Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

“Lịch sử riêng” của phụ nữ trong chiến tranh

Từ thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, đã có những phụ nữ chiến đấu trong binh đoàn Hy Lạp. Lịch sử ghi nhận họ là những chiến binh nữ đầu tiên. Thời hiện đại, nước đầu tiên kêu gọi phụ nữ vào quân đội là Anh, khi đó họ phục vụ trong các bệnh viện. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, phụ nữ đã được chấp nhận trong không quân Hoàng gia. Đến Thế chiến thứ hai thì sự xuất hiện của phụ nữ đã rõ ràng hơn, họ phục vụ trong tất cả các binh chủng. Riêng quân đội Xô Viết đã có gần một triệu phụ nữ tham gia bắn tỉa, chiến sĩ súng máy, phi công, lái xe, thợ máy chiến xa hạng nặng.

Họ, những người phụ nữ đã có một “lịch sử riêng” trong chiến tranh. Nhưng xét theo một góc độ nhân học, trong mọi cuộc chiến xưa nay, phụ nữ luôn bị tổn thất nặng nề đau đớn hơn.

Chiến tranh phơi lộ những điều bí mật của phụ nữ

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Svetlana Alexievich. Đây là tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác đã giúp bà mang về giải Nobel Văn học đầu tiên cho Belarus vào năm 2015. Ở một đất nước dân số ít, sinh hoạt văn chương trầm lắng, nên Svetlana Alexievich không được chú ý nhiều, bà từng được ví là danh tiếng không xứng tầm với tài năng. Nhưng một tưởng thưởng xứng đáng khi giải Nobel đã gọi tên bà vì “những tác phẩm đa giọng điệu, một biểu tượng mẫu mực về sức chịu đựng và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta” (diễn từ của Ủy ban Nobel).

Ở khía cạnh thể loại, tác phẩm đã đạt đến sự dung hòa của báo chí và văn chương. Kỳ thực, đó là một cuốn phóng sự ghi chép chân thật, nhưng người đọc có thể thấy nó là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh. Một nhà văn, nhà báo nữ viết về thân phận những người phụ nữ trong chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc chiến mà chính bà cũng dự phần trong đó.

Bà sinh năm 1948 tại quê mẹ Ukraine, cha là người Belarus. Khi cha bà hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Ukraire thì cả gia đình quay về sinh sống ở Belarus. Nối nghiệp cha mẹ, buổi đầu Svetlana Alexievich cũng làm nghề dạy học, nhưng rồi bà theo nghề báo ở một tờ báo địa phương. Trong quá trình đó, bà đã thu thập hàng ngàn tư liệu, băng ghi âm phỏng vấn những người phụ nữ từng tham gia trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Bằng thủ pháp dùng phản đề, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ lại khắc họa rõ nét chân dung những người phụ nữ tham chiến. Cấu trúc của cuốn sách thoạt nhìn có vẻ giản đơn, chỉ là những ghi chép lời kể của nhân chứng. Song, bằng cách triển khai sắp đặt, những câu chuyện rời rạc của các nữ chiến binh lại hiện lên vô cùng sống động. Tác phẩm là lời tự bạch của những phụ nữ từng trải qua Thế chiến thứ hai, họ nói về những khía cạnh khác nhau của cuộc chiến theo một cách mà người đọc hiếm khi được thấy trước đó.

Những cô bé mong muốn được ra trận, bởi trước đó họ thấy bạn bè đã xung phong hết cả. Thế nhưng khi đến phòng tuyển quân thì người ta bảo: “Lớn lên nữa đã, các cô gái. Các cô còn trẻ quá!”. Họ tiếp nhận chiến tranh thật hồn nhiên, như một cuộc chơi trẻ con. Một cô gái gọi điện cho người cô để thông báo rằng “cháu ra trận đây”. Đáp lại là lời mắng của người cô: “Về nhà ngay. Bữa ăn trưa đã nguội rồi”.

Một nữ thượng sĩ trinh sát nhớ lại rằng “khi người ta phát súng, tôi tự hỏi bao giờ người tôi cao bằng súng”. Đến lúc được về phép, chính cô lại mang khẩu súng cao quá đầu ấy chen vào xếp hàng để mua kẹo. Người đọc cảm nhận được chất văn học ở trong những đoạn hồi ức ấy, và đau đớn thay những cô bé gái đã phải ra trận lúc tuổi chớm dậy thì.

Trong những câu chuyện Svetlana Alexievich được nghe khi phỏng vấn, thường thoáng lên những bí ẩn đàn bà. Khi đến nhận ca trực, cô gái đeo đôi hoa tai để làm đẹp trước mặt chàng thượng úy cấp trên, một điều rất bình thường và là sở thích của phụ nữ. Nhưng điều này lại không bình thường trong chiến tranh. Chàng thượng úy đẹp trai (mà các cô gái đều yêu anh) bắt cô ra ngoài gỡ đôi bông tai đi, vì cô là một người lính. Cô gái liền trả lời rằng chiến tranh cần người lính, nhưng chúng tôi cũng muốn đẹp. Nếu đàn ông ra trận có thể mất một chân, nhưng họ vẫn là anh hùng, một nhân vật có thể lấy làm chồng. Nhưng khi một người phụ nữ cụt chân thì số phận đã an bài!

Chỉ trong một mẩu đối thoại nhưng người đọc có thể cảm nhận như một truyện ngắn, một tác phẩm văn chương hư cấu. Ở đó có cả mở nút, cao trào và kết thúc. Có cả tự sự và thông điệp nhân văn. Đấy chính là nghệ thuật cảm xúc của Svetlana Alexievich mà ta có thể bắt gặp rất nhiều trong tác phẩm này. Bà đã vén bức màn bí mật để thấy gương mặt phụ nữ trong chiến tranh.

Cô gái bước vào một phòng thương binh nặng, ở đấy có một đại úy mà các bác sĩ bảo sẽ khó qua khỏi. Cô muốn động viên anh nên hỏi anh muốn gì. Đột nhiên anh mỉm cười, một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt kiệt sức. “Em mở cúc áo blu ra... Cho tôi nhìn vú em... Đã quá lâu tôi không nhìn thấy vợ tôi...”. Cô gái xấu hổ bỏ đi, một giờ sau trở lại thì anh thương binh đã chết.

Mẩu chuyện trên vào thời điểm tác giả viết (đầu thập niên 1980) bị coi là nhạy cảm và bị kiểm duyệt cắt bỏ. Sau này khi in lại, tác giả đưa vào và chú giải thêm phần đối thoại với người kiểm duyệt. Thực sự chi tiết này sẽ khiến độc giả khó chịu một chút, kể cả khi nó được dẫn lại trên báo chí hôm nay. Có người bảo nó lộ liễu quá, sỉ nhục quá, tầm thường quá. Nhưng hãy khách quan, vì Nobel không bao giờ trao cho những thứ tầm thường, văn chương cũng vậy.

Vượt qua những nhạy cảm chính trị, tác giả đã khai thác triệt để bằng góc nhìn bên trong của một người phụ nữ đầy trắc ẩn. Kể cả những nhạy cảm nhân quyền, nhân tính mà đến hôm nay vẫn là vấn đề nóng, thì từ Thế chiến thứ II nó đã thách thức những người đàn bà. Người phụ nữ đã có một đứa con trai và đang mang thai đứa thứ hai. Chiến tranh bùng nổ, người chồng ra trận. Cô phải về ở với bố mẹ và lưỡng lự phá thai, việc bị cấm vào thời đó. Nhưng rồi cô đã hành quyết, cô không thể nuôi thêm đứa nữa. Sau đó cô xung phong ra trận để trả thù cho con, vì nó đã không thể chào đời.

Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ

Những mẩu chuyện trong tác phẩm kinh điển của Svetlana Alexievich hoàn toàn không thuộc về quá khứ. Bởi sau tám thập niên, đến hôm nay những vấn đề đó vẫn còn nhức nhối. Chiến tranh gieo bao tàn khốc đến dân lành, và những người phụ nữ vẫn luôn là phái yếu trong cuộc đạn bom. Cùng với trẻ em, những người phụ nữ là thành phần bị tổn thương nặng nề nhất.

Chính trên vùng đất xảy ra Thế chiến thứ II mà Svetlana Alexievich đã thu thập tư liệu, hôm nay, khói lửa đau thương lại xảy ra. Xung đột Nga - Ukraine vẫn đang diễn ra căng thẳng khiến nhân loại không làm ngơ. Bên cạnh những liên quan đến sự ảnh hưởng của nền kinh tế, thì vấn đề nhân quyền đang được đặt ra trên hết. Ngay khi xung đột leo thang, tháng 4/2022, Liên hợp quốc đã kêu gọi bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở Ukraine. Những cuộc chạy loạn của người dân, sự di tản của phụ nữ và trẻ em trong những vùng chiến sự luôn được xem như một “sứ mệnh khác” của chính quyền trong cuộc. Khi tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ra lệnh cấm nam giới trong độ tuổi nhập ngũ rời khỏi đất nước, thì phụ nữ và trẻ em Ukraine chạy lánh nạn sang các nước láng giềng phía tây, hoặc xuống các hầm trú ẩn. Những thành phần yếu thế trú ẩn cả vào các tàu điện ngầm, những bà mẹ mang thai chờ đợi trong bóng tối để cho đứa trẻ sơ sinh chào đời trong lòng đất.

Trong một diễn biến khác, ở đất nước đối kháng là Nga, dù thanh bình hơn Ukraine nhưng phụ nữ Nga đã tìm đường ra nước ngoài sinh con. Rất nhiều phụ nữ Nga đã tới Argentina theo hình thức du lịch sinh con. Đất nước Argentina cũng chào đón những người phụ nữ này, hơn thế, họ miễn thị thực cho người dân Nga. Việc chọn một nơi an toàn hơn để sinh con là điều nghiễm nhiên. Song, có thể thấy sự bỏ đi của phụ nữ Nga là một “sự phản chiến”, một tố cáo tội ác của chiến tranh luôn đè lên thân phận và nghĩa cử thiêng liêng của người phụ nữ.

Trong cuộc xung đột Nga - Ukrane hôm nay, phụ nữ đã có thể sinh con, dù là trong lòng đất hay vượt biên giới qua nước khác, ít ra họ không đến nỗi phá thai như câu chuyện ở Thế chiến thứ II trong tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ. Nhưng có thể đấy chỉ là bề nổi thông tin chúng ta được biết, còn phía sau chắc chắn vẫn có nhiều uẩn khúc, một “lịch sử riêng” của những người phụ nữ đang còn ẩn giấu như cách nói của Svetlana Alexievich. 

 

VÕ PHÚC AN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 342

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground