Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lê Lựu, nhà văn của những tiếng cười

Trong các cuộc đàm đạo văn chương chính thức và bán chính thức, chúng tôi thường đặt cho nhau một câu hỏi rằng: nếu vì một lý do nào đó chẳng may giả dụ như… cháy kho sách văn học Việt Nam chẳng hạn, anh chỉ được phép cứu vội 10 cuốn tiểu thuyết thì anh sẽ chọn những cuốn nào?

Mỗi người đều có những đáp án riêng của mình, nhưng có một sự đồng thuận khá cao khi những cuốn tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu; Số đỏ của Vũ Trọng Phụng; Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường luôn được ưu ái chọn lựa.

Và nhiều khi tôi cứ lẩn thẩn suy nghĩ rằng, nếu như nền văn học nước nhà trong nửa cuối thế kỷ 20 không xuất hiện nhà văn Lê Lựu thì sẽ ra sao nhỉ? Tất nhiên là sẽ không có Người về đồng cóiSóng ở đáy sôngThời xa vắngHai nhà… vâng nếu không có những cuốn sách ấy thì hình như sẽ là một sự thiếu vắng rất đáng kể của nền văn học nước nhà.

Một số tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu - Ảnh: I.T

Một số tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu - Ảnh: I.T

Bản thân Lê Lựu đã là một nhân vật, xung quanh con người và cuộc sống của ông đã dệt nên bao giai thoại khiến cho người đọc, người nghe cười đến ngả nghiêng, và đương nhiên ông luôn là nhân vật trong chính tác phẩm của ông. Khi đã dám đưa chính mình ra để làm nhân vật, để mà đắp lên mình bao “chiếc mặt nạ” để cho người đời khóc cười với mình thì phải là một người có bản lĩnh và tài năng xuất chúng, bởi tâm lí chung của con người là “xấu che tốt khoe”, nhưng Lê Lựu thì không thế.

Đã từ lâu trong giới phê bình học thuật thường hay than vãn rằng văn học Việt Nam quá thiếu vắng sự hài hước, các nhà văn ta viết nghiêm túc quá, điều đó đúng nhưng bản thân chúng tôi xét thấy chưa đủ, liệu chăng chúng ta đang quan niệm hài hước phải là tiếng cười bật ra đầu môi? Cũng giống như làng hài kịch nước nhà hiện nay cũng lắm tiếng cưới đấy chứ, họ còn tự phong cho nhau là ông hoàng, vua hài… nhưng những tiếng cười “cù nách” chỉ có giá trị nhất thời và đem lại tiếng cười quá dễ giải cho lớp người bình dân, nếu cứ kéo dài mãi thì chẳng góp được ích lợi gì trong việc nâng cao trình độ kiến thức thưởng thức nghệ thuật của quần chúng. Tiếng cười có thể không đến ngay và luôn, nhưng tiếng cười còn ở mãi trong mỗi người xem khi nghĩ đến. Và xét cho đến tận cùng thì hình như tiếng cười từ những bi kịch mới là tiếng cười đọng lại sâu nhất trong lòng người đọc. Chúng tôi thấy được điều ấy ở trường hợp của Lê Lựu.

Trở lại tiếng cười trong tác phẩm văn học, mỗi khi nhắc đến yếu tố này, người ta nghĩ ngay đến Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, đúng là mỗi câu văn của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ luôn gây cho người đọc tiếng cười với những trạng huống khác nhau, cười đấy và buồn đấy, cười đấy rồi khinh đấy, cười đấy rồi khóc đấy… nhưng tiếng cười của Vũ Trọng Phụng là tiếng cười “của một ai đó ở ngoài tác giả” điều đó cũng tốt nhưng hình như nó vẫn chưa thấm bằng tiếng cười của Lê Lựu và Nam Cao (ở đây chúng tôi không so sánh về giá trị nghệ thuật của tác phẩm cũng như tài năng của các tác giả). Sở dĩ có nhận định như vậy là vì hình như toàn bộ tác phẩm của Lê Lựu, ông đều “mổ bụng mình ra cho thiên hạ xem”, ông đã biến mình thành nhân vật của chính mình, đưa cái dị mọ nhôm nhoam của chính mình ra để giễu và người đọc qua nhân vật của ông đã soi chiếu lại đời sống, soi chiếu lại chính mình và xã hội đương thời.

Đọc Lê Lựu ở từng câu, từng chữ thì sẽ ít gây cười, nhưng ở những chi tiết, những trường đoạn và sau khi đọc kỹ, ngẫm kỹ sẽ gây cười, ví dụ như chuyện của anh Sài trong Thời xa vắng chẳng hạn. Theo sự chỉ đạo của tổ chức (mà thực chất là một anh “đại diện” tổ chức) là Sài phải kiên quyết cắt đứt quan hệ với người mình yêu để “thực sự yêu vợ”. Hay đoạn viết về buổi họp gia đình, bữa cơm khi nhà có khách, đám ma ông đồ trong Thời xa vắng được miêu tả sống động và hài hước, tạo được một không khi “nhà quê” rất đặc trưng Lê Lựu. Trong truyện Đại tá không biết đùa, đại tá Hoàng Thủy để rèn luyện con, ông đã yêu cầu công an huyện cho Tùy đi tập trung cải tạo, tự xin hoãn đi học đại học ở nước ngoài để làm công nhân, bắt con phải từ bỏ tình yêu với cô gái đã từng yêu một người khác vì cho rằng “người ta đã bỏ được người thứ nhất cũng dễ dàng bỏ đến người thứ một trăm”. Lê Lựu có biệt tài đưa cái hồn nhiên, dân dã vào trong tác phẩm và đặt tên nhân vật, tạo tình huống để có tiếng cười, mặt khác ông cũng có tài khi đưa vào tác phẩm những nhân vật ngớ ngẩn, duy ý chí, cứng nhắc rập khuôn "ngu, ác một cách hồn nhiên” để tạo cho người đọc những tiếng cười thâm sâu mà chua chát. Hay tình huống ông Tâm tốt tính, hiền lành nhưng nhu nhược. Một ông Địa thâm trầm nhưng hèn hạ và độc ác ngấm ngầm trong Hai nhà. Thực chất hai ông chính là hai mặt của một con người, nhưng cái trớ trêu ở chỗ dù hiền lành hay độc ác thì cuối cùng cũng bị những người đàn bà lừa cho trắng mắt, dù dân gian có câu: Đàn ông nông nổi giếng khơi / đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu. Lê Lựu đưa ra một phản đề để người đọc suy ngẫm và cười và đau, cười chua chát cho nhân tình thế thái, cho đạo lý, có tình yêu, tình nghĩa vợ chồng…

Từ trước tới nay khi nhắc đến Lê Lựu, không hiểu vì sao người đọc và cả các nhà nghiên cứu thường ít nhắc đến cuốn tiểu thuyết Hai nhà của ông, theo sự đọc của chúng tôi, nếu đọc và ngẫm kỹ, chính tiểu thuyết Hai nhà là “tập hai” của Thời xa vắng dù tất cả các nhân vật đều khác tên, khác tuổi. Nhưng khi đọc ta sẽ thấy Tâm trong Hai nhà chính là Sài trong Thời xa vắng. Tâm và Sài đều đánh mất bản thân, đều nín nhịn, chiều chuộng vợ và cuối cùng đều bị phản bội. Kết cục của Tâm là hai đứa con mà anh dốc lòng chăm bẵm đều không phải con đẻ của anh, cay đắng hơn, đứa con của một người bạn thân chết oan trong trò gian dâm của vợ anh. Hai nhà và Thời xa vắng đều dần mở ra những ô cửa sổ một để người đọc khám phá căn nhà rộng lớn có tên Lê Lựu, tựu trung lại là những bi kịch do chính con người tạo ra, những bi hài kịch do lòng hận thù, ích kỷ, tham lam, dâm đãng, vô văn hóa của chính con người.

Cũng có thể do cái bóng của Thời xa vắng quá lớn nên đã che mất Hai nhà chăng? Hay vì văn phong của Hai nhà khác với văn phong của Lê Lựu vốn có? Trong Hai nhà là một Lê Lựu lọc lõi, sâu cay và lạnh lung một cách triệt để, một Lê Lựu dám dấn thân đi đến tận cùng của cái ác, cái giả trá và lật lọng? Mà người đời thì vốn thích ấm áp và vị tha? Có phải vì những điều trên mà Hai nhà ít được nhắc đến? Chúng tôi vẫn tin rằng đến một ngày nào đó, nếu bạn đọc đọc kỹ cuốn tiểu thuyết Hai nhà của nhà văn Lê Lựu sẽ nhìn được thêm một mặt vốn khuất lấp của chính Lê Lựu. 

Tuy nhiên nếu đọc văn học mà tin một trăm phần trăm nhân vật là tác giả thì quả là mới đọc ở con mắt chứ chưa đọc bằng cái đầu, nhưng trường hợp của Lê Lựu thì mới chỉ đọc bằng con mắt cũng đã dễ nhận ra, còn nhận ra bao nhiêu phần trăm thì tùy thuộc ở bạn.

N.T.H

NGUYỄN THẾ HÙNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 348

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

18 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

5 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground