Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một cây làm chẳng nên non

 Chúng ta muốn kiêu hãnh, muốn sang trọng, phải có gan thay đổi cái BẢN CHẤT của nghệ thuật cũ kỹ, lỗi thời, cứng rắn, cái suy nghĩ chật hẹp.

- Chúng ta không cần vàng thoi bạc nén để đi tới. Bàn tay khéo léo chúng ta sẵn có. Chất liệu tại chỗ. Trí óc cũng của ta.

- Chúng ta không đi con đường sáng tác của mọi người. Hiện giờ trong tác phẩm của người ta chỉ thay đen ra trắng, thay đàn bà cười ra đàn ông khóc, thay người đứng ra người ngồi rồi trong khối lượng thay tròn ra méo. Thay hiện thực ra trừu tượng, đi qua trừu tượng, đi loanh quanh luẩn quẩn theo vòng tròn và đi đến thế mãi. Còn giá trị của tác phẩm thì dựa theo giá trị thị trường đã tạo. Tên tuổi của nghệ sĩ phần nhiều dựa trên đà quảng cáo, giả tạo, ít khi đứng đắn, chân thật.

Thay thay đổi đổi . Nhưng dù sao cũng vẫn luẩn quẩn chưa thoát ra khỏi vòng vây.

Nhưng đấy là chuyện của người ta.

- Còn chúng ta, chúng ta phải tự thay đổi đôi tý rồi bắt đầu bãi bỏ cái nhìn nhỏ nhen, chật hẹp. Đi vào cái nhìn tổng quát, mới mẻ hơn. Không nhìn thẳng như người Tàu cũng không ngắm nghía từ một chấm, phân tích đo đắn như người Tây. Cái nhìn của ta phải ở trong thời đại này, cái nhìn của người du hành vũ trụ gần gũi hơn là cặp mắt của loài chim. Rồi từ trên ý tưởng này bành trướng cái kỹ nghệ nhỏ, làm bằng tay, không cần máy móc, kỹ nghệ nặng như nhiều nước khác. Ở nhiều nước bao nhiêu sức lực trí óc thông thái đều dồn vào sản xuất. Sản xuất đến nỗi không đủ người tiêu thụ. Để rồi không biết chứa vào đâu. Phải đập bỏ đi sản xuất nữa, để đi đến chỗ bế tắc, gây ra giặc. Bắt chước nhau, xô đẩy đi đến cái hạnh phúc vô lý. Tôi chưa thấy cái hạnh phúc ở chỗ nào cả. Nhưng đây cũng là chuyện của người ta, của các nhà kinh tế, học rộng tài cao.

- Những đồ cần dùng hàng ngày của chúng ta không còn nhạt nhẽo như đồ làm bằng máy móc, hàng trăm hàng ngàn vạn cái đều giống nhau, lạnh lẽo vô duyên, mà là đổ nguyên bản làm bằng tay, gần gũi với tâm hồn ăn khớp với trí óc tự nhiên, thân mật với kẻ mua dùng.

Những đồ chung đụng ngày đêm như: Cái nhà, cái vườn, đường sá mồ mả, cái làng, cái xóm, thành phố sẽ là bức tranh thực sự hài hoà với tạo hoá thiên nhiên vĩ đại. Tác phẩm của chúng ta từ trong thuần phong mỹ tục, con người, con vật, đất đai cỏ cây, sông núi, cái đẹp, cái xấu sống chung trong bầu trời tự nhiên như THẬT SỰ VĂN MINH, chứ không giả dối như sách vở, lý thuyết vô hồn, đạo giáo, ồn ào chướng tai gai mắt. ô nhiễm tâm hồn.

Chúng ta sáng tác ra những không gian lớn lao dựa theo núi theo đèo cho con người làm ăn sinh sống, cho du lịch thoải mái, cho đất nước đẹp tươi mà các nước khác chưa có. Chúng ta đưa mỹ thuật vào bệnh viện cho người đau ốm, lăn lóc hàng tuần hàng tháng trong một căn phòng chật hẹp.

- Chúng ta phải đào tạo ngay một nhóm người để dạy cho những kẻ mồ côi, tàn tật, vô nghề nghiệp, những cách làm ăn giản dị, có ít mỹ thuật, rất nhiều thực tế, để làm ăn và lấy lại tư cách con người. Họ không còn là ăn mày ăn xin la lết nữa mà họ sẽ làm ra ăn bằng bàn tay như NGƯỜI THẬT. Đây không phải là cử chỉ của người từ thiện hay mánh lới của nhà chính trị mà là lẽ tự nhiên, lẽ thường giữa con người văn minh, giữa phong cảnh đẹp, giữa xã hội Việt Nam thật sự. Rồi còn bao nhiêu cái chúng ta có thể làm thêm cho toàn đẹp như: Vườn mộ, vườn đá, đào tạo người tiêu thụ mỹ thuật… chúng ta sẽ đi xa hơn ai hết.

- Sau vài ba năm đào tạo và sáng tác theo LỐI MỚI, chúng ta có thể mang  chuông đi đánh nước ngoài. Chúng ta đưa ra triển lãm những cái bất ngờ và độc đáo . Hơn nữa chúng ta không mang đi triển lãm như họ vì tác phẩm của ta quá lớn lao, vĩ đại và cần sống giữa không khí Việt Nam. Ai muốn xem xin mời đến nước chúng tôi. Đấy cũng là một cách tự cao, phô trương văn hoá và dựa theo đó làm ăn sinh sống.

- Cái sống vật chất cũng là cũng là cái cốt yếu. Sống bằng nghệ thuật là một cái hạnh phúc lớn. Cái sống bằng cơm áo cũng cần thiết như tinh thần. Có khi cái sống vật chất còn cần hơn tất cả vì những thiếu thốn, cần thiết hàng ngày không cho phép mình có sức khỏe, tinh thần để suy nghĩ, sáng tác cùng làm trọn phận sự con người. Hơn nữa cái sống vật chất không chỉ một mình người sáng tác chịu đựng thôi mà cả gia đình con cái cùng bao nhiêu cái chung quanh nữa.

- Người ngoài cuộc có khi xem người nghệ sĩ như kẻ điên cuồng hay là thần thánh.

Cả hai cách nghĩ đều không đúng sự thực. Theo tôi, người nghệ sĩ phải sống trong xã hội như mọi người khác. Có bổn phận làm ăn, trách nhiệm như mọi hạng người khác. Nhưng đừng quên là ông trời đã phát cho ta tài ba hơn nhiều người, vậy không nên quên chia sẻ cho đồng chủng. Nên nhớ “ÔNG TRỜI CÓ MẮT”.

Tác phẩm nghệ thuật rất gay tiêu thụ trong các nước giàu có huống là trong một xã hội đang thiếu thốn như Việt Nam. Nhà nước chưa có tiền để mua tác phẩm như các nước giàu có. Lại các cô gái giàu hay có lòng tốt muốn nuôi người tài ngày nay cũng hiếm hoi. Các nhà có ít tiền của, ít ai biết đến nghệ thuật, họ chỉ thích mua vàng, kim cương, hột xoàng. Hay có một vài người mua tranh mua tượng là để làm hoanh, để tô điểm thêm cái thừa thải của mình trước mặt bạn bè. Còn dân chúng quá ư thiếu thốn, thị trường buôn bán chưa có gì hết. Phần lớn khách du lịch người nước ngoài, chín mươi phần trăm là hạng người tầm thường, chỉ mua để kỷ niệm, đồ để biếu. Nhưng dù sao họ cũng biết chọn cái đẹp và bỏ lại cái xấu. Nghệ sĩ không thể trưng bày tranh, tượng ra đó rồi đợi khách đến ngắm nghía và mua. Sống trong một khung cảnh như vậy, theo tôi thì người nghệ sĩ nên khiêm tốn chuyển một phần một cái tài nghệ của mình vào những cái gọi là mỹ nghệ, những cái để biếu, những đồ cần dùng hay không cần dùng mà cần có. Thay hình đổi dạng những cái đồ tiêu thu tầm thường trở thành ra ĐỒ-CÓ-ÍT-CHÂT-mỹ thuật, mới họa may. Không phải là trang trí lại những cái đồ ấy thêm con rồng con rắn nhưng mà thay đổi cái BẢN CHẤT của nó ra ĐỒ-CỔ-MỸ-THUẬT, ra một THỨ TÁC PHẨM HIỆN ĐẠI. Hiện giờ ở ta, hầu hết những đồ gọi là mỹ nghệ không có trình độ, rất xấu xí, lạc hậu, lại giống Tàu, giống Tây chứ không có tánh cách gì Việt nam hay thẩm mỹ. Những cái có ít hình thức Việt Nam thì thiếu tay nghề, thiếu đủ thứ và không chu đáo.

Những đồ mỹ nghệ mới, những TÁC PHẨM HIỆN ĐẠI này phải cho hoàn hảo mới buôn bán làm ăn được, mà đến khi hoàn hảo rồi cũng chưa đủ. Đây là một cuộc vật lộn cần thêm nhiều suy nghĩ, phải biết thị trường, mánh lới, mềm dẻo để chen vào thị trường trong và ngoài nước.

Từ cái nhỏ đến cái lớn phải tránh những con đường của Tàu, của Tây, của Nhật, Thái Lan… Đồ của họ đã trưng bày đầy các quán hàng khắp năm châu. Vậy mình phải làm sao nắm ngoài khuôn khổ, hình thức màu sắc, đường lối của họ. Đây là điều kiện thứ nhất. Điều thứ hai là khi làm cái gì phải làm cho cẩn thận, cho hoàn hảo. Du khách không muốn mua cũng không chê được hay khen thầm. Nên bỏ hết các lề thói o cẩu thả, làm dối. Lại nhiều khi phải đi qua những cái nói trên là phải bày vẽ ra cái cần có khác, liên can đến đồ để bán; như bán một cái gì phải bán thêm cái hộp để đựng, cái giấy để gói cho khéo léo. Lúc đặt cái vừa bán vào trong cái hộp đẹp, người khách tấm tắc khen cả hai thứ, rồi khen cả sợi dây cột hộp, khen bàn tay khéo léo gói gắm gọn gàng và trao cho khách với nụ cười xã giao nữa.

Ở các nước văn minh người ta quý khách, chiều khách, “Khách là vua”. Chiều khách không phải là luồn cúi, là nô lệ mà là trao đổi văn hóa, xã giao lịch thiệp giữa hai con người văn minh.

Ở Việt Nam hiện giờ rất cần tổ chức, đào tạo, bành trướng các nghề đan thảm, thêu, đất nung, chạm gỗ, sành sứ, uốn tre, uốn sắt, đồ nữ trang, đồ lặt vặt, đồ vô ích, áo quần, giày dép… Tổ chức một CÁCH THỰC TẾ THẬT SỰ chứ không phải làm cho có lệ. Ông thì giám đốc, bà thì phó giám đốc, còn thực tế, kết quả thì không đốc nào hết. Có ai chê bai thì bị tố cáo không đúng đường lối Đảng, chống chính phủ.

- Những công trình này không tốn kém vàng thoi bạc nén, vì nhân công sẵn có, chất liệu tại chỗ, và bàn tay trí óc của mình.

Tóm lại, đồ mỹ nghệ, tác phẩm hiện đại, cách tổ chức làm ăn, con người phải ĐỔI MỚI. Phải biết đặt cái đời sống hiện nay và tương lai của dân tộc lên trên cái nhỏ nhen, phe phái hay lý thuyết lỗi thời. Chuyện làm ăn là chuyên môn nhà nghề. Phải lành nghề. Muốn lành nghề phải kiên nhẫn, chịu khó kinh nghiệm học hỏi “Không thầy đố mày làm nên”.

Sống bằng nghệ thuật là phước trời cho nhưng phải có tay nghề rành rõi, phải biết thị trường. Muốn sáng tác độc đáo phải có điều kiện và tự do. Muốn có thầy tài trợ giỏi phải cả gan và sáng suốt về cách đào tạo, đừng có “nhồi sọ”. Phải có trí óc có thể hấp thụ được cái MỚI. Cách dạy phải thực tế. Lý thuyết không đủ và lý thuyết phải là lý thuyết trên điều kiện Việt Nam, trên hiểu biết sâu xa, rộng rãi cái nghề về nghệ thuật, nếu không thì như con vẹt thôi. Tục ngữ ta có câu: “Có biết thì thốt không biết thì dựa cột mà nghe” không phải là thừa.

ĐỔI MỚI trong nghệ thuật là bỏ cái cũ, cái ngoại lai, đưa cái tinh túy chưa có vào chữ không phải đổi mới là đưa bất cứ cái gì của ngoại quốc, của xấu xa, điên cuồng của tệ nạn vào cũng được. Và cũng không phải cái gì của ngoại quốc cũng xấu xa cả. Nhưng mỗi khi học hỏi được cái của người ta phải nhồi nhuyễn cái đó cho mềm dẻo, phải thêm ớt, thêm tiêu vắt thêm chanh vào cho nó tiêu cái nhiễm độc, xóa bỏ mùi tanh, để ăn khớp với mình mới được.

Cái gay go nhất là tiêu thụ. Phải biết mềm dẻo để chen vào thị trường trong và ngoài nước. Muốn được thị trường quốc tế phải LỖI LẠC, phải MỚI và giá cả phải chăng. Thế cũng chưa đủ. Lúc ký kết hợp đồng phải đắn đo, phải trung thực, phải giữ lời hứa, không được xảo trá lừa dối. Mình phải có những cái KHÁC HẲN những cái mà các nước lân cận đã bày vẽ ra, trên thị trường quốc tế đã đầy những đồ nhí nhăng ấy.

Ngoài ra, chúng ta có thể sáng tác ra những không gian mỹ thuật lớn dựa theo đèo, những không gian dưới nước, đưa mỹ thuật vào nhà thương mà chưa ai có, đem lại cái tình nghĩa nhân đạo; Những triển lãm độc đáo mà các nước lân cận chưa bày ra được. Như vậy để lôi kéo khách du lịch.

Du lịch là một cái cần thiết, là một nguồn làm ăn sinh sống rất hay, rất thuận tiện cho phô bày cái văn hóa và sau đó dựa theo đó buôn bán làm ăn.

Những tổ chức du lịch phải THẬN TRỌNG, khôn ngoan, sạch sẽ, lịch sự, ngoại giao. Du lịch văn hóa chữ không phải như nhiều nước lân cận để bán gái non, nhà thổ, xì ke, thuốc phiện như muốn bôi nhọ cái dân tộc của họ. Phải ngay từ bây giờ sáng tác ra những không gian rất kín đáo, sâu xuống dưới mặt đất để dành riêng cho mấy sở khanh, tú bà mới được. Phải đẵn ngay những cái mầm non, chất độc ấy ngay từ bây giờ.

Mặt khác nữa là nếu chúng ta biết “Ở bầu thì tròn, ở ổng thì dài” thì có phần dễ hơn. Nếu chúng ta cứ vẽ ra tranh, nặn ra tượng như sư Tàu thầy Tây đã dạy thì mấy ai mua tranh mua tượng? Nhưng nếu chúng ta tạo ra những thứ bánh, thứ chai có nước thơm, thứ áo, thứ mũ, thứ giày, cái quán cơm, cái xe xích lô, cái đĩa, cái bát..v.v… cho khác thường, cho độc đáo, cho hợp thời, chưa ai có thời chắc sẽ có nhiều người tiêu thụ trong và ngoài nước. Không phải là dễ dàng nhưng đây là một ngõ đi ra. Nói phách và viết thì dễ còn làm ra thì thật gay go.

Những con đường mòn, những trí óc hẹp hòi, những lăng nhăng thủ tục, giấy má, hối lộ, kiêu căng sẽ đi đến chỗ đồi trụy, chết đói làm nô lệ và để cho người ngoài khinh bỉ giống nòi Việt mà thôi.

Đến đây chắc có nhiều vị học rộng rài cao, bằng cấp chất đống chê cười tôi về chuyện nói gì cũng nghĩ đến làm tiền, làm ăn sinh sống. Nhưng tôi xin lỗi các vị, tôi không có bố thí của Nhà nước, không có xương sống mềm dẻo, cũng không có vợ giàu nhưng lại muốn sống đầy đủ như ai. Và hơn nữa tôi còn ngạo ngược muốn phần đông đồng bào tôi cũng được sống đầy đủ như tôi, giàu có trên đất nước tươi đẹp và chỉ sáng tác hoàn toàn cái mới đẹp hoàn hảo chưa ai có.

Đây là cái kiêu hãnh của tôi, là nền móng của đời sống nghệ thuật của tôi. Nếu ngày nay (1994) chưa bành trướng ra được vì một lẽ gì sau này con cháu tôi sẽ dựa theo một vài ý trên để đi tới. Vì tôi chưa thấy con đường nào khác đi ra.

- Tôi lại không đồng ý với bất cứ một trường nào hiện giờ và bất cứ ở đâu bởi vì sinh viên lặn lội trên ghế nhà trường năm bảy năm chẳng biết làm ăn sinh sống bằng nghề nghiệp thì thật là vô lý và uổng công. Người xưa có nói: “HỌC-HÀNH” vậy học phải hành.

- Còn về mặt tác phẩm mỹ thuật, có lẽ tôi chưa thấy nhiều, nhưng những cái tôi thấy, phần nhiều có tánh cách lỗi thời và có tánh cách lịch sự hơn là mỹ thuật. Tôi muốn nói theo đà mỹ thuật quốc tế.

Thời biểu hiện giờ chúng ta phải sáng suốt, nhìn nhận, hạ mình xuống một tý để tìm tòi hiểu biết thêm, học hỏi thêm, để bước vào cái đà tiến triển của loài người, nếu muốn sống đầy đủ và chung đụng với tất cả.

Lý thuyết chỉ là lý thuyết, sức mạnh chỉ là sức mạnh mà thôi. Duy trì cái ý nghĩ cứng rắn, cũ rích cái đường lối lỗi thời, lạc hậu là đi thụt lùi, là bôi nhọ danh tiếng của giống nòi, là có lỗi với cả dân tộc và loài người.

Lịch sử hiện đại cho chúng ta thấy rất rõ: Những đường lối nghệ thuật không ăn khớp với thời đại, đất nước, lòng người, không để cho đầu óc tài nghệ tiến triển, không mang lại hạnh phúc mà nhiều chính quyền cứ ỷ lại và khăng khăng ôm ấp mãi mấy chục năm ròng cũng vẫn không có bề sâu và không để lại một cái gì độc đáo cho nhân loại. Đây là một bài học mà tất cả con người Việt Nam không có quyền không biết.

Cái đỉnh cao của loài người vẫn còn là TRÍ ÓC VÀ TÀI NGHỆ. Mọi chúng ta nên cẩn thận, trách nhiệm, đừng vì một cớ gì mà để chậm trễ sự đi tới của cả dân tộc thông minh và hiếu học trong lúc khó khăn này, cũng đừng để sau này con cháu trách móc sử sách bôi nhọ và cũng đừng để cho các dân tộc khác chê bai khinh bỉ.

Cái đời sống vật chất và tinh thần, cái danh tiếng của cả một dân tộc hơn 70 triệu người là TẤT CẢ.

L.B.Đ

(1992-1994)

Lê Bá Đảng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 3 tháng 12/1994

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground