Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mật đạo - cuốn tiểu thuyết bối cảnh Quảng Trị

Mật đạo của Lưu Vĩ Lân (NXB Hội Nhà văn, 2018) là cuốn tiểu thuyết 17 chương với hơn 400 trang sách, thời gian phi tuyến tính, không tuân theo trật tự lần lượt từ trước đến sau. Lối viết xen kẽ và đồng hiện, vận dụng thủ pháp điện ảnh kể về những biến cố diễn ra ở vùng quê Quảng Trị sau khi vua Hàm Nghi ra Tân Sở, chủ yếu trong ba mươi năm từ 1943 đến 1973. Thời gian trong mỗi chương không quá một ngày. Chương dài nhất khoảng 25 trang, chương ngắn nhất chỉ có một trang.  Tâm điểm câu chuyện là địa danh Ba Đồi thuộc vùng quê Cam Lộ. Nhân vật cũng ít, hết thảy là nhân vật phụ xoay quanh nhân vật chính là ông Lam.

Tiểu thuyết đồng nghĩa với hư cấu và tác giả cũng đã khẳng định như vậy trong lời đầu sách. Tuy vậy, một mặt nhà văn nhấn mạnh điều này với người đọc nhưng mặt khác sách có vẽ sơ đồ khu trại Ba Đồi kèm theo đó là những sự kiện lịch sử tương ứng với các diễn biến trong tiểu thuyết để độc giả tham chiếu. Xin nói thêm rằng, nếu có cơ hội đối chiếu với thực địa thì thấy sơ đồ này chính xác cũng như những kiến thức địa lý, địa chất được mô tả trong sách là hoàn toàn có cơ sở thực tế.

Cốt truyện khá đơn giản: ông Lam, quê nội ở Quảng Trị là một kỹ sư hầm mỏ du học Anh Quốc về, ông trở thành một nhà kinh doanh giàu có, gắn bó với những đồn điền, trang trại từ dọc theo Quốc lộ 9 từ Cam Lộ đến Khe Sanh. Đặc biệt, trước khi mất, cha ông trao lại bức mật đồ về một mật đạo thông từ Cam Lộ qua đến tận Lào, nghe nói được hình thành từ thời vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương. Người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, bên cạnh việc xây dựng hàng rào điện tử McNamara còn muốn lợi dụng đặc điểm địa chất của các con sông ở Quảng Trị để tác động làm sông Cam Lộ dâng cao, ngăn cản bước tiến của bộ đội từ miền Bắc vào Nam. Họ lại muốn mua lại một phần trang trại Ba Đồi để thực hiện ý đồ này. Và từ đó ông Lam bị cuốn vào những rắc rối, hiểm nguy dù không muốn nhưng không cưỡng lại được cho đến ngay thời điểm trước tết Mậu Thân 1968. Những mưu toan xâm lược cũng như những dã tâm man rợ của vài kẻ ác, kẻ xấu cuối cùng cũng đã phải thất bại.

Nhưng dù vậy đây hoàn toàn không phải là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh, dẫu có sự xuất hiện của sĩ quan tình báo cao cấp của quân đội Mỹ, của biệt kích quân đội Sài Gòn, quân báo ta...  thì các cuộc đụng độ cũng chỉ là ngoại vi cuộc chiến. Đây cũng không hề là cuốn tiểu thuyết lịch sử vì các sự kiện, nhân vật lịch sử cũng chỉ là cái cớ hoặc là chiếc bóng xa xăm, sương khói mà thôi.

Vậy điều gì thôi thúc người đọc theo dõi hết hơn 400 trang sách?

Trước hết, đây là câu chuyện lạ. Chiến tranh dù luôn được nhắc tới nhưng không hề mô tả trực diện, cũng không phân tuyến hai phe ta và địch theo lối mòn công thức. Nhân vật chính là Lam cũng lạ. Là trí thức, doanh nhân lẽ ra coi chuyện bán buôn, lợi nhuận trên hết nhưng sâu thẳm trong tâm hồn ông dòng máu Việt của những con người Tân Sở Cần Vương vẫn chảy, vẫn hướng về tổ tiên, vẫn nhớ lời cha giữ lấy mật đạo thiêng liêng như chính bản mệnh của mình. Chính vì lẽ đó mà mấy chục năm ông vẫn bám trụ với trang trại Ba Đồi dù gặp nhiều rắc rối, nguy nan. Ở ông có những lý do hướng thượng và thầm kín thôi thúc mà không dễ soi rọi bằng cảm quan duy lý. Cũng như vị cha cố già chăm sóc linh hồn con chiên ở ngôi nhà thờ heo hút không xa Ba Đồi, ẩn tu và gắn bó với mảnh đất được giao phó cho đến cuối đời. Cái nhóm thương nhân có tên gọi Gia Đình cũng lạ. Họ không phải là thân thích của nhau, mỗi người một xứ. Nhưng họ gắn bó với nhau mật thiết bằng tình cảm đặc biệt trong một tổ chức theo kiểu bang hội, rất gắn kết và hoạt động có hiệu quả trong điều hành kinh doanh, gần như sống chết có nhau. Mối tình mãnh liệt giữa ông Lam với một thành viên của Gia Đình cũng như giữa ông và một sơn nữ là những trang viết tinh tế và sắc sảo, lãng mạn và đôn hậu giữa những biến động không ngừng của thế sự.

Chiến tranh, cụ thể ở đây là chiến tranh Việt Nam, đã đẩy đưa số phận con người vào những bước ngoặt éo le ít ai ngờ tới. Không muốn dính dáng đến chính trị nhưng rốt cuộc ông Lam cũng phải ra tay cứu một sĩ quan quân báo, không muốn lộ mật đạo nhưng vì cứu một người phụ nữ nên ông Lam không còn lựa chọn nào khác, rồi có lúc đối phương của nhau lại phải chung một chiến tuyến để chống lại kẻ thứ ba hung ác đang muốn tiêu diệt cả đôi bên... nghĩa là nhiều tình huống lạ xô đẩy nhân vật, dẫn dắt câu chuyện đến những lối rẽ khá bất ngờ và ly kỳ.

Một khía cạnh dù tiểu thuyết này chỉ nói qua nhưng rất đáng lưu ý mà chưa có tác phẩm văn học nào của Việt Nam đề cập: chiến tranh mặc dù là hiện tượng bất thường lớn nhất của đời sống xã hội và với mỗi cá nhân, nhưng chiến trường cũng tạo cơ hội vàng cho thương trường. Có những phi vụ làm ăn vô tiền khoáng hậu chỉ có thể thực hiện trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, càng khốc liệt càng dễ làm ăn.

Một điều đáng nói nữa là trừ vài ba kẻ ác táng tận lương tâm, sẵn sàng vì tiền mà chà đạp tất cả, còn tựu trung đều là người tử tế dù ở phía này hay phía khác. Ít ra ở họ chuyện lương tâm và danh dự vẫn là điều thôi thúc bên trong mỗi khi hành xử, níu giữ sự tử tế một khi còn có thể giữa những dòng xoáy của biến cố đời người. Cuốn tiểu thuyết vì vậy nương theo chiến sự nhưng vẫn nhân hậu, ấm áp tình người. Kể cả trong những tình huống gay cấn và khó xử thì danh dự và nhân tính vẫn được đề cao và đó luôn là lựa chọn cuối cùng.

Những trang viết về dinh thự trang trại Ba Đồi, mô tả mật đạo, phân tích nội tâm nhân vật, chủ yếu là tâm trạng ông Lam khiến người đọc được thăng hoa trong cảm xúc. Cốt truyện có chất trinh thám và lãng mạn, kết cấu đan cài khéo léo và văn phong khá già dặn của một cây bút làm chủ được câu chuyện đã lôi kéo người đọc dõi theo cuốn tiểu thuyết vừa rất hiện thực lại vừa như huyền thoại. Một nhà văn không vững tay và đầu tư không đúng mức sẽ khó lòng làm được như thế.

Mật đạo vừa có vừa không, vừa thực vừa ảo, vừa cụ thể lại vừa biểu tượng, nó lạ hóa mà vẫn hợp lý, làm cho người đọc không hoài nghi mà vẫn sẵn lòng tiếp nhận. Đó là thành công đáng kể của nhà văn Lưu Vĩ Lân khi sáng tạo nên tiểu thuyết lấy Quảng Trị làm bối cảnh.

T.A

THUẬN AN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 311

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground