Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Hai câu thơ trên được trích dẫn rất nhiều trong các bài viết, thậm chí rút làm tiêu đề, và đôi khi bị nhầm tưởng ca dao khuyết danh. Nhưng không, đấy là hai câu trong bài Nhớ chùa của thi sĩ Huyền Không, tức hòa thượng Thích Mãn Giác, quê ở làng Phương Lang, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Chính bởi sự gần gũi của ngôi chùa với đời sống, nên mái chùa cũng xuất hiện nhiều trong văn chương Việt Nam.
Ngôi chùa gần gũi với nếp sống người Việt
Trong văn học truyền miệng, ca dao xưa có mấy câu: Con vua thì lại làm vua / Con sãi ở chùa lại quét lá đa. Những ẩn ức thời thế đã khiến dân gian thốt lên như thế. Con vua đại diện cho thế lực cường quyền, con sãi chỉ những người dân lành. Ngay từ buổi ấy, mái chùa đã tượng trưng cho những con người bình dị, những người nông dân chất phác hiền lành. Câu ca dao ấy chỉ mượn mái chùa để nói chuyện thế sự, không phải một ngôi chùa nào cụ thể.
Kho tàng ca dao còn rất nhiều câu nói về chùa, và thường gắn liền với những lễ hội, có thể là để nhắc nhở người ta nhớ về dự lễ. Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa / Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh để chỉ lễ hội chùa Tam Thanh vào rằm tháng Giêng. Lễ hội chùa Dâu ở Bắc Ninh diễn ra đầu tháng tư có câu: Dù ai buôn đâu bán đâu / Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về / Dù ai buôn bán trăm nghề / Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu. Lễ chùa Keo, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở Thái Bình thì có câu: Dẫu mà cha đánh, mẹ treo / Cũng không bỏ hội chùa Keo đêm rằm.
Chùa chiền là nơi diễn ra nhiều lễ hội trong những ngày sóc vọng, đặc biệt vào mùa xuân, chùa là nơi cầu an và chốn trai gái nên duyên. Năm 1934, Nguyễn Nhược Pháp có bài thơ Chùa Hương nổi tiếng, được nhạc sĩ Trung Đức phổ thành bài hát Em đi chùa Hương. Bài thơ ngũ ngôn, được viết như mạch một câu chuyện và chính nhà thơ cũng chú giải cho nó một dòng phụ đề: Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa, rồi lại kết thơ bằng một cái vĩ thanh hóm hỉnh: Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện.
Bài thơ dài, kể chuyện đi chùa Hương mất... hai ngày, ngày thứ nhất đi chùa ngoài, ngày hôm sau đi chùa trong. Những cảnh tượng đi đò, qua vách núi, lên bến thuyền đều được nhà thơ miêu tả tuần tự, cuối cùng là ngôi chùa hiện ra. Cô gái và chàng trai làm thơ gặp nhau trên hành trình đi chùa Hương và họ có tình ý với nhau.
Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng.
Việc đi chùa chỉ là cái cớ, Nguyễn Nhược Pháp đã nói về sự sắp đặt tình cờ của số phận. Ở đó ngôi chùa là một khung cảnh văn hóa, hòa nhập trong lễ hội mùa xuân và tình duyên.
Ta có thể bắt gặp một ngôi chùa thuần Việt dung dị, đầy đủ nếp căn cơ của đạo Phật, trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011). Ngôi chùa Sọ nằm bên dòng sông Đào, ranh giới phân định bên này vùng du kích, bên kia là nơi tranh chấp quyết liệt giữa Việt Minh và Pháp. Ở chùa có một sư cụ Vô Úy chân tu, nuôi dưỡng cưu mang hai chị em An mồ côi sau trận càn của giặc Pháp. Dù viết về một giai đoạn lịch sử chiến tranh, nhưng xuyên suốt trong cuốn sách dày dặn 800 trang là hình ảnh ngôi chùa. Cũng từ đây, nhãn quan Phật giáo được tác giả dùng làm phương pháp soi chiếu toàn bộ tác phẩm.
Không gian văn hóa cũng hiện lên đậm nét trong một tác phẩm văn xuôi khác, đó là Chùa Đàn của Nguyễn Tuân. Đây được xem là tác phẩm xuất sắc nhất của cụ Nguyễn, một truyện ma quái, liêu trai, đặc trưng văn phong tài hoa. Trong tác phẩm này, Nguyễn Tuân đã sử dụng văn học kỳ ảo rất sớm, từ những năm đầu 1940. Ngôi chùa Đàn mà nhà văn lấy làm tên truyện ấy, cũng phải đến kết truyện mới hiện ra. Khi đó chùa như là nơi tái sinh một kiếp khác của những con người "vang bóng một thời", đam mê thú chơi xướng hát.
Ngôi chùa, nơi thiêng liêng và nhiệm mầu
Cũng như Chùa Đàn, rất nhiều tác phẩm đã lấy ngôi chùa làm biểu tượng cho sự luân hồi, hóa độ. Khi cùng quẫn, lúc đau đớn, các nhân vật văn học tìm đến ngôi chùa để có đức tin, hoặc cải nghiệp. Chùa hệ phái Bắc tông và Nam tông có kiến trúc khác nhau, lối sinh hoạt cũng khác nhau, và người đến chùa chắc cũng có tâm thế không giống nhau. Khi đọc những tác phẩm viết về ngôi chùa ở hai miền Nam Bắc, ta có thể nhận ra điều này.
Ảnh: Mái chùa thân thuộc với người dân quê - Ảnh: T.Đ
Năm 1925, Hồ Biểu Chánh viết tác phẩm Tiền bạc bạc tiền. Nhân vật chính là cô gái Thanh Kiều sau khi trải qua những đa đoan đã quyết chí vào cửa Phật: vì em chán ngán thói đời, chớ không phải em có làm điều chi đại ác nên cần phải ăn năn sám hối. Khác với mô-típ quen thuộc là thất tình thì vào chùa, Thanh Kiều bước chân vào cửa Phật không phải để lánh đời, mà là tự nguyện để hướng tới một đời sống hạnh phúc, vắng bóng sự khổ đau và mong muốn tái sinh tốt đẹp hơn. Chốn này là cửa Phật, xin thầy đừng nhắc chuyện xưa để cho em niệm Phật tụng kinh, để kiếp sau em khỏi trầm luân biển khổ luân hồi như kiếp này nữa.
Không những là nơi chữa lành vết thương tinh thần, chùa còn là địa chỉ chữa bệnh. Các nhà sư xưa đôi khi được gọi là người chăm vườn chùa, trồng cây cỏ thảo dược. Rất nhiều ngôi chùa có những vườn thuốc Đông y để chữa một số bệnh cứu người. Trong Đất rừng phương Nam (1957) của Đoàn Giỏi, cậu bé An được tía nuôi dẫn lên chùa để xin thuốc cho đứa bạn tên Cò. Trước khi lên chùa, tía phải bịt khăn và thay áo mới chỉnh tề. Thuốc nhà chùa đem về cho thằng Cò uống và bôi một lúc sau thì Cò đã ngồi dậy, tỉnh như không. Tía nuôi liền gói một bọc nanh cá sấu lên chùa đền ơi, để Lục cụ tiện nó làm quân cờ.
Tinh thần mộ đạo cũng gắn liền với khát vọng tự do của người Việt. Năm 1963, phật tử khắp nơi nổi dậy phản đối việc đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm mà đỉnh điểm là hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Sau sự kiện này, thi sĩ Vũ Hoàng Chương có bài thơ Nối lửa từ bi, trong đó có mấy câu: Chỉ còn lại tinh thần nhân bản / Vằng vặc núi sông chót vót ngôi chùa. Một lần nữa, ngôi chùa lại trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, ý nguyện thanh bình.
Những "người trong cuộc" nhìn và viết về ngôi chùa thường sinh động và có những trải nghiệm sâu sắc. Các tác phẩm của Minh Đức Triều Tâm Ảnh (bút hiệu của tỳ kheo Giới Đức, khai sơn chùa Huyền Không Sơn Thượng ở Huế) đều phảng phất hương vị thiền mà lại rất đời, trong thơ và cả truyện. Ngôi chùa trong tập truyện ngắn Chuyện cửa thiền rất gần gũi với người miền Trung, có giàn bí đỏ, trái đu đủ, những con chim sẻ và có cả... tên ăn trộm. Đấy là ngôi chùa của người tu hành để tỉnh thức, chứ không phải để lánh đời, nên: Sống với núi mà tình chưa hóa núi / Nên đôi khi lẩn thẩn một dòng sông.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sống xa đất nước nhiều năm, nhưng tâm thức mái chùa Việt vẫn rõ ràng trong các tác phẩm văn xuôi. Các tập truyện Bưởi, Tố, Am mây ngủ, Quan Âm Hương Tích, Cửa tùng đôi cánh gài,... cho thấy sự am tường sâu sắc về lịch sử phật giáo Việt Nam và văn hóa dân tộc. Ngay khi còn là chú tiểu, điệu Sung (Thích Nhất Hạnh) đã viết một tập truyện ngắn Tình người, kể những chuyện tu hành buổi đầu ở ngôi chùa yên bình, hiền hòa ở miền Trung.
Ngày nay, chùa chiền có mặt khắp nơi trên đất nước. Ngoại trừ thi thoảng đâu đó xảy ra những biến tướng sai lệch, mái chùa vẫn là một biểu tượng văn hóa đặc biệt. Đọc lại các tác phẩm văn chương, càng thấy hình ảnh ngôi chùa thật gần gũi và thiêng liêng với đời sống người Việt xưa nay.
Bài in trên Cửa Việt số chuyên đề 8 (3.2023)