Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Levitan không chỉ có mùa thu vàng

Nhắc đến Isaac Ilyich Levitan (1860 - 1900), danh họa người Nga gốc Do Thái, hẳn rất nhiều người đều biết tác phẩm nổi tiếng của ông là bức Mùa thu vàng.

Có thể nói đây là bức tranh phong cảnh được yêu thích nhất và cũng được sao chép nhiều nhất. Song, nếu chỉ có bức tranh đó thì người ta không thể gọi Levitan là thiên tài. Hành trình sáng tác tuy ngắn ngủi của danh họa đã để lại một gia tài tranh phong cảnh bốn mùa đầy cảm xúc bậc nhất xưa nay.

Danh họa Levitan

Danh họa Levitan

Mùa thu đẹp như... tranh

Trước hết, cần phải nói đôi chút về tiểu sử của người nghệ sĩ để hiểu thêm hoàn cảnh ra đời những tuyệt tác. Levitan sinh năm 1860 tại Kibarty, tỉnh Kovno (nay là Litva), một vùng đất thuộc liên bang Nga. Khi Levitan lên 10 tuổi, cả gia đình cùng chuyển về sống tại Moskva. Mỗi ngày, khi cha mẹ đi làm, Levitan thường trèo lên cửa sổ và nhìn ngắm phong cảnh. Chính từ đó, cảm quan thiên nhiên đã ăn sâu và trở thành nền tảng cảm xúc, đề tài chủ đạo của người họa sĩ sau này. Lúc Levitan đang học trường hội họa, điêu khắc và kiến trúc Moskva thì người mẹ qua đời, người cha mất sức lao động, gia đình rơi vào cảnh túng quẫn khiến Levitan gặp nhiều khó khăn. Nhưng chính những tháng ngày đầy tuyệt vọng này đã mang đến niềm khát khao cứu rỗi trong những bức tranh về sau của Levitan.

Bức tranh đầu tiên bán được của Levitan là Ngày thu (1879), vẽ cảnh một cô gái bước đi trong vườn cây. Ngay từ tác phẩm này, họa sĩ đã chọn cho mình một bút pháp vẽ tranh phong cảnh riêng có. Hình ảnh con đường xuyên thẳng chia đôi bố cục tranh theo chiều dọc (chứ không chia bố cục ngang như thường thấy), hai bên là rừng cây chớm thu, một ít cây phong non lá vàng. Cô gái mặc váy bước đi trên đường với hai bàn chân có nhịp điệu. Gam màu trầm, trung tính, nhìn vào có cảm giác là một ngày se lạnh. Phương pháp thể hiện không chú trọng vào điều gì, dường như là dàn tả chung toàn bộ, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy những chiếc lá phong được họa sĩ rê màu một cách có cảm giác.

Bức tranh "Mùa thu vàng"

Bức tranh "Mùa thu vàng"

Bút pháp này được nâng cao và đạt đến đỉnh trong kiệt tác Mùa thu vàng ra đời 7 năm sau đó. Bức tranh vẽ một ngạch nước chảy giữa đôi bờ cỏ nhuốm màu nắng chiều, những cái cây vàng vào kỳ thu chín. Bầu trời xanh soi xuống mặt nước tạo thành đối ảnh khoảng hẹp.
Thực ra ấn tượng nhất của bức tranh chính là những cái cây vàng đặc trưng của nước Nga. Và nó kích thích sự tò mò của nhân loại phải chăng vì sự mặc định lá cây phải là diệp lục, phải là màu xanh? Hãy nhớ lại rằng thế kỷ XIX người ta ít được đi đó đây, thông tin hay hình ảnh về những miền đất xa xôi là điều xa xỉ. Chính những bức phong cảnh của Levitan đã giúp thế giới hiểu biết hơn về nước Nga xinh đẹp, và những chiếc lá vàng đã khiến người ta có thêm thị giác về mùa.

Tranh đẹp hơn cảnh

Kiệt tác Mùa thu vàng trở thành biểu tượng phong cách sáng tác của Levitan, đó là việc phản ánh thiên nhiên bằng những sắc màu ấn tượng. Nhưng hơn thế, gia tài của Levitan là phong cảnh nông thôn nước Nga bốn mùa. Hầu như mỗi người yêu thích ông đều chọn cho mình những bức tranh theo cảm quan riêng. Và có thể nói, thiên tài là người chiều lòng bất cứ ai. Thì cứ nhìn thêm những bức tranh khác của Levitan để thấy, nó không cần những sắc màu vàng, không gian cũng không cần phải đại cảnh chi tiết, đôi khi chỉ rất đơn giản nhưng lại mang đến những cảm giác lạ kỳ. Ấy gọi là nghệ thuật thị giác. Hay nói theo cách khác, tranh phong cảnh không chỉ là thứ ghi lại hình ảnh mà nó phải có câu chuyện được kể, có tư tưởng cần truyền đạt, có tinh thần cần được truyền cảm hứng.

Bức Mùa xuân, con nước vẽ những cái cây cắm rễ giữa nước, tất cả gần như trụi lá, một con thuyền nhỏ không người cô đơn bên bờ. Cảnh ấy thì buồn chứ sao gọi là mùa xuân? Nhưng hãy xem tranh mới thấy cái hồn của mùa xuân được họa sĩ thể hiện thông qua ánh sáng. Ánh sáng cũng không phải từ bầu trời mà chính từ sự va đập vào các thân cây rồi phản chiếu xuống mặt nước. Người ta thường gọi đây là kỹ thuật “bỏ hình bắt bóng”, một thủ pháp thường thấy trong nghệ thuật vẽ tranh phong cảnh, nó cũng tương tự như trong văn chương là nguyên lý “tảng băng trôi”. Đấy vừa là cách khêu gợi sự tưởng tượng của người xem, người đọc, vừa mang tính ẩn dụ cao.

Bức tranh "Tháng ba"

Bức tranh "Tháng ba"

Bức tranh Tháng ba vẽ cảnh tuyết trắng một ngày ngập nắng, con bò vàng phải è cổ kéo cái bừa đứng bên vườn nhà. Ẩn dụ điều gì? Những ai đã trải qua xứ tuyết sẽ hiểu rằng vào những ngày tuyết có nắng là những ngày... lạnh nhất. Lạnh và nhức buốt các xương khớp. Vì chính lúc này nắng đang hút độ ẩm trong không khí nên mười đầu ngón tay sẽ bị buốt như có kim châm. Đấy là nguyên lý của khí quyển. Thế nên trong tranh Levitan không có con người mà chỉ có con bò, một con bò cam chịu. Thêm nữa, vào mùa xuân mà tuyết vẫn còn dày, nghĩa là suốt cả ba tháng không hề có cỏ tươi, con bò tuy có gầy nhưng vẫn nhẫn nại sống và lao động. Đấy chính là sức sống, đấy chính là mùa xuân. Tháng ba trong tiết xuân của nước Nga, nghĩa là chỉ chút xíu nữa thôi, vài hôm nữa thôi tuyết sẽ tan, cỏ sẽ bật mầm, sự sống sẽ trỗi dậy mạnh mẽ. Bức tranh Tháng ba vì thế vừa có vẻ tươi sáng của ánh nắng, vừa có vẻ đau đớn của sự sống, lại vừa mang thông điệp về sự nhẫn nại và ngập tràn hy vọng.

Nhìn những bức tranh như thế này, người ta càng hiểu vì sao tranh lại đẹp hơn cảnh. Bởi cảnh thì vô vàn nhưng tranh là sự chọn lọc những khung hình có câu chuyện. Chúng ta cũng hiểu rằng nhờ đó mà người bạn thân nhất của Levitan chính là nhà văn lỗi lạc Chekhov, vì cả hai nhà nghệ thuật ấy đều có những câu chuyện về cuộc sống mang tính nhân văn.

Nỗi cô đơn được cứu rỗi

Bởi đam mê và sự dấn thân không mệt mỏi, những năm cuối đời Levitan bị suy kiệt, bệnh tật, ông lại không vợ con nên cậy nhờ sự giúp đỡ rất nhiều từ nhà văn Chekhov. Sự cô đơn cũng là một chủ đề lớn trong tranh phong cảnh Levitan, thậm chí nó là đề tài được giới mỹ thuật tâm đắc hơn cả.

Bức Tiếng chuông chiều (1892) vẽ cảnh hoàng hôn trên sông, xa xa bên bờ là mấy nóc nhà thờ đạo Do Thái. Cảnh thì có vẻ... cũng thường. Nhưng, hãy nhìn kỹ dưới sông. Bên này bờ một người cô đơn ngồi trên đò như lỡ chuyến, giữa dòng lại một con thuyền chở đầy người đang sang bờ để đến bến nhà thờ, và bên kia là hai tu sĩ đang đứng chờ. Ánh nắng cũng sáng dần từ bên này bờ kéo qua bên kia nhà thờ, mà lại là nhà thờ Do Thái - tôn giáo gốc của họa sĩ. Lướt qua tiểu sử có thể thấy sự cô đơn lúc này của Levitan có nguyên do bởi những tháng ngày hoang hoảng và bị kỳ thị, buộc sống lưu vong do chính sách bài Do Thái. Ông đã vẽ bức tranh này trên niềm đau thương nhưng không hề uất hận. Con thuyền trong tranh như là con thuyền của Nô-ê trong kinh Thánh, có thể cứu vớt những sinh linh giữa cơn đại hủy diệt.

Về nghệ thuật, rõ ràng đây là một bức tranh mang âm hưởng dòng tranh phục hưng tôn giáo, nhưng đã được giản tiện hóa về hình họa cảnh vật, chỉ giữ lại tư tưởng. Và, tranh màu sắc tôn giáo của Levitan cũng chỉ mang tính gợi chứ không vẽ hết ra, nói hết ra. Nhưng chính cái sự gợi ấy lại hướng đến thông điệp lớn về sự cứu rỗi. Một buổi chiều muộn, một con đò sang sông để đến nhà thờ. Dường như có một lời gọi đầy tin yêu đang chờ họ, chờ những phận người trôi dạt. Và chính điều đó mà danh họa đã đặt cho tác phẩm này một cái tên tựa như... bản nhạc: Tiếng chuông chiều!

Đến đây, có thể mở ngoặc để liên hệ với hai câu thơ bất hủ của Phạm Công Thiện được nhớ nhiều nhất nhưng cũng đa nghĩa nhất: Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn / Cây khế đồi cao trổ hết bông. Mưa đã buồn, lại là cuối tuần, lại là cuối ngày, trên đồi cao chẳng còn gì đến cả cây khế cũng trổ hết bông. Những nghệ sĩ lớn luôn để cho người đời thắc thỏm những điều trái ngoe, và chính đó làm niềm kiêu hãnh cho bộ môn gọi là trừu tượng.

Bức tranh "Trên sự yên tĩnh vĩnh hằng"

Bức tranh "Trên sự yên tĩnh vĩnh hằng"

Nghệ thuật có tiếng vang nhất chính là nghệ thuật không nói gì. Có thể minh họa cho câu nhận xét này bằng một bức tranh của Levitan, đó là kiệt tác có thể xếp ngang độ nổi tiếng với Mùa thu vàng, song giới nghệ thuật lại yêu thích hơn cả là Trên sự yên tĩnh vĩnh hằng (1894). Bức tranh vẽ một khung cảnh yên bình đến tẻ ngắt, trên trời mây xám, dưới là khoảng nước rộng, nhoi ra một cái mũi đất và nổi lên trên đó một cái nhà nguyện đơn sơ. Nếu tả như thế thì hóa ra cảnh chẳng có gì đáng để vẽ! Không cảnh sinh hoạt, không có bóng dáng con người, chỉ toàn là tĩnh vật. Thế mà lại là tranh phong cảnh. Đến đây, người xem lại làm theo cách của một thí sinh, tức đọc kỹ đề bài. Tên tranh là Trên sự yên tĩnh vĩnh hằng, thì đây, trời nước mênh mang không có gì quấy rối, nhìn tít tận chân trời không một bóng nhà, bỗng dưng chỉ một cái nhà nguyện nằm cô độc, như sự độc tôn của thánh thần. Trong những tháng ngày hoang hoải, người nghệ sĩ thiên tài cô độc Levitan thường tìm đến/quy y/hồi cố tôn giáo của chính mình. Bức tranh này là một điển hình cho sự tìm về ấy. Và nó đủ để giải đáp thắc mắc vì sao một cái cảnh tẻ ngắt như thế lại được giới xem tranh trầm trồ.

Levitan từng muốn kết liễu đời bình bằng việc tự bắn súng nhưng không thành, tương tự danh họa Hà Lan Vicent van Gogh cũng tự bắng súng vào đầu mình và thành công! Bù lại, Levian sống lâu hơn danh họa Hà Lan cùng thời... 3 tuổi. Ông sống trọn vẹn 40 năm đầy cô đơn nhưng kiêu hãnh.

Từ cuộc đời ngắn ngủi ấy, chúng ta có thể thấy điều gì? Với người làm nghệ thuật, tài năng thiên phú và đam mê nỗ lực chưa đủ mà phải có tư tưởng và kiến thức. Người nghệ sĩ phải có trong đầu những kiến thức về cuộc sống, về tự nhiên, về cả các thế lực siêu nhiên và tôn giáo. Một tác phẩm chỉ là kiệt tác khi nó không chỉ được thực hiện bằng tài năng, mà còn tâm hồn và tri kiến. Levitan vì thế mà không chỉ có “mùa thu vàng”, ông đã được thăng hoa và an nhiên “trên sự yên tĩnh vĩnh hằng”.

T.V

THUẬN VŨ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 324

Mới nhất

Báo Quảng Trị tổng kết công tác năm 2024

19/01/2025 lúc 00:13

Sáng ngày 18/1, Báo Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền, xuất bản năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đã đến dự.

Ấm áp phiên chợ “xuân biên phòng - ấm lòng dân bản” năm 2025

18/01/2025 lúc 23:01

TCCVO - Ngày 18/01/2025, tại Chợ phiên biên giới Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương trên địa bản tổ chức Chương trình Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng Dân bản” năm 2025 cho nhân dân hai bên biên giới. Tham dự Chương trình có đồng chí Thượng tá Hồ Phú Vinh - Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị, Đồng chí Trần Bình Thuận - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, Thượng tá Phan Mạnh Trường - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo.

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị (mở rộng) cuối năm 2024

18/01/2025 lúc 21:55

TCCVO - Sáng ngày 17/01/2025, tại Hội trường Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng phiên cuối năm 2024. Hội nghị có sự tham gia của các Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020 - 2025, đại diện các phân hội chuyên ngành; lãnh đạo Tạp chí Cửa Việt; chuyên viên Tổng hợp - Hành chính; chuyên viên theo dõi sáng tác, hội viên.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị gặp mặt báo chí Xuân Ất Tỵ 2025

16/01/2025 lúc 20:13

Sáng ngày 16/01/2025, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025. Tham dự sự kiện có đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, cùng lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/01

25° - 27°

Mưa

22/01

24° - 26°

Mưa

23/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground