Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lê Duẩn với truyền thống Văn hiến dân tộc

LTS. Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7.4.1907 tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; mất ngày 10.7. 1986 tại Hà Nội. Sớm giác ngộ cách mạng, Lê Duẩn là lớp người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường chủ nghĩa Mác- Lênin. Thân thế, sự nghiệp của đồng chí đã được khái quát trong diễn văn do Tổng Bí thư Trường Chinh đọc tại lễ truy điệu với những lời tôn vinh, ca ngợi:" Đồng chí Lê Duẩn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều năm là Tổng Bí thư của Đảng, đã cùng với TƯ Đảng lãnh đạo hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và đưa cả nước lên CNXH, người chiến sĩ quốc tế trong sáng được kính trọng trong phong trào cộng sản quốc tế và trên thế giới,người cộng sản kiên cường suốt đời phục vụ nhân dân..."

Hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn rất rộng trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, tư duy sáng tạo của đồng chí rất lớn ở nhiều lãnh vực đời sống: Chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tôn giáo, văn hoá, nghệ thuật. Trong bài viết này, GS. Hồ Sĩ Vịnh chỉ đề cập đến những đóng góp của đồng chí ở lãnh vực văn hoá, văn hiến dân tộc.

Ở những nhà chính trị xuất sắc, những nhà văn hoá lớn tầm tư duy sáng tạo thường xa rộng, cởi mở và có hệ thống. Đó cũng là đặc điểm tư duy sáng tạo lớn của Lê Duẩn. Những kiến giải của đồng chí về văn hoá dân tộc, về con người mới, về nền giáo dục thường gắn liền với truyền thống văn hiến dân tộc. Những lập luận của đồng chí cách đây nhiều thập kỷ không chỉ không lùi vào dĩ vãng, mà còn có ý nghĩa cập nhật hôm nay. Xin dừng lại hai nội dung:

- Con người Việt Nam, vị trí to lớn của người mẹ, giá trị gia đình truyền thống Việt Nam.

- Truyền thống hiếu học, trọng học, trọng tài là một đặc điểm văn hiến của văn hoá dân tộc và của các thế hệ hôm nay.

I. Mỗi một thời đại đều có quan niệm khác nhau về con người. Ở phương Tây, nguồn nhân lực là một cấu trúc gồm: Con người, Trí tuệ và Đất (Man, Mine and Land). Trong triết học phương Đông, trong đó có Việt Nam, người ta coi con người là một trong ba ngôi (tam tài): Thiên, Địa, Nhân của vũ trụ bao la. Ở thời đại Hồ Chí Minh, từ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến các nhà lãnh đạo cao cấp, các nhà văn hoá lớn đều có những kiến giải sâu sắc về con người và nguồn nhân lực. Với Lê Duẩn, con người trước hết là con người lịch sử. Ở nhiều bài viết chúng ta thấy đồng chí diễn giải phạm trù này trong mối quan hệ biện chứng của những thành tố tưởng như tương khắc: tình cảm và lý trí/ tình thương và lẽ phải/ cái riêng và cái chung/ truyền thống và hiện đại. Đồng chí viết:" Đã là một con người thì phải có cái riêng của con người. Không thể có con người siêu hình... Không có cái riêng con người nữa thì xã hội sẽ mất hết ý nghĩa, mất cơ sở"*. Và một đoạn văn khác:" Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không bao giờ chủ trương xoá bỏ quyền lợi cá nhân, mà chỉ làm sao cho quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể nhất trí với nhau. Hơn nữa hiện nay về mặt kinh tế, phần cá thể vẫn còn là một nguồn sống của chúng ta" (i,152). Từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, giữa bao nhiêu lý lẽ để biện hộ cực đoan cho cái chung, cái tập thể mà nói được những luận điểm như vậy về quyền cá nhân, cá tính của con người chỉ có thể là một tư duy sáng tạo rất lớn. Nhiều thập kỷ gần đây, nhờ sự phát triển của các khoa học về con người như triết học, tâm lý học, sinh học, thần học.v.v... các nhà khoa học khảo sát đối tượng con người trong mối quan hệ đa chiều: Con người xã hội (giai cấp, thành phần xã hội, học vấn); Con người tâm lý, con người sinh học (thể lực, chiều cao, trọng lượng, sinh lý, dục vọng); Con người tâm linh (tín ngưỡng, niềm tin vào tôn giáo). Không biết từ những chỗ dựa nào mà ngay từ bấy giờ (vào những năm 60,70 của TK.XX), Lê Duẩn đã đề xuất những ý tưởng sáng tạo về con người và chống sự nghiên cứu biệt lập về con người. Về con người xã hội, đồng chí nói con người là sản phẩm lịch sử của một xã hội nhất định. Xã hội thay đổi thì con người cũng không đứng yên" (i,157). Về con người tâm lý đồng chí chú ý phương diện tình cảm của con người, quy luật cuả sự sống tự nhiên. "Người ta làm một việc gì đem lại lợi ích chung, thì đồng thời cũng có phần lợi ích riêng của con người ta trong đó". (i,152). Bấy giờ, do hoàn cảnh lịch sử chưa cho phép, Lê Duẩn chỉ nói đến bản chất của lòng tin, lòng tin mạnh đến mức có thể chết, chứ không bao giờ bỏ lòng tin. Còn biểu hiện một số đông tín đồ tin vào Chúa, vào đức Phật v.v. thì đó chỉ là do tình cảm chứ không có hiện tượng thần bí. Chủ nghĩa xã hội tôn trọng tín ngưỡng của giáo dân, tín đồ bởi đó là một phương diện tâm linh làm phong phú đời sống tinh thần của họ: "Phải thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng thật sự, đừng nói dối..., làm công tác mặt trận là phải biết cách thuyết phục bằng lý trí, tình cảm chứ không bằng quyền uy..."**.

Lê Duẩn cũng chưa có đủ những điều kiện để nói nhiều đến con người sinh học, về nhân tính, về tính dục, nhưng đó đây đồng chí khái quát thành quy luật tự nhiên khi bàn đến con người. Nguyên tố gia đình là một ví dụ: "Gia đình là tế bào của tự nhiên của xã hội, là hình thức tồn tại của đời sống con người. Không có gia đình để tái sản xuất ra bản thân con người thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được" (i, 257).

Nói đến con người Lê Duẩn nói trước tiên là người phụ nữ Việt Nam, thiên chức người mẹ Việt Nam, gia đình truyền thống Việt Nam. Với những lập luận có hệ thống, đồng chí đưa lên hàng đầu trình độ làm chủ của người phụ nữ mới, coi đó là thước đo trình độ phát triển, tiến bộ xã hội; Vấn đề bình đẳng giới để nói về quá trình giải phóng phụ nữ với mục tiêu là họ có thể tự tin, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên và làm chủ bản thân. (i,248, 249). Với tư cách là người làm con, làm chồng, Lê Duẩn thường có những tâm sự da diết một về vị trí tôn quý của người mẹ, vai trò đảm đang người vợ trong gia đình như một dáng nét văn hoá Việt Nam. Tết Tân Hợi, 1972, nhà thơ Bảo Định Giang sau khi cùng với một số văn nghệ sĩ đến chúc tết Tổng bí thư Lê Duẩn có kể lại lời Tổng bí thư trong một hồi kí gặp "Gặpđồng chí Lê Duẩn" rằng, các nhà cách mạng đều được người mẹ che chở, giúp đỡ tận tình. Cụ Phan Bội Châu trước đây chịu ảnh hưởng sâu sắc của người mẹ. Bà thường răn con đừng làm những điều trái với lẽ phải, và chính lời khuyên đó đã góp phần hướng cụ Phan đi vào con đường yêu nước (ii, 851). Dưới lăng kính văn hoá của Lê Duẩn, thiên chức người mẹ thật cao quý: "Ngay cả việc sinh đẻ, nuôi dạy con cái, những công việc của người vợ trong gia đình cũng mang tính xã hội sâu sắc..." (tr.252); "Người mẹ sinh con, nuôi dạy con, duy trì nòi giống, bảo đảm cho xã hội phát triển..." (tr.263) và đặt người mẹ vào địa vị tôn kính: "Cha sinh không bằng mẹ dưỡng""người mẹ còn dưỡng, vừa nuôi vừa dạy" (tr.263). Còn bây giờ thì người mẹ còn phải lo cho con ăn học bằng người, có việc làm, có hạnh phúc lứa đôi .v.v. Những lập luận này của đồng chí cũng không dừng lại ở những con chữ khô khan, những tuyên ngôn to tát, mà thường gắn lý trí với tình cảm, lẽ phải với tình thương. Câu chuyện về anh Ba Duẩn ở Sài Gòn của bà Nguyễn Thị Loan (nguyên uỷ viên BCH cứu quốc Nam Bộ) cho ta biết một thế giới tràn đầy cảm xúc, mênh mông tình người của người cộng sản. Bà viết: "Anh thường nói về chuyện người mẹ Việt Nam nhân hậu, đảm đang, về vai trò của người mẹ trong giáo dục con cái. Anh ca ngợi hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, không nơi nào có được... Anh nhắc lại chuyện chị Ba ở lại nuôi cha mẹ chồng để Anh đi làm cách mạng..." (ii,129). Bất giác tôi nhớ đến những câu hát ru da diết (mà đồng chí thường dẫn ra các bài nói) của những bà mẹ Trị - Thiên khi nằm trên chiếc võng tre với giọng à ơi... ngọt lịm để đưa con vào giấc ngủ say: Mẹ thương con bằng trời bằng bể; Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn; Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra..."Có thể nói người mẹ ru con bằng toàn bộ tinh lực của mình. Ngoài nghĩa cả đối với đất nước, có tinh cảm nào thiêng liêng hơn tình mẫu tử, có sự hy sinh nào bằng sự tận tuỵ của người mẹ đối với con?" (i, 264). Rõ ràng đứa trẻ tiếp thu văn hoá dân tộc, văn hoá loài người đầu tiên qua người mẹ bằng những lời ru, câu ca dao, chuyện cổ tích, cách xử thế, nếp gia phong, gia lễ, khuyên điều hay răn điều dở..."Người mẹ góp phần giữ gìn và lưu truyền văn hoá từ đời này sang đời khác" (i, 264).

Ngày nay, chúng ta coi gia đình là tế bào của xã hội, văn hoá gia đình đã trở thành giá trị chân chính của đạo đức, nhân phẩm và những giá trị nhân văn truyền thống mà đặc điểm nổi trội là tính huyết thống, truyền thống hiếu học, truyền thống gia phong, gia lễ... cho dù trong điều kiện kinh tế thị trường không phải không có bộ phận người chao đảo, chạy theo xu hướng tiêu dùng, coi trọng đồng tiền hơn nhân nghĩa, thì giá trị văn hoá gia đình vẫn được lưu giữ bền vững vì nó được bảo đảm bằng vàng các giá trị: Chân, Thiện, Mỹ. Cách đây hơn 40 năm, Lê Duẩn đã viết viết những dòng mà thời đó tôi thấy ít người quan tâm: "Gia đình là tế bào tự nhiên của xã hội, là một hình thức tồn tại của đời sống con người. Không có gia đình để tái sản xuất ra bản thân con người thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được"(i.127). Sau khi dẫn lại lời Hồ Chủ tịch "quan tâm đến gia đình là đúng... vì gia đình tốt thì xã hội mới tốt", đồng chí nêu cao sự đồng thuận của vợ chồng trên cơ sở tình sâu, nghĩa nặng, tôn trọng nhau không chỉ lý tưởng chính kiến mà cả cách sống, cá tính, thị hiếu, sở thích... Đồng chí viết "Người cách mạng không coi nhẹ gia đình, không phải là vô gia đình", như luận điệu của kẻ xấu. Nói như vậy vào những năm 60 đã là mới, nhưng vẫn không hề cũ trong tình hình hiện nay, khi một bộ phận bậc làm cha làm mẹ do nhiều lẽ, chối bỏ vai trò thiêng liêng của gia đình, lơ đãng chuyện giáo dục lớp trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành niên. Rất tiếc là hiện nay ở một số gia đình vấn đề gia phong, gia lễ bị chi phối bởi lối sống tiêu dùng; chữ hiếu không được coi trọng "Già không được nuôi, trẻ không được dạy".

II. Truyền thống hiếu học, khổ học, trọng người hiền tài được Lê Duẩn đặt ra trong bối cảnh xã hội, cơ chế tổ chức, đặc biệt là ngành giáo dục, đào tạo với những ý tưởng xanh rờn của cây đời sự sống. Mở đầu bài: Càng yêu người bao nhiêu thì càng yêu nghề bấy nhiêu(tại Đại học sư phạm Hà Nội ngày 29/6/1962) đồng chí nói: "Ngày xưa ở thành thị cũng như ở thôn quê, khi đẻ con ra, người Việt Nam ta lo hai việc, một lo cho con khỏi đói, hai là lo cho con kiếm được năm ba chữ để làm người" (i.279), mà ngày nay chúng ta gọi là xây dựng văn hoá cá nhân. Nhà giàu, nhà đủ ăn cho con tới trường đã đành, nhà nghèo thậm chí rất nghèo cũng có tâm lý cho con mình bằng người. Hiếu học đi liền với khổ học. Ngạn ngữ dân gian có câu "Nửa bụng chữ bằng một nửa hũ vàng", biểu tượng lòng ham muốn học thức của dân tộc ta. Ngay từ năm 1962, khi việc ta còn ngổn ngang trăm mối, tư duy của người lãnh đạo cao nhất tập trung cho hai chiến lược lớn cách mạng, Lê Duẩn vẫn giành tâm huyết cho ngành giáo dục, đánh giá rất cao ngành sư phạm, coi ngành giáo dục, ngành sư phạm là "Công nghiệp nặng" (lúc bấy giờ Đảng và Nhà nước ta chưa coi giáo dục là quốc sách hàng đầu), bởi ở đây đã đào tạo ra những tri thức đa ngành cho xã hội, bởi từ đó "Văn hoá tri thức sẽ tăng cường hơn nữa lực lượng sản xuất". Vì vậy, ngành "Công nghiệp nặng" này phát triển nhanh mạnh và đúng hướng" (i,286); "Tri thức là công cụ để bảo vệ và phát triển đời sống loài người" (i,287). Việc Nhà nước ta chủ trương lớn về việc đào tạo nhiều ngành nghề cho chủ nghĩa xã hội, đưa hàng nghìn người giỏi đi đào tạo tại các trường Đại học danh tiếng ở các nước vào những thập kỷ 60, 70 là bắt nguồn từ tia chớp tư duy sáng tạo táo bạo của Lê Duẩn. Nói về vinh quang đáng nhận vòng nguyệt quế dân tộc, Lê Duẩn không kiệm lời tôn vinh người thầy: "Nghề thầy giáo là nghề nhiều bạn nhất, là nghề có đời sống tình cảm dồi dào và phong phú nhất" (i,197). "Công việc của người thầy giáo cũng chẳng khác gì với công việc của người làm vườn; đối với hạt giống, những mầm non, phải chăm chút từng ly, từng tý, hết sức kiên nhẫn thận trọng" (i,298).Quan niệm thầy giáo là "ông đồ gàn" "Người đưa khách qua sông" đối với Lê Duẩn thật xa lạ, bởi người thầy trong truyền thống văn hiến dân tộc, là người trong sạch nhất; Người xưa coi thầy như là cha, lại ở ngôi vị thứ hai: Quân- Sư- Phụ, vì vậy trách nhiệm của người thầy thật cao cả và nặng nề. Người thầy không chỉ có kiến thức sâu rộng, đặc biệt là những tri thức về những giá trị Chân- Thiện- Mỹ trong lịch sử dân tộc, mà còn là nhà giáo dục nhân ái, người xây dựng tình cảm cho lớp sau và sau cùng, trong quan hệ giữa người dạy và người học là nghĩa thầy trò, tình bầu bạn.

Nhiều thập kỷ gần đây, đặc biệt là trong hai mươi năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta, với nhiều nghị quyết qua các kỳ đại hội Đảng đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu,coi việc đào tạo con người, nguồn lực con người là một trong ba khâu đột phá đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tôi nghĩ trong ba loại vốn đi vào kinh tế tri thức trong thời đại cách mạng thông tin (vốn tự nhiên/ vốn cơ sở vật chất/ vốn người; trong đó gồm những kỹ năng lao động, tri thức công nghệ, phần mềm máy tính) thì vốn người là quan trọng nhất. Những tri thức đó đã vượt qua thời đại mà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn sống và hoạt động, nhưng cái còn lại trong việc giáo dục con người và nguồn nhân lực mà đồng chí thường ấp ủ, thể nghiệm, phát ngôn đó là: Tình thương và lẽ phải, đạo lý dân tộc và tri thức thời đại, trọng hiếu học và quý hiền tài v.v... vẫn là những kiến giải luôn luôn hiện diện ở phía trước. Đọc lại những di sản văn hoá của Lê Duẩn, chúng ta kiên định bài học: Dù có ai lớn tiếng hăng hái nói về" thế giới phẳng", về toàn cầu hoá trong văn hoá, về sự hoà tan nền văn hoá dân tộc, thì xin thưa rằng, trong dòng chảy hội nhập đa văn hoá, sự khác nhau về quan niệm, về nhân sinh, về ý thức hệ là điều khó tránh. Từ đó bản sắc văn hoá luôn luôn đựơc coi là nền tảng của mọi sự tiếp thu văn hoá các dân tộc khác, trên tinh thần đồng thuận, cộng cảm, bao dung văn hoá, tôn trọng cái khác biệt của người, để các dân tộc khác tôn trọng cái khác biệt của ta, miễn là những cái khác biệt đó là những giá trị.

H.S.V

 

 

 

________

* Viện văn hoá: Lê Duẩn về văn hoá, văn nghệ, NXB Văn hoá Thông tin, 1997. Những đoạn trích dẫn về sau trong cuốn sách này chỉ ghi ký hiệu i, và số trang.

** Lê Duẩn là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam. Bài gửi người vào trận mới của Dương Đình Thảo, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tr.720, ký hiệu ii cho những đoạn trích sau.

 

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 151 tháng 04/2007

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground