Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức nằm vùng

Ô

ng năm nay vào tuổi tám mươi. Tên ông là Lê Văn Hoan. Mười sáu tuổi vào dân quân, rồi bộ đội. Đảng viên khi chưa đủ tuổi 18. Hoạt động ở vùng tạm bị chiếm (quê ông, tỉnh Quảng Trị, bị Pháp chiếm đóng từ đầu năm 1947). Tháng 7 năm 1954, thi hành Hiệp định Genève, bộ đội, cán bộ ta ở phía Nam vĩ tuyến 17 tập kết ra Bắc. Ông được phân công ở lại, “sinh sống làm ăn như mọi người dân bình thường”. Và ông đã ở lại, đã công tác suốt ba mươi năm, từ 1954 cho đến khi nước nhà thống nhất. Ba mươi năm bám trụ dải đất hẹp miền Trung, trừ mấy lần được cấp trên đưa ra miền Bắc học tập, chữa bệnh ngắn hạn.

Quá nhiều người ở làng quê ông biết mặt, thuộc họ tên, gia đình tung tích Việt cộng Lê Văn Hoan, tên thật là Lê Đình Mỵ. Ông bị đối phương săn lùng dữ dội, ngay từ đợt tố cộng đợt 1. Tỉnh Quảng Trị, phần từ phía Nam sông Bến Hải trở vào đến sông Mỹ Chánh, năm 1954 có 8400 đảng viên ở lại sinh sống với gia đình. Sau hai năm, đến cuối 1956 còn lại 506 người, kể cả đồng bằng và vùng núi. 7900 đồng chí đã hy sinh hoặc bị bị bắt bớ, đày ải vào các nhà tù. Năm 1958, Lê Văn Hoan được điều về huyện Hải Lăng làm Phó Bí thư, thì cơ quan huyện ủy lúc này chỉ còn lại bí thư và mỗi một huyện ủy viên.

Cộng thêm bom đạn chiến tranh ở mặt đất và từ trên không, kể cả bom ném từ máy bay B52 của Mỹ. Tháng 8 năm 1965, tỉnh Quảng Trị họp đại hội tại Ba Lòng, chiến khu cũ thời chống Pháp. Ngày 13-8-1965, Mỹ cho máy bay B52 ném bom rải thảm. Bom rơi xuống sông, “cá chết trắng cả khúc sông, trôi theo dòng về xuôi” (tr. 190, Hồi ký Đất quê hương, Nxb Thuận Hóa 2009). Ông được bầu vào tỉnh ủy, trở về địa bàn của mình, làm Bí thư thị xã.

Lê Văn Hoan viết: “Sống và chết, chết và sống đã trở thành quen thuộc với chúng tôi. Chúng tôi xem thường cái chết và đã quên nó đi, bất cần nghĩ đến. Sống thì công tác, hoạt động, và chết cũng vậy thôi, đồng đội chết nhiều rồi, đồng chí đồng bào đã chết quá nhiều rồi. Bây giờ đến lượt anh, có sao đâu. Tất nhiên, mỗi lần có đồng đội hy sinh, cũng làm cho bản thân tôi chùng lại, nỗi buồn như đám mây đen qua bầu trời. Nhưng rồi công việc và cuộc sống lại cuốn hút đi…”.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, may mắn sao ông vẫn lành lặn cho đến ngày hòa bình. Ông bảo tại số mình gặp may nhiều lần “trúng số độc đắc”, thoát chết gang tấc trong khi đồng đội hy sinh cùng lúc. Tuy nhiên, cái bí quyết giúp ông tồn tại là bám chắc vào dân. Ông khẳng định: Sống trong và hoạt động trong lòng địch, phải bám vào dân, càng ở sát nơi trọng yếu của địch, chúng càng ít ngờ, ta càng có nhiều cơ may không bị lộ, thoát chết để làm việc. Đó là bài học sống còn của Lê Văn Hoan.

Cuốn Hồi ký này không nhằm kể lể công lao, những đóng góp đương nhiên không đến nỗi quá nhỏ bé của một cán bộ suốt đời lăn lộn với phong trào. Nó chủ yếu tôn vinh và tạ ơn sâu của đồng bào, liệt sĩ ân nhân đã cưu mang đùm bọc cán bộ, “cảm ơn bạn hữu, đồng đội đã gánh chịu hy sinh mất mát cho tôi được sống đến ngày hôm nay” – ông viết từ những dòng đầu. Và quả là ông không hề quên một ai trong tổng số 69 gia đình cơ sở đã nuôi sống và tận tình giúp đỡ ông trong 30 năm. Họ mở rộng vòng tay cưu mang cán bộ trong khi cầm chắc rồi mình sẽ mang tai họa, gánh chịu tra tấn, tù đày, tan cửa nát nhà, thậm chí cái chết nếu chẳng may bị lộ.

Tác giả rành rọt kể nhiều kỷ niệm. Ông nhớ kỹ, bởi ông không quên ơn ai. Sau ngày thắng lợi, ông nhiều lần tìm về chốn cũ thăm người còn, thắp nén hương tưởng người quá cố. “Đó là gia đình bà Trần Thùy, gọi là Dật ở thôn Đại Nại, ngay từ năm 1954, hiệp định ký chưa ráo mực, kẻ thù đã trở mặt phá hoại. Tôi bị săn lùng. Gia đình bác Dật đã mở rộng tấm lòng đón tôi, dành cho tôi những gì quý báu nhất từ lậm (lẫm) lúa, cái sạp đựng đồ đạc… Bác đã phá cái lậm, làm thành hai ngăn, cho tôi có nơi ở an toàn. Đâu chỉ đơn thuần trốn tránh, mà đi về thất thường, cơm ăn nước uống và trăm sự phiền hà…” (tr. 139).

Đó là chị Mãn và đứa con trai 11 tuổi ở xóm Rôộc bờ sông Vĩnh Định, làng Nại Cửu. Một người đàn bà góa, làm nghề bán cá tươi ở chợ. Sáng tinh mơ, chị mang quang gánh từ Nại Cửu về mạn biển chờ mua cá của ngư dân vừa đánh bắt, rồi hối hả gánh chạy về chợ Sãi (nay thuộc thị xã Quảng Trị) bán. Ngày nào cũng như ngày nào, chị chạy bộ 30km, gánh cá trên vai. Chị là “đường dây” của thị ủy: “Chị đào hầm trong vườn nhà nuôi chúng tôi, nhiều khi đến năm người, lo ăn ngày hai bữa. Và đứa con trai, được chị dạy bảo làm tai mắt cho mẹ… Cho đến khi hầm bí mật bị lộ, chị Mãn bị an ninh ngụy bắt đánh đập tra tấn hết sức dã man mà không khai, cứ một mực tôi đâu có biết. Nhưng cái hầm sờ sờ ra đó. Chị vẫn khăng khăng: “Họ ở họ đi tôi đâu có hay. Gà gáy tôi đã về biển mua cá, chạy lên chợ bán đến tối mới về. Nấu cơm cho con ăn xong là ngủ. Một năm 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày tôi làm như vậy…” (tr. 140). Nhờ đức kiên trung của người phụ nữ, lần ấy cán bộ thị ủy không ai bị bắt.

Đó là người đàn bà ngoan đạo ở “thánh địa La Vang” nổi tiếng của đồng bào công giáo. Bà xuất hiện như vị thánh cứu tinh khi mạng sống cán bộ ngàn cân treo sợ tóc: giữa ban ngày, gặp địch đi lùng. Bà bảo cán bộ vô ngay trong nhà. Nhà trống trơ, chỉ có đứa con trai nhỏ mắc chứng thiểu năng trí tuệ. “Vô ngay nơi thờ Chúa mà ngồi. Lời nói bà chẳng khác mệnh lệnh. Tôi chui vào dưới bàn có phủ tấm khăn đã cũ. Bà đội nón đi ra ngang qua trước mặt bọn lính, như thể đi làm việc đồng áng ngày thường…” Sau này qua cơ sở, ông mới biết họ tên đầy đủ của bà là Trần Thị Hiệp. Một người đàn bà bất hạnh, chồng chết đã lâu, nghèo khó, con cái ốm đau, “đã mở rộng tấm lòng che chở một cán bộ không hề quen biết”. Bà còn dặn: “Chú về công tác vùng này, đến nhà tôi, đơn sơ vậy mà an toàn”.

Nhưng rồi nhà bà Hiệp cũng bị lộ. Ông sang một sơ sở khác ở xóm Phường Sắn (xã Hải Phú ngày nay) cũng chỉ cách nhà thờ La Vang chừng 500 mét…

Tháng 10 năm 1959, Ngô Đình Diệm ban bố Luật 10/59, “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, Lê Văn Hoan sống ở thôn Long Hưng, sát thị xã Quảng Trị, nhà chị Văn Thị Kiếm. Chị Kiếm có anh trai, chị gái tập kết ra Bắc, đồng thời có một người anh khác đang là sĩ quan quân đội Sài Gòn. Nhà chỉ có hai cha con. Một lần, chị hỏi: Anh có cần gặp mẹ, chị giúp cho. Ngày mai, ông cụ đến nhà bà con ăn giỗ cả ngày. Chị sẽ nhắn bà mẹ Lê Văn Hoan, nói đến chị cho vay ít lúa. Nhà bà quanh năm nghèo thiếu, cảnh tòn ten trên vai cây đòn gánh cùng hai cái thúng rỗng, đi vay tạm lúa bà con quen biết là chuyện quá bình thường, chẳng ai để ý. Đã bốn năm, mẹ con không gặp nhau. Nhìn thấy con trai chui lủi xác xơ quá, bà mủi lòng. Trước khi chia tay, bà dặn: “Nếu có khổ cực quá, không chịu đựng nổi, thì xin cấp trên cho ra Bắc, chớ có về đầu hàng, nghe con!”. Lời mẹ dặn, ông ghi nhớ suốt đời.

Cứ vậy, Lê Văn Hoan… hồi ký. Câu chuyện nào cũng có nhiều tình tiết làm người đọc xúc động đến khó cầm nước mắt. Nhưng, nếu quá miên man, có lẽ tôi đến phải chép lại hơn nửa cuốn sách dày 300 trang cho bài báo này. Vậy mà, dường như vẫn sợ mình còn bỏ sót một ai, tác giả dành chương cuối “liệt kê” tên tuổi, gia đình, con cái, ai còn ai mất của 69 cơ sở đã cưu mang ông. Nhiều người được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Gia đình có công, nhưng có nhiều người hy sinh trước khi chưa kịp hưởng chút tưởng lệ nào của nhà nước. Hoàn cảnh không ít gia đình vẫn khó khăn, thiếu thốn. Ông trầm ngâm nhớ lại câu nói của Lênin: “Hãy cho người nông dân một pút lúa mì, còn hơn tặng họ cái bằng khen”.

Một lần ông về thăm lại một cơ sở ở thôn An Tiêm (huyện Triệu Phong), có mấy con đi tập kết: bác Đoàn Phong và vợ là Phan Thị Lều. Hai bác đã qua đời. Ngôi nhà cũ của bác nay là con đập thủy lợi. Lê Văn Hoan chỉ còn biết cúi đầu tưởng niệm: “Thưa hai bác kính mến… Hai bác đã trọn đời vì đất nước cho đến ngày đất nước hoàn toàn tự do thì hai bác không còn nữa. Hai bác chưa được hưởng một chế độ chính sách gì, mà phải ra hai bác ngàn lần xứng đáng được hưởng. Lê Văn Hoan là con cúi đầu trước vong hồn hai bác, xin lạy tạ tấm lòng hai bác, xin ghi lòng tạc dạ các gia đình đã che chở và nuôi giấu con… Xin tạ ơn sông núi quê hương trường tồn cùng đất nước Việt Nam kính yêu”.

Cuốn Hồi ký Đất quê hương kết thúc ở đây.

Sẽ thiếu sót nếu không giới thiệu đôi lời về tác giả. Lê Văn Hoan không phải là người bi lụy. Ông suốt đời lạc quan. Không có tính chất ấy, làm sao tồn tại qua nổi những ngày gian khổ tận cùng. Đã đành công tác trong lòng địch, dựa vào dân, liên lạc với nhau qua hòm thư bí mật chỉ có người gửi và người nhận biết mà thôi, tuy vậy vẫn không thể thiếu cái hầm bí mật. Anh đã đào nhiều hầm, mỗi hầm một kiểu, và đặt tên cho mỗi loại. “Nhà lộng gió” là hầm đào gần bến sông, tốt nhất là nơi có bụi cây sum suê tỏa bóng, chỉ riêng mình biết với mình. “Mùa hè ngủ hầm này mát rượi. Chỉ cần một túi nylông đựng nước uống cùng một mo cơm muối hay mấy củ sắn khoai, có thể yên chí  ngủ cho lại sức” (tr. 134). “Lầu hai tầng” cũng đào ở bờ sông, nhưng muốn vào phải lặn xuống nước chui vào, rồi mới ngoi lên chỗ khô ráo. “Lầu vạn thuở” là các miếu thờ thành hoàng. Miếu, không phải đền. Có nghĩa là thấp nhỏ, chỉ mỗi một cửa hẹp ra vào thường xuyên buông tấm sáo tre, ba bề còn lại là tường. Lầu vạn thuở an toàn bởi mọi người nghĩ, chẳng ai dại gì trốn ở đây, nhỡ bị phát hiện thì không có lối thoát thân. “Lầu” chật chội, chỉ có thể ngồi khom lưng co ro trên bàn thờ. Từ đây, nghe rõ tiếng địch tra khảo đồng bào tìm Việt cộng nằm vùng, đau đứt ruột, tuy nhiên vào ngày rằm, mùng một đôi khi được hưởng lộc thần…

Ông là người yêu đời. Tôi còn nhớ bốn câu thơ Tết (không có trong hồi ký), ông làm vào những ngày gian khổ nhất, khi một mình chui lủi rừng xanh:

Tết đến ai ai cũng chơi hoa

Thì ta cũng đủ, thiếu chi mà

Hoa rừng nở thắm một trời núi

Thích thú còn hơn cắm lọ nhà.

Năm 1972 “mùa hè đỏ lửa”, ta giải phóng toàn tỉnh Quảng Trị. Quân đội Sài Gòn phản công, tái chiếm thị xã. Cuộc chiến đấu giữ Thành Cổ diễn ra 81 ngày đêm vô cùng ác liệt. Trung tướng Sùng Lãm, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 320B, người chỉ huy tại chỗ, sau này nhớ lại: “Bí thư Huyện ủy Lê Văn Hoan luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng, sát cơ sở, động viên, phối hợp, giúp đỡ bộ đội chiến đấu…” (Hồi ký Khúc tráng ca Thành Cổ, Nxb Văn hóa Thông tin, 2008).

Đất nước thống nhất, ông Lê Văn Hoan đảm nhận nhiều trọng trách. Được bầu làm Đại biểu Quốc hội hai khóa, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tỉnh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch  Trung ương Mặt trận Tổ quốc nhiều nhiệm kỳ… Có lần, cấp trên gặp, định giao cho ông trách nhiệm đứng đầu một cơ quan trực thuộc Chính phủ. Để khước từ, ông giải trình trực tiếp với Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương: “Thưa anh, tôi thiết nghĩ đất nước đòi hỏi chúng ta mau chóng đổi mới. (Cương vị ấy) anh nên chọn người có học hàm học vị cao, thông thạo ngoại ngữ. Tôi văn hóa thấp, ngoại ngữ gần như mù tịt, chỉ có nhiệt tình thôi không đủ…”.

Nghỉ hưu tại địa phương, Lê Văn Hoan lao vào công việc từ thiện. Ông dốc sức lực còn lại của tuổi già, mong góp phần làm vợi bớt nỗi đau của đồng bào bất hạnh đang gánh chịu hậu quả chiến tranh: chất độc da cam, con cháu bị di họa, thương tật, bệnh khó chữa, nghèo thiếu… BáoTuổi trẻ xuất bản ở thành phố Hồ Chí Minh, tại một số ra gần đây, dành cả trang báo đăng bài và ảnh, kể chuyện “Ông Hoan từ thiện”.

                  P.Q

 

 
Phan Quang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 187 tháng 04/2010

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

43 Phút trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground