T |
ôi đọc thơ Văn Hùng trong lúc các nhà phê bình văn học, các thi sĩ đang tranh luận sôi nổi, gay gắt về thơ. Tất nhiên đối tượng để bảo vệ hoặc chê bai trong cuộc tranh luận là các thi sĩ đã thành danh chứ không phải Văn Hùng. Tập thơ sẽ được in ra nhờ sự cổ vũ, ủng hộ nhà xuất bản Công an nhân dân. Tác giả sẽ gửi đến đồng đội của mình như một lời ra tha thiết. Tình điệu được gìn giữ, nâng niu suốt một đời binh nghiệp Biên phòng. Từ thuở sông Hiền Lương còn là vết chém đau thương, từ trạm gác Cù Bai, Cà Roòng heo hút…
Dễ đến vài ba năm, Văn Hùng vừa hào hứng thu góp lại, vừa ngại ngùng muốn quên đi những câu ru đồng đội của mình. Dễ đến vài ba năm tôi đã cùng tâm trạng ấy. Khi nhận giúp một lời mách bảo với Văn Hùng. Lịch sử văn học nước nhà không thu hái gì được thêm ở những nhà thơ này nhưng những người lính biên phòng sẽ có thêm niềm an ủi. Nếu vậy hành trình văn học thời chống Mỹ cứu nước sẽ không bao giờ quên ơn những người lính dám e ấp gìn giữ từng trang bản thảo trong đáy ba lô như Văn Hùng.
Ôi tháng ngày Trường Sơn
Sao mà thiêng liêng vậy
Tình yêu của ngày ấy
Bạc đầu vẫn không phai
(Không đề)
Biên phòng là trách nhiệm nặng nề và cao cả của đất nước. Biên phòng còn là cảm hứng bất tận với thi ca. Cả hai phối giống vào tâm hồn người lính Văn Hùng, bốn tháng sau ngày nhập ngũ – ngày ươm gieo – Văn Hùng thu hoạch quả đầu. Phần thô cứng, phần nhợt nhạt, phần teo lép phải vứt đi nhiều hơn phần ngọt bùi ăn được anh thốt lên “Cắt chia sao được tấm lòng Bắc Nam” trước đôi bờ sông. Nhưng không có ý tưởng công dân đó làm sao Văn Hùng đi trọn con đường thời gian trong quân ngũ. Làm sao có được những câu thơ mộc và vụng dám tan hòa thành nhạc điệu lời ru. Ru đồng đội, ru mình trong gian khổ:
Sàn diễn nằm sâu dưới hố bom
Vòng xoay dáng múa gót xoay tròn
Lính mang bụi đỏ ngoài đất lửa
Mở tiếng cười theo nhịp múa dồn
(Chăm pa trên trận địa – 1967)
Thơ ấy của Văn Hùng đấy. Viết năm 1967 ở Vĩnh Linh. Nhớ là ở Vĩnh Linh năm 1967. Chắc tác giả có gia cố thêm ở những năm sau này. Nhưng là sự gia cố phần câu, chữ: phần trang trí nội thất trên cái nền thi cảm vốn đã xây đắp nền móng từ thời binh lửa. Tôi chợt nhớ một bài thơ đồng dạng của Chế Lan Viên xuất hiện sau bài thơ trên của Văn Hùng hơn 30 năm. Bài thơ có một khổ:
Trận địa vừa im tiếng nổ xong
Thắt lưng hóa lý lại xoay vòng
Nhịp sênh tiền đổ mau hơn trước
Áo lụa vàng tươi chói yếm hồng
(Cô gái sênh tiền)
Chỗ gặp nhau của một thi sĩ nổi danh và một người lính tập tọa vào trang thơ khá rõ. Thời đại ấy đẻ ra thơ ấy. Nhưng chỗ họ xa nhau cũng chẳng phải nhọc công tìm kiếm. Một người chỉ lóe lên chút ánh lửa thiên tài rồi thôi. Một người đa mang thành nghiệp và hơi thở cuối hắt ra cũng còn mang hơi ấm của thiên tài. Văn Hùng có mon men đến ngồi cái ghế nhà trường viết văn do Hội Nhà văn ta lập ra nhưng chưa ấm chỗ lại tốc tả quay về trận địa. Lại xách cây súng đi dọc tuyến biên phòng. Không đủ thời gian và chưa đủ sức dùi mài kinh sử.
Con đường sáng tạo không thể trùng khít với con đường trách nhiệm – Hoàn thành nhiệm vụ trong niên hạn quy định là thăng một cấp quân hàm. Tốt hơn nữa là nhận một danh hiệu vinh quang. Cả một đời làm thơ có khi chẳng là thi sĩ. Văn Hùng nằm trong đội hình đông đảo ấy. Cố gắng tận cùng nhưng cái đích đến mãi vời xa.
Nhạt nhòa cho tứ thơ xuông
Tôi lên biên giới vấn vương tìm vần
(Gieo vần dọc đường biên)
Chỗ đáng trân trọng tác giả bài thơ là đó mà chỗ đáng trách cũng chẳng vượt ra ngoài. Tất nhiên câu thơ ẩn dụ một cách nghĩ. Lại cũng là một cách nghĩ non vụng ở chính câu thơ này. Biên phòng gợi cảm cho thơ nhưng không phải toàn lực lượng Biên phòng là thi sĩ. Tư lệnh lực lượng và chiến sĩ đều có chung con mắt trách nhiệm nhìn vào dốc đá bờ khe biên phòng. Nhưng để sinh đẻ ra một câu thơ, cái nhãn lực phải vượt qua tầm nhìn chiến lược và chiến thuật. Đó là cái nhìn trong mắt thơ.
Tôi yêu Văn Hùng ở trọn bài thơ này:
Hẳn chồng đi xa
Mỏi mòn đá đợi
Tạc vào dáng núi
Đá đứng mong chồng
Nơi nào vậy không
Bốn ngàn năm lửa
Đá đẫm mồ hôi
Bao nhiêu tuổi đời
Nhớ gì tuổi đá
Đất còn giặc giã
Tuổi còn chia ly
…
Đất nước lời ca
Thương dồn một mối
Đá nào chẳng đợi
Đâu hồn vọng phu
Ôi nỗi mong chờ
Biết còn hóa đá
Vẫn nghe binh lửa
Tuổi xuân qua rồi
Nói sao thành lời
Đau hằn khóe mắt
Ráng chiều đổ gắt
Bóng người mong ai
(Người chiến sĩ trước hòn vọng phu)
Trong lời ru “đồng đội” những giai điệu đằm thắm như thế không nhiều. Đó là lúc Văn Hùng thoát ra những ràng buộc của nhiệm vụ và thời gian. Đó là lúc tiềm thức dẫn dắt. Tưởng là lạc lối mà biết quay về. Văn Hùng cứ hỏi bất cứ ai được anh tặng cuốn sách này rằng có phải câu ru ấy nhắc lại sâu xa, lay động ngàn lần những địa danh mà dấu chân biên phòng qua và những công việc mà sức vóc biên phòng dâng hiến.
P.N.C