Ngoài những tác phẩm in chung, đến nay, Minh Tứ đã có những tác phẩm ký và truyện ngắn ra mắt bạn đọc như: Dưới chân Thành Cổ (tập bút ký-phóng sự, Nxb Hội Nhà Văn,1999, 2018), Hương rừng (tập truyện ngắn, Hội VHNT Quảng Trị, 2005), Dòng sông ký ức (tập bút ký-phóng sự, Nxb Văn học, 2012, 2018). Và bây giờ là Về bến sông xưa (tập bút ký, Nxb Thuận Hóa, 2022).
Căn cứ vào nội dung, sự kiện và con người được phán ánh trong truyện và ký của Trương Đức Minh Tứ, có thể nói rằng anh là người có tâm và nhiệt huyết, luôn nhức nhối về nhân sinh thế sự, nhất là với đời sống và con người quê hương Quảng Trị một cách chân thành. Và với tư cách là một nhà báo, nhà văn, anh không thể để lọt ra khỏi trường nhận thức chính trị, tư tưởng và nghệ thuật của mình những hiện thực nóng bỏng và nhức nhối của quê hương. Những trang viết của anh chính là kết quả từ những giao tiếp và đối thoại với con người và sự kiện qua vốn sống thực tế như thế nên nó mang sự sống thật, xúc động lòng người, rút gần khoảng cách thẩm mỹ với người đọc.
Tôi muốn chứng minh những phẩm tính trên trong ký của Trương Đức Minh Tứ qua tập bút ký mới nhất của anh Về bến sông xưa, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành, tháng 2-2022. Trương Đức Minh Tứ có thế mạnh và sở trường về thể ký. Nhân đây, tôi muốn nói qua một vài nét về đặc trưng thể loại ký để liên hệ thấy được nghệ thuật viết ký mà anh đã hình thành trong các tác phẩm của mình từ trước đến nay.
Ký hay còn gọi là tiểu luận (essais) là thể loại văn học bao gồm nhiều tiểu loại: bút ký, tùy bút, hồi ký, du ký, phóng sự, tản văn, tạp văn, tiểu phẩm, ký chính luận... với những đặc trưng cơ bản như sau: Là thể loại có sự dung hợp giữa yếu tố truyện và nghiên cứu; có sự bình phẩm mang tính trữ tình trên cơ sở tôn trọng tính hiện thực cụ thể về con người và sự việc; là thể loại nằm giữa lằn ranh văn học và báo chí; bên cạnh đó, nó còn là thể loại mang tính nhức nhối của tình cảm và lý trí.
Từ những đặc trưng thể loại như trên, đọc lại bút ký của Trương Đức Minh Tứ trong Về bến sông xưa, chúng tôi nhận thấy rằng anh là nhà viết ký nắm được tính chất thể loại khá vững chắc. Anh kết hợp được một cách linh động, đa dạng các đặc trưng nói trên một cách nghệ thuật, làm nên cá tính riêng, mang đậm yếu tố: cảm xúc - văn hóa - nghệ thuật. Tức là ký của Minh Tứ đạt được phẩm tính văn hóa, văn học trên cơ sở hiện thực và cảm xúc trực tiếp của cái tôi tác giả bằng diễn ngôn hấp dẫn. Bút ký nào của Minh Tứ cũng xuất phát từ con người với những sự việc, sự kiện gắn với từng không gian và thời gian cụ thể để dẫn giải, phân tích. Những quan hệ bản chất và quan hệ tương tác qua từng con người và sự việc, từ đó, được hiện ra logic và thuyết phục. Tính chính xác của sự kiện thông qua tư liệu hoặc nhân chứng sống đã làm cho ký của Minh Tứ thuyết phục người đọc, thỏa mãn người đọc cả tình cảm nhân sinh và nhức nhối về thế sự.
Viết về nhà báo kỳ cựu quê hương Quảng Trị: Phan Quang, anh đã đi từ cuộc đời làm báo sôi động của ông với những không gian tác nghiệp đặc thù, tiếp xúc với những nhân vật có vai trò và địa vị đặc biệt của xã hội và từ đó hình thành phẩm tính riêng của một nhà báo chuyên nghiệp có tầm cỡ quốc gia và quốc tế, để lại những tác phẩm có giá trị không những về báo chí mà cao hơn là giá trị văn học, văn hóa. Và cao hơn nữa là phẩm chất, đạo đức trong sáng của một nhà báo yêu nghề, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp báo chí của cách mạng, nêu tấm gương sáng cho bao thế hệ nhà báo nối tiếp học tập. Và để trả lời cho câu hỏi mà Minh Tứ đặt ra đối với nhà báo Phan Quang: Điều gì đã làm nên một Phan Quang tài ba, lãng mạn, đậm đà khí chất, bản lĩnh và trí tuệ trên cả văn đàn và báo giới, trong cả hoạt động đối ngoại, văn hóa? Và anh tự trả lời: Đó là nền tảng văn hóa gia đình, ngọn lửa nghề bừng lên theo năm tháng, là sự hiểu biết rộng lớn, tấm lòng yêu quê hương, đất nước vô bờ bến và sự khiêm tốn lạ thường. Ở Phan Quang, luôn tỏa sáng một trí tuệ - một tài năng - một phong cách Phan Quang: “Một đời báo, một đời văn với nhiệt huyết hơn 70 năm dấn thân, sáng tạo và cống hiến, Phan Quang đã có những đóng góp giá trị cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Thời gian rồi sẽ đi qua, chỉ có giá trị tác phẩm báo chí, văn học và tình yêu nghề của ông sẽ mãi còn ở lại”. Đó là tình cảm, nhận thức và nhận định thấu lý đạt tình của một nhà báo trẻ kính trọng và biết ơn nhà báo lão thành của quê hương mình.
Đọc các trang viết của Minh Tứ ở dạng ghi chép tư liệu văn học từ vốn sống trực tiếp này, bạn đọc vỡ ra nhiều điều, biết thêm nhiều chuyện, nhận thức thêm nhiều cái khác. Theo tôi, đây cũng là sức hấp dẫn của tập bút ký Về bến sông xưa. Nó có tác dụng như những đối thoại mới, đối thoại bổ sung về con người, sự việc, sự kiện.
Tôi chú ý và xúc động với bút ký Người thắp lửa dòng sông, viết về lễ hội thả hoa trên sông cho những hương hồn liệt sĩ do nhà báo Lê Bá Dương khởi tạo. Hơn ai hết Lê Bá Dương có đủ tư cách để khởi xướng lễ hội thiêng liêng này. Anh là nhân chứng hùng hồn về sự chiến đấu và hy sinh dũng cảm của đồng đội dưới mưa bom bão đạn trong những ngày oanh liệt. Và anh là thương binh 14 lần sinh tử tại chiến trường Quảng Trị mà chiến công của anh được đăng cùng với tấm hình trên báo Tiền Phong (số 2099, ngày 4/3/1971) với dòng chú thích: “Lê Bá Dương, tiểu đội trưởng, đánh điểm cao 322 cùng hai tổ viên diệt 40 tên ngụy, được tặng danh hiệu Quyết thắng”.
Minh Tứ đã cho chúng ta biết ngọn nguồn của ngày hội thả hoa thiêng liêng này của quê hương Quảng Trị mà người khởi xướng không ai khác chính là người thương binh có tên Lê Bá Dương trong một lần về lại bến sông xưa Thạch Hãn: “Đấy là một ngày giữa thập kỷ chín mươi của thế kỷ XX, người dân ven bờ Thạch Hãn nhìn thấy một người lính mua gom rất nhiều hoa ở chợ thị xã rồi mướn chiếc thuyền ra giữa dòng sông thả xuống cho hương hồn đồng đội của mình. Nước dòng sông trôi và hoa vẫn rơi cùng nhạt nhòa nước mắt. Anh đã không nhận ra người mẹ lái đò già nua cũng đã nấc lên theo nhịp mái chèo. Không ai biết rằng từ năm 1976, chỉ một năm sau ngày đất nước thống nhất, những dòng sông Bến Hải, Hiếu Giang, Thạch Hãn, Ô Lâu cũng từng đón vào dòng xuôi những nhánh hương hoa của cựu chiến binh Lê Bá Dương mỗi khi trở về. Cảm nhận được nghĩa cử cao đẹp của một người cựu chiến binh, chính quyền, nhân dân thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong đã nhân thêm nghĩa tình của người lính, để rồi Quảng Trị đã hình thành nên một lễ hội riêng có của mảnh đất này. Cứ như chuyện cổ tích, hằng năm cứ vào ngày lễ trọng, ngày rằm, cán bộ, nhân dân đôi bờ sông Thạch Hãn vẫn kết những bè chuối, trên bè cắm hương hoa, nến thả xuống dòng sông để tưởng nhớ hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này, dòng sông này”. Nhớ về ngày hội hoa đăng trên dòng sông quê mình, Minh Tứ không sao quên được những gì thiêng liêng nhất. Và từ đó, hình ảnh người chiến sĩ - thương binh năm xưa hiện lên một cách cao đẹp, tự hào: “Bất chợt tôi lại nhớ đến Lê Bá Dương, người đã thắp lửa cho dòng sông. Rằng từ phương trời xa, một ngày nào đó có thể anh không về kịp thì trên dòng sông này, trên mảnh đất này còn có bao người cùng với anh, thay anh sẽ nối tiếp nghĩa cử cao đẹp của anh. Rằng một khi nào đó giữa bộn bề dòng chảy đời thường, người đời có thể quên những gì đã qua, song điều đã thành tập quán, thành tâm linh sẽ tồn tại vĩnh hằng. Mãi mãi hương hoa và ngọn nến sẽ là gạch nối nói hộ với thế hệ chúng tôi và mai sau bao điều kỳ diệu về ngày đã qua”. Đây là bút ký gây xúc động mạnh trong lòng người đọc bởi tính bi thiết của hình tượng và tính nhân văn câu chuyện.
Phần còn lại làm nên nội dung và thông điệp sâu thẳm khác của tập bút ký Về bến sông xưa là những câu chuyện có liên quan đến kinh nghiệm quan hệ nghĩa tình, gần gũi của Minh Tứ, có khi là những khoảnh khắc gấm hương hoa mộng của một thời mơ yêu, có khi là những thâm tình với bạn bè một thuở, có khi là nơi anh gắn bó học tập vui buồn của một thời sinh viên mộng mơ, dại ngộ. Và sâu thẳm nhất vẫn là không gian mái nhà xưa thân ái, nơi anh cất tiếng khóc chào đời, sống trong tình yêu thương của tổ ấm gia đình, rồi lớn lên, từ đó, anh đi khắp đất nước rộng dài để làm con người xã hội, con người của công ích cho đến ngày nay. Những con người và sự kiện sâu nặng, nghĩa tình đó luôn lay động trong tâm cảm tác giả, không viết không đành. Nó thuộc một khoảng lặng mang tính tâm linh, ảo mộng, có khi ám ảnh cả trong vô thức, tiềm thức.
Cùng mạch văn và mạch cảm xúc hồi tưởng đồng hiện như trên, Minh Tứ đã dựng lại gương mặt thơ Nguyễn Tiến Đạt - người mà chính trang thơ của mình, Đạt đã dự báo trở thành nhà thơ lớn của quê hương, nhưng như một định mệnh trái ngang, anh đã từ giã cuộc đời này khi tài năng vừa chớm và tuổi đời còn rất trẻ để còn đây nỗi tiếc thương, xa xót của bao bạn bè, người thân. Minh Tứ đã thực sự đau và thực sự chia tay Đạt trong nước mắt: “Bây giờ thì nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Đạt thân yêu của chúng ta không còn nữa, nhưng tác phẩm của Đạt thì vẫn còn, thời gian đâu dễ phôi pha. Đọc lại những gì của Đạt viết ngày đang sống, càng thương hơn khi tuổi đời còn đang trẻ, trang viết còn dở dang và Đạt chưa kịp làm trọn phận sự ở trên đời. Người mẹ già còng lưng ở quê nhà Lâm Xuân vẫn còn đó với cảnh "Lá xanh rụng xuống, lá vàng trên cây". Hồng Phúc, người vợ trẻ tảo tần, tuổi ba mươi sớm để tang chồng, công việc còn bấp bênh, hôm đưa Đạt về quê còn thảng thốt "Anh đi! Anh nhớ về". Hai cháu nhỏ Tiến Nhất, Trang Nhi mới lên mười, lên sáu sẽ mãi mãi không còn người cha đưa đón vào mỗi buổi sáng chiều. Nhớ thương Nguyễn Tiến Đạt, giờ chúng ta chỉ còn biết sẻ chia với những gì Đạt chưa kịp làm thời đang sống”.
Kế đến là cuộc Dấn thân nghề báo với biết bao Vinh quang và cay đắng được Minh Tứ tâm huyết luận thuyết như để trải lòng, để trần tình về một nghề nghiệp mà mình đã đam mê, lựa chọn để dấn thân. Nó không phải là sự lựa chọn bình thường mà là sự lựa chọn đạo đức; không phải sự dấn thân hiểu theo nghĩa thông thường mà là dấn thân hiểu theo nghĩa sứ mệnh, trọng trách. Những minh chứng cho điều trên được Minh Tứ trần thuật sáng tỏ qua từng câu chuyện, sự kiện đầy sức ám ảnh và thuyết phục. Thẳm sâu là vậy, nỗi niềm và trách nhiệm là vậy! Bảo sao cuộc đời Minh Tứ không trải qua những bước thăng trầm? Bút ký Trở về bến sông xưa là bút ký chủ/chính hay nhất lấy làm tên cho tập sách là dụng ý rất nghệ thuật của tác giả. Qua đó, Minh Tứ tự hiện hữu mình như chủ thể sống trải, tin yêu và trách nhiệm với chính mình, với nhân dân và cuộc sống với tư cách là một nhà báo chuyên nghiệp
*
Tôi đã đồng hành với những trang viết trong tập bút ký Về bến sông xưa của Trương Đức Minh Tứ với nỗi niềm và tâm trạng của một độc giả vui buồn, hồi hộp, lo âu, đồng cảm để rồi bừng thức trước nỗi niềm nhân sinh thế sự cùng với tác giả. Có thể nói, ký của Minh Tứ mang vẻ đẹp lung linh muôn vẻ của cuộc sống đời thường, nhưng bên sau đó là những nỗi niềm nhân ái, nhức nhối về tình cảm và đạo đức, triết mỹ. Nó tác động đến người đọc bằng khả năng thanh lọc tâm hồn để hướng về những gì cao đẹp và nhân văn trong từng kinh nghiệm quan hệ sống của con người. Vì vậy, đó là ký nhân văn - đạo đức - văn hóa - nghệ thuật mà Minh Tứ muốn thông điệp đến mọi người như anh đã phi lộ đầu tập sách: “Tác giả mong muốn những câu chuyện kể trong tập bút ký này sẽ được kết nối để nhân lên tình người trong cuộc sống xanh tươi nhưng cũng đầy bất trắc hôm nay. Ngày đã qua dù vui, dù buồn, êm đềm hay giông bão thì vẫn là hành trang để cho ta có thêm niềm tin yêu và hy vọng ở ngày mai”. Vâng! Đó là hành trang cao đẹp và giàu có của mỗi đời người để họ mang theo mình đi đến đích của tình yêu và sự sống.
H.T.H
*Tác phẩm đoạt giải C Cuộc thi sáng tác tác phẩm Văn học Nghệ thuật chủ đề “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” (1972 - 2022).