Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mặt phẳng lòng tôi - Nguồn thi hứng vừa lạ, vừa quen

N

ói lạ, là bởi ngay từ nhan đề của tập thơ, ta đã liên tưởng đến thế giới phẳng của Thomas.L.Friedman. (Ở đấy không có rào cản, biên giới văn hoá tinh thần được mở rộng…). Rồi tiếp theo, bài đầu tiên của tập thơ là Đời con chữvới câu kết: Ngọn bút cày vào vô thức/ Cơn đau lột xác/ Con chữ ra đời. Có nhà thơ nói “bóng chữ”, nhưng chưa thực sự thuyết phục. Triết lý “con chữ” thật ra là triết lý của người sử dụng ngôn ngữ, thiết chế tu từ, sáng tạo hình tượng thơ ca. Cuộc đời sáng tạo của nghệ sĩ ngôn từ thực chất là những ngày lao động cực nhọc, lao tâm, khổ trí, có khi không chỉ viết bằng trí mà cả mồ hôi và máu, nên mới có “bút máu”. Tất cả điều đó để nhà thơ đi vào bản thể văn chương. Bởi không thế, thì dù nhà thơ viết sử thi hay trữ tình, dài hay ngắn, thơ Đường hay thơ tự do, nếu thiếu hình tượng thì thi hứng trở thành “con chữ chết” (V.Lênin) hoặc những câu ghép vần hoa mỹ.

Nhưng lại quen, vì mặt phẳng của nhà thơ được trải rộng, lòng rộng và “lượng trời” không chật, cởi mở, cả đau đớn lẫn hạnh phúc: Em về mặt phẳng lòng tôi dịu lại/ Chân rửa bụi đường/ Tiếng sóng êm đềm thủ thỉ/ Em tắm ánh trăng (Mặt phẳng lòng tôi, tr. 20). Đó đây, ta thấy Hoài Quang Phương không ngại đến với siêu thực, đi tìm cái đẹp trong cái thiếu hài hoà, cái ngọt ngào trong cay đắng cái lý tính trong cái phi lý tính. Viết về biển, ông có những câu thơ có thể chiêm nghiệm được về thân phận con sóng, nỗi lòng của biển, ánh trăng đêm biển động, xác sóng tơi bời sau cơn bão dữ… thực ra là nói số kiếp chìm nổi, đa đoan của con người: Con sóng ném xác mình lên bờ đá/  không có sóng/ không hiểu được nỗi lòng của biển

(Nỗi đau của bờ); Con thuyền thúng Cửa Tùng/ nửa vừng trăng/ kê bền thềm sóng (Con thuyền mạn tròn);hoặc: Nhớ về cố hương không hở sóng?/ Vỗ mênh mông khắc khoải triền miên/ Gió dữ chồm lên tung bọt trắng/ bão tan rồi xác sóng chẳng còn nguyên (Sóng biển quê đâu?). Có hàng trăm nhà thơ, nếu không nói nhiều hơn, vận dụng thi pháp ẩn dụ khi nghĩ về biển, đứng trước biển. Những hình tượng thơ của họ đã trở thành môtíp gắn liền với âm nhạc thì không nhiều. Hữu Thỉnh nổi tiếng với lời trách yêu biển và “coi thường” sức mạnh của sóng trước ma lực của tình yêu: Biển cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn/ Sóng chẳng đi đâu/ Nếu không đưa em đến/ Dù sóng đã làm anh/ nghiêng ngả/ Vì em (Thơ viết ở biển). Xuân Quỳnh với lời thì thầm của thuyền và biển, về hạnh phúc bền vững giữa cặp tình nhân tri âm, tri kỷ: Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu, về đâu/ Những ngày không gặp nhau/ Lòng thuyền đau rạn vỡ/ Nếu từ giã thuyền rồi, biển chỉ còn sóng gió (Thuyền và biển).

Hoài Quang Phương đến sau, nhưng ông cũng trăn trở tìm kiếm những biện pháp tu từ trực giác về trăng và biển: Con thuyền em chở trăng thanh xuân/ Trăng vỡ nát chìm trong biển động (Đêm biển); về đầu sóng và hồn biển:Khi giữa biển trời vô tận/ Giấc ngủ vỡ ra từng mảnh vụn/ Sóng dồi (Tr. 26) v.v… Con người không thể nhận được thế giới bên ngoài, nếu không đi trên hai con đường: suy lý và trực giác để nhận thức chân lý. Không có trực giác, một mình suy lý sẽ bất lực, không hiểu được sự thật trọn vẹn. Bài Người kéo lưới trước biển (Kể chuyện Bác Hồ về thăm làng chài Trường Lệ, Sầm Sơn) là hiện thực một trăm phần trăm, nhưng nhà thơ không muốn những dòng thơ tự sự dễ dài, phải kéo căng câu thơ để có một hình tượng phi lý tính: Những người đánh cá ở trần/ kéo biển lên từng tấc/ gót chân khắc vào bờ vững chắc/ suy ngẫm chạy dọc đường neo/ đến tận lòng biển khơi sâu (Người kéo lưới trước biển). Nói đến yếu tố phi lý tính trong thơ, dễ thường, nhiều người biết đến định nghĩa của nhà thơ Nga Iôxip Manđenxtam: “Thơ là ý thức mình có lý” (La poésie est la conscience d’avoir raison). Sở dĩ câu thơ có lý là nhờ sự can thiệp của nhà thơ, thì cái phi lý kia trở thành có lý. Thơ nhận ra sự bất túc của nhận thức lôgích trong văn xuôi. Thơ chỉ bắt đầu khi văn xuôi kết thúc. Nói vậy, chứ không phải hình tượng phi lý tính nào cũng thành công. Điều này đòi hỏi nhà thơ có năng lực liên tưởng, sức bay của trí tượng và ý nghĩa triết lý của câu thơ. Những câu thơ của Hoài Quang Phương như: Bảo tan rồi xác sóng chẳng còn nguyên là dễ chấp nhận, nhưng Người thị xã cầm trên tay ban mai thành phố (tr. 33) nghe sao lủng củng, thiếu chân thật, còn xa mới đến đường biên của trí tưởng tượng hay sức liên tưởng. Bài đường biên tâm thức (tr. 93) tác giả muốn nói điều gì? Tứ thơ bài Lá nghẹn (tr. 92) gây xúc động nhưng  tiêu đề Lá nghẹn sợ không dính dáng gì đến hình ảnh em bé bán khoai v.v… Ở chỗ này nên nhớ tới ý kiến của Phơlôbe: “Đừng bao giờ sợ sự phóng đại, nhưng là sự phóng đại có mức độ, hợp lý, hài hoà”. Giữa muôn nghìn câu thơ phi lý tính trong thơ ca dân tộc và thơ hiện đại, tôi thích bài Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ:  Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngắt/ Hương thời gian không nồng/  Hương thời gian thanh thanh…

Hoài Quang Phương là hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Trị, bắt đầu sáng tác từ đầu những năm 70 với trên 10 tập thơ đã được xuất bản, phần lớn được các nhà xuất bản Trung ương thẩm định và công bố. Đó là đảm bảo đầu tiên để thơ ông đi vào đời sống. Ông đã viết nhiều về đề tài: quê hương Quảng Trị anh hùng và thân thương. Trong tập thơ Mặt phẳng lòng tôi có ít nhất trên dưới 10 bài về miền Trung và nhiều bài cảm tác về thủ đô Hà Nội, được viết vào hai năm 2009, 2010, nhân dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Viết về quê hương Quảng Trị, ông xao động trước sóng gió Cửa Tùng, sông Hiếu chảy giữa lòng thành phố, xứ cát, hồ Tích Tường, chợ phiên Cam Lộ, suối ngọt Cam Tuyền, rau “rờng” Trường Sơn, gió Lào rát mặt v.v… Mỗi bài đối với ông là một kỷ niệm màu xanh, một dấu chân ký ức thời gian. Trong số những bài cảm tác về thời gian tôi thích bài Sợi hương xuân (tr. 68). Khổ thơ ngắn, gọn, chỉ ba khổ thơ mà nói được cái bâng khuâng, rạo rực của lòng người khi xuân về: Biết là xuân sẽ đến/ sau cuống là mùa đông/ bụi mưa vàng óng ánh/ rắc xuống ngày xanh non.  Biết mùa xuân về lại/ đếm một vòng thời gian/ quên rồi năm tháng cũ/ sao còn ngân tiếng đàn…

QUỲNH NHƯ

 

Nói thơ là nói đến người tiếp nhận thơ. Mặt bằng dân trí của người đọc thơ hiện giờ ở nước ta nói chung ở mức trung bình. Vì vậy thơ ngắn có lợi thế. Bác Hồ có lần nói:  Đoản thi tối hảo phá (thơ ngắn có sức truyền cảm lớn). Nói thế không có nghĩa là người đọc từ chối trường ca, thơ tự do, thơ cổ điển. Người ta chỉ phàn nàn thơ in ra nhiều mà số lượng bài hay không nhiều, câu thơ hay khó chọn, phong cách lớn chưa định hình và khó tìm thấy.

Thơ Hoài Quang Phương có thiên hướng thơ trí tuệ hay chí ít là hành trình đi tìm chất trí tuệ. Nhưng đó mới là nhiệt tình, còn cần những cái gì nữa? Theo tôi, trước hết nhà thơ phải có phông văn hoá rộng (culture générale), trình độ triết mỹ khả dĩ là những bệ đỡ trong quá trình khám phá câu thơ, thể thơ, là những lực đẩy của lý tưởng thẩm mỹ. Người ta thường có định kiến: Đã là trí tuệ thì thơ dễ đi theo con đường thuần lý, thậm chí khô khan. Thật ra ở những nhà thơ lớn chất trí tuệ không khước từ tính trữ tình cái tĩnh không đối lập cái say. Chế Lan Viên là nhà thơ có xu hướng trí tuệ, nhưng ai bảo ông không phải là nhà thơ trữ tình khi đọc Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường, Chim báo bão!? Còn câu thơ nổi tiếng sau đây mà ai cũng thuộc: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn thì gọi đó là câu thơ triết lý hay câu thơ trữ tình đều hợp lý. Trong thơ ca cổ điển dân tộc, nhất là thể thơ Đường cổ điển Việt Nam để lại cho người sáng tạo thơ hôm nay nhiều biện pháp tu từ để chuyển tải tư tưởng thơ ca mà một trong nhiều biện pháp đó là thủ tượng (tức là lấy cái cụ thể để giải thích cái trừu tượng, và đàm huyền (tức lấy cái huyền bí, cái trừu tượng để luận đàm cái cụ thể). Đó là một kinh nghiệm quý. Làm thơ là sáng tạo, là đam mê, có khi say nhiều hơn tĩnh. Văn chương, thơ ca là sự nghiệp của nghìn đời (văn chương thiên cổ sự). Mỗi một nhà thơ giống như mỗi con ong khôn ngoan biết đi hút mật ngọt ở các loại hoa về xây tổ ấm thơ ca cho cộng đồng. Nhà thơ lấy thi hứng ở bất cứ hiện tượng nào trong thiên nhiên, trong xã hội, nhưng khi bài thơ đã ra đời thì không còn của riêng anh (chị) nữa, mà là của xã hội, của trăm nghìn thị hiếu khen - chê khác nhau. Được khen, không vì thế mà cao ngạo; bị chê không vì thế mà trách cứ, chán nản. Hiệu quả của sự khen - chê nằm ở tài năng trước hết là lòng thành, đức khiêm và lý tưởng thẩm mỹ mà nhà thơ theo đuổi. Tôi nghĩ, Hoài Quang Phương đã ý thức điều đó khi ông cho công bố tập thơ Mặt phẳng lòng tôi.

 

H.S.V

 

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 196 tháng 01/2011

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

7 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground