Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một bến đò… một đời văn lặng lẽ

Khi hỏi suy nghĩ về nghề viết, nhà văn Xuân Đức tâm sự: “Tôi là người yếu đuối về hoài bão, nghĩa là không có một hoài bão ghê gớm gì về tương lai văn học của mình. Tôi rất sợ sự ồn ào… Tôi rất tâm đắc mấy câu thơ này của bạn tôi - Nhà thơ Hữu Thỉnh:

Con tầu phải tự mình

Trước hết để khỏi chìm, sau đó mới bơi đi

Tôi căm ghét những gì không thực chất

Đám bọt muốn khoe mình tìm cách nổi lên trên…”

Nhà văn Xuân Đức (1947 - 2020)  Ảnh: TL

Nhà văn Xuân Đức (1947 - 2020) Ảnh: TL

Phải chăng việc đặt cho mình một nguyên tắc sống, nguyên tắc làm việc ngặt nghèo như vậy nên tiểu thuyết của nhà văn Xuân Đức có số lượng không nhiều so với một đời văn nhưng những tác phẩm của ông lại lưu dấu khó phai mờ trong lòng độc giả.

LTS: Đến bây giờ, làng văn và người hâm mộ vẫn chưa vơi niềm tiếc thương đối với sự ra đi đột ngột của Nhà văn Xuân Đức - Một tài năng văn chương, một người con ưu tú của Quảng Trị. Nhân kỷ niệm một năm ngày mất của ông, Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu bài viết “Một bến đò... một đời văn lặng lẽ” của tác giả Hoàng Hương - Phó Giám đốc Sở VH - TT & DL Quảng Trị với tất cả những nhớ thương, quý trọng dành cho Nhà văn Xuân Đức.

Từ bộ tiểu thuyết 2 tập đầu tay Cửa gió (1980 - 1984) đến Người không mang họ (1984), Hồ sơ một con người (1985), Những mảnh làng và Tượng đồng đen một chân (1987) để rồi bẵng đi một thời gian dài chỉ thấy ông xuất hiện trên văn đàn với tư cách là một nhà viết kịch, thì bỗng nhiên đến đầu năm 2005 bạn đọc lại ngạc nhiên bởi sự xuất hiện của ông với giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cho Bến đò xưa lặng lẽ.

Trên chuyến đi công tác tại Hà Nội, tôi được nhà văn cho mượn tạm bản vi tính mà ông chuẩn bị gửi dự thi. Thú thật, lúc ấy, nghiền ngẫm đọc một mạch xong cuốn tiểu thuyết, tôi đã khóc, khóc mà không biết rằng mình đang khóc cho số phận của nhân vật trong tiểu thuyết. Sau này, khi đọc lại cuốn tiểu thuyết do Hội Nhà văn xuất bản một cách chậm rãi, từ từ, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ từ trang đầu đến dấu chấm cuối cùng của tác phẩm tôi mới chợt nhận ra một điều rằng: quả thật, vẫn với lối viết ấy, khúc chiết, rõ ràng, sắc sảo, gần gũi, chân thật, thật đến mức khiến cho người đọc càng đọc càng cảm thấy cuốn hút, thôi miên, cuốn hút đến mức như đang sống với tâm trạng của nhân vật, cái ranh giới giữa người đọc với nhân vật trong tiểu thuyết không còn. Đọc xong hơn 500 trang sách, có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều người đều mang một suy nghĩ: Nhà văn Xuân Đức chưa hề “cạn vốn”, hóa ra đó chỉ là sự tĩnh lặng tạm thời để ông trải nghiệm ám ảnh của ký ức, nhằm trăn trở chắt chiu cho những đứa con tinh thần mà ông theo đuổi, để rồi rút ruột nhả tơ, dâng hiến cho đời những tác phẩm chứa chan tình người, tình đời. Cũng chính vì vậy mà Bến đò xưa lặng lẽ đã đạt đến độ chín, không phụ lòng mong đợi của độc giả đang yêu mến ông.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở Quảng Trị, học hết phổ thông ông vào bộ đội. Từ cái khốn khó của một miền quê bom dày đạn xéo trong chiến tranh, gió Lào, mưa thối đất, nắng rát mặt rồi những năm tháng gian khó ở chiến trường cùng với cái bản tính đa cảm luôn nặng nợ với đời khiến cho những tác phẩm của ông bao giờ cũng đau đáu, day dứt khôn nguôi với nỗi đau của bao số phận trong chiến tranh cũng như thời bình. Bến đò xưa lặng lẽ là cuốn tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh và người lính. Bối cảnh của tiểu thuyết xoay quanh phiên tòa xét xử những phần tử cơ hội, đang tâm chia năm xẻ bảy cả hài cốt của đồng đội mình để trục lợi cá nhân. Trong số những bị cáo, ngoài những kẻ chủ mưu và những kẻ vì quan liêu để tạo cho những tội ác hoành hành còn có cả những kẻ nhẹ dạ cả tin mà vô tình chịu tội, đó là “nỗi oan như tiền định kiếp trước” mà Phạm Đọt - một chiến sĩ đã từng vào sinh ra tử đã phải gánh chịu. Tác giả thật tài tình trong cách khắc họa tính cách nhân vật. Mỗi nhân vật một cách miêu tả, một cá tính nhưng tất cả đều hỗ trợ cho nhau để phát triển tính cách lên đến đỉnh điểm. Mượn lời kể của nhân vật Hoàng Khảm đã từng hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ, anh vô hình có mặt chứng kiến cùng với những người bạn có mặt tại phiên tòa, tác giả đã hóa thân vào nhân vật để rồi khéo léo dẫn dắt người đọc trở về với quá khứ theo những bước thăng trầm của hai cuộc chiến đấu chống Pháp và Mỹ gắn liền với những mảnh đời, số phận của từng nhân vật. Lương, Li, Rệ, Đọt, Cựu… đều là những người được sinh ra trên một miền quê hiền hòa nhưng chiến tranh đã đẩy họ thành những mảnh đời trôi dạt thành hai chiến tuyến khác nhau. Lương và Li là những cô gái đẹp của làng Quách Xá, họ là những người bạn vốn dĩ rất thân thiết nhưng tình bạn của họ càng sâu sắc bao nhiêu thì càng chứa đầy những bi kịch thăng trầm, trắc ẩn bấy nhiêu. Ngang trái của cuộc đời khiến cho hai người đàn bà này có những nổi khổ riêng biệt, đắng cay riêng biệt nhưng thực sự họ đều là những người đàn bà “thép”, khiến cho bất luận ai đọc đều có cảm giác vừa yêu vừa ghét, vừa phục lại vừa sợ, vừa mang một cảm giác bùi ngùi, tiêng tiếc cho cuộc đời của họ đến xót lòng. Khảm và Đọt là hiện thân của những chiến sĩ cách mạng kiên cường, mưu trí dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, luôn hết mình vì đồng chí, đồng đội trong chiến tranh. Từ những nhân vật này ta như được sống với những trận chiến đấu ác liệt trong những năm tháng chiến tranh. Ở đó vang vọng bao chiến công nhưng cũng thấm đẫm không ít mồ hôi, xương máu. Nhưng cũng chính từ Đọt và Khảm lại khiến cho người đọc chợt giật mình, thót ruột bởi những sự ngang trái đang xảy ra trong đời thường ngày nay mà không ít người không nhìn thấy nhưng không nhiều người có thể gọi nó ra, có thể dựng nó dậy, chỉ thẳng vào nó khiến cho người đọc phải thốt lên tâm đắc. Ngay cả những tuyến nhân vật đứng hẳn về phía bên kia chiến tuyến như cha Cựu, tuy xuất hiện không nhiều trong tác phẩm nhưng bằng cách để nhân vật phát triển tính cách trong thể đối lập: nấp dưới áo thầy tu, với nụ cười, giọng nói, khuôn mặt đầy thánh thiện lại mang một bản chất và tâm địa hoàn toàn trái ngược. Hay như Rệ vốn là một kẻ gian manh, biến chất vô nhân tính lại tự xưng mình là con người hiếu nghĩa với đồng loại… Từ sự đối lập ấy, tác giả đã lột tả tính cách nhân vật lên đỉnh điểm khiến cho người đọc cảm thấy thú vị bởi sự khéo léo của nhà văn.

Với cấu tứ thể hiện khá lạ, cái hiện hữu đan xen trong cái hư ảo, xuyên suốt cả tác phẩm hầu như tác giả đã hóa thân vào nhân vật một cách tự nhiên để kể lại những kỷ niệm của người lính theo tuần tự thời gian, theo biến cố thăng trầm của lịch sử. Hư đó mà thực đó. Nhân vật không nhiều nhưng sức khái quát của tác phẩm lại rất cao, hầu như những điều đáng nói cả chuyện xưa lẫn chuyện nay đều tìm thấy trong tác phẩm thông qua hệ thống nhân vật chưa đến 10 người. Bên cạnh đó Bến đò xưa lặng lẽ thu hút sự mến mộ của độc giả có lẽ không chỉ cấu tứ lạ, cách xây dựng nhân vật đặc sắc mà còn là cách dùng từ của ông. Xuân Đức là một trong những nhà văn được đánh giá cao bởi sự tinh tế trong cách sử dụng từ ngữ và cách đưa mâu thuẫn lên đến kịch tính cao độ trong một tác phẩm. Có lẽ vì ở ông vốn dĩ đã hội tụ 3 con người: Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nên mỗi một tác phẩm của ông đã hội tụ đầy đủ cả 3 yếu tố: ngôn ngữ đẹp, đối thoại và cách phát triển kịch tính trong một câu chuyện độc đáo, mang đậm tính nhân văn.

Ở Bến đò xưa lặng lẽ còn quá nhiều điều để mà ngẫm, mà suy, mà thổn thức, mà đau đáu nỗi lòng. Lặng lẽ một bến đò, lặng lẽ một số phận, lặng lẽ một kiếp người, lặng lẽ một tình yêu… lặng lẽ một nhà văn với những tác phẩm làm xôn xao dư luận, khắc sâu dấu ấn vào thời gian. Tôi tin rằng không chỉ riêng tôi mà bất kỳ ai khi đọc tác phẩm đều cảm nhận như vậy.

Chắc chắn rằng, có thật sự sống và hòa nhập với những mảnh đời người lính, chia sẻ hết những cay đắng, ngọt bùi, có vinh quang, có thất bại, có khổ đau nhà văn mới có thể trải nghiệm, trăn trở để tạo nên những phút giây thăng hoa, xâu chuỗi lại, cho ra đời nhiều tác phẩm văn học có giá trị về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Cũng chính từ sự cần mẫn chắt chiu đó mà tác phẩm của ông, cả tiểu thuyết và kịch bản sân khấu, điện ảnh đều được đánh giá cao của bạn bè khắp nơi.

Một nhà phê bình văn học có viết: “Qua nhà văn người ta thấy tầm cỡ của thời đại mà ông đang sống…”. Đúng vậy, những tác phẩm của nhà văn Xuân Đức nói chung và Bến đò xưa lặng lẽ nói riêng đã cho ta sống lại một thời hào hùng khói lửa để từ đó ta hiểu thêm sự cống hiến, những mất mát hy sinh của thế hệ cha ông đi trước không chỉ bằng xương máu, nước mắt mà còn có cả sự hy sinh lặng lẽ của những mảnh đời riêng mà nỗi đau như còn nhức buốt đến tận bây giờ.

H.H

HOÀNG HƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 321

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

23 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground