Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lóng lánh cội nguồn

Nỗi niềm sông (NXB Hội Nhà văn, 2021) là tập sách thứ hai của Thùy Liên. Tập sách mới này gồm hai phần: ký và tiểu luận, đều là những trang viết giàu kiến thức, giàu tình cảm, đằm thắm, thiết tha với vùng đất lịch sử Quảng Trị.

Vẫn đi tiếp mạch cảm xúc ấy nhưng chị đã có những lý giải, đánh giá khá thú vị dưới góc nhìn thẩm mỹ mới, những ngẫm suy chiêm nghiệm về con người và cuộc sống lồng ghép trong những trực cảm của cái tôi cá nhân, làm nên không gian chất liệu sinh động cho Nỗi niềm sông, góp phần khẳng định phong cách sáng tạo của mình. 

Đề tài ký của Thùy Liên cung cấp những thông tin bổ ích về lịch sử, văn hóa, địa lí, môi trường, con người,... của Quảng Trị. Đó là đô thị, làng rèn Đông Hà, chợ Do, làng cổ Tùng Luật ở Vĩnh Linh, làng Xuân Mỵ ở Gio Linh, con sông Cánh Hòm ở Quảng Trị, Triệu Trạch ở Triệu Phong,… Kết hợp giữa yếu tố khách quan và chủ quan, sự nhấn nhá, điểm xuyết, tạt ngang của cảm xúc và vốn sống, vốn kiến thức phong phú, đa dạng, cho thấy sự linh hoạt của chị trong việc tựa vào truyền thống lịch sử lâu đời để nói về quá trình hình thành, vị trí địa lí, kinh tế, con người, thiên nhiên, làng quê,… cũng như khả năng xây dựng hình tượng cái tôi trữ tình. Lựa chọn chủ thể trần thuật ngôi thứ nhất xưng tôi, chị dễ dàng liên đới, móc nối hiện thực bên ngoài với thế giới nội cảm, bộc lộ nỗi niềm của mình và mở rộng tối đa về miền hoài niệm. Đọc Nỗi niềm sông vừa tiếp cận nhiều thông tin bổ ích vừa cảm thấy như chính mình đang trực tiếp tham gia, phơi bày những suy nghĩ, tâm tư, chứ không bị cầm tay dẫn dắt. 

Song sức hấp dẫn ký của Thùy Liên không nằm ở những thông tin, dẫn chứng, mà nằm ở những tâm tư, tình cảm. Sự thổn thức, day dứt, xa xót, ở sự quyện hòa giữa con người và thiên nhiên, quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hậu chiến, còn và mất,… được gửi gắm, đan cài. Thể hiện điểm nhìn, con người của mình: Tôi vốn là người đa cảm. Một trong những việc hay làm của tôi là nhớ về quá khứ, Thùy Liên trải dài tiếng vọng kí ức trong các trang ký. Những dữ liệu đời sống, kí ức, hoài niệm khi đi qua chỉ dẫn tâm hồn của chị vì thế trở nên nóng rẫy và thao thiết. Người đọc như cùng chị trở về miền đất lửa Quảng Trị thương đau mà rất đỗi anh hùng. Truyền thống anh dũng, bất khuất của vùng đất này đã nhen lòng, làm bùng cháy biết bao cảm hứng của văn nhân. Và chị, là người con của quê hương nên cảm hứng ấy càng mãnh liệt và sâu lắng hơn. Cảm thức về các con sông như: Bến Hải, Cánh Hòm, Thạch Hãn,… mở gợi những không gian khốc liệt, bi tráng và tinh thần quả cảm, bất khuất của những người lính: tìm về gốc gác của con sông này để ngậm ngùi nuối tiếc về một thời vàng son quá vãng của con sông và tìm lại hình bóng của những người con anh dũng (Nỗi niềm sông). Chị soi ngắm con sông từ ngàn xưa cho đến hôm nay bằng sự cộng hưởng giữa lý trí và tình cảm/tâm linh, trí tuệ và cảm xúc nên con sông không chỉ xác tín địa điểm, nơi chốn mà còn ẩn chứa nguồn mạch văn hóa, biểu tượng phẩm chất, thân phận, hun đúc sự sống... Với chị, nâng một chén rượu gạo Kim Long ngon nổi tiếng của Quảng Trị nhân ngày xuân không chỉ là nếm hương vị của nó mà còn nếm sự nồng nàn, thân tình của các thành viên trong gia đình. Thưởng thức bánh đúc rau câu được hái dọc theo các triền đá doi ra từ biển Cửa Tùng xuống Vĩnh Mốc để thưởng thức vị mặn nồng của biển, để trở về những ngày tháng ấu thơ hồn nhiên thanh khiết tình người. Truyền thống ấy là nguồn năng lượng nhân thêm lòng yêu thương, nhớ về để lớn lên và vượt bao nỗi gập ghềnh trên đường đời.

Thế giới nhân vật trong ký của chị khá đa dạng, có những vị vua chúa như chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, chúa Nguyễn Hoàng; vị danh nhân anh hùng dân tộc như Lê Quý Đôn; những người lính như anh Lê Quang Đạo, Lê Quang Thạc, Lê Viết Quỳ, Lê Thị Mai, Phan Thành Danh, Hoàng An,…; những người trí thức như Nguyễn Xuân Bảng, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Xuân Phiên, Nguyễn Xuân Tuyến, Mai Xuân Hòa,…; những người nghệ sĩ như Trần Duyến, Châu Loan, Lệ Thi, Kim Phú, Ái Chủng,…; những người nông dân như Nguyễn Thị Tình, Nguyễn Hữu Quý,…; những nhân vật thần thoại, huyền thoại như Chúa Long Quân, miếu Bà Hỏa, miếu Ông Thụy,… Chị ít đi sâu khai thác tính cách, số phận của nhân vật mà thường mượn một vài chi tiết liên đới đến câu chuyện đang nói, nhưng người đọc vẫn có thể nhận ra được vẻ đẹp của các nhân vật khi được dẫn dắt bởi dòng hoài niệm, khi được gắn kết với các sự kiện lịch sử, yếu tố truyền thống của dân tộc và một số nét văn hóa dân gian. Sự dẫn dắt, chọn lọc các các nhân vật trong ký cũng phần nào cho thấy bóng dáng của những con người yêu Tổ quốc, bình dị, nghèo khổ nhưng rất đỗi kiên cường, dũng cảm. Nhờ thế, ký của chị có được sức hấp dụ riêng, vừa hướng về gốc rễ vừa mang hơi thở của đời sống đương đại.

Cuộc sống càng phát triển, những giá trị truyền thống theo đó cũng ngày một hư hao, lụi tàn. Trong vị thế là người kể chuyện, là người chứng giám, giọng ký của chị trở nên gần gũi, tự nhiên, khi lắng sâu trong sự bình yên khi day dứt trong nỗi niềm tiếc nhớ. Từ đặc điểm lò bệ, thao tác và kỹ xảo nghề của làng rèn Quảng Trị, chị nhắc nhớ về giá trị của nghề rèn đối với công cuộc kháng chiến chống Pháp, với công cuộc xây dựng đời sống của người dân dẫu thời đại đã biến chuyển, xoay vần từ quẹt diêm sang quẹt lửa ga bằng niềm tự hào, sự ngưỡng mộ và có cả nỗi ngậm ngùi, tiếc nhớ. Ý thức trân quý giá trị truyền thống còn được chị cụ thể hóa thành hành động tìm kiếm xử lý các cứ liệu.

Ngôn ngữ ký của chị giản dị, đẹp đẽ, nồng đượm tình cảm và cất giấu chiều sâu triết lý. Ví như đoạn nói về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong cảm hứng sông nước, cảm hứng tuổi thơ, cảm hứng những cánh rừng,...  bao giờ chị cũng đưa đẩy, gửi vào đó những giá trị sống như suy tưởng về sự khiêm nhường, tính vĩnh hằng, sức sống của con người, vẻ đẹp nguồn cội,... Với quan niệm cải tạo, xây dựng thiên nhiên thành một hệ thống văn hoá để tham dự một cách hài hoà vào tổng thể cuộc sống của con người cả bên trong lẫn bên ngoài (Lá phổi xanh của thành phố), chị đã tạo được vành đai xanh cho ký của mình. Hành trình với cuộc sống của đất và người Quảng Trị cũng là hành trình chị thấu cảm, lắng nghe tiếng nói kì diệu của người bạn thiên nhiên. 

Chất nồng nàn, tha thiết hòa với chất thâm trầm, lắng sâu trong Nỗi niềm sông đã vẽ nên chân dung của Thùy Liên: viết ký bằng cái tâm, bằng nỗi niềm quay quắt của một người con gắn bó mật thiết với Quảng Trị. Hơn nữa, sự kếp hợp nhuần nhuyễn giữa giáo viên dạy sử với một nhà văn chuyên về ký khiến những trang viết của chị thêm phần nặng nghĩa tình và giàu trí tuệ.

Ở phần II của tập sách, người đọc còn được biết đến một Thùy Liên khá hứng thú với lĩnh vực phê bình. Các bài tiểu luận nhấn mạnh trăn trở, tâm huyết trước thực trạng đời sống văn học nghệ thuật Quảng Trị và mở ra những khái quát chung về sự vận động và phát triển văn học nghệ thuật địa phương. 

Trong 8 tiểu luận, có 6 bài liên quan đến hoạt động sáng tạo, nghiên cứu, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá trên tạp chí Cửa Việt. Sự nhiệt huyết say mê, vốn sống phong phú, cùng với ý thức, hết lòng đối với nghề, chị đã chỉ ra những mặt khó khăn, hạn chế, các tiêu chí, giải pháp, phương hướng để thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật nói chung và tạp chí Cửa Việt nói riêng. Theo chị, Quảng Trị là vùng đất dày chứng tích, vùng đất hiến dâng, chia cắt và khát vọng, nên tạp chí Cửa Việt phải luôn luôn làm tốt, vừa gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa vừa bắt nhịp dòng chảy nghệ thuật. Nhấn mạnh vai trò của người đọc, hướng đến tính chuyên nghiệp, trong các bài viết, chị đưa ra những luận điểm đòi hỏi về mặt đạo đức nghề nghiệp, trau dồi kiến thức của biên tập viên; triển khai các cuộc thi thu hút những nhân tố mới góp phần xác định chất lượng tờ tạp chí và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Phải chăng từng làm tạp chí lâu năm nên chị mới có cái nhìn khái quát, nắm bắt được chuỗi mắt xích quan trọng tương hỗ/tác giữa tạp chí với bạn đọc? Ở 2 bài phê bình thơ của Trần Vinh Khâm và Ngô Minh, chị thiên về cảm nhận, cảm xúc hơn là lý giải, luận bàn. Chị lấy trực giác, sự đồng điệu tâm hồn của những người viết, trải nghiệm, vốn sống của bản thân để cảm nên các hình tượng thơ khá gợi, mạch văn mượt mà và rất thơ.

So sánh giữa hai phần, phần ký vẫn là thế mạnh và là điểm nhấn của Nỗi niềm sông. Phương pháp phê bình của chị đa phần dựa vào kinh nghiệm, dựa vào nguồn mạch nhân sinh, dựa vào sự tác hợp giữa tính bền vững và tính vận động của Cửa Việt, một mặt chị bị giới hạn trong đánh giá, phê bình, nhưng mặt khác những tìm tòi, nhạy bén trong hoạt động của tạp chí cũng ít nhiều minh chứng sự tận tụy, trách nhiệm của chị đối với sự phát triển của văn học. Dù chỉ là những bài viết bó hẹp trong phạm vi tạp chí Cửa Việt nhưng có thể thấy, bất kì một tờ tạp chí nào cũng cần phát huy truyền thống, kiếm tìm, thiết lập, phát triển sứ mệnh cao quý của văn học nghệ thuật như chị đã nêu. 

Trước đó, nhà văn Xuân Đức đã xác tín về một “nỗi quê” trong Năm tháng của làng (tập sách đầu tiên của chị)đến Nỗi niềm sông nỗi quê vẫn xuyên suốt đậm đặc, vẫn được rút ra từ tình cảm, tình yêu cội nguồn sâu đậm, chứng tỏ cái tình cái hồn trước sau như một lay thức, bỏng cháy trên các trang viết của chị. Cái tôi khéo léo nhập vai, cài cắm chiêm nghiệm, triết lí cùng lối kể khơi gợi, tình cảm tạo chất lóng lánh trong ký của Thùy Liên. Và đó cũng là linh hồn, sức sống của tập sách.

H.T.A

HOÀNG THỤY ANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 325

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

41 Phút trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground