Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Làm gì để bảo tồn và phát triển nền âm nhạc Vân Kiều – Pakô Quảng Trị

 Quảng Trị đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá dân gian, văn hoá phi vật thể. Tuy nhiên, đối với âm nhạc dân gian thì còn quá ít, nhất là âm nhạc của hai dân tộc Vân Kiều và Pakô.

Phận “viên ngọc sáng bị phủ rêu mờ’ của âm nhạc dân gian Vân Kiều – Pakô không phải là vấn đề bây giờ mới được đặt ra. Chủ đề này từng có mặt trong công trình “Âm nhạc cổ truyền Quảng Trị” do Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam và Sở VHTT Quảng Trị thực hiện năm 1997. Đây quả là “Nỗi đau đáu” của nhiều nhà hoạt động văn hoá, những người luôn nặng lòng với sự sống còn của vốn quý dân tộc.

Cuộc sống cần cơm gạo và người Vân Kiều – Pakô cũng cần âm thanh của núi rừng trong tâm hồn của họ. Âm nhạc của hai dân tộc này tuy chưa phong phú và kỹ nghệ chế tác nhạc cụ chưa cao, nhưng nền âm nhạc ấy đã giúp cho một tộc người rung cảm chân thành, tạo cho họ một sức mạnh trường tồn từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Cùng sống trong một khu vực lịch sử, dân tộc học và cùng thuộc một loại hình kinh tế-văn hoá, hai dân tộc Vân Kiều - Pakô từ xa xưa đã có những quan hệ thân thiết với nhau. Ở đây quan hệ trong bộ tộc người, quan hệ với những dân tộc cận cư, quan hệ Đông - Tây Trường Sơn, quan hệ với người Kinh... đã từng xảy ra. Những rõ ràng trong các quan hệ đó thì quan hệ giữa người Vân Kiều - Pakô là mối quan hệ hết sức đặc biệt. Xét trên nhiều phương diện: nhân chủng, nguồn gốc, ngôn ngữ, cư trú, kinh tế, văn hoá... thì hai dân tộc Vân Kiều và Pakô có rất nhiều điểm tương đồng. Có những tập quán, những nghi lễ, các nhạc cụ để tế lễ ở hai dân tộc đều giống nhau. Có thể nói, hai dân tộc Vân Kiều - Pakô có một kho tàng văn nghệ dân gian, kết tinh qua bao đời lao động sáng tạo của cha ông để lại là của riêng từng dân tộc đã đành mà còn là của chung của nhân dân lao động. Kho tàng ấy đã phản ánh một cách chân thực cuộc sống trong quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của bà con dân tộc thiểu số trong các bản làng.

Nhưng kho tàng văn hoá dân gian ấy, nền âm nhạc dân gian ấy đang bị mai một dần trong xã hội hiện đại.

Thực trạng trong nhiều năm qua công tác giáo dục văn hoá truyền thống, giáo dục âm nhạc truyền thống của chúng ta trong cộng đồng là rất yếu kém và thiếu đồng bộ. Công tác bảo tồn chỉ mới dừng ở việc phát hiện, sưu tầm, thống kê mà chưa có kế hoạch đào tạo để phát triển lâu dài. Đây là một việc làm khó và phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều thời gian, phải thực sự là công việc của những người tâm huyết, đặc biệt là người của các dân tộc Vân Kiều - Pakô. Qua đó, để có điều kiện tìm hiểu nghệ nhân, phát hiện nắm chắc các vấn đề về nguồn gốc, xuất xứ, lịch sử dân tộc, cuộc sống, phong tục tập quán và khâu ngôn ngữ, phiên âm, dịch thuật.

Theo chúng tôi, để bảo tồn và phát triển nền âm nhạc Vân Kiều - Pakô Quảng Trị trong tình hình hiện nay, cần phải có những việc làm sau đây:

1. Khi đi sưu tập, khai thác, trước tiên phải lưu ý đến các nghệ nhân dân gian, đặc biệt là những nghệ nhân nhiều tuổi. Những nghệ nhân này hiện lưu giữ trong mình, trong nhà mình một kho tư liệu về văn hoá dân gian nói chung và văn hoá của riêng dân tộc mình. Nhiều nghệ nhân dân gian cho rằng, những gì mà họ biết được và sáng tạo nên là thứ quý giá nhất trên đời, bởi vậy họ luôn giữ bên mình khi còn sống và chết đi cũng muốn mang nó đi theo. Những nghệ nhân này rất được bà con yêu mến và rất có uy tín đối với người dân trong bản làng. Họ biết nhiều nghề như làm thuốc, thầy cúng. Họ am hiểu nhiều mặt trong cuộc sống, nắm được cả vốn liếng về địa lý, lịch sử của dân tộc mình. Có nhiều nghệ nhân giỏi chữ Bru Vân Kiều, đang nắm giữ các tác phẩm cổ xưa của cha ông để lại, có nhiều nghệ nhân giỏi về thêu thùa đã sáng tạo ra nhiều hoạ tiết trang trí trên các chân váy, khăn lúp đầu, thân áo, chăn đắp cho người sống và người chết, không những đóng góp tốt cho cuộc sống hiện tại mà còn lưu tâm truyền nghề cho con cháu mai sau. Có nghệ nhân đã được dân bản tôn là Achuôi giữ kho văn nghệ vì nhớ rất nhiều ca dao, tục ngữ, các truyện cổ  tích, các truyền thuyết về sự hình thành các bản làng, các dòng họ, các giống súc vật, các loại cây trên rừng ...

Có nhiều nghệ nhân nổi tiếng về múa dẻo, hát hay, thổi kèn, thổi sáo, đánh đàn giỏi, có tài kể chuyện trong các cuộc thi hát đối đáp nam nữ giao duyên (Oát, Cha chấp). Chính họ - những nghệ nhân dân gian đang lưu giữ cái gia tài nghệ thuật đầy bản sắc của dân tộc Vân Kiều - Pakô - sẽ là nơi để bắt đầu công việc bảo tồn và phát triển nền văn hoá dân gian miền núi nói chung và nền âm nhạc Vân Kiều-Pakô nói riêng.

2. Sau khi phát hiện ra các nghệ nhân dân gian, bước kế tiếp là mời họ trở thành những người thầy để truyền dạy những gì mà họ biết cho lớp người trẻ tuổi. Thực ra, cái cốt lõi của sự nghiệp bảo tồn, đó là đào tạo và giáo dục. Trong xem xét thực trạng về vai trò hôm nay của nền âm nhạc Vân Kiều-Pakô thì vấn đề giáo dục đào tạo không tách biệt với môi trường sinh thái cổ truyền. Hiểu một cách sơ khai, đào tạo-giáo dục tức là truyền dạy, là hướng dẫn, là chỉ bảo củng cố vốn có nguồn gốc từ trong lòng đời sống xã hội. Sự hướng dẫn, sự truyền dạy, sự chỉ bảo... được thực hiện một cách hồn nhiên, giản dị như bản năng sinh tồn, như chính nhu cầu tự thân của đời sống được thực hiện từ đời này qua đời khác.

Hiện nay, công tác bảo tồn di sản âm nhạc truyền thống đã làm được những động thái tích cực nhưng nó lại quá nhỏ nhoi so với nỗi lo khôn cùng trước sự mất mát mà phần lớn đã theo các nghệ nhân về với Tổ tiên. Nhưng, cái được biết đó chỉ là vài mảng miếng chắp vá, một sự hiện diện quá nghèo nàn so với kho tàng vốn cổ. Cái được hiểu là âm nhạc cổ truyền phần nhiều đã bị biến dạng, ngay “cái lõi” cùng bị cách tân ít nhiều.

Năm năm trước đây, Trung tâm văn hoá thông tin Quảng Trị hàng năm đã tổ chức các lớp tập huấn đàn và hát dân ca cho các cán bộ văn hoá cơ sở của các xã, huyện trong tỉnh. Mỗi lớp tập huấn thường kéo dài từ 3-4 tuần và đã thu lại những hiệu quả thiết thực. Nhưng đó mới chỉ là “lớp tập huấn đàn và hát dân ca Trị -Thiên” chủ yếu là âm nhạc cổ truyền của người Kinh. Vậy, tại sao không mở những lớp như thế cho cán bộ văn hoá cơ sở người Vân Kiều-Pakô ở hai huyện Đakrông và Hướng Hoá?, Nếu việc này không được tiến hành sớm thì những nghệ nhân như ông Pả Hôm (xã Húc Nghì, huyện Đakrông) đã trên 70 tuổi - người biết sử dụng thành thạo 5 loại nhạc cụ và biết nhiều bài hát dân ca của người Pakô, về với tổ tiên thì khó có thể tìm người để truyền dạy cho lớp trẻ. Đây có thể coi là phương thức truyền nghề mang tính thực hành, chứ không chỉ dựa trên lý thuyết sách vở, khả dĩ cho chúng ta thấy những tia sáng của niềm hy vọng.

3. Tuy nhiên, trong một thời đại văn nghệ đa dòng, đa cực đan cài vào nhau và cạnh tranh nhau quyết liệt mà chỉ thụ động trông chờ ở lối lưu truyền mang tính cục bộ, thì liệu âm nhạc Vân Kiều-Pakô có lấy lại được sức sống như ngày xưa từng có? Phải nhìn nhận rằng: để cho vốn cổ trường tồn, việc đào tạo phải có chiều sâu và giáo dục trải đều trên diện rộng. Phải có quan niệm bảo tồn đúng đắn trong đào tạo và quy mô phổ cập của giáo dục. GS.TS. Trần Văn Khê cho rằng: Việc đưa nhạc cổ truyền vào học đường được coi là cách chữa trị hay nhất, tích cực nhất do căn bệnh mãn tính dị ứng với nhạc cổ truyền. Một sự khẳng định dứt khoát: “Giáo dục là cưỡng bức” và “việc học nhiều khi phải đi từ chỗ không tự nguyện tới tự nguyện’. Muốn cái bắt buộc biến thành niềm say mê thì việc học phải luôn đi đôi với cảm nhận và thưởng thức cái đẹp, chứ không thể cứ nặng nề và khô cứng theo kiểu nhồi sọ kiến thức.

Nói vậy để thấy rằng, các trường THPT, THCS dân tộc nội trú của tỉnh, của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Đakrông, Hướng Hoá cần phải có kế hoạch đưa vào chương trình giảng dạy bộ môn “đàn và hát dân ca các dân tộc Vân Kiều -Pakô”. Từ thực tiễn giảng dạy, chúng ta sẽ đúc kết dần những cái hay, cái hợp lý cho phương pháp.

4. Bên cạnh việc đưa âm nhạc Vân Kiều-Pakô vào giảng dạy ở học đường, chúng ta cũng nên tiến hành xã hội hoá đào tạo âm nhạc. Bởi xã hội hoá đào tạo âm nhạc chính là xã hội hoá cái nguồn cội ra đời, xuất xứ và xã hội hoá cả quá trình phát triển, vận động của âm nhạc. Âm nhạc phải được và cần phải đưa nó trở về nơi nguồn cội ra đời, phát triển của nó. Quá trình vận động và phát triển ấy sẽ phải bắt đầu, bám rễ từ chính trong cuộc sống đa dạng, phong phú và quay trở lại phục vu chính cuộc sống con người, bởi con người chính là chủ thể sáng tạo. Những câu ca, điệu hát, diễn tấu nhạc cụ cứ được truyền từ đời này sang đời khác, người biết hoặc giỏi hơn truyền dạy cho người yêu thích theo kiểu truyền  ngôn, truyền khẩu, truyền ngón ... Xã hội hoá đào tạo âm nhạc cũng chính là trả lại cái nguồn gốc ra đời của âm nhạc với các phương thức đào tạo đa dạng hơn, phong phú hơn, linh hoạt hơn, mềm dẻo hơn. Trong đó bao gồm cả việc xây dựng những nội dung đào tạo phù hợp hơn, kết hợp với các biện pháp tăng cường tuyên truyền giáo dục phổ cập âm nhạc Vân Kiều - Pakô tới đông đảo bà con dân bản.

Việc tổ chức lễ hội và tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở các thôn bản sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hoá nghệ thuật của người dân, phổ cập những hiểu biết về âm nhạc của dân tộc mình, đồng thời giáo dục thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho người dân. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện phát triển một nguồn lực dồi dào giúp các trung tâm văn hoá, các trường đào tạo âm nhạc bồi dưỡng và phát triển các tài năng nghệ thuật.

Tính bức thiết của việc giữ gìn và phát huy âm nhạc Vân Kiều-Pakô đang đặt ra cho những nhà làm công tác chuyên môn những vấn đề lớn. Việc khẳng định giá trị kho tàng âm nhạc dân gian miền núi Quảng Trị - một di sản có bản sắc riêng, có lịch sử lâu đời - đang đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn xã hội.

V.T.H

Võ Thế Hùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 129 tháng 06/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground