra “chiến tranh đích thực mang bộ mặt đàn bà, xót xa khắc khoải”), gửi “những bức thư đánh số, phong bì mé trái ghi “Tiền tuyến”, mé phải: “Gửi em gái hậu phương”” nhưng anh ta lại chính là sự giễu nhại nhân vật văn học sử thi bởi sự quái dị về hình thức lẫn tâm hồn.

Kiểu nhân vật dị biệt thể hiện quan niệm về xã hội đảo lộn mọi giá trị, xã hội mất chuẩn, nơi “những chân giá trị và ngụy giá trị xâm thực, chồng chéo, che phủ lẫn nhau, người ta không có cách nào phân biệt được và vì thế luôn phải mò mẫm giữa các vách tường của ảo tưởng” (2). Nhiều lúc tạo tiếng cười (tác phẩm Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài) nhưng đó là tiếng cười chua xót, phơi bày tính bi kịch của một thế giới mất chuẩn.

2.2.2. Nhân vật kì ảo là một dạng của nhân vật dị biệt. Kiểu nhân vật này xuất phát quan niệm về con người tâm linh, con người tha hóa, và đặc biệt từ quan niệm đa chiều về hiện thực - dung nạp mọi thứ, ảo thực đan xen bình đẳng.

Trong cái nhìn rộng mở, các nhân vật kì ảo tồn tại bình đẳng, tự nhiên như những nhân vật bình thường khác. Đó là những nhân vật có khả năng kì lạ như Mai Trừng (Cõi người rung chuông tận thế), nhân vật là hồn ma, là thế giới đồ vật.

Bé Hon (Thiên sứ) là kiểu nhân vật kì ảo mang tính chất nhại môtip thần thoại cổ xưa. “Bé Hon ra đời, khi mẹ tôi tưởng không còn sinh nở được nữa. Một bữa, không hiểu sao cả dây quần áo nhà phơi bị bỏ quên qua đêm ngoài trời. Kì lạ, chỉ riêng bộ đồ lót của mẹ đẫm sương và loang lổ vết từa tựa như chàm” rồi “không lâu sau, mẹ mang thai”, sự ra đời kì lạ của bé Hon gợi nhớ đến các nhân vật trong truyền thuyết (Thánh Gióng, Sọ Dừa…). Khi lọt lòng thì không khóc mà “mỉm cười làm thân với đủ 13 nữ hộ sinh đứng quanh bàn đẻ” khiến chúng ta liên tưởng đến các câu chuyện cổ tích phương Tây về nàng công chúa mới chào đời và 13 bà mụ. Bé Hon không có tuổi, “không chịu hé mở bí mật về tuổi tác mình cho bất kì ai”. Các thiên thần trong câu chuyện cổ cũng không có tuổi, không lớn lên và không già đi. Bé Hon mang bóng dáng của các nhân vật kì ảo trong truyện cổ dân gian, như một kiểu nhân vật chức năng. Bé Hon là “thiên sứ pha lê ghé trần gian” ban phát tình yêu, nụ cười cho cõi nhân gian khô cằn. Đó là sứ mệnh của Chúa Hài đồng, của một thiên thần. Nhưng không như các câu truyện cổ lung linh sức mạnh của các đấng thần linh, bé Hon cuối cùng bị “trục xuất”, tình yêu - sức mạnh thiên thần không đủ sức cải tạo hiện thực nghiệt ngã này. Sức mạnh huyền thoại bị giải thiêng hoàn toàn.

Sự xuất hiện bình thản, tự tin của các nhân vật kì ảo như hồn ma, tiền kiếp, hậu kiếp bên cạnh nhân vật “không kì ảo” như là sự công nhận về một thế giới mà con người không nhìn thấy được (có thể do khả năng hạn chế của con người chứ không phải thế giới đó không tồn tại - một cách nhìn hậu hiện đại). Ở Những đứa trẻ chết già, ứng với không - thời gian phân tuyến cõi âm - cõi dương là hai tuyến nhân vật: cõi trần có gia đình Trường hấp, ông Trình…, cõi âm với các nhân vật trên chiếc xe trâu, nhân vật chính là “ông”. Trong cõi âm, điểm nhìn được trao cho nhân vật “ông” với dòng tâm tư miên man về tuổi thơ, về gia đình, về những người đi qua đời ông và cả về cuộc tìm kiếm kho báu của cả dòng họ. Bên cạnh cuộc sống dương gian là những hồn ma trong nghĩa địa, những tiếng nói giữa các ngôi mả, ở đó những người thân thích trên cõi dương xuống đây tìm nhau, gặp nhau. Các mối quan hệ vẫn giữ: “Trong nhà ánh sáng lạnh, bố nằm lỏng lẻo trên chiếc giường tre có rất nhiều mấu, mình với mẹ thì ngồi cạnh. Bố đưa tay rờ rẫm ngực:

- Sao lâu thế?

Câu hỏi thều thào giận dỗi. Mẹ nghiêng đầu nghe:

 - Tôi cấm không được chúng”. Đó là câu chuyện trong một gia đình cõi âm giữa đêm mưa. Những hồn ma vẫn thầm thì kể về câu chuyện cuối cùng của mình trên cõi đời: “Ông đã đập phá tất cả chỉ trừ mỗi cái búa nằm im dưới chân phản. Tôi cầm lấy nó (…). Đến nhát thứ hai thì ông tránh được, giằng lấy cái búa từ tay tôi. Ông đã bổ nó xuống giữa đỉnh đầu tôi (…)”. Hồn ma vẫn là những con người có trí nhớ, vẫn nhớ tìm về nhà nhưng không vào được vì bị con mèo chắn đường (Người đi vắng). Như ở cõi dương, các nhân vật kì ảo là hồn ma cũng vương vất nỗi buồn như những nỗi ám ảnh vĩnh viễn vượt qua mọi số kiếp.

Thời đại kĩ trị, tình trạng hàng hóa hóa khiến chủ thể bị chìm khuất trong thế giới đồ dùng đang tràn ngập. Trong văn học, thế giới đồ vật, “văn học đồ vật” gắn với sự ra đời của Tiểu thuyết Mới. Phủ nhận nhân vật, các nhà Tiểu thuyết Mới chủ trương lấp đầy trang giấy bằng thế giới đồ vật. Trong tác phẩm A.Robbe Grillet thế giới đồ vật lấn át con người, tác giả đứng về phía đồ vật để quan sát. Con người từ đây từ bỏ vị trí độc tôn, chỉ còn là thực thể tương đương vạn vật. Những đồ vật trở nên hàm súc, mang tính biểu tượng.

Trong sáng tác của các nhà văn Việt Nam, con người không hoàn toàn mất hết dấu vết mà vẫn chiếm vị trí đáng kể trong tác phẩm, nhưng điều khác trước là tiếng nói con người không còn ở thế độc tôn, nó hòa lẫn giữa muôn vàn tiếng nói khác của vạn vật. Thế giới đồ vật trở thành một dạng nhân vật kì ảo mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, làm phong phú hiện thực và đôi lúc dự báo điều bí ẩn nào đó. Dạng nhân vật này xuất hiện đậm đặc nhất trong tiểu thuyết Người đi vắng: dòng sông, cây chuối, cái chân, xác chết, đám mây, sương mù, cơn mưa, con mọt… đều có tiếng nói, có tâm tư, kí ức, có những ám ảnh như những thực thể đang tồn tại khác. Thậm chí tác phẩm này còn gợi cảm giác “người đi vắng” hết cả, chỉ còn thế giới đồ vật kì ảo là hiện hữu ở mọi lúc mọi nơi.

Mở đầu tác phẩm là cơn mưa rào được linh hóa, sống động như “một đám rước” đến theo tiếng lẩm nhẩm của thằng bé: "Mưa xuân buồn bã phơ phất lang thang như người mộng du mặc áo xám đi trên đồng vắng bãi thưa. Nhưng đây là mùa hạ, dù thích hay không mưa rào vẫn có mặt ồn ã hào phóng chẳng khác gì một gã trai đẹp mã nhưng hơi ngu độn, nông cạn. Mưa rào lấp lánh ngân nga tiếng chuông. Sấm gừ gừ ở chốn cao xa, uyển chuyển hệt như con mèo thoắt lui về thoắt phóng ra, soãi hai chân trước, móng co cứng lại cào lên tấm vải bạt đã cũ rích nhưng còn khá bền. Mưa rào thực sự là một đám rước.", “Mưa đã đến gần nhưng đang dừng lại dò tiếp đường vì thằng bé thôi lẩm nhẩm, “cơn mưa rung rinh bực tức vì không tìm đường đi tiếp được”. Đó là nhân vật đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này. Các vật thể cũng mang linh hồn như bao người khác. Hơn nữa, không chỉ có linh hồn, mỗi vật thể còn có một câu chuyện về chính nó, về những điều mà nó từng chứng kiến. Đây là câu chuyện của dòng Linh Nham: “Ta vươn qua lớp lá mục chồng chéo hàng vạn đời (…). Ta róc rách miên man yêu những buổi mai khi ánh sáng chưa kịp tỏa rạng trên vạn vật (…). Xa xửa xa xưa có một thằng bé tên là Thắng đã tắm trong ta (…). Mẹ của thằng bé Thắng bị ô tô chẹt khi cố gắng bám lên bậu cửa để khỏi lỡ buổi chợ. (…) Người lái xe tên là Sinh, anh ta vẫn qua đây, sẽ đến lúc ta gọi…” của cây chuối ở bệnh viện với khao khát tìm kiếm bản thể: “Trong không khí nồng nồng gây gây của bệnh viện này, ta đã ra đời. (…) Ta lặn lội trong mơ trở lại hàng trăm năm trước để tìm kiếm điều ta hằng thắc mắc: Tại sao ta ở đây? Tại sao lại là chuối mà không là cái gì khác?...”. Và bụi cậm cam thì run rẩy: “Em là một bụi cậm cam, hãy giúp em, ở đây lạnh mà không có chăn, áo bông cũng không có…”. Không chỉ kể chuyện, đám sương mù còn là những mụ đàn bà điêu ngoa, nhiều chuyện:

- “Tôi không phải nhà quê.

- Thế bùn nó từ giời xuống phỏng?

Đám sương đắc chí lắc lư từ nên nọ sang bên kia như người say rượu. (...)

- Con này gớm nhỉ - Đám sương co thắt lại rồi phồng ra – Mày định bỏ đi phỏng? Tao hỏi, thế mày biết chơi chuyền không? Biết không nào? Trò chơi đấy hay lắm đấy.

Giọng đám sương ngon ngọt, con Hà gật đầu. Đám sương nhảy cẫng lên:

- Thế là con nhà quê rồi. Ới giời, tao phải đi đây, từ sớm đến giờ đã chợp mắt tí nào đâu” (Người đi vắng).

Với bút pháp hiện thực huyền ảo, các nhà văn đã mở ra một thế giới nhân vật phong phú ứng với tính chất đa phương đa tầng của hiện thực. Tiếng nói của các nhân vật dị biệt dường như được thoát ra từ bản ngã sâu kín của con người. Từ góc nhìn của các nhân vật này, thực tại được lạ hóa, tạo cảm giác hoài nghi ở người đọc: Liệu bức tranh thế giới đang trải ra trước mắt kia có phải hoàn toàn là sự thật và duy nhất?

N.T.H

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ Đào Tuấn Ảnh (2007), “Những yếu tố hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam qua so sánh với văn xuôi Nga”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 12, Tr.50.

2/ Hồ Anh Thái (2007), Mười lẻ một đêm, NXB Đà Nẵng, Tr.305.

 

 

Nguyễn Thái Hoàng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 191 tháng 08/2010

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

7 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground