Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lặng lẽ đong đầy một kiếp

T

rải nghiệm, suy ngẫm, triết luận về nhân sinh, người thơ muốn lột khỏi con chữ để đạt đến sự siêu thoát của thơ trong cõi tịch mịch của tâm hồn thi sĩ. Đó là cảm nhận bao trùm nhất khi đọc đi đọc lại tập thơ “Lặng lẽ tôi” vừa được nhà thơ Nguyễn Hoa tặng. Ông đã từng là người lính đi qua chiến tranh, mất còn, thăng, trầm, buồn vui, cay đắng …Ông cũng có: Tuổi trẻ/ Xiết như dòng lũ/ Băng đạn bom xối xả (Trong giấc mơ tôi), ông cũng có kỷ niệm Năm ấy chiến tranh/…/Cùng khẩu súng tôi đi thời tự nguyện (Mây lành trời xa) Thế mà năm mươi bài thơ trong tập không nghe dư âm tiếng súng đùng đoàng, bom cày, đạn xới. Ông không làm một cuộc tái hiện. Lặng lẽ tôi không có chỗ cho bút pháp kể tả. Ở đó cũng không cho những cung bậc nỉ non, da diết, não lòng. Mọi thứ nhập vào xương cốt. Đau cũng không đến mức “tím ruột bầm gan miệng vẫn cười”, vui cũng không đến mức cửa miệng là cửa bể...

Ở cái tuổi sáu mươi Càng đêm, càng lạnh lập đông/ Gió, sao văng vẳng thinh không xui buồn (Vía biếc), ông chế ngự được cảm xúc, chế ngự được sự bốc đồng của ngôn ngữ. Tất cả như một lẽ đi về: “Vui xanh mềm cỏ ướt/ Buồn nuốt mây trắng trôi”… Nhưng cái cách nhà thơ “ngồi thiền” trước vật đổi sao dời, trước nhân tình thế thái mới thật khác người: “Và tôi lặng lẽ tôi/ Đong đầy cho một kiếp” (Đong đầy). Được, mất, hay, dở, khôn, dại, vô hạn, hữu hạn, vinh nhục .. Ông như một vệ tinh quét nhận hàng nghìn lưu ảnh của tháng ngày từng trải, từng thấm, vùi sâu trong ký ức để bây giờ giải mã, phân kim, để nhận mặt vàng thau, để nhận chân cuộc sống. Ông âm thầm nghiền ngẫm từng mạch vỉa từ kỷ niệm dồn về, từ hiện thực muôn sắc màu biến ảo để chắt lấy một giọt nước trong mình uống. Một lần trắng tay để nhớ. Một lần phải dùng tên lót thay tên thật mới được đi chiến đấu, để nhớ. Qua năm lần kể lại những kỷ niệm để nhớ theo kiểu liệt kê bình thường ấy, khổ cuối cùng của bài Để nhớ đột ngột chuyển mạch tư duy: Và để nhớ/ Tiếng vang trong tôi/ Khi tôi tự đập vỡ mình lòe lửa/ Tiếng vỡ như ngọc vỡ làm ta giật mình vì độ nén mà nhà thơ ép được những đợt sóng lừng của bao nhiêu biến cố tạo nên tiếng nổ mình loé lửa/ Tiếng vỡ như ngọc vỡ. Đó là những mảnh vỡ đẹp nhất, sắc nhất không mấy khi có được đối với người cầm bút. Nó chỉ xuất hiện khi tâm hồn, trí tuệ, sự dồn nén gặp nhau thăng hoa bùng nổ. Nguyễn Hoa biết cách làm cho con chữ có một lực áp cực lớn. Điều quan trọng hơn, ông đã biết cách làm ra năng lượng của chữ và nắm bắt được năng lượng, làm cho con chữ thu hút được người đọc bằng năng lượng không phải chỉ trong nội hàm của nó.

Nếu quan niệm thơ là tác phẩm người sáng tác viết một nửa, còn một nửa dành cho người đọc tự cảm, tưởng tượng thì bài Cõi người hoàn toàn đạt yêu cầu ấy. Bài thơ có năm khổ, mỗi khổ chỉ có hai câu. Hãy xem, không, hãy ngẫm ông viết về nỗi buồn nhân tình thế thái:Buồn một trăng mọc/ Buồn một trời sao chín mọc/ Đơn cô/ Hoang sơ/ Buồn một nỗi buồn/ Đợi chờ Buồn ngàn nỗi buồn/ Người tới …/ Hôi hổi/ Cõi người/. Quả là không dễ gì bình phẩm. Những câu thơ không cho ai nhận mặt. Để yên thế thì trong suốt. Để yên thế thì vời vợi. Để yên thế thì soi được đến sâu thẳm tâm trạng, nỗi niềm. Diễn ra là mất hình mất bóng. Diễn ra lại đục. Càng diễn càng thô kệch. Sự tìm kiếm ấy thật trùng khớp với Những suy nghĩ về thơ  của PIERE REVERMY (nhà thơ Pháp, 1889 - 1960) “Nếu nói về thơ, thì ta sẽ tìm đi tìm lại cái chất liệu hiếm hoi và quý báu của nó ở đâu, nếu không phải là trên cao đến chóng mặt của vực thẳm? Cái gì khiến chúng ta quan tâm hơn, đó là sự thành công của sự sắp xếp hợp lý, ít nhiều tinh tế hoặc có sáng tạo những từ, hay là những tiếng vọng sâu xa, huyền bí, không biết từ đâu đến đang xao động dưới đáy vực”. Thơ ông không có cái tinh quái của thơ Bùi Giáng, không có cái ma mị của thơ Hàn Mặc Tử, cũng không có cái ngồn ngộn cuộc sống của Phạm Tiến Duật nhưng ông có cái tấm lưới của một thi sĩ từng trải, nhạy cảm để bắt được “Những từ, hay những tiếng vọng sâu xa, huyền bí, không biết từ đâu đến đang xao động dưới đáy vực”. Cái giỏi, cái tài của thi sĩ chính là khả năng nắm bắt được những cái mơ hồ, những cái mong manh nhất, gọi được nó thành tên, cho nó hình hài và trong lòng người khác nó có khả năng sinh nở. Đọc những câu Xuân chin chín/ Gió dậy thì/ Em chin chín (Xuân chin chín) và: Mòng mọng em/ Trái mở lòng/ Hương lìm lịm/ Măn mắn xuân(Măn mắn xuân) ta hình dung ra trong cõi lặng không những ông vô cùng tinh nhạy trong việc nắm bắt cảm giác đến bất chợt mà còn thể hiện được trạng thái đê mê khoái cảm của tình yêu ở cái độ hấp dẫn nhất của gió dậy thì/xuân chin chín. Như bài Qua chẳng hạn, ông viết:Đá chín/ Vôi nồng/ Qua lửa/ Sắt đỏ/ Thép cứng/ Qua nước/ Chữ biếc/ Thơ non/ Qua em.Cả bài thơ chỉ có mười tám tiếng. Hai khổ đầu (sáu câu), không có gì mới, nhưng đến khổ ba, cái mới bật ra. Chỉ có tình yêu mới làm cho sức sáng tạo, cho thơ luôn đâm chồi nảy lộc, luôn tươi trẻ. Chữ em không bó trong nghĩa dung tục, không trong khuôn một nghĩa đen mà phải được hiểu đấy là tình yêu, tình yêu rộng lớn. Nhà thơ định dạng xã hội qua trái tim. Mọi quy luật đều vọng dội qua trái tim. Đó chính là thiên mệnh của thơ, thiên mệnh của nhà thơ. Tất cả những bài thơ của ông gián tiếp ánh xạ lên điều đó. Và cũng chính bằng nhãn quan nhân sinh ấy ông lý giải được cái đẹp trong chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thuỷ: Khi nhớ/ Bằng tim/ Hiển hiện lên/ Nỗi oan khiên/ Người gái/ Máu chảy/ ngọc trai/ Khi nhớ/ bằng óc/ bài học/ còn tươi/ trái tim/ lầm lạc/ vỡ ngọc trai… (Khi nhớ về câu chuyện cổ). Những bài Giọt hạ, Ban mai, Báu vật, Như gió, Phù sa… tuy đã được nhà thơ dịch chuyển ra khỏi mô típ Khi nhớ về câu chuyện cổ nhưng cách nhìn nhân sinh thì vẫn thế. Hình như thơ ông có chung một cấu trúc Đa ngôn tựu nhất nhãn tự? Bài nào cũng vậy, mọi nguồn dẫn phía trước chỉ nhằm đến một triết lý phía sau. Mắt chữ trong thơ ông thường ở những câu cuối mỗi bài. Cũng đúng thôi. Thơ ông chủ yếu viết cho mình. Chẳng dạy đời. Chẳng cao ngạo. Thơ ông chỉ là sự độc thoại tâm hồn. Đời người như cái cây sau bão/ Đêm gió mưa lặng lẽ đổ/ Vĩnh biệt thành phố mình/ … /Sẽ thành gỗ, củi … lửa (Cây sau bão). Điều quan trọng, đối với một nhà thơ, một người cầm bút phải thể hiện được bản ngã, quan trọng hơn tất cả là phải có được tự do trong tâm hồn. Thực ra, vấn đề này không phải lần đầu tiên được nhà thơ Nguyễn Hoa đề cập tới. Có rất nhiều nhà thơ đã dùng hình ảnh con chim hoạ mi, chim sơn ca… bị nhốt trong lồng; có khi bị nhốt nhiều quá không còn giọng hót hoang dã bản năng nữa; có khi bị nhốt nhiều quá quen đến mức thả ra chẳng biết đi đâu lại thích chui vào lồng!... Chim chích choè là một tìm tòi mới của Nguyễn Hoa. Ông viết: Những con chim vẹt học nói: Biết nói/ Những con chim khướu luyện kỹ: Hót hay/ Những con chim vàng anh chịu chăm: Lông đẹp/ Và cả con chim công dạy nhiều: Múa khéo/…/Chích choè/ Sống không bay nhảy/ Hót hồn nhiên đến ngỡ ba hoa/ Thường cắn lưỡi/ Khi bị nhốt. Bài thơ nói được cái cốt cách, cái lẽ sống, cái khí phách nhưng thoát được cái “văn học ám chỉ”. Giá bài thơ bớt đi khổ giữa thì thật toàn mỹ, toàn bích.

Khi đọc một chùm thơ ngắn của ông in trên báo Văn nghệ, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nói, đại ý, đây mới đích thật là Nguyễn Hoa chứ. Nghe tôi nhắc lại, ông cười: “Có người bảo thơ của mình cứ chắc đóng vón lại như … ấy mà”. Ông nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhắc lại lời người khác “chê” thơ mình thế. Tình thực, có được thơ chắc đến mức đóng vón đâu phải dễ. Ông rõ hơn ai hết “Thiên chức của nhà thơ không phải lẽo đẽo chạy theo hiện thực hoặc nhai lại hiện thực. Nhà thơ tạo dựng một thế giới của ngôn từ lung linh và huyền ảo, hàm chứa, ẩn giấu sự mênh mang của tình thương và cái đẹp. Sự rung động và bộc phát của những cảm xúc dồn nén mãnh liệt trong thế giới siêu cảm của nhà thơ hoà quyện và tan chảy vào thế giới của cái đẹp được thăng hoa trong hình tượng của bài thơ (Về thiên chức của nhà thơ - Võ Tấn Cường). Thơ là cao, là keo của tâm hồn, của trí tuệ. Thưởng thức thơ như người thưởng thức cao hổ cốt. Cao kỹ đã đành. Người thưởng thức cao phải tinh, phải am hiểu cao, phải đúng bệnh, đúng tuổi. Một số bài thơ, câu thơ của Nguyễn Hoa có thể được gọi là cao vậy. Có lẽ chưa bao giờ ông nghĩ thế. Mặc dù tên tuổi ông đã được cả giới Văn nghệ biết đến và kính nể song ông vẫn khiêm tốn. Ông mượn câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha để nói về mình: Tôi đi dưới bóng rợp tên của bạn. Lúc nào ông cũng nhỏ nhẹ, khiêm tốn thế. Nhưng thi ca nó có những đỉnh, những vực riêng của nó. Chính ông cũng phải thừa nhận:Thơ rất cần sự khiêm tốn/ nhưng khi trái chín/ làm sao lại có thể/ bít hương? (Trái chín). Thơ ông đã có những quả chín, có những chùm quả chín. Chín đến độ toả thơm. Mà quả chín thì tự nó ngát hương. Còn cái hương, cái vị ấy là hồng hay là huệ, là sen hay là súng… cứ để bạn đọc cảm nhận xem đó là gì mà tác giả Lặng lẽ đong đầy một kiếp…

            N.M.K

 

 

 

 

__________

* Thơ Lặng lẽ tôi - Nguyễn Hoa - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2007

 

Nguyễn Minh Khiêm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 169 tháng 10/2008

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

8 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground