Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lần theo dấu chân người lính

M

ỗi nhà văn đều có một miền quê sáng tác, một thế giới nhân vật quen thuộc, làm nên sự nghiệp văn học của mình. Số phận văn chương của Nguyễn Minh Châu gắn liền với mảnh đất Trị Thiên và người lính; từ một không gian địa lý cụ thể anh mở ra thành một không gian nghệ thuật rộng lớn hơn, từ người lính, anh đến với thế giới con người với tất cả ý nghĩa vốn có của từ này. Đến đây, nhà văn lại tiếp tục đưa ngòi bút của mình soi rõ một thế giới phong phú, một không gian nghệ thuật rộng lớn hơn, là chiều sâu thăm thẳm của con người, làm hắt sáng lên trên nền vách thời gian những tia sáng mới mẻ của hiện thực cuộc đời.

Hành trình đến với văn học của Nguyễn Minh Châu không dễ dàng, suôn sẻ mà là một quá trình lao động cần mẫn, đầy kiên nhẫn và luôn tìm tòi tự đổi mới. Năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đi vào giai đoạn sôi động, người học sinh chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng nừa tròn hai mươi tuổi ấy, giã từ sách vở lên đường nhập ngũ, trở thành người lính chiến đấu ở vùng địch hậu thuộc đồng bằng sông Hồng; để trở thành tác giả của nhiều tác phẩm làn lượt xuất hiện được đông đảo bạn đọc chú ý: Cửa sông (1967), Những vùng trời khác nhau (1970), Dấu chân người lính (1972), Miền cháy (1977), Lửa từ những ngôi nhà (1977), Những người đi từ trong rừng ma (1982), Người đàn bà trên chuyến tốc hành (1983), Bến quê (1985), Mảnh đất tình yêu (1987), Cỏ lau (1987) và nhiều truyện ngắn, trao đổi, tiểu luận in rải rác bên báo chí Trung ương và địa phương. Có thể nói rằng suốt mười sáu năm của những chặng đầu con đường sáng tác của Nguyễn Minh Châu là quãng đường dài tìm tòi, kiên nhẫn và có những thất bại lặng lẽ. Một vài phóng sự, một vài truyện ngắn phác thảo về chân dung người lính được viết ra rồi được chính tay tác giả hủy đi; một vài bài báo chìm nghỉm giữa Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Thư nhà của Hồ Phương, Vùng trời của Hữu Mai… Những đồng nghiệp mặc áo lính cùng thời. Chỉ sau những chuyến đi vào khu IV và vào giữa những năm sáu mươi, Nguyễn Minh Châu mới tìm ra lối về với biển cả văn chương bằng tiểu thuyết Cửa sông viết về hậu phương miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu, gây dư luận xôn xao đối với bạn đọc và giới phê bình thời đó. Nhưng phải đợi đến đầu năm 1967, Nguyễn Minh Châu có mặt trong đoàn quân ra trận, băng rừng vào chiến trường Quảng Trị sống với hào khí "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", anh mới có bước chuẩn bị bằng các truyện ngắn Mùa hè năm ấy và Mảnh trăng cuối rừng để bắt tay vào viết tiểu thuyết Dấu chân người lính, mở đầu cho hàng loạt các tiểu thuyết và truyện ngắn của anh viết về mảnh đất Quảng Trị - lấy Quảng Trị làm cột neo, để từ đó anh xoay một vòng rộng hơn, xa hơn vào Thừa Thiên, ra Quảng Bình, soi tỏ đến nhiều vùng đất khác nhau trong cả nước. Nhưng dẫu cho nhà văn có quan sát Những vùng trời khác nhau như tiêu đề tập truyện ngắn của anh - ở nhiều thời điểm khác nhau, vẫn không tách rời các không gian Miền cháy ấy, "một chân trời vỏ đạn đang trôi chảy những dòng sông xanh mang tâm hồn thi sĩ đầy lãng mạn" (1), không thoát khỏi những hồi cố, những vang vọng của khói lửa chiến tranh còn in dấu trong tiềm thức trôi theo tháng năm, cho đến những trang viết cuối đời.

Những chuyến đi vào chiến trường dài, ngắn khác nhau không thể đặt trùng khít lên mỗi trang văn, cũng như mỗi tác phẩm ra đời không thể tính bằng những chuyến vào ra. Nhưng có thể nói rằng Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn gắn bó nhiều với chiến trường Quảng Trị, hầu như có mặt liên tục ở "Miền đất cháy, miền đất chết" này, bằng những chuyến đi dài ngày từ ba, bốn tháng đến hàng năm trời: 1967, 1969, 1972, 1975, 1979, 1981, 1984… với những trang ghi chép chi chít chữ, nhòe nước mưa và bụi đất, khét lẹt mùi thuốc súng, ghi vội vã trên đường hành quân, giữa hai đợt xuất kích, hay giữa tiếng reo vui chò đón của mọi người. Lần theo những chuyến đi, những chuyến vào ra, lần theo Dấu chân người lính Nguyễn Minh Châu, tôi muốn tìm ra vóc dáng tâm hồn của một con người có một khát khao đến cháy bỏng "muốn dùng ngòi bút tham gia trợ lực vào cuộc giao tranh giữa cái tốt và cái xấu bên trong một con người trong cuộc giao tranh không có gì ồn ào nhưng xảy ra từng giờ, từng ngày và khắp mọi lĩnh vực đời sống" (2).

* * *

Lấy văn chương làm sự nghiệp đời mình, Nguyễn Minh Châu khao khát sáng tạo. Nhưng nhà văn không thể vượt qua cái nóc của thời đại, dẫu cho ngòi bút của anh luôn năng động, muốn quẫy đạp, muốn tự đập vỡ mình ra để làm lại chính mình. Cũng chính vì thế mà hoàn toàn có thể tìm thấy sự vận động về lý tưởng thẩm mỹ, sự phát triển không ngừng về thi pháp biểu hiện trong quá trình sáng tạo của nhà văn. Ngược lại, cũng dễ dàng nhận ra sự đổi mới, vận động và phát triển ấy là một quá trình nhất quán, không hề có sự mâu thuẫn, kiểu xu phụ, ăn theo của những người-thợ-xếp-chữ, hướng ngòi bút của mình theo không khí của thời cuộc, trái với thói quanh co, uốn éo, trái gió trở cờ.

Giờ đây, ngồi đọc lại Nguyễn Minh Châu, lần tìm lại dấu vết một đời văn chưa phải là đồ sộ, chưa có gì là tòa ngang dãy dọc, nhưng cũng đủ để nhận ra một chân dung văn học đặc sắc, với những phẩm chất văn chương của một tài năng độc đáo. Đó là năng lực quan sát tinh tế, là ngòi bút giàu chất thơ, là tấm lòng đôn hậu rộng mở và chiều sâu triết học về con người - tư tưởng nhân bản trong văn chương. Đó là cái chung, cái nhất quán trong Nguyễn Minh Châu. Nhưng đọc Nguyễn Minh Châu tôi còn gặp nhiều con người trong một con người, ít nhất là có ba Nguyễn Minh Châu: đó là người lính mang trong mình tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hòa nhập cái tôi riêng lẻ của mình vào trong cộng đồng, trong sản xuất và trong chiến đấu ở hậu phương (Cửa sông), hăng hái nhập vào đoàn quân ra trận đối mặt với kẻ thù trong trận chiến đấu một mất một còn (Những vùng trời khác nhau, Dấu chân người lính). Ở Nguyễn Minh Châu giai đoạn này dễ tìm thấy những phát hiện cộng đồng trong đời sống xã hội và khía cạnh cộng đồng trong đời sống cá nhân hơn là tìm thấy ý thức cá nhân để làm nên ý thức cộng đồng. Trong phương thức sử hóa thi hóa nhân vật, để đưa đến sự phân định rạch ròi giữa chúng ta và chúng nó, giữa mất và còn trong thế đối đầu lịch sử giữa dân tộc và xâm lược. Có tìm thấy cái riêng chăng của Nguyễn Minh Châu, là chỗ khả năng am hiểu tường tận về đời sống người lính và người nông dân trên dải đất miền Trung, từ quê hương Nghệ Tĩnh của anh đến Quảng Bình, Quảng Trị. Có cái riêng chăng là chân dung hồn hậu của người dân nghèo khó, bị cuốn hút trong cơn lốc nghiệt ngã của chiến tranh thấp thoáng trong ánh hào quang chiến thắng và sự hy sinh cao cả, là bóng dáng những bi kịch âm thầm. Trong bản hợp xướng tụng ca đang ở phút cao trào, những âm vang mới mẻ kia chưa gây được thanh động, thực sự được ghi nhận. Nếu trong xu huwongs nhìn lại hôm nay, coi đó là một nhược điểm, một "tấn bi kịch đánh mất bản thân mình" (3) cũng chưa thật chính xác, cho dẫu rằng đã có lúc Nguyễn Minh Châu tự kiểm điểm lại mình khi đọc lời Ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa. Bởi lẽ văn học bao giờ cũng là kết quả cử sự tác động qua lại giữa các khuynh hệ tư tưởng thời đại, nhà văn trước hết phải là nhà tư tưởng, là kẻ phát ngôn cho tư tưởng đương thời. Nguyễn Minh Châu là người khẳng định chân lý của thời đại mình là quyết tâm thắng Mỹ xâm lược, còn nếu trong hoàn cảnh đó, lúc này lúc khác, anh chưa thể hiện đúng con người với tư cách cá nhân, ý thức rõ về thân phận cá nhân mình trong bão lửa của chiến tranh, có lẽ là sai lệch có tính chất lịch sử.

Con người thứ hau nằm lên giữa trang văn Nguyễn Minh Châu là người lính trở về sau ngày chiến thắng, mở ra tấm lòng bao dung, nhân đạo của người chiến thắng, lại đang đứng trước bao lo toan của cuộc sống đời thường, chiến tranh dai dẳng đã chấm dứt, người lính cách mạng trước hết phải là người lính mang bản chất nhân đạo của người cộng sản, biết nhìn nhận đâu là kẻ thù, đâu là nhân dân và sẵn sàng tha thứ để hàn gắn vế thương chiến tranh trong lòng mỗi con người (Miền cháy), đồng thời phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, của con người với bao nhu cầu phức tạp của nó (Những người đi từ trong rừng xa). Ở những trang viết trong giai đoạn chuyển tiếp này, về căn bản Nguyễn Minh Châu vẫn giữ quan niệm nghệ thuật về con người và thi pháp biểu hiện theo kiểu cũ, giống như những trang viết của anh trước 1975. Những yếu tố mới mẻ, những đóng góp của riêng Nguyễn Minh Châu mới được thẻ hiện ở những đề xuất có tính dự báo, mới đưa ra những thăm dò, chưa kể khẳng định trong xã hội có nhiều chuyển động mạnh nhưng văn học vẫn trượt đi trên một đường ray có sẵn, là tư duy nghệ thuật đã trở thàn lối mòn của văn học viết về chiến tranh. Cái mới đó, sự đổi mới có tính tiêm cảm ấy, là cần thoát ra cách nhìn cổ điển của chủ nghĩa lý lịch (Miền cháy) là sự dự báo về chủ nghĩa công thần, là những biểu hiện bắt đầu của chủ nghĩa thực dụng, vật chất hóa xâm chiếm dần cốt cách con người sau chiến tranh (Lửa từ những ngôi nhà)…

Từ góc độ thi pháp, quan niệm nghệ thuật về con người, logic phát triển về tư duy nghệ thuật có thể xếp sáng tác của hai giai đoạn này là một, là giống nhau. Có khác chăng, ở ba tiểu thuyết sau này, Nguyễn Minh Châu đã từng bước tách con người ra khỏi cộng đồng, bắt đầu đứng riêng ra khỏi hàng ngũ, khỏi điều lệnh của tập thể, nhưng chưa khẳng định được mình với tư cách cá nhân và chưa ý thức đầy đủ về thân phận của nó với tư cách là một sinh thể tư duy.

Truyện ngắn Bức tranh là một bước ngoặt lớn nhất trên con đường văn học dài gần 40 năm của Nguyễn Minh Châu. Ở đây, một Nguyễn Minh Châu mới lạ của Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Mảnh đất tình yêu và Cỏ lau, khác hẳn với Nguyễn Minh Châu đã đi qua còn để lại Dấu chân người lính mà còn đưa dẫn đến sự khác biệt, sự đổi mới ấy, anh phải đi qua những Miền cháy và nhìn thấy dấu hiệu Lửa từ ngôi nhà… Vai trò tích cực xã hội của mỗi cá nhân sau khi đã tách rời khỏi cộng đồng (mà do hoàn cảnh chiến đấu phải hòa lại làm một, đoàn kết thành một sức mạnh) trong công cuộc xây dựng xã hội mới được khẳng định rõ rệt. Đó là cơ sở xã hội - lịch sử khách quan đã tạo ra một tâm thế sáng tạo mới do những người cầm bút hôm nay, tâm thế chủ động của người cải tạo hoàn cảnh, làm chủ tình huống. Lối viết đơn giãn, một chiều không còn đáp ứng nhu cẫu xã hội - thẩm mỹ nhiều mặt của đời sống đương thời. Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Chiếc thuyền ngoài xa, Khách ở quê ra… là những nhát cuốc mở đường, phát ra một lối mới để đi vào một thực tại phức tạp đầy biến động; một vệt sáng rọi lên bức màn còn khuất nẻo của hiện thực, ghi nhận sự chuyển mình của cả đất nước, mở ra khuynh hướng dân chủ hóa, nhân dân hóa trong ý thức nghệ thuật, phá vỡ thư pháp cổ điển chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX (hoặc là một sự lặp lại, nhai lại) đang chắn ngang con đường tiếp cận đời sống đích thực của văn học. Đó là con đường tìm ra nhân cách của chính người sáng tạo từ góc độ nhân bản.

Đã từng diễn ra trong một thời gian dài con người trong văn học cách mạng (do hạn chế tất yếu của quyết tâm thắng lợi, như nhiều người đã nói đến) được soi rọi dưới tọa độ duy nhất là xã hội - cộng đồng. Nguyễn Minh Châu đã từng có ý thức cựa quậy để thoát khỏi cái cũ, lần tìm đến một quan niệm mới về một con người, nhưng đến nay mới bắt đầu tìm ra lối. Sắm vai, Bức tranh, Dấu vết nghề nghiệp, Chiếc thuyền ngoài xa là những trang tự nguyện, thể hiện cái tâm lý tìm đường, là bước đường tự nhận thức và thái độ dấn thân lặng lẽ nhưng đầy dũng cảm với một sức mạnh tư tưởng cường tráng của Nguyễn Minh Châu.

Nhiều người cho rằng, với tiểu thuyết Mảnh đất tình yêu, truyện vừa Cỏ lau và hầu hết các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 đã chứng minh cho sự tự đổi mới trong tư duy nghệ thuật của tác giả, đi trước công cuộc đổi mới của đất nước ta. Nói như vậy quả không quá lời, song, theo tôi, để có công cuộc đổi mới hôm nay trong văn học cũng như trong xã hội là nhờ có sự đóng góp của Nguyễn Minh Châu. Anh đã góp phần vào tiến trình phát triển của ý thức xã hội đã soi ngòi bút sắc sảo của mình vào chính bản thân sự nghiệp văn học mà anh đã thác cả cuộc đời mình vào đó, để góp phần thúc đẩy sự nhìn lại, nhìn thẳng vào thực chất của xã hội sau chiến tranh. Một lần đối chứng, Bến quê, Mảnh đất tình yêu đã đi sâu vào những vấn đề xã hội, để khái quát lên thành triết học nhân bản, dệt nên mảnh đất của đời người, của tình đời: "Tôi buông bút ra vườn. Sáng nay ngoài vườn sao có nhiều gió? Hẳn vẫn những ngọn gió này đã từng thổi qua mặt bà tôi, thổi vào cuộc đời đầy đau khổ và cô độc của bà tôi? Tôi lắng nghe tiếng lá reo quạch ào ào. Tôi nhìn lên vòm lá, muốn hỏi từng lá cây trong vườn - loài thảo mộc từng sống cùng thời với bà tôi - những cây nào đã từng đổ bóng xuống cái vai bà tôi" (Sống mãi với cây xanh, tr.53).

* * *

Là người viết có ý thức sâu sắc về nghề văn, Nguyễn Minh Châu đã tự vạch ra cho mình một con đường tiếp cận hiện thực. Có thể, còn có một đôi chỗ, đôi nơi, tính luận đề của truyện chưa tan vào máu của nhân vật, nổi lên một số đường ngang dọc như nét phác thảo chưa kịp xúa hết của người họa sĩ sau khi đã hoàn thành công việc. Nhưng toàn bộ tư tưởng - nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu được khẳng định không thể phai mờ. Một con người Việt Nam đi từ nô lệ, nghèo khó đến với chiến tranh cách mạng và tự hoàn thiện mình trong công cuộc đổi mới. Cái tam giác nhất quán, trở thành trung tâm chi phối toàn bộ tư duy nghệ thuật của nhà văn (dẫu rằng tư duy ấy luôn vận động, đổi mới) là chân, thiện, mỹ - điều cốt lõi của sáng tạo nghệ thuật, trở thành tiêu chuẩn của mọi thời đại, là định mệnh của văn chương cột chặt, trì nặng tâm hồn mỗi nhà văn.

Còn phải kể thêm rằng, ngôn ngữ trần thuật tự nhiên như chính đời sống, được Nguyễn Minh Châu sử dụng, kết hợp với lối dẫn dắt cốt truyện đan cài, xâu chuỗi lại, có khi chuyện chưa thành "chuyện" mà chỉ nhằm chuyển tải tư tưởng người viết, nhưng tính luận đề lại hiện ra giữa hai hàng chữ, hằn nổi lên giữa trang văn thân phận của con người sống động, dậy hẳn lên, thu hút người đọc. Thú thật, có thể đọc lại Cửa sông, Dấu chân người lính… những sáng tác vào giai đoạn đầu của anh, sẽ làm chúng ta thấy mệt mỏi. Nhưng nên bắt đầu từ chính những tác phẩm ấy, mới thấy hết được những giá trị lớn lao của những tác phẩm như Bến quê, Cỏ lau, Mảnh đất tình yêu… Điều đáng nói hơn, con người, không gian, thời gian trong truyện của anh bao giờ cũng cụ thể, nhưng lại có sức khái quát mang ý nghĩa của con người thời đại, đang sống trong miền quê khác nhau, trong những thời điểm khác nhau. Ấy là nhờ nhà văn có được khả năng am hiểu nhiều loại người trong đội ngũ những người ra trận - người lính - nhiều miền đất khác nhau đang hội tụ về Quảng Trị - nơi địa đầu giới tuyến, nơi có cuộc đụng đầu lịch sử của dân tộc ta trong cuộc chống ngoại xâm.

Nguyễn Minh Châu sinh ra ở đấy Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhưng có thể nói rằng Bình Trị Thiên - mà chủ yếu là Quảng Trị, nơi mọi người đang dõi theo dòng chảy của con sông Bến Hải - là nơi sinh thành nên một Nguyễn Minh Châu, như chúng ta có được hôm nay. Miền đất ấy đang còn in dấu chân anh, còn mãi ấm nóng, còn lưu lại dấu vết trong trái tim bạn đọc khắp mọi miền.

                                                                                                      P.P.P

_______________________

(1) Nguyễn Minh Châu - Vùng đất mời gọi văn học. SH số 16

(2) Nguyễn Minh Châu - Hội thảo truyện ngắn - báo - VN số 28.1985.

(3) Lã Nguyên - Nguyễn Minh Châu và bài học đổi mới tư duy nghệ thuật SH số 39.

Phạm Phú Phong
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 54 tháng 03/1999

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground