Đầu tháng 6/2022, ông cho ra mắt tập trường ca Lời con sóng Bến Nhà Rồng nhằm hưởng ứng cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt 1, giai đoạn 2021 - 2025.
“Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác là đề tài đồ sộ, là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo văn học nghệ thuật. Trường ca Lời con sóng Bến Nhà Rồng cũng nằm trong mạch nguồn cảm hứng sáng tạo đó. Trường ca này tôi trăn trở đầu năm 2020, từ tháng 5/2020 bắt tay sáng tác cho đến tháng 5/2022 thì xuất bản. Như thế phải mất hai năm mới hoàn thành tác phẩm” - tác giả chia sẻ. Cảm xúc chủ đạo của trường ca Lời con sóng Bến Nhà Rồng là tình cảm chân thành kính yêu, sự ngưỡng mộ về lý tưởng cao đẹp, về đạo đức sáng ngời, về phong cách gần gũi, giản dị của vị lãnh tụ vĩ đại, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh.
Trường ca, hiểu nôm na là tác phẩm dài bằng thơ, có nội dung ý nghĩa xã hội rộng lớn. Theo nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Trường ca với nghĩa đen là bài hát dài, có lẽ đã được bắt đầu như vậy. Qua nhiều thời đại, loại bài hát dài bằng thơ kể chuyện phát triển, và mở ra nhiều hướng khác nhau, và người ta căn cứ vào những đặc điểm có tính riêng biệt của nội dung và hình thức của chúng mà chia ra những thể loại: truyện thơ, trường ca, thơ dài… như hiện nay. Nhưng để có một định nghĩa chuẩn xác về thể loại trường ca thì quả là khó, quá khó. “Dù có cốt truyện hay không có cốt truyện, sự thành công của nhiều trường ca cho thấy rõ điều này: trường ca phải phản ánh được những sự kiện lịch sử có ý nghĩa rộng lớn và soi sáng được cuộc sống của Nhân dân trong toàn bộ tính đa dạng của nó” (Nguyễn Trọng Tạo).
Trường ca Lời con sóng Bến Nhà Rồng gồm 5 chương, với 1.202 câu thơ tự do. Chương I - Đi tìm hình của nước gồm 205 câu thơ là sự khái quát những sự kiện quan trọng, những dấu mốc đáng nhớ quá trình 30 năm đi tìm hình của nước của Bác kể từ ngày rời Bến Nhà Rồng ngày 5/6/1911 đến ngày 28/1/1941 Bác trở về Tổ quốc thân yêu. Lênh đênh trùng khơi anh ao ước / Đến một ngày dân ta hết lầm than / Độc lập, tự do, hạnh phúc ngập tràn / Việt Nam mình sánh vai bè bạn.
Chương II - Trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam gồm 165 câu thơ tổng kết những sự kiện quan trọng về sự lãnh đạo trực tiếp của Người làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời, lở đất; thành lập Nhà nước Công - Nông đầu tiên ở Đông Nam Á với Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử ngày 2/9/1945. Chiến thắng lẫy lừng của ý chí niềm tin / Dân tộc Việt Nam mở ra thời đại mới / Thời đại chiến công và niềm tin chói lọi / Thời đại vinh quang - thời đại Hồ Chí Minh.
Chương III - Lãnh đạo thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược gồm 233 câu thơ, tác giả tập trung khái quát những chỉ đạo quan trọng của Bác Hồ về xây dựng CNXH ở miền Bắc; chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân và biệt kích của Mỹ - ngụy đối với miền Bắc; chỉ đạo nhiệm vụ chi viện của hậu phương miền Bắc cho cách mạng miền Nam; đồng thời theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời nhiệm vụ đánh thắng các chiến lược của Mỹ - ngụy, giành nhiều thắng lợi quan trọng. “Tổ quốc Việt Nam không thể nào chia cắt/ Đó là quyết tâm sắt đá của Người”.
Chương IV - Năm cuối cùng của cuộc đời và bản Di chúc thiêng liêng, gồm 205 câu thơ đúc kết những sự kiện quan trọng về cuộc đời, sự nghiệp cao cả của Bác, nêu lên những tình cảm sâu nặng của Bác đối với đồng bào hai miền Nam Bắc và bạn bè quốc tế; ước nguyện của Người được vào thăm đồng bào, chiến sỹ miền Nam; nghị lực phi thường của Bác chống lại bệnh tật để được cống hiến nhiều hơn cho Đảng, cho nước, cho dân. Đồng thời nội dung cốt lõi của Bản Di chúc thiêng liêng Bác Hồ để lại, là áng văn tuyệt bút của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, của vị lãnh tụ vĩ đại, của người anh hùng giải phóng dân tộc và nhân danh văn hóa thế giới. Bản Di chúc của Người là niềm tin ý chí / Là tinh hoa khí phách Việt Nam.
Và từ đây lịch sử đã sang trang / Bước ngoặt mới mở ra chân trời mới. Chương V - Làm theo Di chúc Bác Hồ, giành nhiều thắng lợi mới, tác giả tổng kết những thắng lợi to lớn sau hơn 50 năm làm theo Di chúc của Bác qua 249 câu thơ. Trong đó nêu đậm nét những thành tựu quan trọng hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh của Đảng và 35 năm thực hiện đường lối đổi mới. Đặc biệt, tác giả phân tích có hệ thống các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (2021 - 2026).
Ngoài trường ca Lời con sóng Bến Nhà Rồng, tập sách còn có phụ bản gồm 21 tác phẩm thơ với 60 trang thơ. Các tác phẩm thơ nói lên những góc độ, khía cạnh khác nhau về quê hương, tuổi trẻ, các giai đoạn hoạt động cách mạng của Bác và tình cảm chân thành, lòng biết ơn và kính trọng Bác Hồ của cán bộ, Nhân dân và bản thân tác giả.
Trở lại với chủ đề sáng tác về Bác bằng thể loại trường ca không phải là nhiều bởi “độ khó” nhất định của nó và số lượng tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc càng ít hơn. Có thể kể đến như: Trường ca Bác của nhà thơ Lê Đạt, Một người-thơ-tên gọi của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, Trăng Tân Trào của nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhà thơ Lê Đạt cầm bút viết bài trường ca từ sau ngày Bác mất năm 1969, đến tháng 5/1970 thì hoàn thành để kịp giỗ đầu Bác. Tuy chưa xuất bản nhưng nhiều người trong giới thi ca đã chuyền tay đọc tác phẩm Trường ca Bác. Năm 1990, nhân dịp Việt Nam và thế giới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, NXB Thanh Niên in tác phẩm thành sách, giới thiệu bản trường ca tới rộng rãi công chúng. Bao trùm lên trường ca dài 262 dòng là sự tiếc thương, tôn kính với Bác. Chỉ bằng những dòng thơ ngắn, tác giả phác lên chân dung, cốt cách Bác cùng những bước đường mà Người đi qua.
Cuối năm 2019, nhà thơ, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ cho ra mắt bạn đọc trường ca lục bát viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tên Một người-thơ-tên gọi với 12.000 câu thơ lục bát được tác giả viết trong 10 năm bằng tâm huyết và lòng kính yêu đối với Bác Hồ. Trăng Tân Trào là trường ca của nhà thơ Hữu Thỉnh, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được vinh danh Giải A - Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018 - 2020 do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức.
Để có thể sáng tác được trường ca, đòi hỏi sự lao động nghiêm túc và lòng kính yêu sâu nặng đối với Bác và di sản Người để lại cho dân tộc. Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng chia sẻ: “Để có tác phẩm tốt, tôi nghỉ bản thân tác giả phải có tình cảm, lòng kính yêu Bác sâu nặng, từ đó có cảm hứng sáng tạo tác phẩm về Bác. Bản thân tác giả phải tìm tòi, nghiên cứu kỹ quy chế giải thưởng từ đó đi sâu thu thập thông tin, tư liệu viết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác. Những thông tin, tư liệu thu thập phải chính xác, trung thực, chính thống được kiểm định. Từ đó xác định chủ đề tư tưởng, xây dựng đề cương và bắt tay sáng tác. Bí quyết không có gì to tát mà chỉ tóm gọn: Cảm hứng sáng tạo - Thông tin tư liệu đầy đủ, chính xác - Đầu tư công sức sáng tác nghiêm túc”.
T.M