Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lời cuối cho một phận người

LTS. Tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “nằm xuống” loan ra chưa hết bàng hoàng thì liền ngay sau đó CV. nhận được rất nhiều bài viết nói lời vĩnh biệt, lời cuối cùng cho một nhạc sĩ tài hoa. Từ các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, nhạc sĩ Thanh Tùng đến ca sĩ Hồng Nhung, anh Đoàn Minh Tuấn, Lê Đức Dục… Trang đời nhạc sĩ họ Trịnh thì rộng lớn mà trang sách CV lại có hạn, vì vậy xin được chọn đăng hai bài viết tại chỗ: Một là của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, hai của anh Phạm Xuân Dũng. Một người là bạn vong niên và một người thuộc thế hệ đàn em.

… Ngựa hồng mỏi vó chết trên đồi quê hương,.

Còn có ai trong cuộc đời

Ôi nhân loại! Còn người và tôi thôi rồi lang thang như mây trời…

“Bộ ba giang hồ” ngày ấy, nay đi đâu về đâu? Sơn đã qua rồi. Đinh Cường thì nay đã định cư ở Hoa Kỳ, đắp một con người bằng tuyết ngay trước sân để suốt ngày ngồi nhìn cho đỡ nhớ. Còn lại một mình tôi với cố đô trầm lặng.

Sơn đã đi đâu, bỏ ta một mình. Ngày ấy, vào chiều thứ 5 mỗi tuần lớp chúng tôi đã xếp hàng hai, theo thầy Ngô Ganh vào học nhạc ở hồ Tĩnh Tâm. Thầy Ngô Ganh ngồi ở tâm vòng tròn để tập cho chúng tôi những bài hát thiếu nhi. Còn tôi thì luôn luôn ngồi cạnh một người bạn mặc chiếc săng đay màu xanh đã cũ. Có ai ngờ cậu bé ấy sau này đã trở thành nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với một sự nghiệp hiển hách.

Có một dạo Sơn dạy học ở Lâm Đồng, còn tôi thì dạy học ở Huế. Một ngày, tôi lên Đà Lạt, tìm đến địa chỉ nhà bạn, thấy phòng ngủ cửa bỏ ngõ, và trên giường có người nằm trùm mền. Gọi Sơn mãi không nghe trả lời tôi liền kéo chăn ra xem, chỉ thấy dưới chăn một cây đàn guitar cũ. Đó là cách giả đau của Trịnh Công Sơn. Cây đàn nằm thay người, còn Sơn thì mãi lang thang đâu đó.

Nhớ mãi trong cơn đau vùi. Làm sao có nhau. Hằn lên nỗi đau…

Sơn đã sống suốt đời với một cơn đau giả tưởng như vậy. Và vì thế sinh, lão, bệnh, tử đã đi vào âm nhạc của Sơn.

Một nhà triết học phương Tây nói rằng: “Với ý thức, người là một con vật bị bệnh”. Chính ý thức, cùng với thời đại đã đẩy Sơn thành một nhạc sĩ. Và ý thức đã làm Sơn mắc bệnh từ lâu, sớm muộn gì Sơn cũng phải đương đầu với giới hạn sau cùng của nó. Mặc dù thế, tôi vẫn thấy đột ngột khi được tin Trịnh Công Sơn từ trần!

Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời.

Ngày ấy, Cường thì đã có gia đình riêng, và tôi lên rừng đến bản với lau lách. Tôi thương Sơn sống một mình với nổi cô đơn, như một cái chết ám ảnh.

Sơn có bài hát “Một cõi đi về”:

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi suốt trăm năm một cói đi về

Bạn bè còn đó, cuộc đời còn đó, Sơn đã mất rồi… Đối với tôi, Sơn đã có công xóa đi và sáng tạo nên một thế giới.

                                                                           HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

 

… Chớp mắt Trịnh Công đã trở thành người thiên cổ!

Tin ấy như sóng, như gió lan ra khiến hàng triệu người trong và ngoài dải đất chữ S bàng hoàng, sửng sốt. Vẫn biết không ai nằm ngoài vòng sinh tử, nhưng khi con người khổng lồ trong âm nhạc ấy bỏ chúng ta đi, đi mãi, thì khoảng trống mênh mông để lại biết lấy gì bù đắp. Trên bao la thảo nguyên kí ức, gió sẽ còn ào ạt thổi từ đây cho đến mai sau dọc miền thương nhớ. Gió sẽ làm khô đi bảy nắm cơm gọi hồn như bảy nốt nhạc trong đời người nhạc sĩ thiên tài. Những nắm-cơm-lòng hóa đá ấy sẽ được các thế hệ chuyền tay nhau như các bộ lạc thời cổ giử lữa truyền từ đời này sang đời khác. Khi hay tin dữ, những người yêu quý Trịnh không ai bảo ai đều tự nguyện tìm đến với nhau như một lẽ thường tình không thể khác. Họ ngồi với nhau, ngồi gần bên nhau, ngồi sít lại gần hơn chút nữa để cuộc đời bớt cô đơn, giá lạnh. Họ tưởng niệm nhà nghệ sĩ kì tài, kì lạ như được nứt ra từ khí thiên trời đất, đã vỗ về và cứu rỗi triệu triệu con người bằng thứ âm nhạc suối nguồn tinh lọc. Trong bập bùng tiếng đàn tiếng hát, có gì nghèn nghẹn nơi ngực trái, bất giác lòng người tự hỏi: “Khi sống nhạc sĩ đã nối vòng tay lớn, và khi chết thì ngay cả sự mất mát lớn lao ấy cũng đã nối kết, dìu dắt con người gần lại nhau hơn. Nghịch lý chăng khi Trịnh Công Sơn đã băng bó và cứu sống bao người bằng tiếng ca của người hát rong đạt đạo. Vậy mà khi ngã bệnh thì người ấy đã sớm vội ra đi, dù y học và các thầy thuốc đã làm hết sức mình. Chỉ còn biết tự an ủi rằng, hình hài mảnh khảnh ấy đã cưu mang một trái tim lớn lao chất chứa cả thế gian với ước triệu phận người, du ca qua sáu mươi năm có lẻ đã là một kì công vượt quá sức người. Để rồi “những hẹn hò từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như mây…” không còn là “thí dụ bây giờ tôi phải đi…” như Trịnh Công Sơn thường “lỡ lời” dại miệng. Ngồi nhà trọ trần gian từ chớp mắt ấy đã vắng đi một người ở-trọ.

Tầm vóc âm nhạc Trịnh Công Sơn không thể đo bằng thước tấc thông thường trong không gian ba chiều quen thuộc mà phải bằng tốc độ ánh sáng, thứ ánh sáng đạo ca, nhiệm màu và nhân bản. Thuở nước nhà rạch đôi sông núi, chinh chiến triền miên, nhạc sĩ đã ra đi từ lều cỏ, chứ không phải từ Tháp Ngà, để dấn thân và hóa thân vào nỗi niềm chung tang tóc, đổ nát, chia lìa. Ngày ấy, nữa nước Việt từ sông Bến Hải trở vào xót xa trước bạo lực, hận thù phi nhân, phi lí. Trong tiếng gầm rú điên cuồng của đại bác ăn thịt người và ánh hỏa châu ma quái, Trịnh Công Sơn đã tất tả, vắt kiệt hồn mình, dựng nên những bức tường âm thanh, tràn ngập tình thương đồng loại đồng bào, chống đỡ bom rơi, đạn lạc. Người yêu nước – nhà nghệ sĩ Trịnh Công Sơn đã hành đạo bằng âm nhạc của mình. Họ xích lại nhau trong hầm trú ẩn và nắm chặt tay nhau trong cuộc xuống đường. Cứ thế, âm nhạc của Trịnh là bà đỡ tinh thần quý báu, là người bạn tâm giao thủy chung. Nó lại như một thứ kinh nhật tụng cầu hồn cho người chết và cả người đang sống, trong đôi cánh thiên thần bay ra khỏi cõi người để gần  lại người hơn. “Đại bác ru đêm”, “Hát trên những xác người”, “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, “Nối vòng tay lớn” và nhiều nữa những ca khúc Da Vàng sẽ là nhật kí âm thanh của dân tộc này ngay cả khi chiến tranh không còn nữa. Đó là tiếng cuốc nhỏ máu đêm hè của hồn nghệ sĩ.

Hát về tình yêu, âm nhạc Trịnh Công Sơn xứng danh thiên sứ. Đối với chúng ta có vẻ như bài “Phôi pha” là “tụy lụy” nhất vậy mà cũng không hề lụy tục. Tình ca của Trịnh sau khi dốc lòng nghiêng xuống cuộc đời, thì vẫn lãng đãng khói xương cõi khác, thanh tâm và hướng thượng. Dẫu tình yêu còn vô vàn đổ vỡ, chia xa và cả những nỗi niềm gần như tuyệt vọng. Nhạc sĩ ru tình bằng lời ru tang bồng thủ thỉ, rằng cứ đi trong “Hạ trắng”, “Mưa hồng” rồi “Chợt hồn xanh buốt” khi soi lại mình nhìn thấy một “Diễm xưa”. Tình ca của Trịnh đưa hồn người đi rất xa chỗ mình đang đứng, sống với nhiều tâm trạng, cuộc đời trong âm thanh huyền nhiệm, đưa người xưa ngả lưng lên chiếc gối đạo sĩ chờ nồi kê sắp chín. Tình ca như thế gần gũi với thánh ca, hay nói cách khác đó chính là thánh ca của tình yêu. Một điều lạ nữa là cỏ cây, hoa lá, sỏi đá, mùa màng trong tình ca hầu như đều nhuốm linh hồn. Phép màu nghệ thuật ấy hình như hàng trăm năm tạo hóa mới ban tặng cho một đôi người. “Cát bụi”, “Dấu chân địa đàng”, “Phúc âm buồn”, “Ở trọ”, “Đóa hoa vô thường”… sẽ là tặng vật âm thanh gối đầu giường thế hệ Việt Nam.

Đành nói lời chia tay với người “Ở trọ” đã đi vào cõi vô sinh vô tử, đã về trên cao ấy. Người nhạc sĩ đã dâng hiến hết mình, sống trọn vẹn cho Đời và Đạo. Đời người hữu hạn và nghệ thuật vô cùng, nhất là khi nghệ thuật biết hít thở như con người, vì con người mà sinh sôi, nảy nở.

                                                                                                   PHẠM XUÂN DŨNG

Hoàng Phủ Ngọc Tường - Phạm Xuân Dũng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 79 tháng 04/2001

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/07

25° - 27°

Mưa

04/07

24° - 26°

Mưa

05/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground